Cục trưởng Cục Thủy lợi: Đảm bảo các yếu tố sẵn sàng cho tiêu úng

Cơn bão số 3 đã gây mưa, lũ lớn ở khu vực Bắc Bộ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành công trình thủy lợi tiêu úng dẫn đến tình trạng ngập lụt, úng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.

Nhìn lại quá trình phòng, chống ngập, úng cho sản xuất nông nghiệp vừa qua, cũng như bài học kinh nghiệm trong công tác này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tỉnh Ninh Bình lập nhiều trạm bơm dã chiến ở vùng trọng điểm của huyện Kim Sơn để chống úng. Ảnh minh họa: Hải Yến/TTXVN

Tỉnh Ninh Bình lập nhiều trạm bơm dã chiến ở vùng trọng điểm của huyện Kim Sơn để chống úng. Ảnh minh họa: Hải Yến/TTXVN

Để kịp thời tiêu thoát nước cho diện tích sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng trước, trong và sau khi bão số 3 đổ bộ, Cục Thủy lợi đã có những triển khai như thế nào?

Cập nhật liên tục từ những dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và nhận thấy lượng mưa trong đợt bão số 3 rất lớn, có nơi mưa trên 500 mm, Cục Thủy lợi nhanh chóng ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực Bắc Trung Bộ khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng, chống ngập lụt, úng do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Nhận thấy, các diện tích canh tác lúa ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đa phần ở giai đoạn làm đòng và gần thu hoạch, nguy cơ cao bị thiệt hại khi gặp gió lớn và ngập úng. Bên cạnh đó, thời điểm mưa lớn trùng thời gian triều kém nên khả năng tiêu thoát tự chảy không tốt.

Bên cạnh việc đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, Cục Thủy lợi đã sớm yêu cầu các địa phương, công ty khai thác công trình thủy lợi khẩn trương tiêu thoát nước đệm tối đa trong hệ thống kênh mương, vùng trũng trước khi có mưa, bão. Các hệ thống đã được bơm, tháo cạn nước xuống mức thấp nhất có thể trong hệ thống kênh mương, vùng trũng để phòng chống úng và chuẩn bị nhân lực ứng trực, phương tiện, vật tư để sẵn sàng vận hành tối đa công trình tiêu úng.

Nhờ vậy, 1 ngày sau bão số 3 (ngày 8/9), ghi nhận diện tích bị ngập úng khoảng 83.200 ha lúa và 9.300 ha rau màu, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Cục Thủy lợi đã tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và tiêu nước. Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi và các địa phương đã tranh thủ sông ngoài chưa có lũ, thực hiện nghiêm túc việc bơm, tháo nước chống úng.

Những ngày tiếp theo, lượng mưa ở khu vực Đồng bằng sông Hồng giảm và công trình thủy lợi vận hành hiệu quả do mực nước tại các hệ thống sông lớn chưa dâng cao, diện tích ngập úng giảm nhanh còn khoảng 46.100 ha (ngày 10/9). Khi đó, Cục Trồng trọt cũng đánh giá là nếu tiêu úng nhanh trong 1-2 ngày thì thiệt hại trong sản xuất lúa là không cao.

Tuy nhiên, do hoàn lưu sau bão rất khắc nghiệt, mưa lớn liên tiếp, mực nước các sông liên tục tăng cao đã gây khó khăn cho việc tiêu úng như thế nào, thưa ông?

Từ ngày 11 - 13/9, ở Bắc Bộ, mưa lớn bổ sung kết hợp với mực nước tại các hệ thống sông tăng nhanh, hầu hết ở mức gần báo động III trở lên, có nơi cao hơn giá trị lịch sử, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành tiêu úng của công trình thủy lợi và gây ngập lụt, úng cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh trên phạm vi rộng. Tình trạng ngập lụt, úng lúa gia tăng mạnh, đạt mức cao nhất khoảng 190.300 ha (ngày 13/9).

Bên cạnh đó, nhiều công trình thủy lợi bị xuống cấp, bờ kênh của các hệ thống thủy lợi lớn bị tràn, thẩm lậu và xảy ra sự cố rò rỉ, sụt lún bờ kênh. Điều này đã làm nhiều công trình đầu mối tiêu của các hệ thống thủy lợi lớn phải dừng vận hành và ngừng tiêu nước từ nội đồng vào kênh trục để đảm bảo an toàn bờ kênh.

Khi đó, việc vận hành công trình thủy lợi để tiêu úng theo đúng quy định tại quy trình vận hành được phê duyệt, trên nguyên tắc phải bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, không để xảy ra sự cố do chủ quan. Khi đủ điều kiện cho phép theo quy định, các địa phương, đơn vị mới tổ chức vận hành tối đa công suất theo năng lực hiện có của công trình để khẩn trương tiêu úng, bảo vệ an toàn cho sản xuất và dân sinh.

Vậy đến khi nào thì việc vận hành các công trình thủy lợi cho tiêu úng mới hoạt động trở lại được, thưa ông?

