Cùng lên rừng - xuống biển ở Gia Lai

Với lợi thế cùng sở hữu biển và rừng, văn hóa đồng bằng và bản sắc Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai mới đang đứng trước thời cơ hiếm có để bứt phá mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch. Việc khai thác hiệu quả lợi thế địa hình và văn hóa đa dạng sẽ mở ra hướng phát triển bền vững, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn diện.

Hình thành chuỗi sản phẩm đặc trưng

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Gia Lai đã đón gần 7,4 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt hơn 17.340 tỷ đồng. Đây là kết quả đáng ghi nhận từ sự nỗ lực chung của toàn ngành du lịch, sự vào cuộc tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp, các ngành trong tỉnh. Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch mang tính đặc trưng vùng miền nhằm thu hút du khách và khẳng định thương hiệu địa phương.

Với hệ sinh thái du lịch phong phú, tỉnh Gia Lai mới có thể khai thác đồng thời nhiều loại hình: du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa và du lịch thể thao. Công tác quảng bá du lịch được triển khai mạnh mẽ, chú trọng liên kết vùng, phát triển sản phẩm mới và mở rộng thị trường. Việc tổ chức các sự kiện du lịch quy mô lớn, chuỗi hoạt động văn hóa đặc sắc đã góp phần tạo điểm nhấn trong bản đồ du lịch khu vực.

Biểu diễn Cồng chiêng ở Gia Lai. Ảnh: Diễm Phúc.

Biểu diễn Cồng chiêng ở Gia Lai. Ảnh: Diễm Phúc.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, bên cạnh những thuận lợi, sự hợp nhất giữa hai tỉnh cũng đặt ra không ít thách thức. Sự khác biệt vùng miền về văn hóa du lịch, thói quen tiêu dùng, cách thức kinh doanh giữa khu vực đồng bằng ven biển và miền núi Tây Nguyên vẫn còn rõ rệt. Thương hiệu du lịch chung của tỉnh mới đang trong giai đoạn hình thành, trong khi các giá trị riêng của từng vùng vẫn đang tồn tại song song, khiến việc thống nhất kết nối sản phẩm gặp không ít khó khăn.

Hiện chưa có hệ thống chính sách đủ đồng bộ để phát triển các sản phẩm du lịch liên vùng rừng - biển. Trong khi đó, tiềm năng du lịch của sự kết hợp giữa cao nguyên và duyên hải là vô cùng lớn. Gia Lai cần nghiên cứu tái định vị thương hiệu du lịch trên cơ sở tài nguyên tổng hòa giữa rừng, biển, văn hóa Chămpa và văn hóa các dân tộc Tây Nguyên; những tour du lịch “lên rừng - xuống biển” mang tính trải nghiệm, khám phá cần được xây dựng cụ thể theo từng thời lượng, từng đối tượng khách và từng phân khúc thị trường.

Ông Nguyễn Phạm Kiên Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai cho rằng, trong một không gian rộng lớn và đa dạng như hiện nay, việc xây dựng sản phẩm và thương hiệu du lịch mới là nhiệm vụ cấp thiết. Trước tiên, cần tiến hành khảo sát toàn diện các tuyến điểm du lịch hiện có để xây dựng tour tuyến mới với cách kết nối sáng tạo, hấp dẫn hơn. Cùng với đó, sản phẩm du lịch cần được thiết kế phù hợp với từng nhóm khách hàng và định hướng rõ thị trường quốc tế. Đặc biệt, tỉnh cần tổ chức cuộc thi thiết kế logo, slogan cho du lịch Gia Lai nhằm xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chuyên nghiệp, phục vụ công tác xúc tiến quảng bá hiệu quả hơn.

Triển khai sâu rộng “3K, 3A”

Năm 2025, ngành du lịch tỉnh Gia Lai phấn đấu đón 11,8 triệu lượt khách, tăng 12% so với năm 2024. Doanh thu dự kiến đạt 28.500 tỷ đồng, tăng 8%. Đến năm 2030, toàn tỉnh đặt mục tiêu đón khoảng 18,5 triệu lượt khách, trong đó có 1,1 triệu khách quốc tế và 17,4 triệu khách nội địa. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành du lịch cần có chiến lược phát triển dài hạn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ và tận dụng tốt lợi thế tài nguyên tự nhiên, văn hóa.

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết, du lịch sẽ tiếp tục được xác định là một trong năm trụ cột tăng trưởng của tỉnh trong giai đoạn tới. Tỉnh tập trung phát triển du lịch bền vững, lấy lợi thế biển, rừng, di sản văn hóa Chămpa và văn hóa Tây Nguyên làm nền tảng. Các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch gắn với khám phá di sản sẽ tiếp tục được ưu tiên phát triển, đặc biệt là các tuyến du lịch kết nối Đông - Tây, tạo thành chuỗi dịch vụ du lịch khép kín, hiện đại.

Về quy hoạch, tỉnh đã hoàn thành và triển khai quy hoạch chung khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya, quy hoạch khu du lịch Phương Mai theo hướng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Tỉnh cũng chú trọng phát triển du lịch xanh, tôn trọng yếu tố tự nhiên và bản sắc văn hóa địa phương. Liên kết vùng, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh liền kề và các quốc gia lân cận được đẩy mạnh, đồng thời kết nối các điểm đến trọng điểm trong nội tỉnh thành mạng lưới du lịch liên hoàn.

Một trong những điểm mạnh của tỉnh Gia Lai mới là sự bổ sung về mùa du lịch giữa hai vùng. “Trong khi mùa hè là mùa cao điểm ở Bình Định thì đây lại là mùa mưa, mùa thấp điểm ở Gia Lai. Ngược lại, từ tháng 10 đến tháng 12 là mùa cao điểm ở Tây Nguyên, khi thời tiết khô ráo, cảnh quan hấp dẫn, trong khi Bình Định bước vào mùa vắng khách. Việc điều tiết và khai thác hợp lý hai mùa cao thấp điểm sẽ giúp du lịch phát triển đều quanh năm, tạo nguồn thu ổn định và bền vững” - bà Hạnh chia sẻ.

Theo bà Hạnh, thời gian tới, chuyển đổi số được đẩy mạnh trong toàn ngành du lịch. Gia Lai đang tập trung phát triển cơ sở dữ liệu số du lịch, hoàn thiện các ứng dụng như phần mềm quản lý lưu trú, ứng dụng du lịch Gia Lai, triển khai mã QR thuyết minh tại các di tích, điểm đến nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách. Ngành du lịch tỉnh sẽ triển khai sâu rộng thông điệp 3K “Không nâng giá, ép giá; không tranh giành khách; không gây ô nhiễm tiếng ồn, rác thải” và 3A “An toàn giao thông; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn tính mạng, tài sản” nhằm xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện.

Thùy Trang - Diễm Phúc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cung-len-rung-xuong-bien-o-gia-lai-10310050.html