Củng cố vị thế của Mặt trận Tổ quốc trong kỷ nguyên mới

Việc sắp xếp, hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam là một bước tiến quan trọng trong công tác tổ chức bộ máy và hoạt động, qua đó góp phần củng cố hơn nữa vị thế của MTTQ Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Để thông tin người dân hiểu rõ hơn về tổ chức bộ máy mới, phóng viên Báo và Phát thanh, Truyền hình Khánh Hòa có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Hậu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh.

Ông Phạm Văn Hậu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh.

Ông Phạm Văn Hậu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh.

- Xin ông cho biết về ý nghĩa đặc biệt của việc sắp xếp, hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam và đâu là những thay đổi rõ nét nhất về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của khối Mặt trận, đoàn thể?

- Sắp xếp, hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định để đất nước vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới. Đây là vấn đề cấp bách, cần thiết, không thể chậm trễ hơn và là chủ trương được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, việc sắp xếp không chỉ để tiết kiệm chi phí vận hành bộ máy, dành nguồn lực đầu tư phát triển, an sinh xã hội mà hướng đến mục tiêu xây dựng bộ máy tinh gọn; tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy; hướng hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị đến gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn, thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, khắc phục được những tồn tại chung trong hoạt động MTTQ mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra “Mô hình tổ chức bộ máy của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng còn chậm đổi mới, chưa thực sự gần dân, sát dân; vẫn còn tình trạng “một việc nhiều tổ chức cùng làm”, dẫn đến thành tích không rõ ràng, khuyết điểm không biết ai chịu trách nhiệm”. Qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển vươn mình trong kỷ nguyên mới của đất nước, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và nâng cao đời sống Nhân dân. Ngoài ra, việc sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị cũng là cơ hội để sàng lọc, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có phẩm chất, năng lực tốt.

Thay đổi lớn nhất của sắp xếp lần này là tinh gọn tối đa các tổ chức chính trị - xã hội, chuyển các bộ phận có chức năng trùng lặp về MTTQ để thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung. Theo đó, các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc UBMTTQ chịu sự quản lý về biên chế (phân bổ chung về Mặt trận), kinh phí hoạt động; MTTQ chủ trì hiệp thương phối hợp, thống nhất hành động, định hướng hoạt động, chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện là Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương; người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội ở tất cả các cấp sẽ cơ cấu làm Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam các cấp. Tuy nhiên, tổ chức chính trị - xã hội vẫn giữ tính độc lập tương đối, vẫn tổ chức đại hội, vẫn có điều lệ, có tư cách pháp nhân, tài khoản, con dấu riêng.

- Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, MTTQ Việt Nam tỉnh xác định sẽ quyết liệt đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhất là trong công tác chuyển đổi số. Vậy, xin ông cho biết, Mặt trận sẽ có sự chuyển đổi như thế nào để từng bước xây dựng “MTTQ số Khánh Hòa” đáp ứng yêu cầu của thời đại và đúng như tinh thần chỉ đạo của ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại lễ công bố thành lập Cơ quan UBMTTQ Việt Nam tỉnh?

- Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ đột phá để đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể, Cơ quan UBMTTQ Việt Nam tỉnh sẽ rà soát xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 57 ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, chuyển đổi số trong Cơ quan UBMTTQ Việt Nam tỉnh phải đạt được các mục tiêu: Nâng cao toàn diện chất lượng quản lý, điều hành và tham mưu của các cơ quan MTTQ và thành viên, nhất là xây dựng các nền tảng chia sẻ đồng bộ nền tảng của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Tỉnh ủy nhằm nắm đúng và sát được tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, các tổ chức thành viên, Nhân dân để hoạt động MTTQ thật sự “gần dân, sát dân”; hoàn thành xây dựng bộ dữ liệu quản lý MTTQ và các tổ chức thành viên; xây dựng nền tảng đánh giá KPI (Bộ công cụ đo lường, đánh giá kết quả, hiệu quả công việc) để đo lường kết quả các hoạt động phong trào của Mặt trận và đoàn thể để các hoạt động này phải mang tính thực chất, hướng đến mục tiêu “Phát huy sức mạnh sáng tạo to lớn của các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”; vận hành thông suốt và thực hiện nghiêm bộ công cụ KPI gắn với xử lý toàn bộ hồ sơ văn bản điều hành qua hệ thống phần mềm quản lý công việc số của toàn tỉnh; thực hiện phòng họp không giấy tờ.

