Cục Thuế cam kết đồng hành hộ kinh doanh trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử

Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo Cục Thuế cho hay, nguyên nhân gây ra tâm lý lo ngại việc áp dụng hóa đơn điện tử của các hộ kinh doanh một phần là do việc triển khai đồng thời với các giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Ngày 20/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2025/NĐ-CP là văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP, quy định về hóa đơn, chứng từ.

Có hiệu lực từ ngày 1/6/2025, Nghị định này mở rộng phạm vi bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên, đặc biệt trong các lĩnh vực bán lẻ, ăn uống, dịch vụ lưu trú, giải trí, vận tải và nhiều ngành nghề khác.

Nói cách khác, các hộ này phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế nhằm minh bạch hóa hoạt động kinh doanh và tăng cường quản lý thuế.

Ông Mai Sơn trả lời tại cuộc họp báo.

Ông Mai Sơn trả lời tại cuộc họp báo.

Chính sách mới tất yếu sẽ nhận được những phản ứng lo lắng trong quá trình áp dụng, nhất là từ các hộ kinh doanh. Nỗi lo này đã được phóng viên báo chí chuyển tới lãnh đạo Cục Thuế tại cuộc họp báo chiều 2/7.

Trả lời, ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế cho hay, từ ngày 20/3/2025 - khi Nghị định được ban hành, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hỗ trợ các nhóm hộ kinh doanh bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử và thiết bị tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Đối tượng áp dụng gồm hộ kinh doanh bán lẻ, ăn uống, thuốc, dịch vụ lưu trú, giải trí… với khoảng 40.000 hộ trước đó và mở rộng thêm 37 đối tượng khác từ tháng 3/2025.

Trên thực tế, chỉ khoảng 1% trong tổng số 3,6 triệu hộ kinh doanh trên cả nước đã thực hiện đầy đủ các quy định của Nghị định. Bộ Tài chính đã phối hợp với các nhà cung cấp giải pháp, tổ chức nhiều hội thảo, cung cấp thông tin tư vấn về thuế, kế toán, kiểm toán để giúp hộ kinh doanh hiểu rõ hơn về chi phí tuân thủ và cách thức thực hiện. Bộ cũng đã gửi văn bản chỉ đạo đến các Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để tăng cường phối hợp triển khai. Các cơ quan báo chí đã đồng hành tích cực, hỗ trợ tuyên truyền, giúp người dân và hộ kinh doanh nắm bắt thông tin.

Hiện nay có khoảng 106.575 hộ kinh doanh bắt đầu áp dụng, tuy nhiên, trong đó nhiều hộ vẫn còn e ngại. Các cơ quan báo chí cũng đã phản ánh những thông tin liên quan. Nguyên nhân một phần là do đồng thời với việc triển khai Nghị định 70, nhiều quy định mới khác cũng được áp dụng, như truy xuất nguồn gốc hàng hóa, gây ra tâm lý lo ngại và khó khăn cho các hộ kinh doanh trong quá trình thích nghi.

Dù vậy, lãnh đạo Cục Thuế cho hay, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, cơ quan quản lý và truyền thông, việc triển khai Nghị định 70 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Về các quy định cụ thể liên quan đến giao dịch, ông Mai Sơn cũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách để phù hợp với thực tiễn, đồng thời sẽ công bố các thông tin chính thức nhằm đảm bảo minh bạch và hỗ trợ người nộp thuế.

Bộ Tài chính (Cục Thuế) đánh giá cao sự đồng hành của báo chí và các cơ quan liên quan trong việc triển khai Nghị định 70, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hộ kinh doanh trong quá trình chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả quản lý thuế.

Hồng Vân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cuc-thue-cam-ket-dong-hanh-ho-kinh-doanh-trong-qua-trinh-su-dung-hoa-don-dien-tu-d320146.html