Cục Tài chính doanh nghiệp giới thiệu cẩm nang quản trị công ty trong DNNN
Ngày 30/6, Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính tổ chức Tọa đàm 'Giới thiệu Cẩm nang quản trị công ty trong DNNN theo thông lệ quốc tế (dành cho công ty TNHH MTV)'.
Đây là hoạt động nằm trong Chương trình hợp tác song phương giữa Cục Tài chính doanh nghiệp và Vụ Tư nhân hóa, góp vốn và bất động sản Liên bang Đức - Vụ VIII – Bộ Tài chính Liên bang Đức.
Phát biểu khai mạc, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trong bối cảnh Việt Nam phải nhanh chóng chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và quốc tế, việc tạo lập một khung quản trị doanh nghiệp tốt đối với DNNN trở thành yêu cầu cấp thiết được đặt ra, đặc biệt là đối với các Công ty TNHH 1TV – chiếm phần lớn trong loại hình DNNN ở Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh các hoạt động tổ chức các chương trình đào tạo, phổ biến pháp luật về doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN, tổ chức các buổi hội thảo học hỏi kinh nghiệm quốc tế về quản trị doanh nghiệp từ các nước phát triển trong khối OECD, Cục Tài chính doanh nghiệp đang nỗ lực không ngừng để hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo môi trường pháp lý tốt nhất thúc đẩy đạo đức kinh doanh và tăng cường tính công khai minh bạch giúp các DNNN dễ dàng áp dụng các nguyên tắc, thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt nhất.
Đồng thời, nhận thức được tầm quan trọng của quản trị doanh nghiệp đối với DNNN, song song với việc triển khai cập nhật Bộ công cụ hướng dẫn quản trị doanh nghiệp của doanh nghiệp có vốn nhà nước, Cục Tài chính doanh nghiệp đã phối hợp với Công ty Tư vấn Phát triển quốc tế của Đức cho ra đời ấn phẩm “Cẩm nang quản trị công ty trong DNNN theo thông lệ quốc tế (dành cho công ty TNHH 1TV)”. Đây được coi là nỗ lực mới nhất của các cơ quan quản ý nhà nước trong việc hình thành khung quản trị để hỗ trợ các DNNN có thể từng bước tiếp cận và vận dụng các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp của quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm của các quốc gia có thành tựu lâu đời trong quản trị doanh nghiệp như Đức, Úc. Chính điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng, giá trị DNNN, góp phần nâng cao công khai, minh bạch, thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư, tăng hiệu quả hoạt động của DNNN hướng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Giới thiệu các nội dung của Cẩm nang, ông Đặng Đình Hoạt – Cục Tài chính doanh nghiệp cho hay, Cẩm nang gồm 06 nội dung chính trình bày những nguyên tắc và khuyến nghị dành cho doanh nghiệp bao quát hết các đối tượng liên quan trong công tác quản trị doanh nghiệp của doanh nghiệp TNHH 1TV gồm 14 nguyên tắc. Các nội dung cụ thể bao gồm: trách nhiệm của chủ sở hữu; trách nhiệm của Hội đồng thành viên/Chủ tich công ty; trách nhiệm của Giám đốc/Tổng giám đốc; trách nhiệm của Ban kiểm soát; môi trường kiểm soát; công bố thông tin và minh bạch; quan hệ với các bên có quyền lợi liên quan.
Thông tin thêm về cuốn Cẩm nang, TS. Tống Phương Dung – Cục Tài chính doanh nghiệp chia sẻ, mục đích cụ thể của việc ban hành bộ nguyên tắc và các khuyến nghị là đưa ra bộ nguyên tắc và các chuẩn mực quản trị theo thông lệ chung, tốt nhất dành cho công ty TNHH 1TV của Việt Nam. Theo đó, các nhà quản trị công ty có thể soi chiếu, làm thước đo trong quá trình điều hành và quản trị công ty. Ngoài việc quản trị công ty tuân thủ các quy định “cứng” theo các quy định của pháp luật, thì khuyến khích các doanh nghiệp, nhà quản trị công ty có thể áp dụng các nguyên tắc với một chuẩn mực cao hơn quy định của pháp luật trong việc quản trị công ty. Từ đó, nâng cao lòng tin, tính hiệu quả, hiệu lực, giải trình trong quản trị, điều hành doanh nghiệp.
Cũng tại tọa đàm các chuyên gia của Vụ Tư nhân hóa, góp vốn và bất động sản Liên bang Đức - Vụ VIII – Bộ Tài chính Liên bang Đức đã chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Chính phủ Đức.
Theo ông Thomas Rieks - Vụ VIII – Bộ Tài chính Liên bang Đức, ý nghĩa của kiểm toán nội bộ là cung cấp các dịch vụ kiểm toán, tư vấn độc lập và khách quan nhằm gia tăng giá trị và cải thiện quy trình kinh doanh. Kiểm toán nội bộ hỗ trợ tổ chức đạt được mục tiêu bằng cách đánh giá, cải thiện hiệu quả các quy trình quản lý rủi ro, kiểm soát quy trình lãnh đọa và giám sát thông qua một phương pháp có hệ thống và hướng tới mục tiêu.
“Trong thực hành nghề kiểm toán nội bộ cần đảm bảo các nguyên tắc sau: thể hiện trung thực; thể hiện tính chuyên môn và chuyên nghiệp đúng quy định; tính khách quan và không bị tác động quá mức; phù hợp với chiến lược, mục tiêu và rủi ro của tổ chức; được định vị và cung cấp nguồn lực phù hợp…” – ông Thomas Rieks nhấn mạnh.