Cúng Giao thừa Tết Giáp Thìn 2024 ngoài trời hay trong nhà trước mới đúng?

Cúng Giao thừa là nghi lễ được thực hiện vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Theo phong tục, lễ cúng Giao thừa gồm 2 lễ, một lễ cúng trong nhà và một lễ cúng ngoài trời. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn không biết cúng ở đâu trước.

Mâm cỗ cúng giao thừa. Ảnh: Hồng Anh

Mâm cỗ cúng giao thừa. Ảnh: Hồng Anh

Cúng giao thừa trong nhà hay ngoài trời trước?

Theo quan niệm của người Việt, mỗi năm sẽ có các vị thần khác nhau xuống cai quản hạ giới. Cứ hết một năm, các vị thần cũ sẽ bàn giao công việc cho những vị thần mới và cứ 12 năm luân phiên hết một vòng.

Thời khắc giao thừa, các vị quan hành khiển bàn giao công việc cai trị trong năm với nhau. Lúc đó, họ đi thị sát hạ giới, rất vội nên không kịp vào tận bên trong nhà, vì thế lễ cúng các quan hành khiển này thường được đặt ở ngoài trời, gần cửa chính mỗi nhà.

Gia chủ cần thực hiện cúng giao thừa ở ngoài trời trước nhằm "tống cựu nghinh tân", tiễn đưa các vị thần năm cũ và nghênh đón những vị thần mới. Sau khi cúng giao thừa bên ngoài xong, gia chủ làm lễ cúng Thổ công, vị thần cai quản trong nhà.

Với nhiều gia đình sống tại chung cư, do không gian chật hẹp nên việc cúng chỉ cần tập trung ở trong nhà mà không nhất thiết phải cúng ngoài trời. Nếu các gia đình cần cúng giao thừa ngoài trời nên xuống dưới sân chung cư chứ không phải ở trên tầng.

Việc cúng ngoài trời cần có khoảng không gian có trời và có đất, do vậy lễ vật cần được đặt gần với mặt đất. Nếu cúng ở ban công tầng lầu chung cư thì không gian bày lễ cách nhau quá xa mặt đất nên không thể gọi là cúng ngoài trời được.

Mâm cỗ cúng Giao thừa có những gì?

Cúng Giao thừa là lễ cúng quan trọng nhất để chuyển giao năm cũ và năm mới, nên mâm cỗ cúng Giao thừa cần được chuẩn bị chu đáo, trang trọng và đủ đầy.

Đó là lễ dâng hương vào giây phút chuyển giao giữa giờ khắc cuối cùng của năm cũ và giờ khởi đầu của năm mới, với ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.

Không chỉ vậy, cúng Giao thừa còn là mong ước để rước ông bà tổ tiên của chúng ta về chơi lễ Tết, nhìn con cháu sum vầy vui vẻ bên gia đình.

Nghi thức cúng Giao thừa trong nhà là lễ cúng Tổ tiên, lễ cúng Thổ Công, vị thần cai quản trong nhà. Mâm lễ cúng bao gồm: ngũ quả, vàng hương, đèn nến, cau trầu, muối, gạo, trà, rượu, chè. Tùy vào kinh tế và từng gia đình mà làm mâm lễ mặn hay chay.

- Với cỗ mặn gồm: 1 con gà trống luộc, bánh chưng, xôi, giò chả, các món cơm canh mặn khác tùy theo nhu cầu của gia đình. Dọn cùng với chén đũa.

- Với cỗ chay thường bao gồm: bánh, kẹo, mứt, cơm canh chay, trà nước.

Mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời gồm có lễ chay và lễ mặn. Cụ thể: mâm ngũ quả, xôi, bánh chưng, gà trống luộc (có nơi dùng thủ lợn, thịt luộc), hoa tươi, trầu cau, rượu, nước,1 đĩa muối, 5 ngọn nến hương...

Mọi nghi thức và mâm cỗ sẽ được chuẩn bị thực hiện đúng với tấm lòng thành của gia chủ. Hoa bày trên bàn thờ cần phải hoa tươi chứ không được dùng hoa giả, hoa nhựa vì theo quan niệm đó là sự giả dối.

Một số lưu ý khi cúng Giao thừa:

- Giờ cúng đẹp nhất là 0h, ngày 1/1 âm lịch của năm.

- Mâm cúng cần phải được chuẩn bị đầy đủ và bê ra trước giờ giao thừa.

- Mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời nên đặt ở hướng Bắc (cúng Thượng Đế) hoặc hướng Đông (cúng Thiên Tử là vua) tùy theo từng gia đình.

- Chuẩn bị bài cúng kỹ lưỡng.

- Trang phục của người thực hiện nghi thức cúng giao thừa cần phải gọn gàng, tươm tất.

- Giọng đọc văn khấn giao thừa to, rõ ràng, mạch lạc

- Khi cúng cần thành tâm, không vừa cúng vừa nói chuyện riêng.

HP (tổng hợp)

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cung-giao-thua-tet-giap-thin-2024-ngoai-troi-hay-trong-nha-truoc-moi-dung-369542.html