Củng cố nền móng của hệ thống y tế - Kỳ 3: Bác sĩ gắn bó với buôn làng
Nhiều năm qua, đội ngũ y tế cơ sở tỉnh Gia Lai thầm lặng, miệt mài cống hiến chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Các y-bác sĩ gắn bó với buôn làng, khám chữa bệnh ban đầu, điều tra dịch tễ, triển khai các chương trình mục tiêu y tế quốc gia... góp phần đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thiên-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Pa: Khó khăn lớn nhất của đội ngũ y-bác sĩ công tác tại trạm y tế xã là địa bàn dân cư rộng, đa số là người dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn. Tuy vậy, với những nỗ lực âm thầm và cống hiến không mệt mỏi, các y-bác sĩ đang góp phần rút ngắn khoảng cách về y tế giữa các địa phương.
Trung tâm luôn quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ y-bác sĩ cơ sở học tập nâng cao tay nghề cũng như phân công các bác sĩ tăng cường xuống xã hỗ trợ chuyên môn, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở yên tâm bám buôn làng phục vụ Nhân dân.
Lặng thầm cống hiến
12 năm gắn bó với buôn làng, bác sĩ Ksor H’Saly-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chư Mố (huyện Ia Pa) đã trải qua nhiều thăng trầm. Nhìn lại chặng đường đã qua, chị bày tỏ: “Tôi rất vinh dự được khoác lên mình tấm áo blouse trắng thực hiện ước mơ chữa bệnh cứu người. Nghề y vốn vất vả nhưng cũng đầy tự hào. Bản thân tôi luôn tự nhắc nhở mình phải không ngừng cố gắng bởi vì cứu người hay giết người chỉ cách nhau gang tấc mà thôi”.
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Y sĩ đa khoa, chị H’Saly về nhận công tác tại Trạm Y tế xã Ia Tul, huyện Ia Pa. Nhưng nhận thấy chưa thể làm tốt công tác chuyên môn như mình mong muốn, năm 2016, chị thi vào Trường Đại học Tây Nguyên, chuyên ngành Bác sĩ đa khoa. Năm 2021, bác sĩ H’Saly được bổ nhiệm làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chư Mố.
Sinh ra từ làng nên chị hiểu cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn; nhiều tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại như: sinh con tại nhà, đau ốm mời thầy cúng về đuổi tà ma… Bằng những kiến thức học được và nhiệt huyết tuổi trẻ, chị đã cùng đồng nghiệp không quản ngại nắng mưa gõ cửa từng nhà tuyên truyền, vận động dân làng từng bước thay đổi nhận thức.
Chị còn nhớ rất rõ trường hợp bà Ksor H’Toanh ở buôn Plơi Apa Ơi H’Briu, xã Chư Mố. Vì quá sợ hãi lại thiếu hiểu biết nên đầu năm 2024, sau khi bác sĩ kết luận bị bệnh tiểu đường, bà H’Toanh đã từ chối điều trị theo phác đồ mà trốn về nhà, nhờ thầy cúng chỉ cách.
Tin lời, bà cúng 1 con heo trị giá 4 triệu đồng, xúc một phần đất dưới gầm nhà sàn đổ đi chỗ khác vì thầy cúng bảo nơi đó vong hồn người chết trú ngụ quấy phá. Tuy nhiên, sau 1 tháng, bệnh tình của bà không hề thuyên giảm mà có dấu hiệu nặng thêm. Biết được trường hợp của bà H’Toanh, bác sĩ H’Saly đã đến tận nhà thăm hỏi và hướng dẫn cách điều trị.
“Cúng bái, trừ tà ma không làm bệnh tình thuyên giảm mà chỉ khiến bà con tiền mất tật mang. Có bệnh phải trị bệnh, cách tốt nhất là đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị. Bây giờ, y học hiện đại, đội ngũ y-bác sĩ có tay nghề cao nên bà con yên tâm. Có thẻ bảo hiểm y tế rồi, bà con không phải quá lo lắng về chi phí chữa bệnh nữa”-bác sĩ H’Saly chia sẻ.
