Cụm di tích làng Chùa (làng Hoàng Trù) Quê ngoại - Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chào đời

Từ thành phố Vinh đi theo tỉnh lộ 46 đến km 13, du khách sẽ gặp ngã ba Mậu Tài (tên xưa là làng Sài - quê hương của cụ Hà Thị Hy, bà nội Bác Hồ).

Một góc Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ảnh: Sách Nguyễn

Một góc Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ảnh: Sách Nguyễn

Rẽ trái theo con đường nhựa uốn mềm như dải lụa khoảng hơn 1km, du khách gặp một làng quê bình dị như bao làng quê Việt Nam, cùng cây đa, bến nước và lũy tre làng... Đó là làng Hoàng Trù (tiếng địa phương là làng Chùa - theo cách đọc thổ âm là làng Trùa) một cái tên đã đi vào lịch sử, vào trái tim triệu triệu con người cùng với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn.

Cụm di tích nơi sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Chùa nằm trong một khu vườn rộng 7 sào Trung bộ (3.500m2). Tại đây có ba ngôi nhà, hai nhà tranh, một nhà ngói, mỗi ngôi nhà đều có những kỷ vật rất đỗi thiêng liêng, gây xúc động lòng người, bởi nó làm sống dậy những kỷ niệm trong tuổi ấu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lần duy nhất Người trở lại nơi đây sau hơn nửa thế kỷ ra đi tìm đường cứu nước.

I - Nhà thờ chi nhánh họ Hoàng:

Dòng họ Hoàng Xuân vốn phát tích từ thôn Hoàng Vân, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay là làng Hồng Tiến, huyện Kim Thi, tỉnh Hưng Yên). Đây là một cự tộc quyền quý, trải qua các triều đại, rất nhiều người được phong tước Hầu và Quận Công. Từ đất Kim Động, vâng lệnh triều đình, nhiều người con ưu tú của họ Hoàng đã tỏa đi nhiều nơi đánh giặc, giữ nước và sinh cơ lập nghiệp. Thủy tổ họ Hoàng ở làng Chùa giữ chức Võ Ban tướng quân dưới thời Vĩnh Tộ (1619 - 1643), trong chuyến dẹp loạn vùng Thuận Quảng đã lấy vợ người làng Nghĩa Liệt, huyện Hưng Nguyên, lập ra dòng họ Hoàng ở đây.

Dòng họ Hoàng ở làng Dương Xá, tổng Phù Long, huyện Hưng Nguyên, đến thế hệ thứ 9 có Hoàng Phác Cần lấy vợ làng Hoàng Trù và sống ở đó, lập ra họ Hoàng. Năm thế hệ sau có Hoàng Xuân Cẩn - đậu ba khoa tú tài, sinh ra cụ Hoàng Đường (còn gọi là Hoàng Xuân Cát), ông ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phía sau ngôi nhà của cụ Hoàng Đường là nhà thờ gia tiên. Ảnh: PV

Phía sau ngôi nhà của cụ Hoàng Đường là nhà thờ gia tiên. Ảnh: PV

Ngôi nhà thờ này được cụ Hoàng Đường lập ra để thờ cúng cố nội là Hoàng Xuân Mượu (còn gọi là Hoàng Trọng Mạo), ông nội là Hoàng Xuân Lý và thân phụ là Hoàng Xuân Cẩn. Trên xà nhà ghi rõ năm hoàn thành "Tự Đức tam thập tứ niên chi tuế tạo hoàn" (hoàn thành vào năm Tự Đức thứ 34 - 1882).

Trên đôi quyết trước nhà thờ có đôi câu đối nói lên uy danh của dòng họ:

"Hoàng Vân chính khí truyền thiên cổ

Chung cự hùng thanh chấn ức niên".

Nghĩa là: "Hoàng Vân khí tốt truyền từ ngàn năm trước

Chung Cự tiếng hùng vọng đến vạn năm sau".

