'Cùng con đi tiếp cuộc đời' và hành trình 'gieo mầm xanh' của những người làm báo

'Năm lớp 5, tôi mất cha. Lớp 6, mẹ tôi cũng qua đời. Mồ côi cha mẹ từ tấm bé, tôi thấm thía nỗi cô đơn, buồn tủi và nhọc nhằn của hàng nghìn em nhỏ mất cha mẹ sau đại dịch Covid-19', nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập báo Thanh Niên, lặng người, thương cảm trước thông tin khoảng 2.000 em nhỏ đang sống đủ đầy, hạnh phúc, bỗng trở nên bơ vơ trên cõi đời này sau khi đại dịch Covid-19 càn quét TP Hồ Chí Minh.

Một dự án cấp tốc thành hình, đối mặt với bao gian truân kiếm nguồn hỗ trợ cho các em tới khi 18 tuổi, nhưng sức mạnh của tình người lan tỏa từ dự án “Cùng con đi tiếp cuộc đời” đã khiến cho chương trình không ngừng mở rộng hỗ trợ với khoảng 2.000 trẻ mồ côi được tiếp sức trong cuộc sống.

Đại gia đình mang tên “Mái nhà Thanh Niên”

Ngược thời gian về tháng 9/2021, Covid-19 đã gây ra hậu quả vô cùng thảm khốc cho các tỉnh phía nam, đặc biệt là địa bàn TP Hồ Chí Minh, cướp đi tính mạng hàng nghìn người dân, để lại một thế hệ trẻ mất nơi nương tựa. Trong căn phòng làm việc, nhìn ra thành phố lặng ngắt vì giãn cách, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, khi đó là Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên, không ngừng suy nghĩ mình cần làm gì cho các em lúc này. Ông bốc máy, gọi điện xin ý kiến Tổng biên tập và hội ý với Ban Biên tập Báo Thanh Niên về một ý tưởng táo bạo: triển khai chương trình hỗ trợ cho các em mồ côi.

Trong suốt những năm tháng làm nghề của mình, chưa lúc nào, những dòng chữ từ Báo Thanh Niên phát động quyên góp thiện nguyện bảo trợ trẻ mồ côi lại mang cho ông cảm giác hồi hộp và đầy xúc cảm đến vậy.

Tòa soạn Báo Thanh Niên đã khởi động một chương trình chưa bao giờ có trong lịch sử, là vận động giúp đỡ bảo trợ trẻ em mồ côi ngay khi đại dịch vẫn còn hoành hành. Những ngày ấy, từ Ban Biên tập, Ban Thư ký tòa soạn cho đến các phóng viên, biên tập viên của báo đã đi đến khắp nơi, tận các ngõ hẻm của TP Hồ Chí Minh để viết bài đăng phát trên các ấn phẩm của Thanh Niên nhằm kêu gọi và trao tiền hỗ trợ khẩn cấp; đồng thời cũng ngược lên phía Bình Dương, xuôi về Long An để kịp thời hỗ trợ cho các em.

Sau khi dịch qua đi, diễn biến đời sống kinh tế hậu đại dịch gặp nhiều khó khăn, kéo dài nhiều năm, do vậy sự ảnh hưởng của tình hình tài chính bổ sung cho dự án gặp hạn chế. Mặc dù vậy, Báo Thanh Niên đã tích cực vận động đều đặn và quyết tâm. Nhờ đó số trẻ em được bảo trợ ngày càng nhiều hơn mà chủ yếu thuộc nhóm những gia đình khó khăn nhất và các em có nguy cơ bỏ học cao nhất.

Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Toàn (thứ 3, từ trái sang) cùng gia đình 2 anh em Trí và Vy được chương trình nhận hỗ trợ.

Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Toàn (thứ 3, từ trái sang) cùng gia đình 2 anh em Trí và Vy được chương trình nhận hỗ trợ.

