Củng cố các nền tảng hợp tác tăng trưởng ASEAN - Trung Quốc
Nhiều năm trở lại đây ghi nhận sự tăng trưởng liên tục trong trao đổi thương mại giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc. Theo giới chuyên gia, đây là minh chứng rõ nét cho lợi thế về địa lý, cùng những cơ chế hợp tác có hiệu quả cao.
ASEAN giữ vững vị trí đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc
Thống kê mới nhất của Tạp chí China Report ASEAN (Trung Quốc) cho biết, từ tháng 1 đến tháng 7/2023, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đạt 3.590 tỷ Nhân dân tệ, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 2,4 điểm phần trăm so với mức tăng tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với thế giới (0,4% trong 7 tháng đầu năm).
Trao đổi thương mại với ASEAN chiếm tới 15,3% trong tổng giá trị ngoại thương của Trung Quốc, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thương mại giữa hai bên là trụ cột quan trọng trong cơ cấu ngoại thương của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Riêng trong khoảng 3 năm qua, ASEAN liên tục vượt Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) để giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Đồng thời, khoảng cách về quy mô trao đổi thương mại của ASEAN ngày càng lớn so với Mỹ và EU.
Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, trong hợp tác đầu tư cũng ghi nhận vai trò ngày càng quan trọng. Tính đến tháng 7 vừa qua, tổng vốn đầu tư giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đã vượt quá 380 tỷ USD với hơn 6.500 công ty được thành lập tại ASEAN có vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc.
Năm 2022, thương mại song phương đạt 975,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm trước và gấp 2,2 lần con số được ghi nhận cách đây 10 năm. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN liên tục trong 14 năm.
Theo giới chuyên gia kinh tế, những con số này “tô điểm” cho kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN - Trung Quốc liên tục đạt được những kỷ lục mới. Trên thực tế, nhiều năm gần đây, hai bên cùng xây dựng các mô hình đổi mới và tạo ra các kênh mới để các quốc gia thành viên ASEAN hội nhập vào sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc. Đặc biệt là việc hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng, hỗ trợ tiếp cận thị trường. Cùng với đó là nỗ lực chung trong việc mở rộng hợp tác về chuyển đổi số, kinh tế số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh và bền vững.
Trao đổi thương mại ASEAN - Trung Quốc liên tục tăng trưởng nhờ lợi thế về địa lý cùng các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA)...
Ông Hứa Ninh Ninh, Giám đốc điều hành Hội đồng kinh doanh Trung Quốc - ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp trong khuôn khổ RCEP cho rằng, tầm quan trọng của quan hệ ASEAN - Trung Quốc đang ở mức khăng khít nhất trong lịch sử, góp vai trò quan trọng đối với các lợi ích phát triển của cả hai bên.
Nhiều nâng cấp toàn diện, nhiều cơ hội bứt phá
Một bước tiến mới trong trao đổi thương mại ASEAN - Trung Quốc thời gian gần đây được dư luận quốc tế quan tâm là sự trở lại của Hội chợ ASEAN - Trung Quốc lần thứ 20 (CAEXPO 2023) sau 3 năm gián đoạn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. CAEXPO là hội chợ thường niên được tổ chức từ năm 2004 theo sáng kiến của Trung Quốc và được các nước ASEAN hưởng ứng tích cực. Từ đó đến nay, CAEXPO được xem là một nền tảng hợp tác kinh tế, thương mại đa phương lớn của ASEAN và Trung Quốc, đặc biệt thể hiện ở sự quy tụ đông đảo các nhà kinh doanh và đầu tư.
Trong lần trở lại này, CAEXPO thu hút nhiều sự quan tâm, nhất là việc diễn ra trong thời điểm hai bên kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, kỷ niệm 20 năm tổ chức CAEXPO. Đây cũng là nguồn động lực để hội chợ được tổ chức công phu hơn.
