Cùng kéo giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Hướng dẫn sơ cứu ban đầu khi NLĐ bị TNLĐ. Ảnh: KIM CHI

Nhằm ngăn ngừa, giảm nguy cơ tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động (NLÐ), các cấp công đoàn, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Qua đó góp phần thúc đẩy việc sản xuất, kinh doanh (SXKD) tại các đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp

Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, năm 2021 trên toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ TNLĐ, giảm 1.876 vụ (22,4 %), làm 6.658 người bị nạn, giảm 1.952 người (22,6%) so với năm 2020.

Tại Phú Yên, theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, trong năm 2021 xảy ra 20 vụ TNLĐ. Các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu là lĩnh vực may công nghiệp, sản xuất kính công nghiệp. NLĐ bị thương do bị kim đâm vào tay và vật rơi vào chân. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại một số doanh nghiệp chưa cao cộng với tâm lý chủ quan, bất cẩn của NLĐ trong quá trình làm việc.

Ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB-XH) cho biết, tỉnh đã và đang nỗ lực kéo giảm hơn nửa số vụ TNLĐ, hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối trong SXKD tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

Để kéo giảm TNLĐ, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt. Theo báo cáo của 26 doanh nghiệp, năm 2021 dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng các đơn vị đã huấn luyện về ATVSLĐ cho 4.828 người; đã kiểm định 624 máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Sở LĐ-TB-XH cũng phối hợp các đơn vị thường xuyên tư vấn, phổ biến giáo dục pháp luật ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ (PCCN) cho các doanh nghiệp, cơ sở SXKD thực hiện nghiêm các quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ nhằm ngăn chặn các vụ TNLĐ xảy ra. Các đơn vị, doanh nghiệp rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động tại các bộ phận, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ; thực hiện kiểm định máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trước khi đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật. Đồng thời tổ chức huấn luyện ATVSLĐ đầy đủ về các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.

Anh Đỗ Chí Cường, công nhân Công ty TNHH Nhôm kính Vân Nam Phát (TP Tuy Hòa), nói: Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi làm việc rất nghiêm túc để đảm bảo an toàn và có thu nhập. Chủ sử dụng lao động cũng quan tâm nhất định đến công tác ATVSLĐ, chăm lo sức khỏe NLĐ, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc. NLĐ chúng tôi cũng tự kiểm tra, rà soát, phát hiện những nguy cơ mất an toàn, chấp hành đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.

Bà Cao Thị Phượng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MOSC Việt Nam (KCN Hòa Hiệp, TX Đông Hòa) cho biết: Để NLĐ yên tâm làm việc, chúng tôi luôn chú trọng các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm tại doanh nghiệp, phòng ngừa TNLĐ do ngã cao, vật rơi, đổ sập, điện giật… Đồng thời tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định về ATVSLĐ cho NLĐ. NLĐ cũng rất ý thức trong việc thực hiện nghiêm công tác này.

NLĐ làm việc tại Công ty TNHH Nhôm kính Vân Nam Phát. Ảnh: HOÀNG LÊ

NLĐ làm việc tại Công ty TNHH Nhôm kính Vân Nam Phát. Ảnh: HOÀNG LÊ

Đa dạng hoạt động thông tin, tuyên truyền

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB-XH Đinh Khắc Đô, công tác đảm bảo ATVSLĐ, ngăn ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng. Nó có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người và sự phát triển của mỗi cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở SXKD cũng như hộ gia đình. Vì vậy, quan tâm đến ATVSLĐ cũng có nghĩa là quan tâm trực tiếp đến NLĐ, tài sản của doanh nghiệp và xã hội.

“Nhằm ngăn chặn các vụ TNLĐ, thông qua việc tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng tháng Hành động ATVSLĐ hàng năm, Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các sở, ban ngành, hội đoàn thể, cơ quan thông tấn báo chí đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền sâu rộng về chính sách pháp luật ATVSLĐ đến mọi tầng lớp Nhân dân và NLĐ. Thường xuyên tư vấn, phổ biến giáo dục pháp luật ATVSLĐ cho các doanh nghiệp, cơ sở SXKD thực hiện nghiêm các quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ”, ông Đô cho biết.

Từ năm 2021 đến nay, Sở LĐ-TB-XH đã phối hợp với UBND các địa phương và doanh nghiệp tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền, đối thoại về Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành với 697 người tham gia, qua đó nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ. Sở cũng đã hướng dẫn các doanh nghiệp thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ, báo cáo kịp thời TNLĐ, tình hình công tác ATVSLĐ định kỳ và hàng năm; khai báo đầy đủ các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp tự kiểm tra, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại cơ sở; xử lý nghiêm minh, kịp thời những doanh nghiệp cố ý vi phạm pháp luật về ATVSLĐ.

Hưởng ứng tháng ATVSLĐ và đảm bảo công tác ATVSLĐ, Sở LĐ-TB-XH tăng cường phối hợp các đơn vị kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc các công ty, doanh nghiệp để chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, đảm bảo môi trường ATVSLĐ. Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở SXKD trên tinh thần “sản xuất an toàn, an toàn để sản xuất”. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả hành động về ATVSLĐ năm 2022 theo tinh thần Chỉ thị 29 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Đồng thời tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, các buổi tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ, doanh nghiệp, trong khu vực làng nghề, phi kết cấu. Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, rà soát các nguy cơ mất ATVSLĐ tại các công trình xây dựng, giao thông nơi đông người qua lại, các trung tâm thương mại, trường học, khu dân cư về an toàn điện, hàn cắt, phòng ngừa tai nạn ngã cao, vật rơi. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra, kiểm tra chuyên đề việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở SXKD có nguy cơ rủi ro về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/277566/cung-keo-giam-tai-nan-lao-dong-benh-nghe-nghiep.html