Sự hỗ trợ của chương trình đã nối con đường các em đến trường, từ khoản tiền chu cấp hằng tháng của chương trình. Bên cạnh đó, từ tiêu chí lúc đầu là bảo trợ các em đến năm 18 tuổi, có một số nhà bảo trợ do lâm vào tình trạng khó khăn, đã rút xuống thời hạn bảo trợ 1 năm hoặc 2, 3 năm. Báo Thanh Niên đã lập tức kêu gọi nguồn bảo trợ thay thế, không để tình trạng bảo trợ bị đứt khúc, kịp thời giúp các gia đình và các em ổn định đời sống.

Chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” luôn phối kết hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức Đoàn, Hội, với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, các quận, huyện và xuất phát từ tính nhân văn, tử tế từ tâm của những người làm báo, nhằm tạo ra sự tin cậy, yêu mến của các bậc phụ huynh, các gia đình. Nhiều người thực hiện chương trình ở Báo Thanh Niên đã được các em xem như là cha mẹ, cô dì, chú bác trong một đại gia đình lớn dưới mái nhà Thanh Niên.

Để bảo đảm tính công khai, minh bạch của dự án, Đảng ủy và Ban Biên tập Báo Thanh Niên đã chỉ đạo soạn ngay bộ tiêu chí, quy tắc đồng hành hợp tác hết sức chặt chẽ, đồng thời liên kết với một công ty Luật để kiểm soát, giám sát mọi hoạt động của chương trình, kể cả hoạt động thu-chi tiền quà và theo dõi nguồn tiền bảo trợ từ người nhận bảo trợ đến người được nhận bảo trợ; từ đơn vị tài trợ đến người được nhận tài trợ.

Báo Thanh Niên đã tổ chức lễ ký thỏa thuận bảo trợ giữa Báo Thanh Niên - Gia đình 10 trẻ và Quỹ từ thiện Trúc Thanh.

Báo Thanh Niên đã tổ chức lễ ký thỏa thuận bảo trợ giữa Báo Thanh Niên - Gia đình 10 trẻ và Quỹ từ thiện Trúc Thanh.

“Mọi bảng biểu đồng hành trước khi ký kết với các đơn vị đều được công ty Luật xem xét từ nhiều khía cạnh pháp lý. Phải hết sức chặt chẽ, nhằm đem đến cho người nhận bảo trợ, tài trợ tất cả nguồn tài chính do bạn đọc, các nhà hảo tâm cung ứng, giúp đỡ”, ông Toàn khẳng định.

Đặc biệt, Báo Thanh Niên đã huy động tất cả nguồn lực về con người, công nghệ, máy móc và các kênh ấn phẩm của mình để lan tỏa tối đa ý nghĩa nhân ái của chương trình đến các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội. Đồng thời, được rất nhiều đồng nghiệp ở các báo, đài thông tin lan tỏa bằng tất cả các loại hình báo viết, báo nghe và báo hình trong 3 năm qua.

Và 3 năm qua, một “dây chuyền” công việc hỗ trợ các em cứ thế thường xuyên tiếp diễn. Một bộ phận được giao tiếp nhận thông tin phản hồi trở lại từ bạn đọc, một bộ phận khác triển khai xác minh hoàn cảnh các gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất do dịch Covid-19 để kịp thời gửi đến các nhà hảo tâm lựa chọn và hỗ trợ lập tức, đồng thời phản ánh trên các ấn phẩm Thanh Niên. Các hoạt động song song này đã tạo nên một nhịp cầu nối hiệu quả.

Chương trình bắt đầu là các quận, huyện bị đại dịch hoành hành nặng nề nhất như quận 8 (khu vực đường Phạm Thế Hiển, các khu nhà người lao động dọc hai bờ Kênh Tẻ,…), quận Bình Tân (khu vực các hẻm đường Tên Lửa), huyện Bình Chánh (các ấp có gia đình người nhập cư nhiều), quận Gò Vấp (khu vực đường Nguyễn Văn Công, phường 3 - là nơi phát xuất ổ dịch đầu tiên), quận 12 (khu vực phường Tân Thới Hiệp),… Cùng lúc, Báo Thanh Niên đã kết nối với các quận, huyện đoàn hoặc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các quận huyện nói trên, để đến tận nơi khẩn cấp hỗ trợ gia đình trẻ mồ côi.

Anh Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập Báo Thanh Niên (bên phải) và ông Nguyễn Văn Lộc - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương, bên trẻ mồ côi.