Triển khai hiệu quả và thực chất, lan tỏa mạnh mẽ chủ trương phát động phong trào “Bình dân học vụ số” của Tổng Bí thư Tô Lâm với phương châm “Kiến thức là nền tảng, công nghệ là công cụ để tiến xa” nhằm tạo ra được phong trào tự giác học và trang bị tri thức số, chủ động tham gia vào không gian số, qua đó nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế gia đình và thích nghi với sự phát triển của công nghệ, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh. Trong đó, phong trào phải bắt đầu từ gia đình, cá nhân từng đoàn viên, hội viên và lan tỏa toàn xã hội, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, ít có điều kiện tiếp cận công nghệ, người dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số như ông vừa chia sẻ, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Cơ quan UBMTTQ Việt Nam tỉnh trong tình hình mới, Mặt trận sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào thưa ông?

- Với yêu cầu nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới là mọi hoạt động của Mặt trận cần hướng tới mục tiêu cao nhất là giữ vững và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng thuận trong xã hội, sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tạo được sự gắn kết cộng đồng, quy tụ và huy động được sức mạnh của dân làm nền tảng để “phát huy sức mạnh sáng tạo to lớn của các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của Mặt trận trong việc phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân”.

Theo đó, MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Một là, tập trung chỉ đạo ổn định và kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên 2 cấp; ban hành quy chế làm việc khoa học, sát với yêu cầu nhiệm vụ mới của MTTQ; phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, hoàn thành ngay sau hợp nhất. Hai là, tập trung rà soát, điều chỉnh chương trình, kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm sát yêu cầu mới; trong đó tập trung chỉ đạo hoàn thành Đại hội MTTQ 2 cấp ngay sau đại hội đảng bộ xã, phường và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ba là, quyết liệt đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận theo hướng sát với tâm tư, nguyện vọng Nhân dân, tạo sự gắn kết, đồng thuận cộng đồng, từ đó tập hợp và huy động cao nhất sức mạnh của Nhân dân để “phát huy sức mạnh sáng tạo to lớn của các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã đề ra”. Đồng thời, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng đảm bảo 6 rõ “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ kết quả đảm bảo thực chất và đo lường được” hướng về cơ sở; ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số để tăng cường năng lực quản lý, điều hành, tham mưu; tăng cường giám sát kết quả thực hiện theo KPI đặt ra; gắn kết quả với công tác cán bộ và đánh giá công chức, viên chức, biên chế để nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác Mặt trận. Bốn là, làm tốt công tác nắm bắt tâm tư, tuyên truyền, gìn giữ sự đoàn kết nội bộ, đoàn kết trong Nhân dân, xây dựng văn hóa công sở dân chủ, thân thiện, sáng tạo và trách nhiệm; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận, đặc biệt là cán bộ trẻ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn mới. Năm là, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị, đặc biệt là với cấp ủy, HĐND, UBND các cấp trong việc vận hành bộ máy địa phương 2 cấp để phát huy đầy đủ vai trò của Mặt trận trong công tác giám sát, phản biện xã hội; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; phát huy dân chủ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường vai trò kết nối, tạo đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng liêm chính, vững mạnh, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn. Sáu là, tiếp tục triển khai thực hiện tinh giản bộ máy các hội quần chúng nhà nước giao nhiệm vụ.

- Thưa ông, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận đóng vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân - là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Từ yêu cầu của thực tiễn hiện nay, theo ông, Cơ quan UBMTTQ Việt Nam tỉnh cần làm gì để xây dựng được đội ngũ cán bộ Mặt trận ngang tầm nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của Nhân dân?

- Với vai trò quan trọng và yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của MTTQ đòi hỏi năng lực và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác mặt trận phải được nâng lên. Để nâng cao năng lực và chất lượng cán bộ, công chức, MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tập trung vận hành hiệu quả bộ công cụ đánh giá KPI để kiểm soát công việc, tăng trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu năng làm cơ sở đánh giá cán bộ, công chức, tinh giản, sắp xếp biên chế; tăng cường công tác đào tạo cán bộ, công chức làm công tác mặt trận, đoàn thể.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

CẨM VÂN (Thực hiện)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202507/cung-co-vi-the-cua-mat-tran-to-quoc-trong-ky-nguyen-moi-81c21be/