Củng cố, nâng chất mạng lưới y tế cơ sở
Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở (YTCS), đến nay, dù hệ thống YTCS tại TPHCM cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân nhưng cũng gặp nhiều khó khăn về tổ chức, nhân lực, khả năng cung ứng dịch vụ... Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, về những giải pháp nâng chất mạng lưới YTCS trên địa bàn thành phố.
Tình trạng thiếu bác sĩ đã được cải thiện
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, tại hội thảo “Định hướng phát triển YTCS trong tình hình mới” do Bộ Y tế tổ chức mới đây, ông nêu ý kiến là cần có chính sách luân phiên bác sĩ đến công tác tại YTCS có thời hạn. Ông có thể giải thích rõ hơn quan điểm này?
PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Chủ trương luân phiên có thời hạn các bác sĩ đang thực hành ở các bệnh viện về công tác ở các trạm y tế (TYT) đã được ngành y tế thành phố triển khai từ lâu. Cụ thể, cách đây hơn 10 năm, Thủ tướng đã có Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20-2-2013 về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh, và Bộ Y tế đã ra thông tư hướng dẫn quyết định trên. Hiện nay, ngành y tế TPHCM vẫn tiếp tục thực hiện chương trình này: nguồn nhân lực của trung tâm y tế quận, huyện và bệnh viện quận, huyện lần lượt luân phiên đến các TYT thiếu bác sĩ. Mới đây, Sở Y tế TPHCM cũng hướng dẫn về các chế độ cho bác sĩ đi công tác luân phiên. Ngoài ra, năm 2023, Sở Y tế TPHCM đẩy mạnh mô hình “luân phiên các bác sĩ tình nguyện” của Đoàn Thanh niên xuống xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) và đến công tác tại TYT chăm sóc sức khỏe cho người dân xã đảo.
Hiện nay, việc thiếu bác sĩ ở TPHCM đã cải thiện chưa? Ông đánh giá việc bổ sung nhân lực cho TYT thời điểm hiện nay có cần thiết?
10 năm trước, số lượng bác sĩ/10.000 dân còn thiếu rất nhiều, ưu tiên bác sĩ cho các bệnh viện bởi người bệnh là ưu tiên số 1. Nhưng nay, TPHCM có một hệ thống các trường đào tạo bác sĩ y khoa phát triển rất mạnh, ước tính hàng năm đào tạo hơn 1.000 bác sĩ; và nhiều tỉnh, thành cũng có trường đào tạo bác sĩ. Do đó, tình trạng thiếu bác sĩ đã được cải thiện rất nhiều. Hiện nay, TPHCM đã đạt 21 bác sĩ/10.000 dân (cao nhất so với cả nước). Việc bổ sung số lượng bác sĩ công tác tại TYT là vấn đề rất cần thiết và cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Bởi vì chức năng của TYT không đơn thuần là khám chữa bệnh giống như ở bệnh viện mà còn phòng bệnh, quản lý sức khỏe. Nghĩa là, làm thế nào để người dân ở nơi cư trú ít mắc bệnh, hạn chế đến bệnh viện điều trị. Còn công tác khám chữa bệnh ở TYT vẫn có, nhưng đó là khám chữa bệnh ban đầu. Công tác khám chữa bệnh ban đầu còn áp dụng ở cả hệ thống các phòng khám tư nhân. Muốn vậy, loại hình phù hợp nhất là bác sĩ thực hành tổng quát (bác sĩ đa khoa). Qua thống kê, tỷ lệ bác sĩ đa khoa chỉ khoảng 0,25 bác sĩ/10.000 dân, so với các nước phát triển là rất thấp. Do đó, chúng tôi đang kiến nghị Bộ Y tế sớm có cơ chế chính sách để tăng tỷ lệ này tại YTCS.
Thêm nhân sự, danh mục thuốc
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa bác sĩ về YTCS thời điểm này chưa phù hợp, có thể dẫn đến lãng phí. Ông nhận định sao về vấn đề này?
Nói đến TYT, nếu chỉ nghĩ đến công tác khám bệnh là sai lầm. TYT là một tổ chức điển hình của YTCS, hoạt động khám chữa bệnh chỉ là một phần nhỏ, trong khi các hoạt động hướng đến phòng bệnh mới là chính. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai một cơ chế hoạt động cho TYT, nghĩa là không cào bằng các TYT như nhau. TPHCM có đặc điểm các TYT rất khác nhau. Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chúng tôi sẽ xây dựng chức năng của các TYT khác nhau và phân bổ bác sĩ về TYT cũng khác nhau. Tuy nhiên, ngoài chức năng khám chữa bệnh thì TYT còn nhiều hoạt động rất cần nhân lực khác. Chúng tôi đang làm đề án trình HĐND TPHCM, UBND TPHCM về củng cố và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đông. Ước tính mỗi khu phố cần ít nhất 3 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng mới đủ phục vụ.
Thời gian tới, ngành y tế cần phải làm gì để củng cố và phát triển mạng lưới YTCS bền vững?
Việc nâng cao chất lượng hoạt động của TYT là hoạt động xuyên suốt thời gian qua của ngành, trong đó củng cố cơ sở hạ tầng rất được quan tâm. Hiện nay, bằng ngân sách hàng năm, ngành y tế vẫn ưu tiên cho TYT, nâng cấp, sửa chữa theo mô hình trạm có đủ cơ sở hạ tầng hoạt động theo nguyên lý y học gia đình (đã được 50 trạm). Năm nay, ngành sẽ triển khai 146 trạm từ nguồn ngân sách của Chính phủ. Ngoài cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thích hợp cho TYT cũng rất cần thiết. Chúng tôi đã thí điểm thành công đưa một máy X-quang có trí tuệ nhân tạo về xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ), hoạt động rất hiệu quả; và sẽ tham mưu UBND TPHCM tiếp tục cho thực hiện ở những TYT xa trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì, phát triển kết nối từ xa giữa các bác sĩ công tác ở TYT với bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện để được hội chẩn, tư vấn chuyên môn từ xa.
Một hoạt động không thể thiếu là mở rộng danh mục thuốc cho TYT, ưu tiên quản lý các bệnh mạn tính không lây nhiễm như: đái tháo đường, tim mạch, phổi mạn tính, ung thư (giai đoạn chăm sóc giảm nhẹ); mở rộng danh mục thuốc BHYT tại TYT. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động và dự kiến phát triển của đơn vị, có thể bổ sung các loại thuốc khác cần thiết theo mô hình hoạt động, theo cơ cấu bệnh tật của người dân trên địa bàn quản lý, phù hợp phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế.
Bác sĩ đa khoa phù hợp với TYT
Lực lượng bác sĩ hoạt động tại TYT lý tưởng nhất là bác sĩ gia đình. Tuy nhiên, thực chất bác sĩ gia đình là một chuyên ngành, chuyên khoa; và nếu trông chờ vào đào tạo chuyên bác sĩ gia đình thì không biết bao giờ mới đủ lực lượng. Ngay cả hầu hết các nước có ngành y tế phát triển trên thế giới thì lực lượng bác sĩ gia đình cũng không đủ. Lực lượng chính của họ tham gia hoạt động khám chữa bệnh ban đầu chính là bác sĩ đa khoa, bác sĩ thực hành tổng quát. Đây là lực lượng có thể quản lý được nhiều loại bệnh tật cho người dân địa phương.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cung-co-nang-chat-mang-luoi-y-te-co-so-post685308.html