Anh Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập Báo Thanh Niên (bên phải) và ông Nguyễn Văn Lộc - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương, bên trẻ mồ côi.

Thần tốc để tìm kiếm đúng đối tượng hỗ trợ, trong thời gian ngắn, các gia đình trẻ có cha (hoặc mẹ) hoặc cả cha lẫn mẹ mất do đại dịch Covid-19 đã được động viên, hỗ trợ, bảo trợ kịp thời. Khoảng 150 trẻ được bảo trợ và 1.800 trẻ được hỗ trợ khẩn cấp trong giai đoạn 3 tháng cuối năm 2021, làm tiền đề cho các giai đoạn kéo dài 3 năm sau đó.

Các sáng kiến kịp thời như phối hợp đến tận nơi, trao tận tay người nhận tiền và quà trong lúc đại dịch còn hoành hành (do địa bàn rộng, đối tượng là trẻ em, bối cảnh đang dịch bệnh, phương tiện đi lại khó khăn,…) và tổ chức các sự kiện càng ngày càng chuyên nghiệp hơn, là một điểm sáng của chương trình.

Cầu nối thiện nguyện của các nhà hảo tâm

“Rất nhiều người bạn của tôi, nhiều độc giả cao tuổi của Báo Thanh Niên nhận nuôi một vài em nhỏ. Tôi cũng nhận nuôi một bé từ lớp 3, bị mất cha trong dịch Covid-19, bây giờ bé đã lên lớp 6, vẫn đến trường và kết quả học tập rất tốt”, ông Toàn tâm sự.

Đến nay, tổng số tiền hỗ trợ khẩn cấp, trao học bổng và bảo trợ theo 2 khung thời gian (từ 1-5 năm) và bảo trợ dài hạn (cho đến 18 tuổi và hết bậc đại học, cao đẳng) cho các em mồ côi do đại dịch Covid-19 và các em mồ côi sau bão Yagi là 73,4 tỷ đồng.

"Sự hỗ trợ trong 3 năm qua cho trẻ mồ côi đã giúp cho gần 300 gia đình (có gia đình có 2,3 trẻ được bảo trợ) đỡ phải lo nỗi lo ăn học cho con cái (vốn đã mất đi trụ cột gia đình, là người đem về thu nhập nuôi gia đình trước khi dịch Covid-19 xảy ra).

Đã có 459 trẻ em mất cha mẹ (hoặc mất cha, hoặc mất mẹ) được nâng đỡ, nên không còn trở thành gánh nặng nuôi ăn học cho các gia đình, mà họ hầu hết vốn là người lao động nghèo, làm công việc tự do, sau dịch lại càng bấp bênh hơn”, ông Toàn hạnh phúc nói.

Là một đơn vị trực thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và là diễn đàn của Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Báo Thanh Niên với trách nhiệm cộng đồng, đã ngay lập tức khởi xướng, phát động chương trình mang tên “Cùng con đi tiếp cuộc đời” với cách thức, tiêu chí và ý nghĩa lớn lao, mang tính kêu gọi, vận động bạn đọc trong và ngoài nước, người dân, các tổ chức, nhà hảo tâm, doanh nghiệp, các hội nhóm thanh niên…để giúp đỡ trẻ mồ côi và gia đình. Mô hình tương tác báo chí-bạn đọc ấy đã trở thành một mô hình mang tính dân vận rất cao và khéo léo giữa một cơ quan báo chí của Đoàn với người dân nói chung và giới trẻ nói riêng.

Cuộc sống của các em khi cha mẹ mất đi rất hụt hẫng. Từ sau khi được chương trình bảo trợ, các em vẫn được đến trường, được sinh hoạt với các bạn đồng cảnh ngộ ở các sự kiện do Báo Thanh Niên tổ chức, được các cô chú ở tòa soạn và các nhà bảo trợ chăm lo nên tinh thần không còn sa sút như lúc vừa mất người thân.

Chương trình "Cùng con đi tiếp cuộc đời" đã tiếp sức cho khoảng 2.000 trẻ em mồ côi sau đại dịch Covid-19.

