Cùng có bằng ĐH, xếp lương mới GV ở hạng III, IV thiệt thòi hơn so với hạng II
Người viết cho rằng một Thông tư xếp lương ảnh hưởng đến hàng triệu giáo viên cả nước, không nên chỉ dựa vào thời gian giữ hạng để chuyển hạng I, II mới.
Ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm Thông tư 01-04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, Thông tư này có hiệu lực ngày 30/5/2023 và quy định trong thời gian 6 tháng kể từ khi Thông tư này có hiệu lực, các địa phương phải tiến hành chuyển xếp lương mới cho giáo viên.
Thông tư 08/2023, sửa đổi, bổ sung nhiều điều của Thông tư 01-04/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo dài đến 17 trang, cho thấy Bộ Giáo dục cũng đã cẩn thận, sửa đổi nhiều điều không hợp lý của Thông tư 01-04/2021, nhiều giáo viên cám ơn Bộ Giáo dục.
Chuyển từ hạng I, II cũ sang hạng I, II mới sẽ đơn giản, thuận lợi
Sau khi Thông tư 08 được ban hành, giáo viên đang giữ hạng I, II cũ ở bậc phổ thông từ tiểu học đến trung học phổ thông đa số vui mừng vì việc chuyển từ hạng I, II cũ sang hạng I, II mới sẽ rất đơn giản, gần như không cần tiêu chuẩn, nhiệm vụ gì nhiều, chỉ cần thời gian giữ hạng.
Đối với giáo viên tiểu học được chuyển từ hạng II cũ (hệ số lương 2,34-4,98) sang hạng II mới (hệ số lương 4,0 – 6,38) được quy định như sau: Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) đối với giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07) có tổng thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) và hạng II (mã số V.07.03.07) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự).
Giáo viên tiểu học đang hưởng lương hạng II cũ công tác đủ 9 năm sẽ được bổ nhiệm hạng II mới có hệ số lương tăng khá cao cho giáo viên trẻ, nhất là những giáo viên có hệ số lương 3,33-3,66 được chuyển sang hệ số lương 4,0 (tăng khoảng 1, 2 bậc lương hiện hưởng).
Giáo viên tiểu học hạng II cũ, nếu chưa đủ 9 năm công tác thì tiếp tục hưởng lương hạng II cũ, khi đủ thời gian công tác 9 năm, sẽ được bổ nhiệm hạng II mới mà không phải thi, xét thăng hạng.
Đối với giáo viên trung học cơ sở được chuyển từ hạng II cũ (hệ số lương 2,34-4,98) sang hạng II mới (hệ số lương 4,0 – 6,38) được quy định như sau: Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) đối với giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) có tổng thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) và hạng II (mã số V.07.04.11) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự).
Giống như giáo viên hạng II ở tiểu học, giáo viên trung học cơ sở đang hưởng hạng II cũ, chỉ cần đủ thời gian công tác 9 năm sẽ được bổ nhiệm hạng II mới.
Giáo viên trung học cơ sở hạng II cũ, nếu chưa đủ 9 năm công tác thì tiếp tục hưởng lương hạng II cũ, khi đủ thời gian công tác 9 năm, sẽ được bổ nhiệm hạng II mới mà không phải thi, xét thăng hạng.
Việc bổ nhiệm từ hạng II cũ sang hạng II mới của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở rất thuận lợi, chỉ cần đủ 9 năm công tác, nếu không đủ 9 năm công tác thì sau khi tiếp tục công tác sẽ được bổ nhiệm hạng II mới mà không có bất cứ rào cản nào, không cần minh chứng, hồ sơ, tiêu chuẩn, điều kiện gì.
Đối với giáo viên trung học cơ sở được chuyển từ hạng I cũ (hệ số lương 4,0-6,38) sang hạng I mới (hệ số lương 4,4 – 6,78) được quy định như sau: Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) đối với giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10).
