'Cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng' - Hệ động lực, khát vọng của dân tộc
Chuyển dịch năng lượng không chỉ để ứng phó với biến đổi khí hậu, đó chính là giá trị nhân văn phát triển hài hòa giữa các dân tộc của người Việt Nam theo tinh thần 'Cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng'; là hệ động lực, khát vọng của cả dân tộc.
Chuyển dịch năng lượng - Dấu ấn đặc biệt
Chuyển dịch năng lượng theo hướng sạch hơn, tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn là mối quan tâm lớn của mỗi quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII tổ chức từ ngày 25/1 đến ngày 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội là một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và của dân tộc.
Chủ đề của Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Một điểm mới hết sức quan trọng chưa từng được đề cập trong Chủ đề các Đại hội trước đây là việc bổ sung thêm thành tố khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.
“Phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại” được lan tỏa đi và hiện thực hóa từ các vị lãnh đạo cao nhất đến các cấp, các ngành, các địa phương.
Một dấu ấn đặc biệt của sự kết hợp giữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại được ghi nhận trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng. Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến cả 2 vế sức manh dân tộc và sức mạnh thời đại: “Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.
Kết thúc bài phát biểu tại COP26, Thủ tướng nêu phương pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cũng tiếp tục đề cao 2 nhân tố dân tộc và thời đại: “Để chiến thắng trong cuộc chiến toàn cầu với biến đổi khí hậu, đoàn kết toàn cầu là cách thức duy nhất, chúng ta cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng: Bắt đầu từ ý chí, nhận thức và giải pháp, tổ chức thực hiện cho đến đảm bảo nguồn lực. Những cam kết và hành động mang tính lịch sử của tất cả chúng ta hôm nay sẽ giúp để lại một hành tinh xanh, một không gian sinh tồn bền vững và hạnh phúc cho tất cả các thế hệ mai sau”.
Phát triển hài hòa - giá trị nhân văn của Việt Nam
Không phải đến Hội nghị COP26, trước đó một năm, ngày 11 tháng 02 năm 2020, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 55-NQ/TW Về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sau khi đề cập đến nguồn lực nội sinh trong phát triển các laoij hình năng lượng, từ dầu khí, than, đến điện năng, năng lượng tái tạo, Nghị quyết 55-NQ/TW chỉ rõ:
“- Thực hiện chính sách đối ngoại năng lượng linh hoạt, hiệu quả, bình đẳng, cùng có lợi. Mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác năng lượng với các đối tác chiến lược, đối tác quan trọng. Tăng cường quan hệ quốc tế về năng lượng trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực phù hợp với xu thế hội nhập, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại, các quan hệ chính trị - ngoại giao thuận lợi để phát triển năng lượng.
- Khẩn trương xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn song song với khuyến khích đầu tư, khai thác tài nguyên năng lượng ở nước ngoài để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư dự án năng lượng ở nước ngoài, trước hết là với các dự án nguồn điện tại một số nước láng giềng để chủ động nhập khẩu điện về Việt Nam. Mở rộng quan hệ đối tác với các công ty đầu tư năng lượng, phát triển công nghệ năng lượng tiên tiến”.
Bước đi kịp thời của Nghị quyết 55-NQ/TW đã mở đường cho Việt Nam chủ động hợp tác quốc tế về chuyển dịch năng lượng trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu – một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại.
Khát vọng phát triển bền vững, hài hòa - một giá trị nhân văn của Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính cụ thể hóa ở Hội nghị COP26: “Cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng”, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và đáp lại kịp thời. Ngày 14/12/2022, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU ở Brussels (Vương quốc Bỉ), các nhà lãnh đạo Việt Nam và Nhóm đối tác Quốc tế (IPG) bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã ký kết thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP).
Thỏa thuận Đối tác này sẽ giúp Việt Nam hiện thực mục tiêu đầy cân bằng phát thải vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Trước mắt, JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam.
JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu mới: Đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến từ năm 2035 lên 2030. Giảm tới 30% phát thải hàng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn và đẩy nhanh đỉnh phát thải sớm thêm 5 năm vào năm 2030. Giới hạn công suất điện than của Việt Nam ở mức 30.2GW từ mức kế hoạch dự kiến là 37GW. Đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030, tăng từ mức kế hoạch 36% hiện tại. Khoảng 500 triệu tấn khí thải sẽ được cắt giảm vào năm 2035 nếu các mục tiêu này được hoàn thành.
Kết quả tích cực
Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Mặc dù vậy, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý III/2023 theo giá hiện hành ước đạt 902,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 2.260,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2023 ước đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.
Với kết quả này, Việt Nam nằm trong Top 20 nền kinh tế nhận vốn FDI lớn nhất trên thế giới và là một trong số ít những nước duy trì được đà tăng trưởng vốn FDI trong đại dịch COVID-19.
Lý giải về câu chuyện có vẻ nghịch lý giữa suy giảm tổng cầu thế giới và FDI vào Việt Nam tăng, nguyên Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, Andrew Jeffries nhận định, sở dĩ có sự tăng trưởng vốn FDI là do Việt Nam cam kết chuyển dịch năng lượng hướng đến phát thải ròng bằng 0% vào năm 2050.
Nói rõ hơn về vấn đề này, nguyên Giám đốc ADB Andrew Jeffries cho biết, các công ty FDI có những cam kết về trách nhiệm đối với giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu. Vì vậy, họ muốn đầu tư vào những nơi có thể tiếp cận với năng lượng sạch. Một ví dụ cho thấy sự thành công của Việt Nam là thu hút được tập đoàn sản xuất đồ chơi Lego đầu tư 1,3 tỷ USD vào Nhà máy sản xuất trung hòa carbon đầu tiên trên toàn cầu.
Trước đó, ngày 12/5/2022, tại trụ sở Bộ Công Thương, Đại diện Tập đoàn LEGO (Đan Mạnh) có buổi làm việc với đại diện các cơ quan của Bộ Công Thương về việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất của Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em đặt tại tỉnh Bình Dương. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt San, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương khẳng định, các đơn vị liên quan của Bộ sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho Tập đoàn LEGO trong việc triển khai xây dựng và vận hành nhà máy tại Việt Nam hoạt động bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực.
Quá trình Lego chuẩn bị để xây dựng nhà máy thứ 6 trên toàn cầu và nhà máy thứ 2 ở châu Á (sau Trung Quốc) bắt đầu từ 2 năm trước. Ban đầu Lego đã xét đến nhiều quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam để chọn lựa địa điểm xây dựng. Các thông số được đặt lên “bàn cân” bao gồm vị trí, hạ tầng năng lượng, nguồn cung vật liệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ… Cuối cùng Việt Nam đáp ứng được các chỉ tiêu tổng hợp.
Tại buổi ký kết đầu tư vào Việt Nam, Tổng giám đốc vận hành của Tập đoàn Lego Carsten Rasmussen, chia sẻ những kế hoạch của Việt Nam về đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng sản xuất năng lượng tái tạo và thúc đẩy hợp tác với các công ty đầu tư nước ngoài chất lượng cao là động lực để Tập đoàn này quyết định xây dựng nhà máy.
Tháng 7/2021, trang mạng asiatimes.com đăng bài viết nhận định Việt Nam đang có những bước tiến nhanh chóng trong việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch trong thế giới hậu COVID-19.
Đồng thời, trong chiến lược phát triển năng lượng, nhiệt điện than cũng liên tục được điều chỉnh từ trên 50 ngàn MW trước đó xuống 47 ngàn MW và trong tờ trình Quy hoạch điện VIII mới nhất, tháng 4/2022 xuống còn 37,4 ngàn MW vào năm 2030. Tỷ trọng nhiệt điện than giảm dần từ 25,7% vào 2030 và giảm về còn 9,6% năm 2045.
Như vậy, chuyển dịch năng lượng không chỉ để ứng phó với biến đổi khí hậu, đó còn giá trị nhân văn phát triển hài hòa giữa các dân tộc của người Việt Nam theo tinh thần “Cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng”; là hệ động lực, khát vọng của cả dân tộc. Đây cũng là nhân tố giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều dự án FDI có chất lượng trong thời gian tới, vì nó chuyển tải đắc lực thông điệp “Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.