Kiến trúc nhà thờ có một gian chính và hai gian phụ, trước có thềm, trước sân là bể cạn và đôi cây Thiên tuế, đôi cây Mẫu đơn làm bình phong đẹp mắt. Nhà được làm bằng gỗ lim, cửa gỗ lim song tiện. Từ khi khởi dựng đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra Và sống tuổi ấu thơ ở đây, nhà thờ còn lợp tranh. Đến năm 1930, bà con trong họ góp công góp của xây tường, lợp ngói.

Đồ thờ được bày biện giản dị, trang nghiêm. Đặc biệt có hiệu bụt cụ Hoàng Đường do ông Nguyễn Sinh Sắc - Thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tự viết, tỏ lòng thành kính đối với người thầy, người bố vợ kính yêu của mình. Ngoài ra còn có trống cái, sênh đồng dùng vào việc lễ nghi trong các ngày giỗ, ngày tết.

Thuở ấu thơ sống ở Làng Chùa (1890 - 1895) và những năm niên thiếu sống ở làng Sen (1901 - 1906), cậu Nguyễn Sinh Cung thường theo cha đến nhà thờ dâng hương, hoa, tưởng niệm các bậc tiên tổ họ Hoàng với tấm lòng thành kính. Qua sự giảng giải của thân sinh, cậu đã hiểu được ngọn nguồn và truyền thống vẻ vang của dòng tộc Hoàng Xuân.

Làng Hoàng Trù - Quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: PV

Làng Hoàng Trù - Quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: PV

II - Nhà cụ Hoàng Đường - ông ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đến cụm di tích Hoàng Trù, thấp thoáng sau lũy tre trước cổng, du khách thấy ngay ngôi nhà tranh năm gian, trước nhà là hai hàng mận hảo được xén tỉa cẩn thận. Đó là nhà cụ Hoàng Đường và cụ Nguyễn Thị Kép - ông bà ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sinh trưởng trong một gia đình nho học, cha là Hoàng Xuân Cẩn đỗ ba khoa tú tài, thuở nhỏ cụ Hoàng Đường được tôi luyện trong một cái "nôi" Hán học. Dù không có học vị gì nhưng cụ nổi tiếng là người hay chữ, nhân dân trong vùng thường gọi là cụ Đồ An.

Thời trai trẻ, Hoàng Đường là một trang nam nhi nho nhã, thông minh, điềm đạm. Theo tập tục, chàng được cụ thân sinh xe duyên cùng Nguyễn Thị Kép - con gái của người bạn đồng liêu là cụ Tú Mền Nguyễn Văn Giáp - người Kẻ Sía (nay là xã Hưng Đạo - huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Nguyễn Thị Kép là một thôn nữ được giáo dục chu đáo, trong một gia đình nhà nho gia phong trọng đạo. Khi thành vợ chồng, hai người sống rất hạnh phúc, ý hợp tâm đầu trong mái nhà tranh đơn sơ giản dị. Năm 1868, họ sinh được cô con gái đầu lòng là Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mãi tới 9 năm sau mới sinh thêm người con gái thứ 2 là Hoàng Thị An.

Tết Mậu Dần (1878) trong chuyến đi chúc tết ở Làng Sen, cụ đã gặp cậu bé mồ côi Nguyễn Sinh Sắc và đưa về nuôi dạy coi như con đẻ. Không phụ công đức và tấm lòng của cụ, Nguyễn Sinh Sắc đã làm rạng rỡ cho gia đình này mãi mãi lưu danh.