Tức, giáo viên trung học cơ sở đang giữ hạng I cũ sẽ được bổ nhiệm hạng I mới mà không cần thời gian giữ hạng, 100% giáo viên ở hạng I cũ sẽ được bổ nhiệm qua hạng I mới, cũng không cần minh chứng, tiêu chuẩn, điều kiện gì.
Đối với giáo viên trung học phổ thông sẽ được bổ nhiệm hạng tương đương, không được lợi gì, cũng không có xuống hạng, nếu muốn bổ nhiệm lên hạng cao hơn phải trải qua kỳ thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Chuyển xếp lương theo Thông tư 08, cùng có bằng đại học, giáo viên hạng III, IV cũ thiệt thòi hơn nhiều so với hạng I, II cũ
Với quy định có những trường hợp được bổ nhiệm hạng I, II mới rất thuận lợi là điểm sửa đổi tốt được ghi nhận, cũng tạo một phần nào điều kiện cho giáo viên trẻ cải thiện thu nhập, được chuyển xếp lương lên cao, mặc dù việc chuyển này vẫn có điểm chưa được công bằng, giáo viên nào được bổ nhiệm tại thời điểm có hệ số lương 3,33 được bổ nhiệm sang hệ số lương mới 4,0 sẽ có bước tăng về lương khá mạnh (tăng 0,67 – tương ứng với tăng trước niên hạn 2 bậc lương với 6 năm công tác).
Việc không căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ để được bổ nhiệm từ hạng I, II cũ sang hạng I, II mới cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều, lo ngại sẽ có nhiều người được bổ nhiệm "nhầm hạng".
Bên cạnh đó, một băn khoăn lớn rất được chờ đợi Thông tư 08/2023 xem xét sửa đổi đó chính là việc những giáo viên hạng III, IV cũ đã có bằng đại học nhiều năm liền, đạt nhiều thành tích, tiêu chuẩn,…nhưng vẫn chỉ được bổ nhiệm hạng thấp nhất, có hệ số lương rất thấp.
Đối với giáo viên mầm non nếu có bằng đại học, nhưng trước đây bổ nhiệm hạng IV cũ (hệ số lương 1,86-4,06) hoặc hạng III cũ (hệ số lương 2,1-4,89) cũng vẫn chỉ được bổ nhiệm sang hạng III mới có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II cũ (hệ số lương 2,34-4,98) được bổ nhiệm sang hạng II mới (hệ số lương 2,34-4,98), không có đối tượng nào được bổ nhiệm lương có hệ số 4,0-6,38. Đối tượng giáo viên mầm non, có thể nói khi bổ nhiệm, chuyển xếp lương mới sẽ có nhiều thiệt thòi.
Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có bằng đại học được bổ nhiệm hạng II cũ trước đây (hệ số lương 2,34-4,98) chỉ cần đủ 9 năm công tác sẽ được bổ nhiệm hạng II mới (có hệ số lương 4,0-6,38), hệ số lương tăng đáng kể.
Cũng là giáo viên có bằng đại học nhưng nếu đang xếp ở hạng III, IV cũ thì gần như trong quy định mới không được quan tâm ưu ái gì, sẽ chỉ được bổ nhiệm hạng III mới, muốn được bổ nhiệm hạng II mới phải trải qua kỳ thi, xét thăng hạng khó khăn, cạnh tranh.
Muốn được thăng hạng thì giáo viên phải có minh chứng, có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện,…phải trải qua kỳ thi, xét thăng hạng, phải đạt và phải nằm trong chỉ tiêu, cơ cấu, vị trí việc làm,…mới có khả năng được thăng hạng, quá thiệt thòi cho giáo viên.
Giáo viên có bằng đại học 10 năm hoặc hơn nhưng vẫn hưởng lương trung cấp và sẽ chỉ được xếp hạng III mới, rất khó lên hạng II mới. Điều này là rất thiệt thòi cho họ.
