Cùng làm lành mạnh môi trường mạng

Gửi ý kiến tham gia diễn đàn 'Tin giả trên mạng', nhiều bạn đọc đã phân tích, góp ý về các biện pháp để người dùng mạng xã hội không mắc lừa tin giả.

Hiểu luật để biết rõ quyền và trách nhiệm của mình

Hàng ngày, có rất nhiều tin giả được đăng tải tràn lan trên các trang mạng xã hội, đề cập những chuyện dễ lôi kéo sự tò mò của người đọc, như bắt cóc, buôn bán trẻ em, phụ nữ... Đa số là những thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt để câu view mưu lợi riêng. Vậy mà các tin giả như vậy vẫn được hàng trăm lượt chia sẻ, hàng ngàn bình luận, khiến dư luận hoang mang.

Người dân cần tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin từ truyền thông xã hội, không để bị kẻ xấu tung tin giả lôi kéo kích động. Về phía chính quyền và các cơ quan chức năng liên quan, cần quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân biết ứng xử thế nào cho phù hợp pháp luật, không gây hậu quả đáng tiếc; giúp người dân hiểu luật để biết rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thông tin cũng như phòng chống tội phạm.

TƯƠNG QUAN (quận 7, TPHCM)

Tỉnh táo phân biệt, sàng lọc thông tin

Hiện nay có rất nhiều tin giả xuất hiện trên mạng xã hội, lan truyền rất nhanh chóng. Với nhiều lý do, mục đích khác nhau, nhiều người dùng mạng xã hội ở Việt Nam thường thích chia sẻ những thông tin giật gân, tiêu cực liên quan đến các vấn đề chính trị - xã hội, mà không cần kiểm chứng. Việc này không chỉ khiến người đọc hoang mang mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội, tạo cơ hội cho kẻ xấu tung tin giả làm ảnh hưởng đến tình hình đất nước.

Nhiều người dùng mạng xã hội vẫn cho rằng các trang mạng cá nhân là của mình, có thể thoải mái đăng tải mọi thứ, thể hiện quan điểm cá nhân. Thực ra đây là một diễn đàn giao tiếp xã hội, không phải là riêng tư và không phải là ảo. Chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình, do vậy phải có ý thức và biết nghĩ về hậu quả.

Mỗi người dùng mạng xã hội cần nâng cao nhận thức, chọn lọc thông tin kỹ càng, phải phân biệt thông tin có đáng tin cậy hay không, chứ không nên vội vàng bình luận, chia sẻ rộng rãi. Không chạy theo và cổ xúy cho những xu hướng lệch chuẩn, không a dua chửi bới, thóa mạ người khác trên mạng xã hội, nhằm góp phần làm lành mạnh hóa môi trường mạng.

PHAN VĂN QUỐC HUY (quận Tân Bình, TPHCM)

Qua vận động trên mạng xã hội, các bạn thanh niên phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức, TPHCM) hưởng ứng dọn rác, bảo vệ môi trường

Qua vận động trên mạng xã hội, các bạn thanh niên phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức, TPHCM) hưởng ứng dọn rác, bảo vệ môi trường

Hành xử có văn hóa và có trách nhiệm

Trên mạng xã hội, có một số người mạo danh, không chính danh để đăng tải, phát tán tin giả, sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức và cá nhân khác, kích động hành vi sai trái đối với người tiếp nhận thông tin. Có người làm như vậy vì có hiềm khích, mâu thuẫn với ai đó, hoặc chỉ vì hiểu lầm, mà đưa thông tin có tính làm nhục người khác. Có người góp nhặt các thông tin chưa được kiểm chứng, hoặc cắt xén các thông tin chính thức để dựng thành tin giả như thật, để gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoặc gây mất uy tín của cơ quan chính quyền và nhằm mưu đồ chính trị.

Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân, Luật An ninh mạng đã quy định một số hành vi bị nghiêm cấm khi hoạt động trên mạng như: thông tin sai sự thật gây hoang mang; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội… Do đó, người dùng mạng xã hội nên cảnh giác khi tiếp nhận thông tin và có ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần tạo sự lành mạnh trong môi trường không gian mạng, góp phần tác động, thúc đẩy người sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm hơn, ứng xử văn minh hơn, tiến bộ hơn.

TRÚC GIANG (quận 3, TPHCM)

Phản bác kịp thời với tin giả

Nước ta đang có chính trị - xã hội ổn định và kinh tế trên đà phát triển. Tuy nhiên, cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định, mà một trong những nguy cơ đến từ tác động tiêu cực của truyền thông xã hội. Do vậy, tạo lập môi trường thông tin lành mạnh, an toàn, là yếu tố quan trọng. Các cơ quan chức năng cần quản lý, nắm chắc hơn việc sử dụng, hoạt động trên internet, để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý, ngăn chặn những hành vi vi phạm; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, tạo sự miễn dịch cho người dùng mạng xã hội trước các tác động tiêu cực của truyền thông xã hội.

Cũng cần nhìn nhận thông tin trên mạng xã hội không phải bao giờ cũng là sự thật nhưng ít ra cũng phản ánh một phần khách quan. Có những vụ việc mà nhờ truyền thông xã hội đã giúp dân giám sát, hoặc hỗ trợ cho cơ quan chức năng thực hiện tốt công việc của mình. Do đó, bộ máy nhà nước cũng cần cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, đúng thực tế đến người dân; phản bác kịp thời với tin giả. Sự thiếu minh bạch, chậm trễ trong thông tin sẽ chỉ khiến niềm tin của người dân giảm sút khi họ phải chới với giữa rất nhiều nguồn thông tin thật - giả lẫn lộn từ truyền thông xã hội.

HUỲNH KIỆT (quận Tân Phú, TPHCM)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cung-lam-lanh-manh-moi-truong-mang-615002.html