Du khách tham quan quê ngoại Bác Hồ. Ảnh: PV

Du khách tham quan quê ngoại Bác Hồ. Ảnh: PV

Trong năm gian nhà thì ba gian ngoài được thông với nhà thờ, tạo nên bầu không khí thoáng mát . Ở gian thứ nhất, cụ Đường kê một bộ phản bốn tấm làm nơi dạy học. Học trò của cụ chủ yếu là con em trong vùng. Bộ phản này là nơi chàng thiếu niên Nguyễn Sinh Sắc bắt đầu cuộc đời học tập của mình. Được sự dạy dỗ tận tâm, tận lực của cụ Hoàng Đường, việc học tập của Nguyễn Sinh Sắc tiến bộ nhanh chóng. Qua vài năm miệt mài đèn sách, vốn hiểu biết của Nguyễn Sinh Sắc đã khá phong phú, có thể xướng học, bình văn với những học trò giỏi lớp trước. Với sự nhạy cảm của mình, cụ Hoàng Đường phát hiện ra tài năng đầy hứa hẹn của cậu con nuôi, cụ đã gửi Nguyễn Sinh Sắc theo học nhà giáo nổi tiếng Nguyễn Thức Tự ở Thịnh Trường, huyện Nghi Lộc. Với bao vất vả khó khăn, phải chắt chiu từ nguồn thu nhập làm ruộng và dệt vải, hai cụ đã dồn sức, dồn của vào việc ươm trồng tài năng cho người con nuôi thông minh và hiếu thảo của mình.

Gian thứ hai có chiếc án thư và bộ tràng kỷ bằng tre. Trên án thư, phía ngoài có nghiên mài mực bằng đá và hộp bút lông, những học cụ này gắn liền với việc dạy học của cụ Hoàng Đường và học tập của Nguyễn Sinh Sắc; phía trong án thư có bộ bình và chén hạt mít, một chiếc nậm rượu. Gian nhà này là nơi cụ Hoàng Đường cùng các cụ túc nho, bạn hữu uống rượu, uống trà ngâm vịnh thơ văn, đàm luận các đề tài về thời cuộc.

Gian thứ 3 kê một bộ phản gỗ bốn tấm ngắn hơn bộ phản ở gian thứ nhất. Đây là nơi nghỉ của cụ Hoàng Đường và Nguyễn Sinh Sắc. Những khi hứng khởi, cặp thầy - trò, cha - con này thường cùng nhau thảo luận về các điển tích trong kinh sử hay cùng nhau giải nghĩa chữ thánh hiền, một đôi câu văn tâm đắc. Đó là môi trường rất tốt cho sự phát triển tài năng của Nguyễn Sinh Sắc.

Gian buồng có chiếc giường gỗ xoan, liếp nứa, trải chiếu mộc, là nơi nghỉ của cụ bà Nguyễn Thị Kép. Trên chiếc giường đơn sơ mộc mạc ấy, cụ đã sinh ra hai người con gái đẹp nết, đẹp người.

Gian thứ năm là nơi sinh hoạt thường ngày của gia đình. Tại đây có chiếc khung cửi, nơi cụ Nguyễn Thị Kép, bằng sự tần tảo của mình đã lao động cật lực để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Cũng tại đây cụ đã kèm cặp, rèn dũa cho hai cô con gái biết yêu lao động, chăm chỉ làm việc và khéo tay. Điệu phường vải cất lên từ bên chiếc khung cửi này đã từng làm nao lòng bao chàng trai tuấn tú.

Cánh võng năm xưa bà Hoàng Thị Loan ru cậu bé Nguyễn Sinh Cung vào giấc ngủ. Ảnh: Đình Tuyên

Cánh võng năm xưa bà Hoàng Thị Loan ru cậu bé Nguyễn Sinh Cung vào giấc ngủ. Ảnh: Đình Tuyên

