Chuyển đổi số nông thôn mới: Cần tháo gỡ nút thắt về cơ chế, nguồn lực
Chuyển đổi số đang từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, nhưng để phát triển bền vững cần sớm tháo gỡ những nút thắt về cơ chế và nguồn lực.
Chuyển đổi số đang được triển khai rộng khắp tại khu vực nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng sống và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho người dân. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, theo TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế, để phát triển thực chất và bền vững, cần sớm tháo gỡ những nút thắt lớn về cơ chế chính sách và nguồn lực đầu tư trong chuyển đổi số.
Chuyển đổi số tạo làn gió mới cho nông thôn
Thưa TS. Nguyễn Minh Phong, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả tổng thể của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua? Đặc biệt, chuyển đổi số trong nông thôn mới đã góp phần ra sao trong việc thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng sống và mở rộng cơ hội phát triển cho người dân vùng nông thôn?
TS. Nguyễn Minh Phong: Có thể nói rằng chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số khu vực nông thôn là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm có tính bao trùm và lâu dài trong toàn bộ quá trình phát triển của đất nước trong thời gian tới. Nó nằm trong lộ trình thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế và cao hơn nữa là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đổi mới mô hình tổ chức quản lý xã hội, hướng tới mục tiêu lấy người dân làm trung tâm.

TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế. Ảnh: Quốc Chuyển
Trong bối cảnh đó, các hoạt động chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới đã được triển khai một cách khá bài bản, thể hiện rõ qua sự chỉ đạo từ Trung ương đến các địa phương. Chuyển đổi số trong nông thôn không chỉ là chủ trương mà đã đi vào hành động cụ thể với sự tổ chức, điều phối và thực hiện có hệ thống. Điều đó cho thấy rõ tính hệ thống trong tổ chức và triển khai chương trình.
Thứ nhất, các chỉ đạo và mục tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được quán triệt nghiêm túc trong các kế hoạch, chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo riêng, đồng thời ban hành các kế hoạch chuyển đổi số cấp bộ, triển khai xuống địa phương, thậm chí đến từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể tại nông thôn.
Thứ hai, chúng ta đã có bộ tài liệu tập huấn đồng bộ và quan trọng hơn, các tiêu chí trong Bộ tiêu chí nông thôn mới cũng đang từng bước được nâng cấp, lồng ghép yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào trong chuẩn đánh giá.
Trước đây, tiêu chí công nghệ thông tin chủ yếu dừng lại ở yêu cầu về thông tin truyền thông, nhưng nay đã chuyển sang yêu cầu về ứng dụng thực tiễn của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong điều hành, dịch vụ, sản xuất và đời sống.
Ví dụ, ở cấp "nông thôn mới kiểu mẫu", "nông thôn mới nâng cao", tỷ lệ yêu cầu ứng dụng công nghệ đã tăng lên đáng kể. Một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các vùng nông thôn có điều kiện tốt đã đạt gần 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao về mặt công nghệ và chuyển đổi số.
Thứ ba, xét trên cả ba nội dung của chuyển đổi số gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, chúng ta đều thấy những chuyển biến tích cực.
Đơn cử trong chính quyền số, tỷ lệ dịch vụ công được thực hiện trên nền tảng số đã tăng mạnh. Nhiều địa phương đã đạt đến mức 100% thủ tục hành chính cấp xã được giải quyết qua môi trường mạng.
TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình. Hiện nay, hơn 50% các kế hoạch và dịch vụ công từ cấp thành phố, quận/huyện đến cấp xã đã được thực hiện qua nền tảng số. Trong khi đó, Hà Nội thậm chí còn đạt tỷ lệ cao hơn. Với xu hướng hiện nay, đến năm 2025, tỷ lệ ứng dụng nền tảng số trong dịch vụ công chắc chắn sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Hệ thống phần mềm chuyên dụng đã được xây dựng và phổ cập, hiện có trên 30 phần mềm quản lý chuyên ngành đang được sử dụng. Đồng thời, các cơ sở dữ liệu lớn (big data) cũng đã được xây dựng ở cấp ngành với trên 100 bộ dữ liệu chuyên sâu, từng bước được kết nối đồng bộ để phục vụ hiệu quả hoạt động của chính quyền số.
