Củng cố, nâng cao tiêu chí thu nhập

Ngày 08/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg quy định Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025. Theo bộ tiêu chí mới, việc thực hiện mục tiêu xây dựng NTM sẽ là rất khó khăn, đặc biệt là tiêu chí về thu nhập, nghèo đa chiều.

Khắc phục các tiêu chí Hụt chuẩn NTM

Qua rà soát kết quả xây dựng NTM theo Quyết định 318 của Thủ tướng Chính phủ quy định Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, 2 xã Khuôn Hà, Thổ Bình đã không đáp ứng theo Bộ tiêu chí mới. Cụ thể, đối với xã Khuôn Hà duy trì giữ vững được 16 tiêu chí, 3 tiêu chí còn lại gồm: Nghèo đa chiều, Tổ chức sản xuất, Môi trường và an toàn thực phẩm không thể cập với chuẩn. Với xã Thổ Bình, cấp ủy, chính quyền, người dân nỗ lực hết sức nhưng cũng chỉ giữ được 18/19 tiêu chí, 1 tiêu chí chưa đáp ứng đó là nghèo đa chiều. Báo cáo của UBND xã Thổ Bình, theo bộ tiêu chí mới, nghèo đa chiều đối với xã NTM phải là 13% (gồm nghèo và cận nghèo). Tuy nhiên thực tế hiện nay xã có 493 hộ nghèo trong tổng số 1.373 hộ, chiếm 35,9% đồng nghĩa với việc xã không đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chí mới.

Người dân thôn Khe Thuyền, xã Văn Phú (Sơn Dương) phát triển diện tích dâu để nuôi tằm.

Người dân thôn Khe Thuyền, xã Văn Phú (Sơn Dương) phát triển diện tích dâu để nuôi tằm.

Đồng chí Chẩu Văn Học, Chủ tịch UBND xã Thổ Bình lý giải, với một xã thuần nông như Thổ Bình, người dân chỉ sản xuất nông nghiệp thì việc đảm bảo mức thu nhập 45 triệu đồng/người/năm là vô cùng khó khăn. Theo Chủ tịch UBND xã Chẩu Văn Học, khó khăn nhưng xã cũng sẽ nỗ lực đến cùng để đáp ứng theo bộ chuẩn mới. Hiện tại xã đang phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm mời gọi các doanh nghiệp về tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động địa phương, xã cũng khuyến khích lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và xuất khẩu lao động để có nguồn thu nhập ổn định. Ngoài ra xã cũng thành lập các nhóm, tổ sản xuất thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi tạo thêm việc làm, gia tăng nguồn thu nhập cho người dân. Hiện đã có 4 chuỗi sản xuất bước đầu được hình thành gồm: Chuỗi trồng dưa, trồng ớt, nuôi dê, trồng chè đặc sản. Chủ tịch UBND xã Chẩu Văn Học khẳng định, với những giải pháp đặt ra cũng phải một thời gian ngắn nữa xã mới cập với chuẩn nghèo theo bộ tiêu chí mới.

Tương tự như huyện Lâm Bình, một số xã trên địa bàn huyện Na Hang, Hàm Yên và Chiêm Hóa, Yên Sơn dù đã đạt chuẩn ở giai đoạn 2016 - 2020 nhưng cũng không thể đáp ứng một số tiêu chí trong bộ tiêu chí của giai đoạn mới này.

Đồng chí Phạm Ngọc Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh (Yên Sơn) phân trần, rà soát và đánh giá theo bộ tiêu chí mới, xã đạt bền vững 18 tiêu chí, duy tiêu chí nghèo đa chiều xã chưa thể vượt qua. Theo bộ tiêu chí mới, bình quân thu nhập theo đầu người đối với xã NTM phải ở mức 45 triệu đồng/người/năm, tuy nhiên của xã mới chỉ đạt 36,8 triệu đồng/người/năm. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã lý giải, với một xã chủ yếu làm nghề trồng, khai thác rừng, chu kỳ của rừng từ 5 - 7 năm mới cho khai thác, thậm chí là 10 năm, trong khi giai đoạn 2021 - 2023 vừa qua, do tác động từ đại dịch Covid và kinh tế suy thoái, hoạt động khai thác, chế biến lâm sản bị ảnh hưởng điều này đồng nghĩa với việc đời sống người làm rừng bị tác động.