Khi mười tám tuổi, Nguyễn Sinh Sắc trở thành một thanh niên khôi ngô, mẫn tiệp thì Hoàng Thị Loan cũng là cô gái trưởng thành. Mến vì đức, cảm vì tài của cậu sinh đồ mồ côi, cụ Hoàng Đường có nhã ý xe duyên cậu cùng cô con gái đầu lòng của mình. Ban đầu, cụ bà sợ thiên hạ chê cười nên không đồng ý, cụ Đường đã xuống tận làng Kẻ Sía mời nhạc phụ lên chơi và cho lời khuyên giải. Hiểu rõ thiện ý của chồng và thực tâm cũng thương yêu người con nuôi giỏi giang và hiếu thảo, cụ Nguyễn Thị Kép đã vui vẻ chấp thuận ý định của chồng. Sau nhiều năm chung sống dưới một mái nhà, đôi trai gái thanh lịch Nguyễn Sinh Sắc - Hoàng Thị Loan đã cảm mến nhau một cách sâu nặng thầm kín. Gương mặt họ sáng ngời hạnh phúc khi lễ hứa hôn được tổ chức vào cuối năm 1881 tại mái nhà này. Hai năm sau lễ thành hôn được tiến hành.

Tất cả những kỷ vật trong ngôi nhà này còn nồng hơi ấm thiêng liêng về thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuổi thơ của Người được ông bà và dì An truyền tay nâng niu, chiều chuộng. Những trưa hè oi nồng, bà ngoại đưa võng hát ru cho giấc ngủ của cậu đắm trong làn điệu dân ca trữ tình, thắm đượm tình quê nghĩa nước. Những buổi mai trong trẻo, cậu lắng tai nghe ông hoặc cha dạy học, thỉnh thoảng dì An lại chạy ra vườn hái mấy quả táo làm quà cho cậu cháu yêu của mình.

Ngay từ tấm bé, Nguyễn Sinh Cung đã bộc lộ sự thông minh khác thường. Vì vậy cả nhà rất vui mừng, chú ý chăm sóc dạy dỗ cậu sớm biết kính trọng ông bà, cha mẹ, biết yêu lao động, hòa nhã với bạn bè, biết yêu quê hương đất nước và nuôi dưỡng hoài bão lớn lao, đẹp đẽ. Trong vòng tay yêu thương đặc biệt của những người thân, cậu đã sớm nhận biết được nhiều điều của thế giới quanh mình và sớm hình thành một nhân cách độc đáo. Môi trường này chính là một trong những chiếc nôi đầu tiên tạo tiền đề cho sự hình thành và phát triển tình cảm đẹp đẽ và nhân cách cao thượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi cụ Hoàng Đường qua đời ngày 07/4/1893 (Quý Tỵ), Nguyễn Sinh Sắc đã lo toan chu đáo cho người thầy, người bố vợ kính yêu của mình. Tấm lòng hiếu thảo của ông đến nay vẫn là một tấm gương sáng đẹp cho bà con làng Chùa làng Sen.

Cuộc đời cụ Hoàng Đường đã đi vào lịch sử với niềm hạnh phúc là người đã có công phát hiện, ươm trồng tài năng cho ông Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, xe duyên cho một mối tình cao đẹp đã sinh ra cho dân tộc một vĩ nhân bậc nhất.

III - Ngôi nhà nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời

Năm 1883, để chuẩn bị cho lễ thành hôn của hai con là Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan, cụ Hoàng Đường đã dựng cho họ một ngôi nhà tranh ba gian làm chỗ ở riêng sau ngày cưới. Mái nhà tranh đơn sơ giản dị này là tổ ấm uyên ương, ghi nhận những năm tháng hạnh phúc của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tất cả những đồ dùng trong nhà đều bình dị và được xếp đặt một cách ngăn nắp, thuận tiện, hài hòa và ấm cúng.

Ngôi nhà cụ Hoàng Đường - nơi Người cất tiếng khóc chào đời. Ảnh: Đình Tuyên

Ngôi nhà cụ Hoàng Đường - nơi Người cất tiếng khóc chào đời. Ảnh: Đình Tuyên

Gian ngoài, bên cửa sổ nhỏ đầu hồi có chiếc án thư (để nghiên mực, hộp bút lông) và hai chiếc ghế vuông, phía trên chếch về phía trong có hai giá đựng sách thánh hiền. Đây là nơi học tập của ông Nguyễn Sinh Sắc. Trên chiếc bàn nhỏ này, biết bao trang sách đã được mở ra chắp cánh cho cuộc đời cử nghiệp của ông. Cũng có biết bao lần, cụ Hoàng Đường đã sang đây cùng con trao đổi thêm về văn chương chữ nghĩa. Nhìn nét chữ rắn rỏi và sâu sắc trong các bài tập, cụ mừng thầm và tràn đầy hy vọng vào tương lai của người con rể thông minh, hiếu học.