Ngay khi mực nước các sông lớn như sông Hồng, sông Thái Bình… có dấu hiệu rút xuống mức cho phép, từ ngày 15/9 các địa phương, công ty khai thác công trình thủy lợi phục hồi hoạt động các công trình thủy lợi.

Các công trình phải tranh thủ thời gian mực nước sông đang xuống và không có mưa trong nội đồng, vận hành tối đa trong điều kiện cho phép các công trình đầu mối tiêu úng để hạ thấp mực nước trong hệ thống thủy lợi và tiêu úng nội đồng. Tuy nhiên, việc tiêu úng đã được lưu ý tốc độ rút nước trong kênh phải phù hợp để không để xảy ra sự cố sạt trượt mái bờ kênh do mực nước hạ thấp quá nhanh.

Tuy nước rút, nhưng nguy cơ vỡ bờ kênh và sự cố công trình thủy lợi, nhất là các đoạn kênh đã bị ngâm nước lâu ngày, các hồ chứa nước xung yếu hoặc đang trữ nước ở mức cao. Các đơn vị vẫn phải tăng cường kiểm tra, chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ nhân lực, vật lực bảo đảm khẩn trương xử lý sự cố, hạn chế thấp nhất thiệt hại đến sản xuất và dân sinh.

Đến ngày 18/9, diện tích bị ngập lụt, úng còn khoảng 42.000 lúa, giảm trên 148.000 ha so với thời điểm cao nhất và cơ bản được tiêu tháo hết sau 1-2 ngày.

Hiện các hệ thống thủy lợi liên tỉnh Bắc Đuống, Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà, Sông Nhuệ đã được vận hành tối đa trong khả năng các công trình đầu mối tiêu thoát nước ra sông ngoài và đã cho phép tiêu nước từ nội đồng vào hệ thống. Mực nước trong các hệ thống được khẩn trương đưa về mức chủ động phòng, chống ngập lụt úng trước nguy cơ ảnh hưởng của cơn bão số 4.

Sau đợt thiên tai vừa qua, bài học, kinh nghiệm gì có thể rút ra trong việc tiêu úng cũng như bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi? Cục Thủy lợi sẽ có những kế hoạch gì để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi?

Nhìn chung việc vận hành công trình thủy lợi phòng, chống úng đã được chủ động thực hiện. Có sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương và giữa các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi với chính quyền địa phương trong vận hành các công trình. Nhiều địa phương đã vào cuộc quyết liệt, chủ động hành động khi có tình huống bất thường. Điển hình, Bắc Ninh đã khẩn trương huy động 1.500 người, nhiều máy móc, phương tiện để ứng cứu sự cố kênh Ngũ Huyện Khê (hệ thống thủy lợi Bắc Đuống) chỉ trong khoảng 12 tiếng, sự cố không gây thiệt hại về người và tài sản…

Tuy nhiên, việc tiêu úng đã gặp khó khăn do mất điện và đặc biệt tình trạng lũ sông ngoài cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận hành. Nhiều công trình phải dừng vận hành dài ngày như các công trình dọc sông Cầu của hệ thống thủy lợi Bắc Đuống; dọc sông Đáy, sông Hồng của hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà, sông Nhuệ.

Các hệ thống công trình thủy lợi cần được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên như máy móc, hệ thống kênh mương, các thiết bị đóng mở… để khắc phục kịp thời các hư hỏng. Như vậy sẽ đảm bảo việc vận hành ổn định, an toàn, tránh nguy cơ ngập úng cao hơn khi xảy ra sự cố là việc cần phải tiếp tục phát huy thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Cục Thủy lợi đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương rà soát tình trạng an toàn công trình thủy lợi sau mưa, lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đặc biệt là việc chủ động tổ chức thực hiện hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo, bố trí nguồn lực xử lý khẩn cấp sự cố và có nguy cơ cao xảy ra sự cố, bảo đảm không ảnh hưởng đến việc vận hành công trình trong các đợt mưa lũ tiếp theo trong năm 2024.

Một vấn đề quan trọng nữa là phải rà soát các quy định trong quy trình vận hành công trình thủy lợi, trường hợp có các quy định chưa phù hợp với thực tiễn cần báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức điều chỉnh quy trình vận hành. Đặc biệt lưu ý sự phù hợp với thực tiễn các quy định phải dừng bơm tiêu công trình đầu mối trong thời gian có lũ, ngừng bơm nước từ nội đồng vào kênh trục... ở các hệ thống thủy lợi lớn, liên tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Hồng; quy định về thẩm quyền điều hành vận hành cửa van để cắt, giảm lũ... của các hồ chứa thủy lợi có cửa van điều tiết lũ.

Các địa phương, đơn vị cần tổ chức rà soát, đề xuất danh mục sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới công trình thủy lợi trong Dự án Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang chuẩn bị trình phê duyệt và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, bảo đảm hệ thống công trình thủy lợi đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh; báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí nguồn lực tổ chức thực hiện.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Cục trưởng!

Bích Hồng (Thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/cuc-truong-cuc-thuy-loi-dam-bao-cac-yeu-to-san-sang-cho-tieu-ung-20240920111209026.htm