Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội: 60% nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường là do xe máy
Thành phố Hà Nội sẽ kêu gọi doanh nghiệp cung ứng phương tiện xanh đưa ra chế độ ưu đãi nhất để người dân chuyển đổi xe chạy xăng sang xe điện, thậm chí hỗ trợ vào giá thành...

Chưa bao giờ vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí lại đặt ra những yêu cầu cấp bách, đòi hỏi phải có hành động quyết liệt như hiện nay, nhất là tại Hà Nội – ô nhiễm không khí luôn là vấn đề "nóng"
Tại tọa đàm “Quyết liệt Bảo vệ môi trường, bảo vệ người dân Thủ đô” do Cổng Thông tin Báo Điện tử Chính phủ tổ chức chiều 15/7 tại Hà Nội. Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, quá trình quản lý phát triển Hà Nội xác định phải “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay rất cấp bách, đe dọa trực tiếp sức khỏe người dân. Ảnh hưởng và thách thức đến các mục tiêu của phát triển Hà Nội.
HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI XE MÁY XĂNG
Theo lãnh đạo Hà Nội, lịch sử phát triển của các thành phố lớn trên thế giới đều trải qua thời kỳ rất khó khăn liên quan tới kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong đó có các vấn đề ô nhiễm không khí, dòng sông. Vì vậy, Trung ương và thành phố Hà Nội sớm xác định khắc phục việc ô nhiễm môi trường là mục tiêu quan trọng.

Ông Dương Đức Tuấn, phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội
Ông Tuấn cho hay, Hà Nội cũng đang lên phương án xử lý các dòng sông ô nhiễm, nhất là khu nội đô lịch sử để hồi sinh, sống lại các dòng sông nội đô như sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sông Nhuệ… và tập trung kiểm soát quy trình thu gom rác thải, xử lý vấn đề nhựa sử dụng một lần với quy mô vô cùng lớn.
Cũng theo Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội, một trong những vấn đề ô nhiễm môi trường mà Hà Nội gặp phải là do giao thông mang lại, nhất là khi người dân sử dụng các phương tiện giao thông hiện nay phần lớn là xe chạy xăng dầu, phát sinh ô nhiễm không khí rất lớn.
“Tại các nước hiện đại, người dân và xã hội sử dụng xe điện, xe sử dụng các khí hỗn hợp. Ngoài ra, còn có đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao với điện khí hóa thân thiện môi trường”, ông Tuấn nêu.
Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội cho biết, vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường và ùn tắc đã được Trung ương và thành phố Hà Nội nhiều lần xác định tại các Nghị quyết, Nghị định, các luật pháp có liên quan nhằm đưa ra biện pháp để bảo vệ môi trường. Mục tiêu chung là hướng tới bảo vệ môi trường, an sinh xã hội. Tuy nhiên, các dấu hiệu ô nhiễm tại Hà Nội đang ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 20 ngày 12/7, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo Phó Chủ tịch Hà Nội, Chỉ thị 20 có nội dung cấp bách, khá toàn diện, trong đó có xác định các phương tiện cá nhân là nguồn phát thải ô nhiễm chính.
Hiện, thành phố Hà Nội có dân số là 8,5 triệu người, riêng phương tiện giao thông có trên 8 triệu chiếc, trong đó có 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu xe máy.
Tại khu vực Vành đai 1, số lượng xe máy 450.000 chiếc, với dân số 650.000 người, đây là khu vực phố cổ, phố cũ, trung tâm hoàn thành, trung tâm chính trị Ba Đình, nơi phải có chất lượng sống, không khí cao nhất, đảm bảo tốt nhất và tại Chỉ thị số 20 của Thủ tướng yêu cầu cũng được đưa ra cao nhất.
Lãnh đạo Hà Nội khẳng định: Đối với phương tiện xăng dầu, nhất là xe máy, đây là nguyên nhân gây ô nhiễm chiếm 60%. Trong các phương tiện xe máy thì 70% là phương tiện cũ mà các tiêu chuẩn để kiểm soát khí thải hiện nay vẫn còn hạn chế, khó kiểm soát.
Vì vậy, theo ông Tuấn, Chỉ thị 20 của Thủ tướng rất tương đồng với Luật Thủ đô, bởi tại Luật Thủ đô, thành phố Hà Nội có xác định kiểm soát vùng phát thải thấp; kiểm soát nghiêm ngặt tới các yếu tố, nhân tố gây ô nhiễm môi trường trong Vành đai 1, Vành đai 2, 3, tiến tới mở rộng 4, 5 nơi phụ thuộc liên vùng với các tỉnh.
“Riêng Vành đai 1, 2 và 3 là vùng nội đô, hướng tới phát thải phải thấp thì mục tiêu và kế hoạch của thành phố Hà Nội sẽ áp dụng biện pháp, giải pháp quyết liệt, đồng bộ và toàn diện”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, Chỉ thị 20 có nêu cụ thể từ ngày 1/7/2026 xe gắn máy, mô tô xăng dầu không lưu hành Vành đai 1. Từ ngày 1/1/2028, sẽ không sử dụng mô tô, xe máy và hạn chế ô tô trong Vành đai 1, 2. Năm 2030 không lưu hành xe máy, mô tô và ô tô chạy xăng dầu từ Vành đai 3.

