Cúm cà chua xuất hiện ở người trưởng thành gây khó hiểu

Cúm cà chua từng bùng phát ở Ấn Độ với bệnh nhân trong độ tuổi từ 1 đến 9. Tuy nhiên, ca mắc mới ghi nhận tại Nepal là người lớn, đặt ra câu hỏi mới về bệnh truyền nhiễm này.

 Việc cúm cà chua xuất hiện ở người trưởng thành khiến giới khoa học bối rối. Ảnh: Pexels.

Việc cúm cà chua xuất hiện ở người trưởng thành khiến giới khoa học bối rối. Ảnh: Pexels.

Theo Straits Times, cúm cà chua lần đầu tiên nhận được chú ý của giới chuyên gia sau ca bệnh ghi nhận tại Kerala, Ấn Độ, hôm 6/5. Từ đó đến nay, hàng trăm trẻ em nhiễm bệnh, phần lớn trong số này chưa đến 9 tuổi.

Vào thời điểm đó, giới khoa học chưa xác định được nguyên nhân gây bùng dịch. Tuy nhiên, các triệu chứng ở trẻ em gần giống với trường hợp nhiễm virus chikungunya, bao gồm phát ban và mụn nước màu đỏ hình cà chua. Vì thế, nó được gọi là cúm cà chua.

Một số chuyên gia tin rằng nguyên nhân có thể là một dạng bệnh sốt Chikungunya hoặc sốt xuất huyết, không phải do nhiễm virus mới.

Theo bài báo đăng trên tạp chí The Lancet Respiratory Medicine, sốt, phát ban và đau khớp là những triệu chứng chính ở trẻ em mắc cúm cà chua. Nốt ban đỏ hình cà chua xuất hiện trên da trẻ. Mụn nước gây đau rát khiến trẻ bị mẩn ngứa. Ngoài ra, bệnh nhi còn buồn nôn, nôn, mệt mỏi và có các triệu chứng giống cúm.

Ca mắc cúm cà chua ở người lớn

Gần đây, Nepal ghi nhận ca mắc là một người đàn ông 45 tuổi, không có lịch sử du lịch đến Ấn Độ, ban đầu không có triệu chứng ngoại trừ đau khớp. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần sau khi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết, người này nhanh chóng xuất hiện phát ban đỏ và phồng rộp hình quả cà chua, đặc biệt là ở lòng bàn tay, bàn chân và lưỡi. Bệnh nhân phàn nàn phát ban và mụn nước khó chịu nhưng không đau.

Bác sĩ da liễu tham gia đã loại trừ các bệnh nhiễm do virus khác như HIV (1 & 2), virus viêm gan B và C, thủy đậu, herpes sau khi xét nghiệm và khám lâm sàng. Đây là trường hợp đầu tiên được báo cáo về bệnh giống cúm cà chua ở Nepal, quốc gia thứ hai sau Ấn Độ.

Trái ngược với đợt bùng phát ở trẻ em dưới 9 tuổi ở Ấn Độ, bệnh nhân mắc bệnh ở Nepal là người lớn với các triệu chứng khác.

Lý do đằng sau các triệu chứng khác nhau được quan sát thấy ở Ấn Độ và Nepal hiện chưa được biết. Nhưng yếu tố tuổi tác có thể là một lời giải thích khả thi.

 Cúm cà chua từng bùng phát ở Kerala, Ấn Độ, hồi tháng 5. Người đàn ông 45 tuổi vừa mắc cúm cà chua ở Nepal là ca đầu tiên của nước này. Ảnh: Express.

Cúm cà chua từng bùng phát ở Kerala, Ấn Độ, hồi tháng 5. Người đàn ông 45 tuổi vừa mắc cúm cà chua ở Nepal là ca đầu tiên của nước này. Ảnh: Express.

Nhiều câu hỏi chưa có đáp án

Ban đầu, một bệnh nhiễm virus mới được cho là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát Kollam ở Ấn Độ. Tuy nhiên, cúm cà chua ngay lập tức trở thành cái tên gây tranh cãi giữa các chuyên gia cho đến khi xác định được tác nhân gây bệnh.

Một bài báo gần đây trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm Nhi khoa báo cáo tác nhân gây bệnh cúm cà chua là enterovirus (CA16) ở hai trẻ em vừa trở về Anh từ Kerala. Enterovirus được coi là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh tay chân miệng (HFMD).

