Chuyến bay hoãn hủy tăng, Cục trưởng Hàng không nói 'xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm'

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận việc gia tăng tình trạng chậm, hủy chuyến trong thời gian gần đây, đồng thời nêu 4 nhóm giải pháp chính để khắc phục tình trạng này.

Trong nhiều tháng trở lại đây khi xuất hiện tình trạng nhiều chuyến bay liên tục bị delay khiến hành khách vô cùng bức xúc.

Điều đáng nói, nếu vào những ngày cao điểm Tết, cao điểm Hè hoặc kỳ nghỉ dài, khi cường độ khai thác tăng cao, các hãng bổ sung tàu bay, phải xếp lại lịch, thì việc thay đổi lịch trình, chậm giờ có thể thông cảm được. Tuy nhiên, hiện nay chưa phải cao điểm đi lại, nhưng việc các hãng hàng không lại phổ biến như "cơm bữa".

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam trong 10 tháng đầu năm cũng cho thấy, tỉ lệ đúng giờ của ngành hàng không hiện tại đang ở điểm rơi thấp nhất suốt giai đoạn 5 năm vừa qua khi chỉ đạt tỉ lệ 74,2%.

Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam để làm rõ nguyên nhân của tình trạng này và giải pháp khắc phục từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

Ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

Người Đưa Tin (NĐT): Tỉ lệ đúng giờ của ngành hàng không hiện tại đang ở điểm rơi thấp nhất suốt giai đoạn 5 năm vừa qua, chỉ số OTP toàn ngành chỉ đạt 74,2%. Xin ông cho biết nguyên nhân của hiện trạng này?

Ông Đinh Việt Thắng: Theo thống kê, tỉ lệ chuyến bay đúng giờ (OTP) của các hãng hàng không 10 tháng năm 2024 đạt 74,2%, giảm 10 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2023. Về mặt tổng thể, chỉ số này đang ở mức thấp so với các năm trước đây, tuy nhiên về chi tiết thì ngoài VietJet Air và Pacific Airlines có chỉ số OTP lần lượt là 63,3% và 73,5%%, còn các hãng hàng không còn lại đều ở mức trên 80%.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan về thời tiết (sương mù, mưa, bão…) thì một trong những nguyên nhân gây tăng số lượng chuyến bay bị chậm của các hãng hàng không có tỉ lệ OTP thấp trong năm nay là vấn đề thiếu hụt đội tàu bay do việc triệu hồi động cơ của Nhà sản xuất Pratt&Whitney.

Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không cũng như ổn định giá vé máy bay nội địa, các hãng hàng không đều cố gắng tối ưu năng lực khai thác, tăng cường bổ sung tải cung ứng thông qua việc kéo dài thời gian khai thác trong ngày của tàu bay.

Đơn cử như Vietnam Airlines khai thác trung bình 13 giờ/tàu/ngày, Vietjet Air khai thác trung bình 14,5 giờ/ngày, Bamboo Airways khai thác trung bình 12,5 giờ/ngày; đều tăng hơn so với năm 2023, lần lượt là 22%, 11,5%, 20,1%, 21%. Điều này khiến công tác phục vụ mặt đất, đảm bảo khai thác bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, việc đảm bảo vật tư, khí tài cho công tác bảo dưỡng tàu bay cũng gặp khó khăn về nguồn cung, dẫn đến thời gian tàu bay phải dừng khai thác (AOG) tạm thời kéo dài, kéo theo các chuyến bay bị chậm dây chuyền.

Về mặt chủ quan, các hãng cũng chưa kịp thời điều chỉnh quy trình, nhân sự phục vụ hoạt động khai thác trong bối cảnh khai thác tàu bay với tần suất cao, cũng là nguyên nhân làm giảm chỉ số OTP.

NĐT: Xin ông cho biết, tỉ lệ đúng giờ giảm mạnh liệu có đang cho thấy chất lượng phục vụ hàng không của chúng ta đi xuống?

Ông Đinh Việt Thắng: Việc đánh giá chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không dựa trên các nguyên tắc "An toàn - Thuận lợi - Thoải mái - Đúng giờ".

Các tiêu chí đánh giá được phân thành các nhóm các chỉ số liên quan đến khai thác an toàn tàu bay; dịch vụ các khâu trong quá trình vận chuyển hàng không mà hành khách tham gia (đặt chỗ, bán vé, làm thủ tục, phòng chờ tại các cảng hàng không, dịch vụ trên tàu bay cho đến khi hành khách kết thúc hành trình tại cảng hàng không đến); thái độ của nhân viên hàng không và chỉ số chuyến bay đúng giờ (OTP) trong đó tiêu chí quan trọng nhất chính là an toàn của mỗi chuyến bay.