Kinh nghiệm từ Sơn Dương

Tổng hợp của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng tỉnh, duy nhất huyện Sơn Dương 18/18 xã đã đạt chuẩn trong giai đoạn 2016 - 2020 giữ vững được tiêu chí trong giai đoạn 2021 - 2025 này.

Anh Trần Văn Tú, thôn Nứa, xã Đông Lợi (Sơn Dương) phát triển chăn nuôi gà thịt quy mô 4.000 - 5.000 con/lứa.

Anh Trần Văn Tú, thôn Nứa, xã Đông Lợi (Sơn Dương) phát triển chăn nuôi gà thịt quy mô 4.000 - 5.000 con/lứa.

Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương chia sẻ kinh nghiệm, mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM là nâng cao mức sống của người dân nông thôn đó cũng là thực hiện tiêu chí về thu nhập, giảm nghèo đa chiều. Để thực hiện mục tiêu này huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tập trung phát triển, mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa liên kết, tổ chức sản xuất theo các mô hình kinh tế tập thể, Hợp tác xã, Doanh nghiệp gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, xúc tiến thương mại, quảng bá tiến tới xuất khẩu nông sản; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch… giúp nâng cao giá trị của sản phẩm, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Huyện cũng sử dụng có hiệu quả nguồn vốn sự nghiệp của các Chương trình MTQG để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi đã được phê duyệt cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo để nâng cao thu nhập từ sản xuất nông, lâm nghiệp; mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi, phát triển sản phẩm OCOP, hỗ trợ kinh tế tập thể, kinh tế Hợp tác xã. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho người lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và tham gia lao động xuất khẩu. Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương Giang Tuấn Anh, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã phải ghi nhận sự chủ động, nhanh nhạy của người dân trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Văn Hiến, xã Văn Phú đã mạnh dạn chuyển đổi 1ha đất ruộng không hiệu quả sang trồng dâu. Cây dâu rất hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, chỉ sau 6 tháng trồng dâu, gia đình anh đã nuôi được lứa tằm đầu tiên. Ước tính, 1 ha dâu, bình quân mỗi tháng, trừ các loại chi phí, gia đình anh thu lãi hơn 14 triệu đồng/tháng. Với nguồn thu nhập ổn định, gia đình anh Hùng đã thoát nghèo, có khoản tích lũy, vốn để mở rộng sản xuất.

Hiện toàn huyện Sơn Dương có trên 30 hộ dân tham gia trồng dâu với diện tích gần 15 ha. Toàn bộ diện tích dâu tằm được Công ty cổ phần tơ lụa Phương Nam liên kết sản xuất, tiêu thụ. Tham gia liên kết bà con được công ty hỗ trợ các khâu cung cấp giống tằm, lựa chọn giống dâu, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ ứng trước con giống, nông cụ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường.

Tổng hợp từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của huyện, nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đã hình thành chuỗi sản xuất tương đối bền vững với sự tham gia của đông đảo người dân nông thôn. Điền hình như: Chuỗi chăn nuôi, gỗ nguyên liệu, mía đường, chè, cây dược liệu… Phát triển sản xuất, tạo ra nhiều việc làm từ đó nâng cao thu nhập của người dân. Hết năm 2023, có 30/30 xã đạt tiêu chí về Lao động, Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, thu nhập bình quân đầu người đạt 53,55 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 toàn huyện giảm còn 11,85%.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/c%E1%BB%A7ng-c%C3%B3-nang-cao-tieu-ch%C3%AD-thu-nh%E1%BA%A1p-192045.html