Cúm Tây Ban Nha - đại dịch tồi tệ nhất lịch sử thế kỷ XX, giết chết hơn 50 triệu người
Bệnh dịch kinh hoàng xảy ra cuối Thế chiến I, lây nhiễm khoảng 500 triệu người và gây ra cái chết của hàng chục triệu bệnh nhân chỉ sau 18 tháng.
Theo giới khoa học châu Âu, cúm Tây Ban Nha được xem là một trong những bệnh dịch tồi tệ nhất lịch sử nhân loại trong thế kỷ XX. Số bệnh nhân thiệt mạng vì căn bệnh này nhiều gấp 10-20 lần so với số người chết trong 4 năm xảy ra Thế chiến I.
Đến nay, các nhà khoa học chưa thể xác định được số lượng chính xác nạn nhân bị mắc bệnh và xuất xứ nguồn gốc phát sinh bệnh dịch. Tên gọi Cúm Tây Ban Nha được đặt theo tên quốc gia đầu tiên có bệnh dịch nguy hiểm bùng phát.
Nhiều người cho rằng, chính bệnh đột biến ở người Tây Ban Nha gây ra chứng bệnh lạ trên. Các ý kiến khác cho rằng, chiến tranh và điều kiện vệ sinh kém là yếu tố tác động đến sự lây lan nhanh chóng của căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên toàn cầu.
Tuy nhiên, theo một công trình nghiên cứu, bệnh cúm Tây Ban Nha có thể xuất xứ từ Trung Quốc, vì có hàng trăm ngàn binh sĩ Trung Quốc tham gia vào Mặt trận châu Âu vào cuối năm 1917. Họ bị mắc bệnh và gây lây lan ra toàn châu lục.
Thông thường, bệnh sẽ tấn công vào những người có sức đề kháng yếu hay bị thương tích. Tuy nhiên, cúm Tây Ban Nha có khả năng quật ngã tất cả, kể cả thanh niên trẻ và khỏe mạnh.
Mọi biện pháp phòng ngừa đều vô tác dụng, vì bệnh không phải do vi khuẩn gây ra , mà là do virus. Bệnh dịch hoành hành và gây chết chóc trong nhiều ngày, vào mùa thu năm 1918. Sau đó, dịch cúm này lan đến Mỹ.
Để đối phó với đại dịch này, chính phủ các quốc gia châu Âu bắt đầu đưa ra chế độ kiểm dịch, hạn chế đi lại của người dân, tổ chức. Giao thông công cộng cũng bị thắt chặt. Thế giới dường như đứng yên.
Ngoài ra, các nhà khoa học khẩn trương điều chế vaccine chống bệnh cúm Tây Ban Nha. Tuy nhiên, trong điều kiện chiến tranh tàn phá, công việc điều trị cho các bệnh nhân là rất khó khăn.
Trong cuộc điều tra dân số cuối hè 1919, tại Mỹ có khoảng 615 nghìn người chết do bệnh cúm Tây Ban Nha. Báo cáo cũng chỉ rõ, có khoảng 50-100 triệu người dân trên toàn thế giới là nạn nhân của căn bệnh nguy hiểm này.