Cung cấp kiến thức làm nông nghiệp hiện đại
Trang bị kiến thức cho nông dân để thay đổi tập quán sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất là mục tiêu lớn của ngành Nông nghiệp đang hướng đến. Một trong những giải pháp triển khai hiệu quả chính là tăng cường tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp (chương trình IPM).
Cũng như nhiều nông dân khác, từ khi tham gia lớp tập huấn chương trình IPM, anh Trần Phi Hải (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) thay đổi tập quán sản xuất từ truyền thống sang ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Ngoài sạ thưa, giảm lượng phân bón, anh Phi Hải còn có thêm các kỹ năng như quan sát, đo đếm, đánh giá chỉ tiêu về sự sinh trưởng, phát triển của cây; nhận biết các đối tượng dịch hại, thiên địch. Qua đó, giúp anh kiểm soát được thiên địch trên đồng ruộng, diệt trừ dịch hại theo cách tự nhiên, tránh phun thuốc hóa học không cần thiết làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Anh Phi Hải cho biết: “Trước đây, tôi thăm đồng thấy có sâu, rầy là đến đại lý mua thuốc bảo vệ thực vật về xịt liền. Còn bây giờ thấy mức độ thiên địch nhiều hơn dịch hại thì không cần xử lý bằng thuốc hóa học. Không riêng tôi mà nhiều nông dân trước đây chỉ biết lúa có bệnh nhưng không biết phải sử dụng thuốc gì nên cứ đến nói đại lý nhưng có nhiều đại lý không đưa đúng thuốc, từ đó nông dân rất tốn kém”.
Chương trình IPM được Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh triển khai vào cuối năm 2021, mở đầu bằng lớp đào tạo giảng viên. Năm 2022, Chi cục tiếp tục mở rộng đối tượng tập huấn là nông dân. Chi cục đã mở 9 lớp tập huấn chương trình IPM, trong đó, 8 lớp trên cây lúa, 1 lớp trên cây rau. Mỗi lớp tập huấn kéo dài từ 8-14 tuần, xuyên suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa và cây rau, giúp nông dân vừa học, vừa thực hành.
Ông Hồ Văn Ba (xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa) cho biết: “Tham gia lớp tập huấn, nông dân được chia theo từng nhóm để phân tích các bệnh trên lúa, đưa ra cách khắc phục phù hợp. Chương trình IPM giúp nông dân không lạm dụng thuốc hóa học nên lúa không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác”.
Qua lớp tập huấn, những nông dân nay trở thành những "chuyên gia nông nghiệp", cầm viết, cầm sổ ghi chép nhật ký sản xuất; đồng thời, phân tích dịch hại, sâu, bệnh và đề ra phương pháp quản lý, phòng, trừ bằng cách bảo vệ cân bằng hệ sinh thái cây trồng - sâu hại - thiên địch, hạn chế thấp nhất sử dụng thuốc hóa học. Đặc biệt, những nông dân này cũng có khả năng hướng dẫn cho nhiều nông dân khác học hỏi mô hình canh tác theo chương trình IPM.
Chị Phạm Lan Châu (cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Trụ) cho biết: "Nội dung lớp tập huấn giúp nông dân chọn giống tốt, phù hợp với điều kiện địa phương; chăm sóc đúng kỹ thuật để cây sinh trưởng tốt, có sức chống chịu và cho năng suất cao; nắm được diễn biến về sinh trưởng, phát triển của cây trồng, dịch hại, thời tiết, đất, nước,... để có biện pháp xử lý kịp thời; sử dụng các biện pháp phòng, trừ thích hợp tùy theo mức độ sâu, bệnh, thiên địch ký sinh ở từng giai đoạn; sử dụng thuốc hóa học hợp lý và đúng kỹ thuật”.
Tăng năng suất, chất lượng, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Điều này đòi hỏi nông dân phải thay đổi tập quán sản xuất từ truyền thống sang hiện đại. Lớp tập huấn chương trình IPM là một trong những giải pháp góp phần thực hiện tốt vấn đề này./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cung-cap-kien-thuc-lam-nong-nghiep-hien-dai-a147146.html