Cúm chưa giảm nhiệt, lại lo bùng phát dịch sởi

Trong khi dịch cúm chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, các ca mắc sởi tại Hà Nội lại có xu hướng tăng.

Đáng lưu ý, đa phần trẻ mắc sởi biến chứng chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ mũi hoặc dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm chủng).

Tăng ca mắc sởi và biến chứng

Theo TS. BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội tổng quát, Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian qua số bệnh nhi mắc sởi điều trị tại đây có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý, nhiều bệnh nhi mắc sởi khi chưa đến tuổi tiêm phòng.

Một ca mắc sởi biến chứng viêm phổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Hà Nội.

Một ca mắc sởi biến chứng viêm phổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Hà Nội.

"Bệnh sởi tuy lành tính tuy nhiên vẫn gặp khá nhiều biến chứng. Nếu trước đây, biến chứng thường gặp như khô, viêm loét giác mạc, tổn thương khó hồi phục thì những năm gần đây lại ghi nhận trẻ mắc sởi có biến chứng viêm phổi, bội nhiễm hoặc sốc nhiễm trùng nặng...", BS Hải thông tin.

Có con mới 7 tháng tuổi đang nằm điều trị tại đây, chị H.T.T (trú tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Bé vốn hay ốm vặt. Sau mấy ngày nghỉ Tết, con sốt cao, ho và có biểu hiện khó thở nên gia đình vội đưa vào viện. Con được chẩn đoán viêm phổi do biến chứng từ sởi, phải nhập viện điều trị".

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), tính từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội phát hiện 441 ca sởi, trong khi cùng kỳ năm ngoái không có trường hợp nào.

Trong hai tuần sau tết Nguyên đán Ất Tỵ, thành phố ghi nhận 114 trường hợp mắc sởi/tuần. CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sởi vẫn ở mức cao, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo số ca sởi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

BS Nguyễn Sỹ Đức, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Hà Nội cảnh báo: Với thời tiết lạnh ẩm như hiện nay, dịch sởi có nguy cơ lan rộng vì đây là bệnh lây qua đường hô hấp. Bệnh lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện làm các giọt bắn li ti có chứa virus gây bệnh phát tán ra ngoài không khí. Nhất là những trẻ chưa có kháng thể sẽ dễ dàng bị lây nhiễm. Với cơ chế lây lan nhanh, bệnh sởi dễ phát sinh các ổ dịch phức tạp.

Đẩy nhanh mũi "sởi 0"

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết, qua thống kê, tại Hà Nội, nhóm tuổi dưới 9 tháng bị mắc sởi chiếm trên 20%. Đây là nhóm chưa đủ tuổi để tiêm vaccine phòng bệnh sởi theo chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, trong khi kháng thể mẹ truyền lại ở trẻ có thể giảm xuống dưới mức bảo vệ.

Do đó, nhằm tăng miễn dịch, góp phần quan trọng ngăn chặn dịch bệnh sởi, từ nay đến hết tháng 2, Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, thay vì chờ đủ 9 tháng tuổi như thông lệ. Dự kiến, khoảng 20.000 trẻ trong độ tuổi này sẽ được tiêm 1 mũi vaccine.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vaccine sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp tăng cường chống dịch. Mũi vaccine này được xem như là mũi "sởi 0". Sau đó, trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng hai mũi vaccine sởi theo lịch của chương trình Tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.

"Bố mẹ cần đưa trẻ đi tiêm vaccine sởi đầy đủ, đúng lịch. Ngoài ra, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, vệ sinh môi trường bề mặt, nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng…", ông Tuấn khuyến cáo.

BS Đỗ Thiện Hải cũng đánh giá, tiêm vaccine sởi là cách phòng bệnh hữu hiệu nhất cho trẻ nhỏ. Với những trẻ đến lịch tiêm tại các điểm tiêm cơ sở nếu có biểu hiện sổ mũi, ho, cha mẹ không nên hoãn tiêm mà cần đến các điểm tiêm vaccine của bệnh viện để được tư vấn, đảm bảo an toàn tiêm phòng vaccine cho trẻ.

BS Nguyễn Sỹ Đức cho hay, bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, đôi khi xuất hiện ở người lớn. Kể cả đối với người lớn bị mắc sởi thường có các biểu hiện như: sốt, viêm long đường hô hấp, sau đó phát ban từ mặt, ngực lan xuống phần dưới cơ thể…

Với các bệnh nhân bị sởi, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…

Cùng với sởi, tại Hà Nội cũng ghi nhận nhiều bệnh truyền nhiễm khác cũng gia tăng nhưng cúm mùa, tay chân miệng, Covid-19, ho gà...

An Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cum-chua-giam-nhiet-lai-lo-bung-phat-dich-soi-19225022021123223.htm