HFMD không phải là bệnh mới. Trước đây, nó từng được ghi nhận ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Điều này cho thấy việc thiếu điều kiện xét nghiệm trong phòng thí nghiệm phân tử có thể dẫn đến chậm trễ trong chẩn đoán. Tình trạng này khiến công tác quản lý gặp khó khăn, tạo nên thách thức trong ngăn chặn kịp thời sự lây lan, bùng phát của dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo tạp chí The Lancet Respiratory Medicine, các tác giả cũng không chắc chắn về tác nhân gây ra dịch cúm cà chua ở quận Kollam.

Bất chấp sự không chắc chắn này, các tác giả khuyến nghị điều trị bệnh này theo triệu chứng, bao gồm nghỉ ngơi, uống nhiều nước và đắp miếng bọt biển nước nóng để giảm kích ứng và phát ban. Họ cho rằng đó cúm cá chua có thể là một bệnh nhiễm virus tương tự bệnh chikungunya, sốt xuất huyết hoặc HFMD.

Trên thực tế, HFMD là bệnh truyền nhiễm tự giới hạn. Do đó, hầu hết mọi người không cần điều trị hay dùng thuốc đặc hiệu và sẽ khỏi bệnh trong vòng 7-10 ngày.

Các biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, viêm não hoặc liệt có thể xảy ra nhưng cực kỳ hiếm. Không có trường hợp tử vong nào được báo cáo trong đợt bùng phát “cúm cà chua Kollam”.

Theo tạp chí Bệnh truyền nhiễm Nhi khoa, các tổn thương hầu như biến mất mà không để lại sẹo ở hai trẻ bị nhiễm cúm cà chua vào ngày 6/5 và 16/5.

Theo báo cáo của bệnh nhân, vết ban đỏ và mụn nước hình quả cà chua của ông bắt đầu tự lành sau một tuần.

HFMD được coi là một bệnh nhiễm virus rất dễ lây lan, đặc biệt là trong tuần đầu tiên của bệnh và do đó dễ dàng lây truyền qua các giọt bắn chứa virus từ người bệnh khi ho hoặc hắt hơi, cũng như các bề mặt hoặc đồ vật bị ô nhiễm, dịch và phân.

Tuy nhiên, bệnh nhân cúm cà chua 45 tuổi ở Nepal khẳng định ông không tiếp xúc gần với ai có triệu chứng tương tự cúm cà chua.

Mặc dù người bệnh tiếp xúc gần gũi với người nhà và dùng chung đồ vật, không thành viên nào trong gia đình ông nhiễm bệnh hoặc có các triệu chứng tương tự bệnh cúm cà chua.

Tuy nhiên, trong bài báo đăng trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm Nhi khoa, các tác giả cũng không đề cập đến sự lây lan giữa các thành viên trong gia đình sau khi hai bệnh nhi cúm cà chua được chẩn đoán nhiễm enterovirus (CA16) gây ra bệnh tay chân miệng.

Do đó, việc lây truyền virus này có vẻ mơ hồ. Một số chuyên gia đã chỉ ra rằng dịch cúm cà chua hiện nay là kết quả của một biến thể mới của HFMD.

Do đó, các triệu chứng biểu hiện, đường lây truyền và mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể khác với HFMD ban đầu do biến thể di truyền. Nhưng họ cần nghiên cứu thêm để bác bỏ hoặc củng cố giả định này.

Điều đáng chú ý ở đây là ba đợt Covid-19 với các biến thể khác nhau của SARS-CoV-2 được quan sát thấy ở Nepal dẫn đến các kết quả khác nhau về triệu chứng, nhóm tuổi bị ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng của bệnh hay nguy cơ tử vong.

Trường hợp người lớn mắc bệnh giống cúm cà chua sau đó là sốt xuất huyết, lần đầu tiên được quan sát thấy ở Nepal, đã đặt ra một số câu hỏi thú vị và quan trọng - Đó có phải là phần tiếp theo của sốt xuất huyết hay hội chứng sốt xuất huyết mở rộng? Virus sốt xuất huyết có khả năng gây bệnh tay chân miệng không? Hoặc một biến thể mới của HFMD đang xuất hiện? Những câu hỏi như vậy vẫn chưa được trả lời vào lúc này.

Nguyên Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cum-ca-chua-xuat-hien-o-nguoi-truong-thanh-gay-kho-hieu-post1378671.html