Chương trình "Cùng con đi tiếp cuộc đời" đã tiếp sức cho khoảng 2.000 trẻ em mồ côi sau đại dịch Covid-19.

“Đã có hơn 30 em vào các trường Đại học, Cao đẳng; 5 em học nội trú ở trường Hy Vọng; một số các em lúc dịch xảy ra đang học nghề ở các trường Cao đẳng được chương trình tiếp sức nên 1, 2 năm sau đã ra trường đi làm có thu nhập phụ giúp gia đình và cơ bản là các em đã hòa nhập cuộc sống với tư cách của người trưởng thành. Số trẻ còn lại (hơn 400 em, trong đó có 275 em ở lứa tuổi thiếu nhi) đều đang được đi học ở các bậc học từ tiểu học, THCS và THPT, trong đó có nguồn tiền chính yếu để trang trải việc học và sinh hoạt là từ chương trình ‘Cùng con đi tiếp cuộc đời’”, Tổng biên tập Báo Thanh Niên chia sẻ.

Ngoài các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, bảo trợ lâu dài, hỗ trợ học bổng, kết nối để các em có thể tiếp tục học cao đẳng, đại học, chương trình còn tổ chức các hoạt động thăm hỏi tặng quà dịp lễ tết như tổ chức các Chuyến xe yêu thương vào dịp Tết Nguyên đán; phối hợp tổ chức 3 mùa trung thu từ rằm tháng tám năm 2022 đến nay cho 1.500 lượt em được vui chơi sinh hoạt tập thể; tổ chức ngày hội Quốc tế thiếu nhi, tổ chức khám sức khỏe, tổ chức tour du lịch dã ngoại,… ngay từ đầu năm 2022 đến nay.

“Điều gì để dự án đi xa và có bước mở rộng như vậy?”, chúng tôi hỏi nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn. Nhìn lại thành quả bền bỉ từ sự quyết tâm của dự án 3 năm qua, ông Toàn tâm sự: “Lợi thế của chương trình là lòng nhiệt thành của tất cả mọi người cứu giúp các em; cảm xúc xót thương của bạn đọc hậu đại dịch đối với trẻ mồ côi; sự tin tưởng của các nhà hảo tâm đối với tờ báo đã thực hiện nhiều chương trình từ thiện minh bạch và rất hiệu quả trước đó… Nhờ vậy, chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” đã nhận được sự tin cậy, đồng hành của bạn đọc, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước trong những năm qua, và hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hưởng ứng từ nay về sau”.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh trao quà trung thu cho thiếu nhi.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh trao quà trung thu cho thiếu nhi.

Những nỗ lực sưởi ấm bằng tình thương yêu của các nhà báo và cộng đồng, chương trình đã góp phần xoa dịu bớt nỗi đau và động viên tinh thần trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19. Hàng trăm tin, bài đã đăng phát trên các ấn phẩm của Thanh Niên trong 3 năm qua và nhiều báo, đài hỗ trợ. Riêng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Thanh Niên cũng đã nhận bảo trợ hàng tháng cho 12 trẻ mồ côi đến năm 18 tuổi.

Nối dài chương trình thiện nguyện của các nhà báo

Với một sự bảo trợ dài hơi tới 18 tuổi, đây là một thách thức không nhỏ đặt ra với những người triển khai dự án. Con đường ấy được xác định mang tính bền vững và hết sức tâm huyết. Trong quá trình thực hiện chương trình, đến khoảng quý 1 năm 2022, Báo Thanh Niên nhận được số liệu phản ánh thực trạng trẻ mồ côi do Covid tăng lên đến 2.200 trẻ. Và số hồ sơ đăng ký các bậc phụ huynh gửi về để con em mình được bảo trợ trong chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” vẫn còn nhiều.

Nhà báo Lê Ngọc Toàn - Tổng biên tập Báo Thanh Niên.

Nhà báo Lê Ngọc Toàn - Tổng biên tập Báo Thanh Niên.