Nhưng vào buổi suy tàn của nho giáo, đất nước lại trong cơn nguy kịch, rối ren, chuyện "học tài thi phận" cũng là lẽ thường tình. Cho đến giờ phút vĩnh biệt cuộc đời (1893), cụ Hoàng Đường vẫn chưa được nhìn thấy niềm vinh quang khoa bảng đến với người con yêu quý. Sau nhiều năm vừa dùi mài kinh sử, vừa dạy học giúp vợ kiếm sống, mãi tới kỳ thi hương Giáp Ngọ triều Thành Thái năm thứ 6 (1894) ở trường Nghệ, Nguyễn Sinh Sắc mới đậu cử nhân. Tin vui nhanh chóng bay về Làng Chùa, bà con đến mừng rất đông. Về phần mình, chàng tân khoa Nguyễn Sinh Sắc coi đây là món quà báo hiếu nhạc phụ, song nhà đang kỳ đại tang nên chỉ biện cơi trầu trình làng. Bà con trong thôn, ngoài xã ai cũng tấm tắc ngợi khen ý chí và lòng hiếu thảo của ông.

Gian nhà ngoài có bộ phản ba tấm, nơi nghỉ ngơi của ông Sắc sau những giờ làm việc, học hành. Những lúc thư nhàn mấy cha con cùng nhau đùa vui âu yếm chờ mẹ làm cơm. Tuổi thơ Nguyễn Sinh Cung được cha mẹ dạy nói bi bô, giảng giải cho những điều hơn lẽ thiệt, nhen nhóm trong tâm hồn những ước mơ xa.

Bên trong ngôi nhà mộc mạc, đơn sơ của cụ Hoàng Đường. Ảnh: PV

Bên trong ngôi nhà mộc mạc, đơn sơ của cụ Hoàng Đường. Ảnh: PV

Bộ phản còn là nơi tiếp khách, lúc thì tiếp những bạn đồng liêu đến bình văn, bình thơ, lúc thì tiếp những bà con láng giềng với nồi khoai luộc, bát nước chè xanh ấm áp tình làng nghĩa xóm.

Hai gian nhà trong với rất nhiều hiện vật quý giá, ghi dấu những kỷ niệm thiêng liêng của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Gian giữa sát phên có chiếc giường nhỏ bằng gỗ xoan dài 4 thước hai tấc ta (1m 68), rộng gần 2 thước 5 tấc ta (1m), thang bằng tre, liếp nứa, trên trải chiếu mộc. Trước giường có tấm màn che bằng vải mộc nhuộm nâu.

Du khách đến đây, khi đứng trước chiếc giường này, ai ai cũng hết sức xúc động. Bởi trên chiếc giường quá đơn sơ, nhỏ hẹp này, những tháng năm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Sinh Sắc - Hoàng Thị Loan đã sinh ra ba người con ưu tú cho đất nước.

Năm 1884 sinh con gái đầu lòng: cô Nguyễn Thị Thanh.

Năm 1888 sinh cậu Nguyễn Sinh Khiêm.

Ngày 19/5/1890 cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời - người mà 100 năm sau, tổ chức Unesco đã long trọng kỷ niệm ngày sinh với tư cách là anh hùng giải phóng dân tộc và là một nhà văn hóa lớn.

Ngôi nhà, chiếc giường - những kỷ vật đã trở thành những chứng tích lịch sử vô giá, ghi nhận giờ phút chào đời và những năm thơ ấu của một vĩ nhân.