Bản thân người viết đang là giáo viên trung học cơ sở, nhận công tác năm 2003, tốt nghiệp đại học chính quy năm 2011, nhận bằng năm 2012 đến nay là năm 2023 đã 12 năm có bằng đại học, hiện vẫn đang hưởng lương hạng III cũ (hệ số lương 2,1 – 4,89), do hưởng lương hạng III cũ nên so với đại học nên hiện nay gần 20 năm công tác nên hệ số lương vẫn chỉ 3,96.
Bản thân tôi làm tổ trưởng chuyên môn gần 15 năm, có nhiều thành tích như bồi dưỡng học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật, được nhận nhiều bằng khen Ủy ban nhân dân tỉnh, được nhận bằng khen Thủ tướng Chính phủ,…
Nhưng hiện nay vẫn hưởng lương hạng III cũ có hệ số lương 3,96, sắp tới dự kiến sẽ được chuyển qua hạng III mới có hệ số lương 3,99 (chênh lệch 0,03), còn việc chuyển qua hạng II mới sẽ rất khó, khi phải có trong chỉ tiêu, cơ cấu,…
Trong khi đó, trong tổ, trong trường nơi tôi công tác có vài giáo viên chưa có bất kỳ thành tích nào, nhận công tác 2013, sau thời điểm tôi là tổ trưởng và sau thời điểm tôi có bằng đại học đang hưởng lương có hệ số 3,33 hay 3,66 dự kiến sắp được bổ nhiệm lương hạng II mới có hệ số lương 4,0 (cao hơn hệ số lương một người công tác 20 năm như tôi).
Với quy định này của Thông tư 08, trong cả nước sẽ có hàng ngàn trường hợp có hệ số lương 3,33, 3,66 sẽ được bổ nhiệm chuyển sang hạng II mới có hệ số lương 4,0, trong đó sẽ có nhiều giáo viên không có thành tích nổi bật.
Việc bổ nhiệm, chuyển xếp lương theo Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT chủ yếu căn cứ vào việc bổ nhiệm hạng của Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, nhưng Thông tư 20-23/2015 bổ nhiệm hạng cũng chỉ căn cứ vào hệ số lương để bổ nhiệm hạng mới mà không quan tâm gì đến nhiệm vụ, vị trí việc làm hay hiệu quả công việc.
Ví dụ, giáo viên tiểu học khi nhận nhiệm sở năm 2010 có trình độ trung cấp (đạt chuẩn theo Luật Giáo dục khi đó), được xếp lương có hệ số lương 1,86-4,06, năm 2014 học nâng chuẩn lên đại học sư phạm nhưng không được chuyển xếp lương theo trình độ đại học (từ năm 2012 giáo viên học nâng chuẩn nhưng không được hưởng lương theo bằng cấp), đến năm 2015, dù có bằng đại học nhưng với hệ số lương đang giữ 1,86-4,06 nên chỉ được bổ nhiệm giáo viên tiểu học hạng IV theo Thông tư 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV với hệ số lương 1,86-4,06.
Đến năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT quy định bổ nhiệm, xếp lương giáo viên tiểu học, tuy nhiên do nhiều bất cập, vướng mắc nên việc chuyển xếp lương chưa thực hiện được ở nhiều nơi.
Ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm Thông tư 01-04, hiệu lực 30/5/2023, trong vòng 06 tháng sẽ chuyển xếp lương mới cho giáo viên.
Giáo viên tiểu học trên dù có bằng đại học nhiều năm nhưng do bổ nhiệm ở hạng IV cũ theo Thông tư 21/2015, nên quy định chỉ được chuyển sang hạng III mới.
Người viết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ cùng xem xét lại việc bổ nhiệm, chuyển xếp hạng của hàng ngàn giáo viên có bằng đại học cả chục năm nhưng vẫn còn hưởng lương trung cấp, cao đẳng và sắp tới chỉ có thể chuyển xếp lương hạng III mới.