Trong khi đó, dù có nhiều doanh nghiệp, đoàn thể, tổ chức và các hội nhóm trẻ thiện nguyện chung tay, song việc hỗ trợ các em của một số tổ chức, các cá nhân mang tính chất ngắn hạn, trong khi thực tế có rất nhiều em và các bậc phụ huynh phải chống đỡ với thiếu thốn, có nguy cơ ảnh hưởng đến con đường học vấn của trẻ, mà hoàn cảnh của các bậc phụ huynh cũng không đủ sức nâng đỡ các em tiếp bước. Với những trường hợp như vậy, Báo Thanh Niên quyết tâm tìm kiếm các nhà bảo trợ mới, dài hơi để giúp đỡ gia đình và các em đi trọn con đường học vấn như tiêu chí chương trình đặt ra ban đầu.

“Đã làm, là phải làm tới cùng, chúng tôi sẽ đi tiếp trọn con đường này cho tới khi các em 18 tuổi”, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn khẳng định.

Lợi thế của chương trình là lòng nhiệt thành của tất cả mọi người cứu giúp các em; cảm xúc xót thương của bạn đọc hậu đại dịch đối với trẻ mồ côi; sự tin tưởng của các nhà hảo tâm đối với tờ báo đã thực hiện nhiều chương trình từ thiện minh bạch và rất hiệu quả trước đó,… Nhờ vậy, chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” đã nhận được sự tin cậy, đồng hành của bạn đọc, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước trong những năm qua, và hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hưởng ứng từ nay về sau.

Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Toàn

Tổng biên tập Báo Thanh Niên bộc bạch, với quá trình thực hiện một chương trình nhân ái có ý nghĩa lớn lao và đặc thù, chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” vẫn chưa thể phủ khắp, hỗ trợ hoặc bảo trợ hết cho các cháu, trong khi theo đánh giá của những người làm dự án, tiềm năng của cộng đồng vẫn còn rất lớn. Hoạt động mang tính phi lợi nhuận của chương trình là bước đi nhất thiết và thích hợp nhưng đôi khi vẫn phải cân nhắc, thận trọng với một đối tượng hỗ trợ rất dễ bị tổn thương. Vì vậy, Báo Thanh Niên tiếp tục kêu gọi cộng đồng chung tay góp sức để hỗ trợ, giúp đỡ các em.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn cùng Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai trao quà cho đại diện 50 em nhỏ mồ côi sau bão số 3.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn cùng Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai trao quà cho đại diện 50 em nhỏ mồ côi sau bão số 3.

Vươn xa hơn ý tưởng ban đầu hỗ trợ cho trẻ em mồ côi sau đại dịch Covid-19, sau cơn bão Yagi vừa qua, chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” đã “vươn” ra phía Bắc, hỗ trợ cho 86 trẻ mồ côi thuộc địa bàn 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng bị ảnh hưởng do trận siêu bão số 3 (Yagi) tháng 9/2024.

Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ, trường hợp 86 trẻ mồ côi vẫn chỉ đang ở mức được bảo trợ ngắn hạn (5 năm) do kinh phí của chương trình có hạn. “Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động để sau thời hạn ấy, các em được tiếp tục bảo trợ, ít nhất là cho đến năm 18 tuổi. Để hỗ trợ kịp thời, ngày 4/10/2024, Ban Biên tập Báo Thanh Niên đã quyết định ký kết biên bản bảo trợ cho 50 em mồ côi do bão lũ ở địa bàn tỉnh Lào Cai, là địa phương thiệt hại nặng nề nhất, với mức bảo trợ 2 triệu đồng/ tháng/em. Và tiếp nối sau đó, là đã ký kết bảo trợ cho 24 em ở Yên Bái, 12 em ở Cao Bằng, cũng với mức bảo trợ như vậy”, ông Toàn cho biết.

Với tiêu chí và lòng nhiệt thành của cả một cơ quan báo, chương trình sẽ tiếp tục vận động, kêu gọi bảo trợ cho các trẻ mồ côi có thể do các sự cố thiên tai, nhân tai để nối tiếp chương trình, trở thành một chương trình có tính dài hạn, mang ý nghĩa nhân bản này một cách tốt đẹp. Tổng biên tập Báo Thanh Niên bày tỏ, trước mắt, do đang là chương trình riêng của báo và mang tính đặc thù làm cầu nối cho đối tượng là trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 và bão Yagi nên chưa có tổ chức xã hội nào có yêu cầu chia sẻ. Về lâu dài nếu mô hình này nhận được sự quan tâm thật sự và cùng mục tiêu, Báo Thanh Niên sẽ xem xét và sẵn lòng chia sẻ, đồng hành với các đơn vị phù hợp.