Bản đồ đường vành đai 1-2-3 của Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đưa ra chế độ ưu đãi về giá thành xe điện; đồng thời Hà Nội sẽ miễn các loại phí 100%. Đối với xe xăng dầu, chắc chắn sẽ hạn chế.
ĐẦU TƯ ĐỒNG BỘ HẠ TẦNG GIAO THÔNG CÔNG CỘNG
Đề cập đến giải pháp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, đối với Vành đai 1 (hạn chế xe máy xăng dầu từ ngày 1/7/2026), thành phố Hà Nội sẽ chuẩn hóa quy hoạch, thậm chí xem xét đầu tư công để xây dựng hạ tầng xe điện.
Ngoài ra để đảm bảo an toàn cho các đối tượng sử dụng, thành phố cũng sẽ có giải pháp liên quan đến sử dụng pin xe điện, phòng cháy chữa cháy với hạ tầng và tiêu chuẩn, quy chuẩn đồng bộ, hiện đại; có trạm đổi pin xe với sự tham gia của nhiều hãng, tránh độc quyền.
"Đây không phải là hạn chế ngay phương tiện cá nhân, mà là chuyển đổi. Mục tiêu là nhằm tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, xác lập hệ thống xe buýt, đường sắt đô thị. Tổ chức mạng lưới hệ thống giao thông công cộng đa phương thức thích hợp nhất, phù hợp nhất", ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, trong tuyến đường Vành đai 1 và Vành đai 2 sẽ phải tổ chức mạng lưới hệ thống giao thông công cộng đa phương thức thích hợp nhất, hiện đại nhất, thông minh nhất.
Hà Nội sẽ đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông công cộng, trên cơ sở tổ chức lại mạng lưới giao thông đa phương thức, cấu trúc lại hệ thống xe buýt, chuyển đổi hoàn toàn sang xe buýt điện vào năm 2030.
"Hiện nay Vành đai 1 mới chỉ được 11/45 tuyến xe buýt điện. Bản thân xe buýt cũng phải chuyển đổi. Chúng tôi sẽ tăng cường mạng lưới xe buýt quy mô trung bình 8-12-16 chỗ. Hiện nay loại hình này tỏ ra rất hiệu quả khi triển khai hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trong khu vực Vành đai 1 để tạo thành mạng lưới phủ rộng hơn", ông Tuấn thông tin.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng loại hình taxi xe điện kiểm soát bổ trợ, thiết lập các loại hình trung chuyển xe điện ở mức độ nhỏ hơn quy mô 4 chỗ, tạo mạng lưới khép kín trong khu vực Vành đai 1, phát triển lan tỏa Vành đai 2 trong tương lai với lộ trình đến năm 2028 tiến tới 2030 cho các vành đai.
Đối với hệ thống xe buýt này, thành phố sẽ cố gắng kết hợp với các tuyến đường sắt đô thị, hiện nay đã đưa vào sử dụng đường sắt Cát Linh - Hà Đông, một phần tuyến Nhổn - Ga Hà Nội.
Đến năm 2025 và 2030, Hà Nội phải hoàn chỉnh các tuyến đường sắt đô thị số 2, số 3 và số 5 và nhánh 2A (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo); Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, Nam Thăng Long - Nội Bài hay tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, Nhổn - Sơn Tây.
"Hiện tỷ lệ này toàn thành phố còn hạn chế, mới chỉ khoảng 20%. Thời gian tới, đến 2030, tỷ lệ này sẽ phải cố gắng nâng tới 35%, thậm chí 40%. Trong quá trình phát triển đường sắt đô thị, cấu trúc lại hệ thống xe buýt, chắc chắn chúng tôi cũng sẽ cố gắng nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng trước mắt cho Vành đai 1 lên gấp đôi so với tỷ lệ chung của toàn thành phố, bảo đảm 40%", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội bày tỏ hy vọng lợi ích hài hòa trong vấn đề này sẽ bảo đảm hết tất cả, không có hiện tượng đột ngột, đứt gãy, khó khăn, bất khả thi.