Sát bên giường là chiếc rương gỗ nhỏ dùng đựng thóc gạo và những vật quý của gia đình. Chiếc rương là món quà hồi môn của cụ Kép cho con gái khi ra ở riêng. Thuở nhỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã men theo chiếc rương này để chập chững tập đi. Đó là những bước đi đầu tiên trong cuộc đời Người, để rồi sau đó sẽ nối dài những bước đi tiếp theo trên khắp bốn biển năm châu tìm đường cứu nước, trở về giải phóng non sông, giải phóng đồng bào.

Ở gian thứ 3, phía cuối giường kê chiếc khung cửi. Ngày ngày tần tảo ngoài đồng cày cấy, đêm đêm người mẹ Hoàng Thị Loan, sau khi lo toan chu tất cơm nước cho chồng con, lại ngồi vào khung cửi, dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu lạc, chăm chỉ dệt vải, dệt lụa để kiếm thêm thu nhập nuôi sống gia đình. Đôi chân khéo léo, đôi tay mềm mại ấy đã dệt nên những thước vải, những chuông lụa mượt mà và cũng góp phần dệt nên cuộc đời, sự nghiệp của chồng và con.

Vừa nhịp nhàng theo tiếng thoi đưa, bà vừa đưa võng ru con vào giấc ngủ bằng những làn điệu dân ca bay bổng, nuôi lớn những hy vọng sâu xa, những ước mơ cao đẹp:

"à ơi!... làm người đói sạch, rách thơm

Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền"

Hay "à ơi! con ơi mẹ dặn điều này

Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm..."

Vốn trí thức phong phú về văn hóa dân gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh buổi đầu được ươm trồng từ người mẹ trẻ.

Đêm đêm ở gian ngoài, anh nho Sắc dùi mài kinh sử, gian trong chị Loan chăm chỉ dệt vải, hai vợ chồng cùng thức, cùng động viên nhau làm việc, học hành. Và trong lời ru kia, ý tứ của người vợ trao gửi cho chồng cũng thật ý nhị.

Các em học sinh tham quan và nghe thuyết minh ở quê ngoại Bác Hồ. Ảnh: Đình Tuyên

Các em học sinh tham quan và nghe thuyết minh ở quê ngoại Bác Hồ. Ảnh: Đình Tuyên

Những kỷ vật trong hai gian nhà này phản ánh sinh động không khí đầm ấm, hạnh phúc, sự lao động cần cù, lối sống bình dị của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó cũng ghi nhận giờ phút ra đời, những bước đi chập chững, những biểu lộ tình cảm của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Tuổi thơ êm đềm của Người được phát triển một cách toàn diện trong sự chăm sóc của mọi thành viên trong gia đình, đặc biệt là từ người mẹ hiền.

Năm 1895, ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế dự kỳ thi Hội khoa ất Mùi nhưng không đậu. Biết tài học của ông, trường Quốc tử giám nhận ông vào học. Lặn lội trở về quê, ông bàn với vợ tạo điều kiện cho ông theo học để thành danh trên con đường cử nghiệp. Thương chồng bà Loan đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, cha mới qua đời, mẹ tuổi già sức yếu không nơi nương tựa, em gái vừa mới lấy chồng, các con còn thơ bé, bà để con gái đầu lòng ở lại chăm sóc bà ngoại rồi cùng chồng và hai con trai vượt đường thiên lý vào kinh đô Huế. Giữa đất kinh kỳ xa lạ, một mình bà lại phải xoay xở kiếm sống cho cả nhà, nuôi chồng nuôi con ăn học. Ông Nguyễn Sinh Sắc ngoài việc học hành ở trường Giám, còn đi dạy thêm ở làng Dương Nỗ kiếm thêm tiền phụ giúp vợ.

Bao khó khăn vất vả chồng chất lên đôi vai người mẹ, nhưng với đức hi sinh cao cả, bà Hoàng Thị Loan đã tận tụy vì chồng con, không khí gia đình bao giờ cũng thuận hòa ấm cúng.