Sự nhiệt tình, trách nhiệm của bác sĩ H’Saly đã giúp bà H’Toanh thay đổi thói quen cố hữu vốn ăn sâu trong tiềm thức. Sau lần được chị H’Saly thăm khám, điều trị, bà H’Toanh thường xuyên đến cơ sở y tế lấy thuốc và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đợt tái khám gần nhất, chỉ số đường huyết của bà đã giảm đáng kể.
Vui mừng vì sức khỏe khá lên, mỗi lần gặp bác sĩ H’Saly, bà H’Toanh đều tay bắt mặt mừng. Có bó rau, con cá, bà mang đến trạm biếu bác sĩ thay lời cảm ơn. Bà thường nói với mọi người: “H’Saly đúng là bác sĩ của buôn làng”.
Công tác tại Trạm Y tế xã Lơ Ku (huyện Kbang) từ năm 1996 đến nay, bác sĩ Lê Đức Hải-Trạm trưởng Trạm Y tế xã-cũng không thể nào quên giây phút cứu sống người bệnh giữa lằn ranh sinh-tử. Đó là một buổi chiều mưa năm 1997, khi đang trực, bác sĩ Hải nhận được tin báo một sản phụ ở làng Tăng đang trong tình trạng nguy kịch. Vội vã xuống làng, bác sĩ Hải không khỏi giật mình khi trước mắt mình, sản phụ đang trong tình trạng bụng đau dữ dội, cơ thể phù nề. Người nhà cho biết, 5 ngày qua, chị không đi tiểu được.
Qua thăm khám, bác sĩ Hải chẩn đoán sản phụ bị sỏi thận, viên sỏi theo nước tiểu rơi xuống rồi mắc kẹt ở niệu đạo gây tắc tiểu. “Tôi tiến hành gắp viên sỏi ra, dùng ống thông tiểu. Sau đó, bệnh nhân đi tiểu được, sắc mặt tỉnh táo. Qua trò chuyện, tôi biết thêm, sản phụ mang bầu 8 tháng. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đường sá xa xôi lại chủ quan nên khi bệnh diễn biến nặng đã không kịp trở tay”-bác sĩ Hải nhớ lại.
Khắc nhớ phút giây sinh tử, bà Đinh Thị Nương luôn thầm cảm ơn bác sĩ Hải đã cứu giúp mình. “Năm đó, nhờ bác sĩ Hải kịp thời đến cấp cứu, mẹ con tôi mới thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Từ đó, mỗi khi đau bệnh, gia đình tôi đều chủ động đến Trạm Y tế xã nhờ bác sĩ Hải thăm khám. Vừa giỏi chuyên môn vừa giàu y đức, bác sĩ Hải được bà con dân làng quý mến, coi như người nhà”-bà Nương bộc bạch.
Đưa dịch vụ y tế đến gần với người dân
Bác sĩ H’Saly tâm sự: Trước đây, đường giao thông chưa được thảm nhựa hay bê tông hóa nên đi lại rất khó khăn, đặc biệt là mùa mưa. Cùng với đó, bà con lại tin vào các hủ tục. Thấy cảnh đó, chị quyết tâm đi học với mong muốn trở thành bác sĩ chữa bệnh cho dân làng. Tuy vậy, những ngày đầu, công tác khám-chữa bệnh gặp nhiều khó khăn.
Từ những bệnh nhân đầu tiên được chị H’Saly chữa khỏi mà không cần lá thuốc, không tốn heo, bò mời thầy cúng bái, dân làng bắt đầu thay đổi nhận thức. Có được niềm tin, chị cùng cán bộ trạm thường xuyên đến tận nhà hướng dẫn, tuyên truyền bà con kiến thức phòng-chống dịch bệnh, ăn uống hợp vệ sinh, xây dựng nếp sống mới.
