Củng cố mối quan hệ đối tác hội nhập
Kết thúc Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU), diễn ra tại trụ sở EU ở Brussels, Vương quốc Bỉ ngày 14/12, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung, trong đó hai bên nhất trí cần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược thiết lập năm 2020 trên cơ sở đề cao luật pháp quốc tế, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, thúc đẩy phục hồi, phát triển xanh và bền vững.
Kết quả hội nghị phản ánh mong muốn của EU và ASEAN trong củng cố mối quan hệ giữa hai tổ chức khu vực hàng đầu thế giới, vốn được coi là những “đối tác hội nhập” của nhau. Hội nghị là sự kiện chưa từng có đối với cả EU và ASEAN, được tổ chức ở thời điểm 2 khu vực và thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức và bất ổn.
Bên cạnh tác động của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu..., cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài suốt 10 tháng qua dẫn tới nhiều hệ lụy, cùng với khủng hoảng năng lượng kéo dài và nghiêm trọng, lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, bất chấp những yếu tố không thuận lợi đó, theo nhận định chung của giới phân tích, cả ASEAN và EU đều có cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác tích cực và cùng có lợi.
Từ năm 2020, ASEAN và EU đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của nhau. Mối quan hệ từng bất đối xứng và một chiều giờ đây đã được thay thế bằng những lợi ích và thách thức hai bên thực sự cùng nhau chia sẻ. Trong bối cảnh địa chính trị thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, hai tổ chức này giờ đây có nhiều điểm thống nhất hơn là khác biệt.
Cạnh tranh nước lớn gay gắt hơn đang đe dọa sự hội nhập của chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế, mà cả hai tổ chức đều đóng vai trò rất lớn. Biến đổi khí hậu và những thách thức khác về môi trường, nhu cầu chuyển đổi sang năng lượng tái tạo cũng như duy trì thương mại cùng một hệ thống chuỗi cung ứng mở và bao trùm đều là những mục tiêu chung của cả ASEAN và EU.
Theo ông Frederick Kliem, nhà nghiên cứu thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), sự ủng hộ luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương và vai trò dẫn đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của EU đã thúc đẩy những quan điểm tích cực về châu Âu trong các nước thành viên ASEAN. Và chắc chắn không hề trùng hợp khi ý niệm về vai trò trung tâm của ASEAN lại chiếm vị trí chủ chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới được EU công bố.
Dựa trên cơ sở niềm tin và các mục tiêu chung đó, các nhà lãnh đạo ASEAN và EU tận dụng hội nghị cấp cao lần này để đưa ra một chương trình nghị sự hợp tác dựa trên cơ sở chất lượng, thay vì số lượng.
Có thể khẳng định trụ cột quan trọng nhất để củng cố quan hệ hợp tác giữa ASEAN và EU chính là kinh tế. Đây là lĩnh vực các nước ASEAN quan tâm nhất và cũng là lĩnh vực mà EU có nhiều kinh nghiệm nhất, đồng thời cũng ghi nhận hợp tác liên khu vực giữa hai bên đạt nhiều tiến bộ nhất.
Năm 2021, EU là đối tác lớn thứ ba của ASEAN và là nhà cung cấp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ hai trong số các đối tác đối thoại của ASEAN. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ 2 nước thành viên ASEAN là Singapore và Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với EU. Chính vì thế, hội nghị lần này là cơ hội để các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết duy trì mục tiêu thiết lập một FTA giữa ASEAN và EU, vì lợi ích của cả hai bên.
Một lĩnh vực hợp tác nhiều hứa hẹn khác giữa ASEAN và EU là tăng cường kết nối và chuyển đổi năng lượng xanh. EU đã và đang tăng tốc quá trình này, trong khi nhu cầu của các nước ASEAN cũng không kém phần cấp thiết. Nhu cầu điện năng ở Đông Nam Á hiện ở mức cao nhất thế giới, nhưng chủ yếu chỉ được đáp ứng nhờ nguồn nhiên liệu hóa thạch. Khi tiêu chuẩn sống ở ASEAN được cải thiện, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa làm gia tăng mạnh lượng tiêu thụ điện năng thì nhiên liệu hóa thạch không phải là một nguồn bền vững.
Tại hội nghị, EU công bố đóng góp 10 tỷ euro hỗ trợ triển khai chiến lược Cửa ngõ toàn cầu thông qua các dự án hợp tác, khởi động Sáng kiến Nhóm châu Âu về kết nối bền vững tại ASEAN, đồng thời triển khai Chương trình Sáng kiến Xanh trị giá 30 triệu euro hỗ trợ các dự án hợp tác cụ thể với ASEAN. Đây là những nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển tiểu vùng, hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, quản lý thiên tai, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, phòng và chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Ở những lĩnh vực cùng chung mối quan tâm khác, các nhà lãnh đạo ASEAN và EU đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, ủng hộ đối thoại và xây dựng lòng tin, kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm gia tăng căng thẳng, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Là một quốc gia thành viên có trách nhiệm, Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp hiệu quả cho sự kết nối và hợp tác chiến lược giữa ASEAN và EU thời gian qua. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định những thành quả hợp tác giữa hai bên đã tạo nền tảng và đang tiếp thêm xung lực phát triển quan hệ. Thủ tướng nhấn mạnh hai bên cần kiên trì với mục tiêu, đổi mới tư duy, hành động kiên quyết, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược phát triển cân bằng, bình đẳng, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Những nỗ lực và đóng góp của của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và EU đã được đánh giá cao. Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Igor Driesmans - Trưởng Phái đoàn EU tại ASEAN nhấn mạnh Việt Nam không chỉ là một đối tác song phương lớn, mà còn là đối tác quan trọng của EU trong hợp tác với ASEAN. Trang điện tử La Città Futura của Italy, trong bài viết với tiêu đề "Việt Nam, cầu nối quan trọng cho hợp tác chiến lược giữa EU với ASEAN", khẳng định FTA Việt Nam-EU (EVFTA) đang được xem là hình mẫu để EU tiếp tục mở rộng triển khai với toàn bộ khu vực ASEAN.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Brussels, ông Pierre Gréga, Giám đốc Trung tâm Phát triển-Phục hồi-Hội nhập và An ninh (DRIS), nhận định Việt Nam có thể tận dụng quan hệ tốt đẹp với hầu hết các nước thành viên EU hiện nay để thúc đẩy sự hợp tác giữa ASEAN và EU, như khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020.
Như đánh giá của Đại sứ Igor Driesmans, hội nghị tại Brussels cho thấy EU và ASEAN “cùng nhau lựa chọn hợp tác nhiều hơn thay vì gia tăng cạnh tranh”. Với Tuyên bố chung đề ra định hướng tương lai, chắc chắn quan hệ đối tác giữa ASEAN và EU sẽ có nhiều ý nghĩa hơn trong thời gian tới, khi những kết quả đạt được và chương trình nghị sự đề ra sẽ trực tiếp cải thiện đời sống và mang lại cơ hội cho người dân cả hai khu vực. Tiềm năng hợp tác giữa ASEAN và EU vẫn còn rất lớn, cho cả người dân, khu vực công và khu vực tư của hai bên. Trong bối cảnh đó, dư luận rất kỳ vọng vào bức tranh tổng thể tích cực trong quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức hội nhập khu vực được đánh giá là thành công nhất thế giới này.