Cùng họa sĩ Trần Thanh Thục 'Nghe vải kể chuyện'

'Nghe vải kể chuyện' là triển lãm cá nhân lần thứ ba của nữ họa sĩ Trần Thanh Thục, ra mắt công chúng từ ngày 2 đến ngày 8/4, tại tầng 1 Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm trưng bày 75 bức tranh cắt vải với nhiều kích thước và đề tài khác nhau, là thành quả của một chặng đường dài hơn 30 năm theo đuổi loại hình nghệ thuật đầy đam mê nhưng cũng không kém phần khó nhọc của họa sĩ Trần Thanh Thục.

Cũng tại triển lãm này, lần đầu tiên những bức trường cảnh khổ lớn mà họa sĩ Trần Thanh Thục đã dành nhiều công sức và tâm huyết sáng tạo nên được trưng bày như “Miền đá nở hoa”, “Nhớ Hà Nội”, “Giữ gìn môi trường biển”, “Hoàng Sa không xa”...

Đây là một thử thách rất lớn mà tác giả đã tự đặt ra cho bản thân, bởi tính công phu của các bức trường cảnh khi nó được tạo ra từ những sắc vải rời rạc nhỏ bé được in sẵn trên hàng trăm mảnh vải khác nhau. Mỗi tác phẩm là một phong cảnh đầy ắp cảm xúc trải dài suốt dải đất hình chữ S, trong hành trình từ Mũi Sa Vĩ đến Mũi Cà Mau mà họa sĩ Trần Thanh Thục đã có cơ hội đặt chân đến có nơi là một lần, có nơi là nhiều lần.

Đến với hội họa từ thuở hoa niên, khi đã bước qua tuổi lục tuần, họa sĩ Trần Thanh Thục dường như lại tự tạo cho mình những thách thức mới, và triển lãm “Nghe vải kể chuyện” chính là những “quả ngọt” kết trái từ niềm đam mê cháy bỏng cùng khát vọng vượt qua chính mình.

Họa sĩ Trần Thanh Thục bên những sắc vải.

Họa sĩ Trần Thanh Thục bên những sắc vải.

Không bảng màu, không cọ vẽ, mỗi bức tranh chỉ đơn thuần là những mảnh vải được họa sĩ chọn lựa qua con mắt nhà nghề một cách tinh tế, sáng tạo để tạo nên bức tranh độc bản. Nếu thật để tâm, người xem có thể nhận thấy đó là những hoài niệm thư thả sâu lắng của họa sĩ: khi thì kể về tuổi thơ của mình, về những giàn hoa, giếng nước, ngõ quê, về cả chuyến đò ngang tới trường giữa hai hồi còi báo động, hay là cảm xúc sau mỗi chuyến đi được ngắm nhìn cảnh đẹp quê hương đất nước... Như sợ lớp bụi thời gian làm mờ đi những hoài niệm đó, họa sĩ miệt mài cắt dán trên những sắc vải, tạo nên những bức tranh phong cảnh lưu giữ cảm xúc, hoài niệm đẹp của chính mình và trao nó cho cuộc đời.

Đặc biệt, trong khuôn khổ triển lãm lần này còn có workshop thực hành và hướng dẫn làm tranh vải dành cho các em thiếu nhi. Bà tâm sự rằng: “Từ khi có cháu ngoại, hằng ngày chứng kiến cháu lớn lên, dạy cháu khám phá cuộc sống, hướng cháu trở thành một công dân có ích, có trách nhiệm, tôi bỗng nhận ra rằng, chúng ta phải dạy con em mình từ sớm về lòng yêu nghệ thuật và trách nhiệm bảo vệ môi trường bắt đầu từ những việc làm nhỏ như tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường biển, tái tạo rác thải... Bởi vì, môi trường chính là tương lai của con em chúng ta. Chính vì thế, triển lãm và workshop lần này, ngoài việc truyền cảm hứng yêu nghệ thuật, tôi còn muốn gửi đến các bạn nhỏ thông điệp về việc bảo vệ môi trường: từ các mảnh vải vụn hay hoa văn trên áo quần đã qua sử dụng, hoàn toàn có thể tận dụng để sáng tạo thành những tác phẩm cho riêng mình...”.