Tính từ ngày 16/9/2021 (là ngày phát động chương trình) cho đến ngày 16/11/2024, Chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” của Báo Thanh Niên đã kêu gọi, vận động được 73,4 tỷ đồng. Đã có hơn 2.000 trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 hoặc do bão lũ số 3 (Yagi) thụ hưởng nguồn kinh phí đóng góp này. Trong đó, chương trình đã hỗ trợ khẩn cấp cho 1.800 em ở địa bàn TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An,… trong 3 tháng cuối năm 2021 với tổng số tiền là 4,3 tỷ đồng; tặng học bổng trị giá 2,1 tỷ đồng.

Đồng thời, chương trình cũng đã ký kết bảo trợ dài hạn cho 459 em mồ côi do đại dịch Covid-19 với tổng số tiền là 56,8 tỷ đồng. Và trong các tháng 10 và 11/2024, Báo Thanh Niên đã ký kết bảo trợ cho 86 trẻ mồ côi do bão số 3 (Yagi) với tổng số tiền 10,2 tỷ đồng.

Mang dự án đến Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên tâm sự, ông muốn giới thiệu, lan tỏa một dự án cộng đồng thiết thực để nhiều người biết tới, cùng chung tay với những người làm dự án, góp phần vào sự phát triển bền vững của chương trình. “Đây cũng là cơ hội để chúng tôi tri ân bạn đọc Báo Thanh Niên trong và ngoài nước, những nhà hảo tâm, những người đã đồng hành cùng chương trình suốt những năm qua”, ông Toàn xúc động nói.

Ông Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, cùng nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, trao số tiền bảo trợ 3 tháng đầu tiên cho các em nhỏ mồ côi.

Ông Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, cùng nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, trao số tiền bảo trợ 3 tháng đầu tiên cho các em nhỏ mồ côi.

“Đây là một dự án “trồng người”. Khi mình cho các em các điều kiện tốt nhất, làm điểm tựa về tinh thần và vật chất, sẽ giúp các em phấn đấu bước tiếp trong những chặng đời sau này. Hơn 2.000 em như con cháu trong nhà của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Thanh Niên, chúng tôi nguyện làm nhịp cầu vững chãi kết nối tấm lòng nhân hậu của bạn đọc, của người dân trong xã hội đến với bờ bến yêu thương, vực dậy sự ngặt nghèo đau khổ của hàng ngàn gia đình hậu đại dịch Covid-19. Chúng tôi xem đây là ý nghĩa tinh thần lớn lao nhất của chương trình, sưởi ấm trái tim các em và gia đình bị thiệt hại nặng nề do đại dịch, do bão lũ bằng việc làm nhân ái, thiết thực”, Tổng biên tập Báo Thanh Niên bày tỏ.

Sẽ thật khó để bù đắp hết những tổn thất lớn nhất cuộc đời của những trẻ mồ côi sau khi mất đi người thân, nhưng những nỗ lực của những người làm báo, với vai trò là cầu nối những trái tim thiện nguyện của cộng đồng, đã nỗ lực “gieo mầm xanh”, “chắp cánh” để các em có được một hành trang đẹp bước vào đời. Sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau. Tôi tin là vậy, khi nhìn thấy những ánh sáng lấp lánh trên gương mặt của các em ở bên cạnh những người thân mới trong đời. Tôi tin, “Cùng con đi tiếp cuộc đời” sẽ mang cho các em một tuổi thơ bớt đi sự vất vả, để các em được tiếp tục học tập và tương lai của các em sẽ tươi sáng hơn.

THIÊN LAM - Ảnh: NVCC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cung-con-di-tiep-cuoc-doi-va-hanh-trinh-gieo-mam-xanh-cua-nhung-nguoi-lam-bao-post848058.html