Củng cố giá trị vững bền của UNCLOS 1982 và SDG 14

Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) cũng như nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14 của Liên hợp quốc (SDG 14).

Phiên họp toàn thể kỷ niệm 40 năm UNCLOS 1982 (30/4/1982-30/4/2022). Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ

Phiên họp toàn thể kỷ niệm 40 năm UNCLOS 1982 (30/4/1982-30/4/2022). Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ

4 thập kỷ vẹn nguyên giá trị

Năm 2022 đánh dấu mốc 40 năm trên chặng đường của UNCLOS 1982. Nhìn lại 4 thập kỷ vừa qua, giới chuyên gia chính trị trên toàn thế giới đều khẳng định, UNCLOS 1982 vẹn nguyên giá trị và mang tính thời đại. Trong đó, UNCLOS 1982 cung cấp một khung pháp lý toàn diện giúp quản lý các hoạt động trên biển, quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của các quốc gia trong việc gìn giữ, bảo tồn và bảo vệ môi trường biển.

Với những giá trị bao trùm như một bản Hiến pháp của đại dương, UNCLOS 1982 đóng vai trò trọng yếu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Đặc biệt là SDG 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và các nguồn tài nguyên biển một cách toàn diện, hiệu quả và thực chất. UNCLOS 1982 và SDG 14 cung cấp khung quản trị đại dương giúp quản lý, bảo vệ bền vững hệ sinh thái biển và ven biển, đặt ra nghĩa vụ pháp lý cho các quốc gia cần giảm thiểu các tác động tiêu cực từ hoạt động của con người đối với môi trường biển, cũng như thành lập cơ quan giám sát và quản lý hoạt động khu vực ngoài vùng tài phán quốc gia.

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh Biển Đông xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn kiên trì quan điểm tôn trọng và tuân thủ đầy đủ UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982.

Tại Phiên thảo luận chung cấp cao khóa họp 76 của Đại hội đồng LHQ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã kêu gọi các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và hướng đến hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Tại Phiên thảo luận chung cấp cao khóa họp 74, 77 của Đại hội đồng LHQ, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Khẳng định UNCLOS 1982 là Hiến pháp của biển và đại dương, đồng chí Phạm Bình Minh cũng kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Tại Hội nghị cấp cao LHQ về biển và đại dương (UNOC) lần thứ hai vào năm 2022, tại Thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu khẳng định, UNCLOS 1982 trải qua 40 năm ngày càng cho thấy đây là Hiến pháp của đại dương đã đóng vai trò quan trọng không thể thay thế được trong quản trị biển và đại dương, giúp làm rõ hơn quy chế các vùng biển theo UNCLOS 1982 là cơ sở để các quốc gia thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình, bao gồm việc bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển.

Cũng tại hội nghị này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh, nền tảng để thực hiện SDG 14 là việc tôn trọng và thực thi đầy đủ UNCLOS 1982, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển, trong đó có quyền thực hiện các hoạt động kinh tế biển bình thường theo UNCLOS 1982, thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.

Hạt nhân tích cực

Luôn nỗ lực tiên phong trong các nỗ lực chung của quốc tế, Việt Nam đã khởi xướng và là một trong 12 quốc gia sáng lập Nhóm Bạn bè UNCLOS 1982 với hơn 100 thành viên là Phái đoàn các quốc gia tại LHQ. Đây là minh chứng cụ thể cho cam kết của Việt Nam về việc tuân thủ, đề cao UNCLOS 1982.

Vùng biển tại tỉnh Quy Nhơn, Việt Nam. Ảnh: Thanh Trúc

Vùng biển tại tỉnh Quy Nhơn, Việt Nam. Ảnh: Thanh Trúc

Cùng với đó, Việt Nam luôn theo sát, chủ động tham gia và đóng góp thực chất trong các cuộc đàm phán điều ước quốc tế, nghị quyết của Đại hội đồng LHQ, và tuyên bố liên quan tới thực thi UNCLOS 1982 và bảo vệ môi trường biển. Trong đó bao gồm: Đàm phán văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ UNCLOS 1982 về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia; Hiệp định về trợ cấp thủy sản; Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về đại dương và Luật Biển; Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về nghề cá bền vững và Tuyên bố của Hội nghị cấp cao LHQ về biển và đại dương lần thứ hai.

Việt Nam cũng đã gia nhập một số điều ước quốc tế để thực thi UNCLOS 1982 và thực hiện bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển, như: Hiệp định năm 1994 về thực hiện phần XI của UNCLOS 1982; Hiệp định thực thi các quy định của UNCLOS 1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa; Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của Tổ chức Nông lương LHQ (FAO).

Tại các hội nghị, cơ chế quốc tế, Việt Nam chủ động, tích cực tham gia Ủy ban Nghề cá Tây Trung Thái Bình Dương (WCPFC), Nhóm công tác về đại dương và nghề cá (OWFG), Tổ chức đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA), Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển của LHQ (UNDP), Chương trình môi trường LHQ (UNEP).

Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam luôn là quốc gia tích cực tham gia và có những đóng góp quan trọng cho: Diễn đàn biển ASEAN; Diễn đàn biển ASEAN mở rộng; Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về môi trường; Nhóm công tác nghề cá ASEAN; Nhóm công tác về biến đổi khí hậu ASEAN (AWGCC)…

Việt Nam cũng luôn nỗ lực đàm phán, ký kết và nghiêm túc thực hiện các điều ước quốc tế về phân định biển với các nước láng giềng và tăng cường hợp tác quốc tế song phương về bảo vệ và sử dụng bền vững biển và đại dương. Điển hình có thể kể đến như: Việt Nam đã tiến hành đàm phán và ký 3 hiệp định phân định biển với các nước gồm Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc; nỗ lực tiếp tục đàm phán phân định vùng biển chồng lấn còn lại; tham gia xây dựng nhiều khuôn khổ hợp tác quốc tế về nghề cá, nghiên cứu khoa học biển, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và sử dụng bền vững biển ở nhiều cấp khác nhau với các nước láng giềng và các đối tác phát triển. Việt Nam đã ký Hiệp định về hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc ngày 25/12/2000 (có hiệu lực kể từ ngày 30/6/2004) và tích cực hợp tác với các quốc gia có tiềm lực mạnh về biển và các đối tác phát triển khác.

Cùng với đó, Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản và quy định pháp luật nhằm thực hiện các quy định của UNCLOS 1982 và SDG 14, như: Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW năm 2018; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 622 ngày 10/5/2017, Quyết định số 1746 ngày 4/12/2019 và Quyết định số 1507 ngày 13/9/2021. Việt Nam nỗ lực hoàn thiện khung pháp luật trong nước, đặc biệt là: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (thay thế Luật Bảo vệ môi trường 1993 và 2005); Luật Thủy sản 2017 (thay thế Luật Thủy sản 2003); Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 (thay thế Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005); Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015; Luật Biển Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013 trên cơ sở các quy định của UNCLOS 1982 và pháp luật quốc tế…

Các văn kiện pháp luật của Việt Nam đã kiến tạo nền tảng, cơ sở quan trọng, thiết lập khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý các vùng biển của Việt Nam, bảo vệ và sử dụng bền vững môi trường, tài nguyên biển, và thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững, góp phần thực thi UNCLOS 1982 và thực hiện SDG 14.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cung-co-gia-tri-vung-ben-cua-unclos-1982-va-sdg-14-post457333.html