Cùng góp sức bảo vệ sức khỏe tâm thần cho trẻ em

Tăng cường hỗ trợ, quan tâm tạo điều kiện để trẻ em được vui sống an toàn, tránh nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Ảnh: KIM CHI

Ngày Trẻ em thế giới được tổ chức vào 20/11 hàng năm nhằm đánh dấu việc thông qua Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Đây là hiệp ước nhân quyền được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử.

Suốt nhiều năm qua, Ngày Trẻ em thế giới là một ngày vui, là thời điểm Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đề cập đến những vấn đề cấp bách nhất của trẻ em, tôn vinh những tiến bộ, tăng cường sự quyết tâm cho các nhà lãnh đạo và tiếp tục giải quyết những việc cần thiết.

Ảnh hưởng nặng nề do COVID-19

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến trẻ em và thanh thiếu niên, Ngày Trẻ em thế giới (20/11) năm nay tập trung vào vấn đề sức khỏe tâm thần cho trẻ. Đây là một ngày cho trẻ em, vì trẻ em và là thời điểm khẳng định các cam kết tôn trọng, bảo vệ quyền trẻ em.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là đối với trẻ em. Cụ thể, trẻ em không được gặp gỡ và tiếp xúc với bạn bè, mất đi những thói quen hàng ngày, phải đối mặt với sự sợ hãi và nỗi đau buồn khi mất mẹ, mất cha. Một số lĩnh vực liên quan đến trẻ em chưa được giải quyết, gia tăng tình trạng trẻ bị bạo lực, lao động sớm...

Em Nguyễn Đại Hưng (SN 2013, ở huyện Phú Hòa) bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi khi đại dịch COVID-19 cướp đi sinh mạng của mẹ em. Đang học lớp 2, em còn quá nhỏ, nỗi nhớ mẹ, nhớ vòng tay yêu thương của mẹ làm em bần thần, ăn uống, sinh hoạt khó khăn. Khi được người lớn hỏi về cuộc sống hiện nay, cậu bé mồ côi này chỉ nói: “Cháu rất nhớ mẹ. Cháu muốn được đến trường”.

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 1.360 trẻ em là F0, F1; trong đó có 13 trường hợp trẻ mồ côi mất cha, mẹ do đại dịch COVID-19. Dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhiều trẻ em rơi vào tình trạng không có cha mẹ hoặc người thân chăm sóc do cha mẹ hoặc chính các em phải điều trị, cách ly để phòng, chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên thực hiện những gì tốt nhất cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; các cơ quan, nhà hảo tâm hỗ trợ sữa, bánh, thức ăn... chung tay chăm sóc trẻ vượt qua đại dịch, tránh để các em bị khủng hoảng tâm lý do dịch bệnh.

Hành động giúp trẻ vượt qua đại dịch

Trước những tác hại to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra ảnh hưởng đến trẻ em, UNICEF kêu gọi đầu tư và hành động ngay lập tức để đảm bảo rằng không dẫn đến một cuộc khủng hoảng mất hy vọng, mất niềm tin và đánh mất ước mơ của thế hệ trẻ em đang trải qua đại dịch này.

Bà Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ: Trẻ em hiện chiếm hơn 28% tổng dân số toàn tỉnh. Những năm qua, hưởng ứng Ngày Trẻ em thế giới cũng như triển khai hoạt động bảo vệ chăm sóc trẻ em, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác trẻ em. Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển; 85% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để giảm dần, loại bỏ nguy cơ này. Các cấp chính quyền quan tâm xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em nhằm tạo điều kiện cho trẻ phát triển đầy đủ và toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần.

Để nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ em vượt qua đại dịch COVID-19, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các cấp, ngành thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ nhằm sớm phát hiện, giảm sang chấn tâm lý cho trẻ em; triển khai các can thiệp về chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em với cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực cả về y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội; phát triển nghề công tác xã hội, trong đó có đội ngũ làm công tác hỗ trợ tâm lý xã hội trẻ em trong hệ thống trợ giúp xã hội; nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án khắc phục các tác động của đại dịch COVID-19 đối với trẻ em, đặc biệt chú trọng chương trình hỗ trợ tổng thể, toàn diện, đa ngành về chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.

Thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên thực hiện những gì tốt nhất cho trẻ em bị ảnh hưởng COVID-19; các cơ quan, nhà hảo tâm hỗ trợ sữa, thức ăn... chung tay chăm sóc cho trẻ em vượt qua đại dịch, tránh để các em bị khủng hoảng tâm lý do dịch bệnh.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phạm Thị Minh Hiền

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/267661/cung-gop-suc-bao-ve-suc-khoe-tam-than-cho-tre-em.html