Những năm qua, Thanh Thục đã tham gia nhiều triển lãm nhóm như: "Vải và giấy dó" với Lê Tuấn Anh; "Sắc màu Bắc - Trung - Nam" với nhóm họa sĩ đến từ 3 miền đất nước; "Vải và trúc chỉ" với họa sĩ Ngô Đình Bảo Vy; "Thép và vải" với họa sĩ Lê Thị Hiền... Lần đầu tiên họa sĩ Trần Thanh Thục làm triển lãm cá nhân "Nhịp xuân 1" vào năm 2015. Cuối năm 2022, bà tiếp tục trình làng triển lãm “Tôi, Hà Nội và sắc vải” tạo nên một không gian hoài niệm tinh tế mà quyến rũ về Hà Nội.

Trong tranh cắt vải của họa sĩ Trần Thanh Thục, Hà Nội hiện lên với nhiều khung cảnh quen thuộc mà quyến rũ và đầy hoài niệm như tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, Ô Quan Chưởng, chùa Một Cột, nhà thờ Lớn, cầu Long Biên, phố Gầm Cầu, ga Long Biên, phố Khâm Thiên... Họa sĩ chọn tên cho những bức tranh của mình mang âm hưởng của những câu thơ, câu hát quen thuộc với đông đảo công chúng như: “Tôi mong về Hà Nội để nghe gió sông Hồng thổi”, “Hà Nội mùa thu, một ngày mùa thu đầy gió”, “Hà Nội linh thiêng hào hoa”, “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội”, “Một thời đạn bom, một thời hòa bình”, “Hồ Tây bát ngát hương mùa sen tháng sáu”...

Họa sĩ Trần Thanh Thục chia sẻ: “Tôi không được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội mà tuổi hoa niên mới từ Nam Định lên Hà Nội để học vẽ. Khi đó, Hà Nội còn leng keng tiếng tàu điện dọc ngang qua những cửa ô trầm mặc. Tôi nhớ thật nhiều những ngày lạnh căm căm, cùng chúng bạn chộn rộn cầm que kem bên hồ Gươm gợn sóng, những ngày cùng bạn bè Trường Mỹ thuật dựng vội bảng vẽ, ngồi bệt bên vỉa hè phố cổ hối hả tô vẽ như sợ làn mưa xuân nhòa đi những mái ngói rêu phong. Cũng như những người yêu Hà Nội, tôi thường thả bộ lang thang qua những hàng phố, mắt nghếch lên tầng 2, tầng 3 của những ngôi nhà mang hơi thở đặc trưng của Hà Nội, ghi nhớ chúng để rồi đưa những mảng ký ức ấy vào trong tác phẩm của mình...”.

Trần Thanh Thục được biết đến là họa sĩ trong hành trình sáng tạo của mình chỉ dùng chất liệu là những sắc màu được in sẵn trên những mảnh vải để tạo nên tác phẩm. Không giống như vẽ tranh bằng sơn dầu hay bột màu trên toan, lụa hay các chất liệu khác, sáng tác tranh từ các họa tiết được cắt ra từ vải, với những lớp xếp đặt tài hoa, mang lại những hiệu ứng bất ngờ về màu sắc, hình ảnh và thành phẩm, đồng thời giá thành cũng không hề rẻ. Bởi vì, ngoài sự cầu kỳ về nguyên liệu, sự đầu tư cho ý tưởng sáng tạo, mỗi bức tranh vải của họa sĩ Trần Thanh Thục đều chứa đựng trong đó hàng trăm giờ lao động miệt mài.