Theo Tổng thư ký CAEXPO Wei Zhaohui, hội chợ năm nay có 4 nâng cấp toàn diện, gồm: Nâng cấp toàn diện cơ chế đối thoại cấp cao; nâng cấp toàn diện hiệu quả kinh tế thương mại ASEAN - Trung Quốc; nâng cấp toàn diện “Kênh Nam Ninh”; nâng cấp toàn diện Nền tảng hợp tác không giới hạn.
Về nâng cấp toàn diện cơ chế đối thoại cấp cao, các nhà lãnh đạo hai bên tham dự CAEXPO 2023 có các bài phát biểu mang tính chiến lược và hướng tới tương lai, thảo luận về các kế hoạch hợp tác và phát triển trong thập kỷ mới, đồng thời giúp các doanh nghiệp hiểu rõ phương hướng hợp tác mới của Trung Quốc - ASEAN, từ đó nắm bắt cơ hội phát triển.
CAEXPO 2023 mở rộng hơn về quy mô, làm phong phú thêm các hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực then chốt của ACFTA phiên bản 3.0. Trong sự nâng cấp toàn diện hiệu quả kinh tế thương mại này, các cuộc họp tham vấn ACFTA 3.0 và một số cuộc họp cấp bộ trưởng sẽ được tổ chức trong thời gian diễn ra hội chợ; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp sớm gặt hái thành quả của ACFTA 3.0.
Về “Kênh Nam Ninh”, CAEXPO 2023 tổ chức hơn 20 diễn đàn cấp cao đa lĩnh vực. Năm 2023 là “Năm hợp tác phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực ASEAN - Trung Quốc”, Diễn đàn nông nghiệp ASEAN - Trung Quốc sẽ được tổ chức hướng tới mục tiêu mang đến cơ hội mới cho các doanh nghiệp ASEAN phát huy lợi thế nông nghiệp độc đáo.
Liên quan tới nâng cấp toàn diện Nền tảng hợp tác không giới hạn, CAEXPO 2023 cải thiện việc xây dựng hội chợ trực tuyến và tăng cường xây dựng Trung tâm kinh tế thương mại ASEAN - Trung Quốc và Trung tâm hội tụ hàng hóa đặc sắc ASEAN - Trung Quốc. Điều này giúp các doanh nghiệp thể tận hưởng lợi ích thực sự của “CAEXPO - không bao giờ kết thúc”, với lợi ích trưng bày không ngừng nghỉ trong suốt 365 ngày/năm.
Theo truyền thông Trung Quốc, trong các quốc gia ASEAN, Việt Nam, Malaysia và Indonesia lần lượt là 3 đối tác thương mại lớn nhất. Vì vậy, tại CAEXPO 2023, Việt Nam giành được nhiều đánh giá cao và kỳ vọng về vai trò và sự tham gia tích cực.
Trong một bài đăng, tờ China News (Trung Quốc) nhìn nhận, Việt Nam có vị trí địa lý liền kề với Trung Quốc và hai nước có mối quan hệ giao lưu, hợp tác lâu đời trên nhiều lĩnh vực. Từ khi CAEXPO lần đầu tiên tổ chức vào năm 2004 đến nay, các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam đã mở cửa thành công với thị trường Trung Quốc. Nhiều dự án đầu tư như các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng được xúc tiến và đưa vào vận hành. Những năm trở lại đây, tổng giá trị giao dịch thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại hội chợ lên tới trên dưới 50 triệu USD.
Nhiều tờ báo của Trung Quốc cũng cho rằng, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang đi vào chiều sâu nhờ tính bổ sung cao trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu, kim ngạch thương mại song phương không ngừng tăng trưởng, đạt 234,92 tỷ USD năm 2022, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam luôn là quốc gia tham gia CAEXPO với quy mô lớn nhất, hoạt động toàn diện nhất. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ để nắm bắt nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại với Trung Quốc, ASEAN và các đối tác ngoài khu vực.