Du khách tham quan những kỷ vật tại quê ngoại Bác Hồ. Ảnh: Đình Tuyên

Du khách tham quan những kỷ vật tại quê ngoại Bác Hồ. Ảnh: Đình Tuyên

Nhưng gánh nặng gia đình ngày càng nặng hơn. Cuối năm 1900, bà sinh thêm người con trai là Nguyễn Sinh Xin. Cái tên của cậu bé ghi nhận một kỷ niệm vất vả, khó khăn của gia đình ở chốn kinh thành. Thời gian này, chồng và con trai lớn đi vắng, mới sinh được ít ngày, bà lại phải trở dậy ngồi vào khung cửi dệt vải kiếm sống. Và tai họa ập đến thật bất ngờ: bà lâm bệnh nặng, mặc dù đã gắng gượng rất nhiều, lại được cậu con trai mười tuổi - Nguyễn Sinh Cung san sẻ những vất vả, nhọc nhằn, chăm sóc tận tình, động viên ân cần nhưng bà không qua được. Ngày 22 tháng năm Canh Tý, tức ngày 10-2-1901 Bà đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay và niềm thương tiếc vô hạn của cậu con trai yêu quý Nguyễn Sinh Cung.

Thi hài của bà được bà con cùng Nguyễn Sinh Cung đưa đưa qua cổng Thanh Long của thành Huế bằng thuyền, ngược dòng Hương Giang lên an táng tại chân núi Tam Tầng, dãy Ngự Bình thành phố Huế.

Ra đi ở tuổi 33 đầy xuân sắc, nhưng cuộc đời bà không hề ngắn ngủi. Bà đã sống hết mình, đã kịp tạo dựng và gửi gắm những ước mơ của mình vào người chồng thân yêu và những người con thông minh dĩnh ngộ. Mãi mãi người đời khắc sâu vẻ đẹp, trí tuệ, tâm hồn người mẹ của một thiên tài, một vĩ nhân kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.

Chiếc khung cửi dệt vải của bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Tuyên

Chiếc khung cửi dệt vải của bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Tuyên

Trở về Huế với tâm trạng đau xót, cha con ông Nguyễn Sinh Sắc đón một cái tết buồn tẻ vô cùng nơi đất đế đô, học cùng nhau chăm sóc phần mộ người thân yêu nhất đã quá cố. Nhưng kế sinh nhai buộc mấy cha con phải trở về nơi quê hương bản quán. Nói sao hết nỗi buồn đau vô hạn của người mẹ già và bà con họ tộc, láng giềng khi người con gái yêu ra đi mãi mãi không về.

Canh cánh nỗi lòng khi người vợ ra đi mà mình chưa được đền đáp, ông Nguyễn Sinh Sắc bước vào kỳ thi Hội khoa Tân Sửu với một quyết tâm nóng bỏng. Và khổ luyện ắt gặt hái thành công, kỳ thi này ông đã đậu phó bảng. Đó là món quà đầy ý nghĩa làm an lòng người vợ hiền yêu quý đang yên nghỉ nơi chín suối. Ông được Vua Thành thái ban cho biển "Ân tứ ninh gia" và cờ "Phó bảng phát khoa".

Theo phong tục, bốn cha con ông Nguyễn Sinh Sắc trở về làng Sen quê nội sinh sống (1901). Những ngày tháng ở Hoàng Trù là những kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong ký ức của Nguyễn Sinh Cung.

Từ đó ngôi nhà này được giao cho người bà con trong họ sử dụng. Năm 1959, Ban quản lý di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nghệ An đã đưa về dựng trên nền đất cũ làm lưu niệm.

Khu di tích Kim Liên

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/cum-di-tich-lang-chua-lang-hoang-tru-que-ngoai-noi-chu-tich-ho-chi-minh-chao-doi-10273210.html