Cung đường leo núi mới đây chính thức đưa vào khai thác, mang vẻ đẹp gai góc, từng xuất hiện trên phim điện ảnh
Mới đây, một cung đường trekking dài 30km được mệnh danh đẹp bậc nhất miền Nam nước ta đã chính thức được đưa vào khai thác thí điểm tuyển du lịch bởi Sở văn hóa Thể thao và Du lịch.
Đi bộ đường dài và leo núi hay còn được gọi với cái tên “trekking” là loại hình du lịch thể thao ngoài trời thích hợp với các đối tượng du khách có mong muốn được trải nghiệm sự khác biệt, yêu thích khám phá, chinh phục các điểm đến. Trên thế giới có hàng trăm ngàn địa điểm trekking mang những vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ và nét độc đáo riêng, ở đất nước Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Bên cạnh những cung đường trekking đỉnh núi, đỉnh đèo hay hang động đã nổi tiếng trước đó, mới đây, thêm một cái tên nữa đã được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch công bố chính thức đưa vào khai thác thí điểm tuyến du lịch. Đó là cung đường Tà Năng - Phan Dũng, đi từ Tà Năng, Đức Trọng, Lâm Đồng đến Phan Dũng, Tuy Phong, Bình Thuận.
Cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng có gì?
Trên thực tế, cung đường Tà Năng - Phan Dũng vốn đã là đường trekking nổi tiếng với những “phượt thủ” chuyên nghiệp. Xuyên suốt cung đường là thảm thực vật phong phú, đa dạng cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng. Tuy nhiên khi được chính thức đi vào khai thác, phát triển tuyến du lịch, các điều kiện phục vụ người trekking sẽ được nâng cấp tốt hơn, đảm bảo an toàn hơn.
Ví dụ như các biển báo, các biển hướng dẫn hay cảnh báo nguy hiểm sẽ được lắp đặt thêm. Nhìn chung, mức độ đảm bảo an toàn cho người tham gia sẽ được nâng lên đáng kể so với trước đó. Nhiều cây xanh cũng được trồng thêm.
Tổng chiều dài của cung đường là 32km, nằm trong khu vực rừng phòng hộ trên địa bàn 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận. Để chinh phục, người tham gia phải trèo đèo, lội suối theo đúng nghĩa đen, vượt qua chính mình ở những đoạn đường khấp khuỷu, gập ghềnh, khó đi.
Năm 2021, Tà Năng - Phan Dũng từng được chọn làm bối cảnh chính trong bộ phim “Rừng thế mạng” - một bộ phim điện ảnh về sinh tồn đầu tiên của Việt Nam thuộc thể tâm lý giật gân. Chính đoàn làm phim cũng phải thừa nhận rằng “địa hình ở đây hiểm trở, ekip phải tới Tà Năng - Phan Dũng khảo sát 6 lần trước khi khai máy và càng vào sâu trong rừng, việc quay phim càng khó khăn”.
Cụ thể, có những đoạn cần di chuyển từ độ cao 1.100m xuống 500m so với mực nước biển, vượt suối, trèo đèo hay băng qua những cánh rừng xanh rậm rạp. Qua những trải nghiệm như vậy, người tham gia sẽ được trải nghiệm nhiều dạng địa hình và sinh cảnh nối tiếp nhau như: Ruộng lúa, đồi cà phê, rừng thông, đồi cỏ, rừng khộp... Những khung cảnh ấy lần lượt hiện lên trong suốt cuộc hành trình khiến nhiều người phải trầm trồ. Cũng bởi vậy, Tà Năng - Phan Dũng được nhiều người mệnh danh là “cung đường trekking đẹp nhất miền Nam”
Cung đường mang vẻ đẹp gai góc và đầy thách thức
Trước khi quyết định xách ba lô lên và đi Tà Năng - Phan Dũng, người tham gia cần trang bị những dụng cụ và kỹ năng sinh tồn nhất định cho bản thân. Quãng thời gian chinh phục cung đường sẽ kéo dài tối thiểu 3 ngày. Bên cạnh những đoạn đường khó đi, sẽ còn phải đối mặt với nhiều loại côn trùng, bò sát, kèm theo đó là điều kiện thời tiết hay những nhược điểm khác như sóng điện thoại kém, ít dịch vụ hỗ trợ… Ngoài ra, tinh thần đồng đội cũng rất cần thiết.
Sau khi đã chuẩn bị đủ cả về mặt vật chất, thể chất và tinh thần, người tham gia cần chọn ra cung đường thích hợp. Tà Năng – Phan Dũng được chia làm 3 cung, với độ khó tăng dần, mỗi cung lại phù hợp với những đối tượng khác nhau.