Trong năm qua, ngành hàng không Việt Nam đã nỗ lực trong việc đảm bảo an toàn tuyệt đối trong hoạt động khai thác, được ICAO đánh giá cao trong Chương trình thanh sát an toàn hàng không toàn cầu của IACO (ICAO-USOAP) vừa qua, theo đó Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có kết quả đánh giá ICAO USOAP cao trong khu vực, nằm trong nhóm các quốc gia có chỉ số thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an toàn cao hơn mức trung bình của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và thế giới.

Bên cạnh đó, tại giải thưởng thường niên 2024, Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Skytrax (Anh) xếp hạng hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) nằm trong danh sách 50 hãng hàng không tốt nhất thế giới và Cảng HKQT Nội Bài nằm trong danh sách 100 sân bay tốt nhất thế giới.

Việc chỉ số OTP giảm ở một số hãng hàng không có tác động đến chất lượng dịch vụ của ngành hàng không, gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến hành khách cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không và ngay cả chính hãng hàng không.

Tuy nhiên với những kết quả về an toàn và chất lượng dịch vụ như đã nêu, có thể khẳng định chất lượng phục vụ hàng không đang được duy trì và nâng cao.

Đúng giờ là một chỉ số quan trọng đánh giá chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không.

Đúng giờ là một chỉ số quan trọng đánh giá chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không.

NĐT: Là cơ quan quản lý chuyên ngành, Cục Hàng không có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Ông Đinh Việt Thắng: Cục Hàng không Việt Nam luôn bám sát và theo dõi việc đảm bảo chất lượng dịch vụ nói chung và tỉ lệ OTP nói riêng của các hãng hàng không Việt Nam. Để khắc phục tình trạng chậm hủy chuyến, nâng cao tỉ lệ chuyến bay đúng giờ ở một số hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đã thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, yêu cầu các hãng hàng không xây dựng lịch bay, điều hành, quản lý chuyến bay linh hoạt phù hợp với thực tiễn cơ sở hạ tầng, năng lực phục vụ của từng cảng hàng không, sân bay; xây dựng, sắp xếp kế hoạch bay bảo đảm thời gian giãn cách hợp lý; nghiên cứu, bố trí dự phòng tàu bay trong điều kiện cho phép để ứng trực, sẵn sàng thay thế, điều chỉnh phương án khai thác; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác bảo dưỡng, sửa chữa kỹ thuật tàu bay; bổ sung nhân lực phù hợp; làm việc với nhà cung ứng để bảo đảm nguồn vật tư, khí tài, trang thiết bị sẵn sàng, đáp ứng hoạt động khai thác để chuẩn bị tốt cho lịch bay mùa Đông 2024, giai đoạn cao điểm đầu năm và Tết Nguyên đán 2025 sắp tới.

Thứ hai, yêu các cảng hàng không và các đơn vị cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không đánh giá, rà soát quy trình, phối hợp với các đơn vị có liên quan để nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác, đặc biệt là hoạt động phục vụ mặt đất tại các cảng hàng không, sân bay.

Việc tỉ lệ đúng giờ có xu hướng giảm đang ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi và gây bức xúc cho khách bay.

Việc tỉ lệ đúng giờ có xu hướng giảm đang ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi và gây bức xúc cho khách bay.

Thứ ba, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam bổ sung tàu bay, theo đó Vietnam Airlines sẽ sẽ nhận thêm 1 tàu bay B787, 2 tàu bay A320 và 3-5 tàu bay thuê ướt trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, VietJet Air sẽ nhận thêm 6 tàu bay A321, Bamboo Airways bổ sung thêm 2 tàu A321.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, an ninh hàng không và chất lượng dịch vụ tại cảng hàng không sân bay đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của người vận chuyển trong trường hợp hành khách bị từ chối vận chuyển, chuyến bay bị hủy, chuyến bay bị chậm kéo dài; cung cấp thông tin hướng dẫn hành khách đi lại bằng đường hàng không bảo đảm đúng lịch trình.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Lê Mạnh Quốc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cuc-truong-cuc-hang-khong-chuyen-bay-hoan-huy-tang-nhung-chat-luong-dich-vu-van-duoc-nang-cao-204241114154854803.htm