Cùng Huế 'thức khuya'
Nằm ở các vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố, nhưng thời gian qua, các khu phố đêm, phố đi bộ trên địa bàn quận Thuận Hóa luôn trong cảnh 'chợ chiều'. Bài toán đặt ra là chính quyền địa phương cần bổ sung thêm 'gia vị' để kích cầu và thu hút khách.

Du khách dạo chơi ở Phố đi bộ Chu Văn An - Võ Thị Sáu - Phạm Ngũ Lão
Thêm "gia vị"
9h tối, tôi cùng nhóm bạn dẫn người bạn học cùng lớp thời trung học cơ sở ở quê, nay sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh dạo bộ ở phố đi bộ Chu Văn An - Võ Thị Sáu - Phạm Ngũ Lão. Lâu lắm không xuống phố sau 9h tối nên không khí sôi động, náo nhiệt ở đây khiến những “du khách” U50 như chúng tôi choáng ngợp. Những hàng quán đông đúc, các tuyến đường nhộn nhịp khi từng đoàn khách nườm nượp đổ về hòa mình vào dòng người xuôi ngược để thưởng thức các đặc sản hay chọn mua các sản phẩm lưu niệm, quà tặng bày bán hai bên đường.
Sức hấp dẫn của tuyến phố đi bộ chính là sự sống động của những góc phố với những quán cafe, quán bar đầy màu sắc, cùng với những con đường được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng hiện đại cộng hưởng với không gian giải trí tích hợp như âm nhạc, nghệ thuật đường phố, ẩm thực Huế… đưa cả khu phố tỏa sáng vào 3 tối cuối tuần, giúp người dân và du khách “thức khuya” thay vì đi ngủ sớm như trước.
Tuy nhiên, bên cạnh sự sôi động, nhộn nhịp với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng trải dài qua 3 tuyến phố Chu Văn An - Võ Thị Sáu - Phạm Ngũ Lão, du khách đến đây vẫn chưa thực sự hài lòng. “Huế là nơi hội tụ nhiều nghề và làng nghề truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng, như hoa giấy Thanh Tiên, đệm bàng Phò Trạch, nón lá Phủ Cam… Vậy nên, nếu như các tuyến phố nằm trong khuôn viên phố đi bộ bổ sung thêm không gian trải nghiệm nghề truyền thống để du khách vừa tham gia trải nghiệm, vừa tìm hiểu lịch sử làng nghề rồi chọn mua những sản phẩm do mình làm ra thì quá thú vị, khỏi cần đi đến các làng nghề. Mặt khác, có quá nhiều hàng quán, song lại rất ít các hoạt động văn hóa nghệ thuật, âm nhạc đường phố phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của du khách”, chị Thu Hương, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh trao đổi.

Du khách tham quan và mua sắm hàng lưu niệm - quà tặng ở phố đi bộ Chu Văn An - Võ Thị Sáu - Phạm Ngũ Lão
Chủ tịch UBND phường Phú Hội, bà Võ Thị Anh Thư cho biết, khai trương vào tháng 9/2017 với không gian trải dài qua 3 tuyến đường, phố đi bộ Chu Văn An - Võ Thị Sáu - Phạm Ngũ Lão hiện có hơn 150 cơ sở lưu trú và khoảng 500 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, trong đó hơn 70% là du khách nước ngoài. Sắp tới, phường tiếp tục chỉnh trang hạ tầng, trao đổi với các cơ sở kinh doanh thay đổi mô hình, diện mạo phố đi bộ nhằm tạo không khí sôi động, nhộn nhịp, phục vụ du khách trong Năm Du lịch quốc gia 2025.
Tăng sự kết nối
Khác với không khí sôi động, náo nhiệt ở Phố đi bộ Chu Văn An - Võ Thị Sáu - Phạm Ngũ Lão, chỉ sau 2 năm đưa vào hoạt động, phố đi bộ Hai Bà Trưng đang trong cảnh “chợ chiều” khi thiếu vắng các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa nghệ thuật nên ngày càng đơn điệu và vắng khách. Với sự kết hợp các khu vực thương mại sẵn có và khai thác các dịch vụ thương mại của người dân để hình thành khu phố sầm uất, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí về đêm cho người dân và du khách, phố đi bộ Hai Bà Trưng khai trương kỳ vọng sẽ là không gian tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc đường phố... góp phần đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa cho người dân địa phương và du khách. Tuy nhiên, ngoài việc hình thành nên một không gian trưng bày, giới thiệu và mua bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản và ẩm thực ba miền bằng xe lưu động cùng với các hàng quán sẵn có hai bên đường Hai Bà Trưng, thời gian qua phố đi bộ này chưa tổ chức nhiều những hoạt động văn hóa văn nghệ nên chưa thực sự “hút” khách.
“Nghèo nàn, đơn điệu và nhàm chán khi phố đi bộ chỉ quanh quẩn các nhà hàng, quán cà phê hay những chiếc xe đẩy bán các loại thức ăn nhanh nồng nặc mùi chiên, nướng. Trong khi đó, du khách đến đây ngoài việc thưởng thức ẩm thực, giải khát thì rất cần không gian biểu diễn nghệ thuật, giao lưu âm nhạc hay các chương trình giao lưu văn hóa, âm nhạc đường phố…”, chị Ngọc Minh, du khách đến từ TP. Đông Hà (Quảng Trị) chia sẻ.
Sự ra đời của các khu phố đêm, phố đi bộ hay phố ẩm thực trên địa bàn quận Thuận Hóa không chỉ tạo ra những địa điểm vui chơi giải trí phục vụ người dân và du khách, mà còn kết nối không gian đi bộ ở các tuyến đường với không gian dọc bờ sông Hương.