Nhờ đó, Trạm Y tế xã Chư Mố trở thành địa chỉ tin cậy, số lượt bệnh nhân tới khám-chữa bệnh đông nhất trong huyện. Không chỉ bệnh nhân mắc bệnh thông thường như hô hấp, tiêu hóa, da liễu mà cả các bệnh mãn tính như huyết áp, lao… cũng đến khám, điều trị.
Cùng với việc khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc, điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ H’Saly còn cùng nhân viên y tế của trạm tận tình tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng-chống một số bệnh truyền nhiễm và cách sinh hoạt lành mạnh để bảo vệ sức khỏe. Trung bình mỗi tháng, trạm tiếp nhận khám-chữa bệnh cho gần 400 lượt người.
Được Trạm Y tế xã Chư Mố hỗ trợ điều trị bệnh lao gần 1 năm nay, ông Kpă Leng (thôn Plơi Apa Ama Đá) không giấu được vui mừng khi sức khỏe tốt lên nhiều. Ông Leng kể: Tháng 5-2023, qua khám sàng lọc, bác sĩ phát hiện ông mắc bệnh lao nhưng ông không tin. Ông bảo trước nay ông vẫn ho vậy rồi tự khỏi, chẳng cần thuốc men. Do không được điều trị kịp thời, 3 tháng sau, bệnh ông trở nặng phải nhập viện cấp cứu.
“Giờ thì tôi tin bác sĩ rồi. Lúc trước, mỗi ngày hút 2 gói thuốc lá, nay tôi đã bỏ rồi. Hàng ngày, tôi uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ; hết thì lại lên Trạm Y tế xã tái khám và xin thuốc mới. Nhờ có thẻ bảo hiểm y tế nên tôi không mất tiền. Giờ tôi không còn tức ngực, khó thở nữa, chỉ không làm được việc nặng thôi”-ông Leng chia sẻ.
Cơ sở vật chất đảm bảo, chất lượng khám-chữa bệnh nâng lên giúp người dân ngày càng tin tưởng, yên tâm đến trạm y tế thăm khám, điều trị; từ đó, giảm áp lực cho tuyến trên. Ông Đinh Phơi-Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Ku-cho biết: Hiện nay, hơn 80% dân số trên địa bàn xã đến trạm y tế khám bệnh khi đau ốm; 87,5% số sản phụ đến trạm y tế sinh con; hơn 80% số hộ làm nhà vệ sinh; tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ có thai đạt cao.
Hàng tháng, công chức chuyên môn xã phối hợp với nhân viên Trạm Y tế xã tuyên truyền phòng-chống lao, HIV, suy dinh dưỡng trẻ em, dân số-kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền làm mẹ an toàn… Nhờ đó, nhận thức của người dân trong phòng ngừa dịch bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe được nâng lên; dịch bệnh sớm được khống chế, đẩy lùi. “Nhiều năm nay, trên địa bàn xã không có dịch sốt xuất huyết, tiêu chảy, nhiễm độc, an toàn vệ sinh được đảm bảo”-ông Phơi phấn khởi nói.
Bác sĩ Vũ Trung Hiếu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kbang-thông tin: “Toàn huyện có 14 trạm y tế xã, thị trấn với gần 70 cán bộ, nhân viên y tế; 100% trạm y tế có bác sĩ; 13/14 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế. Những năm qua, đội ngũ y tế tuyến xã đã khắc phục khó khăn, bám địa bàn, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật, giúp cho chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng được cải thiện”.
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thiên-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Pa: Khó khăn lớn nhất của đội ngũ y-bác sĩ công tác tại trạm y tế xã là địa bàn dân cư rộng, đa số là người dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn. Tuy vậy, với những nỗ lực âm thầm và cống hiến không mệt mỏi, các y-bác sĩ đang góp phần rút ngắn khoảng cách về y tế giữa các địa phương. Trung tâm luôn quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ y-bác sĩ cơ sở học tập nâng cao tay nghề cũng như phân công các bác sĩ tăng cường xuống xã hỗ trợ chuyên môn, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở yên tâm bám buôn làng phục vụ Nhân dân.