Suốt hơn 30 năm miệt mài với tranh vải, Trần Thanh Thục đã trở thành họa sĩ Việt duy nhất sáng tạo tranh vải với đề tài trường cảnh, khổ lớn với nhiều tác phẩm độc đáo đã theo chân du khách ra nước ngoài...

Tác phẩm "Miền đá nở hoa" (khổ 200 x 90 cm) của họa sĩ Trần Thanh Thục.

Tác phẩm "Miền đá nở hoa" (khổ 200 x 90 cm) của họa sĩ Trần Thanh Thục.

Để có được chất liệu phong phú phục vụ cho việc sáng tạo nên các bức tranh, họa sĩ Trần Thanh Thục đã lăn lộn khắp nơi, từ các phiên chợ miền núi ở Đồng Văn, Mèo Vạc, Sapa, Điện Biên đến Huế, Đà Nẵng, Hội An, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh... Đi đến đâu, họa sĩ cũng tha lôi về bị to bị nhỏ toàn những vải. Từ vải dệt từ sợi lanh thô ráp, thổ cẩm, đến lụa, tơ, đũi hay những mảnh vải có xuất xứ từ nước ngoài đều được nâng niu, ngắm nghía, nâng lên đặt xuống, tư duy để đưa vào một bức tranh phù hợp của mình.

Họa sĩ Trần Thanh Thục tâm sự: “Hơn bốn chục năm gắn bó cùng sắc vải, trải nghiệm và ngắm nhìn cuộc sống ở nhiều góc độ. Thêm một lần tôi từng ngày, từng chuyến đi thong thả lặng ngắm cảnh đẹp, hòa nhập đời sống với người dân từng vùng miền. Cùng họ yêu cuộc sống giản đơn, bình dị nơi cửa biển, vùng trung du và miền cao nguyên nắng gió... Trở về, tôi hối hả cắt dán qua những đêm dài giá lạnh, qua những ngày nóng ngột ngạt. Dần dà, những miền quê tôi yêu một lần nữa hiện ra chân thực hơn, đằm thắm hơn và gần gũi yêu thương hơn...”.

Họa sĩ Trần Thanh Thục kể rằng, cho đến bây giờ, bà vẫn nhớ cái ngày còn là cô bé, được bố báo tin mình đã đỗ vào hệ trung cấp đào tạo 5 năm của Trường Mỹ thuật Yết Kiêu và rời xa gia đình lên Hà Nội học vẽ, bươn chải với nghề rồi trưởng thành theo năm tháng. Bước qua tuổi 40, khi phải tự mình vượt qua cú sốc lớn khi mất đi người bạn đời khi còn quá trẻ, bà quyết tâm tiếp tục học lên Đại học Mỹ thuật.

Được gặp thầy, gặp bạn trong một môi trường sáng tạo mới, dường như sức sáng tạo của bà mới thực sự bung tỏa. Bà bắt đầu làm việc miệt mài từ đó và có được triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 2015. Sau này, khi dịch COVID-19 bủa vây thế giới, một lần nữa sức sáng tạo của họa sĩ Trần Thanh Thục bùng nổ qua những ngày tháng giãn cách xã hội và thêm thành quả triển lãm “Tôi, Hà Nội và sắc vải” và giờ là “Nghe vải kể chuyện”.

Sau tất cả nỗi vất vả cực nhọc, thậm chí đến kiệt sức sau mỗi lần chuẩn bị cho một triển lãm mới, người họa sĩ ấy vẫn thong dong thả bộ trên từng hàng phố, vẫn từng ngày dành tình yêu và sự kính trọng với Hà Nội bà được theo học, trưởng thành và được sống. Ở đó, còn là những khát khao được kể câu chuyện của riêng mình qua mỗi tác phẩm thay lời biết ơn đối với cuộc đời...

Nguyệt Hà

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/cung-hoa-si-tran-thanh-thuc-nghe-vai-ke-chuyen-i764055/