Không khí sôi động, nhộn nhịp ở phố đi bộ Hai Bà Trưng
Với mục đích kết nối các tuyến đường đi bộ dọc bờ sông Hương, đồng thời kết nối với các khu phố đêm, phố đi bộ trên địa bàn giúp du khách trải nghiệm các không gian đi bộ phía bờ nam sông Hương, mới đây, UBND quận Thuận Hóa đầu tư dự án (DA) đường đi bộ dọc bờ sông Hương đoạn từ bến thuyền Tòa Khâm đến chân cầu Đập Đá, với tổng mức đầu tư hơn 35,2 tỷ đồng. DA xây dựng tuyến đường đi bộ kết hợp đường xe đạp chạy dọc bờ sông Hương đoạn từ bến thuyền Tòa Khâm đến chân cầu Đập Đá với chiều dài khoảng 460m, rộng 6m; hệ thống cấp, thoát nước, điện chiếu sáng đảm bảo nhu cầu sử dụng. Dự kiến, công trình hoàn thành vào cuối tháng 8/2025.
Cũng với mục đích trên, Phó Bí thư Quận ủy, Quyền Chủ tịch UBND quận Thuận Hóa Nguyễn Đình Bách cho biết, quận đã và đang triển khai các DA xây dựng các tuyến đường đi bộ đoạn từ chân cầu Đập Đá đến chân cầu Nguyễn Hoàng. Đồng thời, nâng cấp, chỉnh trang các tuyến đường khu vực trung tâm, như: Trương Định, Phạm Hồng Thái, Phan Chu Trinh… Cùng với đó là triển khai kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng và đặc sản, hướng đến việc kết hợp phát triển hạ tầng du lịch gắn với đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào khai thác tiềm năng văn hóa, sinh thái và làng nghề truyền thống để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo và thu hút khách du lịch. Trong đó, ưu tiên phát triển du lịch kinh tế đêm thông qua hoạt động của các phố đêm, phố đi bộ Chu Văn An - Võ Thị Sáu - Phạm Ngũ Lão, Hai Bà Trưng; Phố ẩm thực Trương Định bằng cách tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, âm nhạc đường phố… nhằm tiếp tục kích cầu và thu hút khách.
Chủ tịch UBND phường Vĩnh Ninh, ông Nguyễn Đức Tường Thoại cho biết, để nâng cao chất lượng hoạt động của khu Phố ẩm thực Trương Định và Phố đi bộ Hai Bà Trưng, phường vừa gửi đề xuất đến UBND quận Thuận Hóa có ý kiến với Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế tạo điều kiện cho phường sử dụng cơ sở vật chất khu đất số 4 Hoàng Hoa Thám để làm nhà vệ sinh công cộng phục vụ nhu cầu của người dân và du khách, đồng thời lắp đặt một số biển cấm dừng, cấm đỗ ô tô trong khung giờ tổ chức hoạt động của phố ẩm thực đêm. Riêng Phố đi bộ Hai Bà Trưng, hiện số lượng người dân và du khách đến tham quan, vui chơi giảm mạnh do các hoạt động văn hóa, văn nghệ còn ít, chưa thu hút được người dân và du khách. Vì vậy, phường đề xuất Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận hỗ trợ các chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ để thu hút khách đến vui chơi, giải trí góp phần thúc đẩy việc kinh doanh, buôn bán cho các hộ kinh doanh nơi đây.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/du-lich/cung-hue-thuc-khuya-152396.html