Cùng cựu phóng viên chiến trường mở 'kho báu' ký ức

Với nhiều nhà báo quốc tế tham dự Tuần lễ Báo chí nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, được đến Việt Nam vào dịp 30-4-2025 là 'dịp quý giá khi được mở ra xem bao ký ức của giai đoạn này nửa thế kỷ trước'.

Tìm và thấy

Trên chuyến xe thăm lại khu căn cứ cách mạng Rừng Sác ở huyện Cần Giờ (TPHCM), tôi (trong nhóm phóng viên Việt kiều từ Bỉ, Đức, Mỹ và Canada về dự chương trình Tuần lễ Báo chí nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước) ngồi cùng hai người Mỹ là Tom Fox (từng viết cho Tạp chí Time) và Lance. R Woodruff (có mặt tại Sài Gòn giai đoạn 1966-1968).

Trong câu chuyện, bỗng Lance lôi từ cặp tài liệu ra khoe bức ảnh hòa thượng Thích Quảng Đức. Một trong những ám ảnh ký ức của Lance tới tận nay chính là vị hòa thượng tự thiêu ngày 11-6-1963 để phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền lúc bấy giờ. Lập tức, Tom Fox cũng rút ra bức ảnh chính anh thời trai trẻ chụp cùng hòa thượng Thích Quảng Đức.

Tháng 5-1968, Lance. R Woodruff sang Bangkok (Thái Lan) và kẹt lại ở đó, không kịp trở về Sài Gòn ngày 30-4-1975 lịch sử. Đây là điều khiến người đàn ông đã 82 tuổi này tiếc nuối. “Bây giờ, được mời trở lại và chứng kiến giai đoạn mừng vui của 50 năm sau thì sao?”, tôi dò hỏi.

Lance khảng khái: “Không được mời tôi cũng muốn quay lại. Tôi muốn đến để chúc mừng đã kết thúc chiến tranh được 50 năm”. Sau năm 1975, Lance có nhiều lần trở lại Việt Nam, từng đến Điện Biên Phủ và từng rủ con trai thăm địa đạo Củ Chi.

Tom Fox có lợi thế hơn đồng nghiệp và đồng hương Lance bởi anh nói được tiếng Việt giọng Cần Thơ. Trên xe đi Cần Giờ, Tom giở khoe cả chục trang đánh máy cỡ chữ đã to lại còn in hoa “để tập đọc từng câu tiếng Việt trôi chảy”. Vừa liếc một trang đã lẩy ra hai câu Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Tom nói như giảng bài: “Câu thơ ấy nhắc chúng ta rằng số phận không phải lúc nào cũng trong tay mình. Nhưng điều làm cho cuộc đời ý nghĩa chính là cách ta sống với nhau”.

 Tom Fox trở lại Khách sạn Continental Sài Gòn thăm góc tưởng niệm Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn. Ảnh: NVCC

Tom Fox trở lại Khách sạn Continental Sài Gòn thăm góc tưởng niệm Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn. Ảnh: NVCC

Tập ảnh mang trở lại Việt Nam lần này của Tom có bức thời sự hơn, anh vào Khách sạn Continental Sài Gòn chụp cùng tượng và tấm biển đồng tưởng niệm nơi Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn từng hoạt động trước năm 1975. Giai đoạn 1970-1972, Tom Fox có nhiều kỷ niệm cùng “điệp viên hoàn hảo”. “Ảnh ít nói, hiền lắm. Tôi lúc đó cứ sùng sục lên, muốn anh Ẩn phải thể hiện thái độ chống chiến tranh mạnh hơn. Ảnh lại cứ bảo phải bình tĩnh, bảo đợi, rồi thế nào Hà Nội cũng thắng”, Tom Fox chia sẻ.

“Còn bây giờ, chắc anh tâm trạng sôi sục kiểu khác?”, tôi hỏi. Tom hào hứng: “Mới về TPHCM được 24 giờ mà tôi mừng thiệt là mừng. Ở nơi công cộng, tôi thấy người dân mang nhiều lá cờ hai màu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đối với tôi, đây là hình ảnh đoàn viên của gia đình Việt Nam. Cảm xúc như thấy anh chị em hạnh phúc được về trong một nhà và yêu thương nhau ngày càng nhiều. 50 năm rồi, Việt Nam nên cho thế giới thấy và cho chính đồng bào của mình thấy một giọng nói chung, một tình yêu chung, một sức mạnh chung của đoàn kết và thống nhất. Tôi tràn đầy hy vọng vào tương lai phát triển của Việt Nam”.

Mất và lại thấy

Trong chuyến thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (quận 3) vào chiều 27-4, cựu phóng viên Nakamura Goro của Nhật Bản là người được chính đồng nghiệp săn đón, chụp ảnh nhiều nhất. Ông là tác giả bức ảnh “Rừng đước bị phá hủy bởi chất độc hóa học trong chiến tranh” (năm 1976) được in khổ lớn trên tường mặt tiền của bảo tàng. Ông vui vẻ khi nhiều đồng nghiệp và người tham quan xin chụp ảnh mình đứng bên tác phẩm lịch sử kia, cũng là một kiểu ký ức quý giá tiếp tục mở ra từ hiện tại của Nakamura.

Nếu Nakamura được chụp ảnh nhiều nhất thì Marianne Harris là người khóc nhiều nhất trong ngày 27-4 khi đứng trước góc “Hồi niệm” của bảo tàng. Đây là bộ sưu tập ảnh về chiến tranh Việt Nam khởi nguồn từ dự án cùng tên của hai phóng viên ảnh chiến trường Tim Page và Horst Faas. Marianne chính là vợ của Tim Page. Tim Page qua đời tại Anh cách đây ba năm. Marianne đã mất chồng, nhưng bằng cách kỳ diệu nào đó, bà lại tìm thấy và gặp lại Tim ngay trong những ngày tháng kỷ niệm sự kiện trọng đại này ở Việt Nam.

Cùng lúc đó, đứng trước khu ảnh những phóng viên chiến trường đã tử nạn trong chiến tranh Đông Dương, cựu phóng viên Kenneth Wagner (của Hãng UPI có mặt tại Việt Nam từ 1969-1974) chăm chú tìm ảnh Sean Flynn vì “ông ấy là con trai của tài tử điện ảnh Errol Flynn”. Vài phút sau, Kenneth rối rít gọi tôi ra một góc chỉ “Sean Flynn đây rồi”. Cảm giác như Sean Flynn vừa sống lại.

Trong đoàn có người muốn mở điện thoại khoe một báu vật, đó là David Brill (cựu phóng viên người Australia của ABC). Lúc thăm bảo tàng, David khoe: “Tôi có ảnh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đấy!”. David hẹn tôi rằng anh còn chia sẻ thêm nhiều tư liệu quý nữa trong những ngày tới. Tối đến, trên tầng 9 Khách sạn Caravelle (quận 1) diễn ra Chương trình gặp gỡ, giao lưu với các phóng viên chiến trường của Việt Nam và quốc tế, lại thấy David giở bức ảnh ra khoe với cựu phóng viên, đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng.

Thật hợp với đề nghị của chính đạo diễn Xuân Phượng khi ở tuổi 96, bà lại là người gánh gánh gồng gồng một ý tưởng lớn: “Tại sao không hợp sức làm chung một tác phẩm ký ức về giai đoạn lịch sử hào hùng nửa thế kỷ trước mà chính chúng ta là nhân chứng”.

KIỀU BÍCH HƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cung-cuu-phong-vien-chien-truong-mo-kho-bau-ky-uc-post792860.html