Đầu tiên là cung Hiking rừng thông Tà Năng có chiều dài 10km, phù hợp với nhóm gia đình gồm nhiều lứa tuổi bởi đoạn đường này khá dễ đi, chưa có quá nhiều thử thách. Tiếp đến là cung Chinh phục cột mốc, dài 18 km, từ cửa rừng Tà Năng đến cột mốc Lâm Đồng - Bình Thuận - Ninh Thuận. Cuối cùng là cung Trekking Tà Năng - Phan Dũng, dài 32km, từ cửa rừng Tà Năng đến xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận thích hợp cho các người đi bộ, leo núi lâu năm chuyên nghiệp.
Như đã nói ở trên, người tham gia trekking Tà Năng - Phan Dũng sẽ cần vượt qua nhiều đoạn đường khó đi, trong đó nổi tiếng hơn cả, thậm chí được coi là “đặc sản”, chính là những con dốc. Tuy không phải là những con dốc dựng đứng nhưng nhiều người nhận xét, cảm giác như chúng kéo dài vô tận. Leo dốc suốt một thời gian dài liên tục, sẽ khiến con người vô cùng mất sức.
Tuy nhiên, sau những khó khăn đó, “trái ngọt” sẽ đến với người tham gia. Khi đến được đồi cỏ đầu tiên, bầu không khí trong lành của cao nguyên và những cơn gió mát sẽ làm vơi đi những gian nan ban nãy, tiếp thêm sức lực cho người tham gia.
Sau chuyến hành trình dài, các đoàn trekking thường sẽ hạ trại tại đồi Hai cây thông để nghỉ qua đêm. Đây là một ngọn đồi cao khoảng 900m so với mực nước biển và có tầm nhìn rất rộng. Tại đây, có thể ngắm được trọn vẹn cả hoàng hôn và bình minh huyền diệu.
Phượt thủ Duy Hùng chia sẻ lại khoảnh khắc đáng nhớ: “5h sáng mở cửa lều, trước mặt chúng tôi là cảnh bình minh với bầu trời mây cuồn cuộn đủ màu sắc rực rỡ, những ngọn đồi trước mặt thì nối tiếp nhau xa mãi. Leo lên một ngọn đồi cao để trông ra thiên nhiên đang nhuốm màu ảo diệu, núi non trùng điệp và những chiếc lều bé xíu trong tầm mắt… Đất xốp và trơn trượt, nên dù cẩn thận tôi cũng vẫn bị trượt ngã, nhưng chẳng đáng gì so với một buổi sáng kỳ diệu đến thế”.
Quãng đường về đích sẽ được khởi động sau khi khoảnh khắc bình minh lên. Người tham gia sẽ bắt đầu hạ độ cao từ 900m xuống còn 400m. Một điều thú vị để nhận biết sự thay đổi độ cao đó là quan sát sự khác biệt của phong cảnh, từ hệ rừng ôn đới lá kim sang rừng hỗn giao lá rộng - lá kim rồi tới những trảng cỏ và cuối cùng là hệ rừng thưa rụng lá, hay còn gọi là rừng khộp. Tổng hợp từ các blog du lịch, ước tính có đến trên 100 điểm sống ảo, chụp ảnh lớn nhỏ khác nhau trong suốt quá trình chinh phục địa điểm tuyệt đẹp này.
Cung đường cuối này chắc chắn sẽ không hề dễ dàng để chinh phục. Theo như đánh giá những người có thể lực yếu khi đi trekking, họ nhận xét: “Yếu tố về thể lực chỉ chiếm khoảng 20%, 80% còn lại nằm ở tinh thần, ý chí quyết tâm, trên hành trình có gì thú vị và những người cùng đồng hành trong chuyến đi”.
Bên cạnh hình thức trekking tự túc, hiện nay, đã có nhiều đơn vị bắt đầu tổ chức các tour thám hiểm Tà Năng - Phan Dũng, dành cho những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Đăng ký tham gia cùng các đơn vị dịch vụ này, người tham gia sẽ được hỗ trợ nhiều hơn, việc di chuyển sẽ dễ dàng hơn do có những người dẫn đường hay người mang hộ đồ. Một số tour còn chuẩn bị lều trại hay đồ ăn, nước uống trong suốt hành trình cho người tham gia.
Tham khảo trên một số diễn đàn, giá cho tour trekking Tà Năng - Phan Dũng dao động từ khoảng 3 triệu đồng.
Thời gian lý tưởng để trekking Tà Năng - Phan Dũng
Theo người dân bản địa, thời điểm thích hợp để đến nơi đây là từ tháng 12 đến tháng 2 dương lịch. Lúc này chưa phải cao điểm mùa khô, thời tiết không quá nóng, rất phù hợp băng rừng, khám phá thiên nhiên hùng vĩ.
Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, khoảng thời gian này thực vật ở đây phát triển mạnh mẽ vơínhững thảm cỏ xanh và rừng hoa bất tận. Tuy nhiên, mùa mưa đồng nghĩa là đường đi cũng trở nên trơn trượt và nguy hiểm hơn. Vì vậy người tham gia cần cân nhắc kỹ.