Có thể nói, ở cấp độ chính quyền số, chúng ta đã có những bước triển khai rất tích cực và rõ nét, từ hạ tầng số, cơ sở dữ liệu đến công cụ vận hành.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý an ninh trật tự, điển hình là việc lắp đặt hàng trăm “mắt thần” (camera an ninh) ở các thôn, xã đã góp phần nâng cao hiệu quả giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương. Không chỉ vậy, chuyển đổi số trong nông thôn còn giúp tiết kiệm chi phí cho người dân, đặc biệt là chi phí đi lại khi thực hiện thủ tục hành chính hay tiếp cận dịch vụ công. Đây là hiệu quả thiết thực, dễ thấy và được người dân ghi nhận.
Về chuyển đổi số trong các chủ thể kinh tế nông thôn, tôi cho rằng chúng ta cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tỷ lệ doanh nghiệp tại khu vực nông thôn ứng dụng công nghệ số đã vượt mốc 10%. Khoảng 10-15% hợp tác xã đã ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, quản lý.
Đặc biệt, đến nay đã có trên 300 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chuỗi giá trị, quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc.
Không chỉ dừng ở doanh nghiệp, hợp tác xã, mà nhiều hộ gia đình nông thôn cũng đã tham gia vào thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, tiếp cận thị trường thông qua nền tảng số. Điều đó cho thấy chuyển đổi số đang từng bước lan tỏa sâu rộng trong các hoạt động kinh tế nông thôn, mang lại hiệu quả thiết thực.
Bên cạnh sản xuất và quản lý, người dân nông thôn hiện nay cũng đã chủ động ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thương mại điện tử và quảng bá sản phẩm, thậm chí là tiếp cận được thị trường nước ngoài.
Nhiều mô hình rất hay từ các tỉnh miền núi phía Bắc đã được ghi nhận, nơi người dân đã lập các website giới thiệu du lịch cộng đồng. Ví dụ như ở vùng Tây Bắc, từ đó thu hút du khách đến trực tiếp mà không cần qua trung gian. Đây là một minh chứng rõ nét cho hiệu quả tích cực của chuyển đổi số trong việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm, đồng thời kết nối trực tiếp với thị trường trong và ngoài nước.
Ở góc độ cộng đồng, tức là trụ cột xã hội số, tỷ lệ người dân tiếp cận, sử dụng và hưởng lợi từ các tiện ích số đã tăng lên đáng kể.
Điều này thể hiện qua: Tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh và internet ngày càng cao. Sự phổ biến của các nhóm zalo cộng đồng, trong đó có tổ y tế, tổ an ninh, tổ phản ứng nhanh… sử dụng nền tảng số để chia sẻ thông tin, chăm sóc sức khỏe, quản lý xã hội. Tăng cường khả năng học hỏi, mở rộng tri thức cho người dân, vượt qua giới hạn của phương thức giao tiếp truyền thống
Tóm lại, nếu xét về chỉ tiêu cụ thể cho giai đoạn đến năm 2025 thì còn đang tiếp tục được cập nhật, tính toán, nhưng xét trên phương diện phong trào, động thái triển khai và hiệu quả thực tiễn, chúng tôi đánh giá rất cao những kết quả bước đầu đạt được.
Tất nhiên, vẫn còn nhiều điểm nghẽn, nút thắt và khó khăn cần được tiếp tục nhận diện và tháo gỡ, nhưng chuyển đổi số đang thực sự tạo ra một làn gió mới, một chuyển biến tích cực cho nông thôn Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững và hội nhập toàn diện.
Nút thắt lớn nhất là cơ chế chính sách và nguồn lực
Có ý kiến cho rằng chuyển đổi số trong nông thôn hiện nay đang được triển khai trên diện rộng nhưng chưa thật sự đồng đều về chiều sâu. Quan điểm của ông như thế nào và theo ông đâu là “nút thắt” lớn nhất?
TS. Nguyễn Minh Phong: Chuyển đổi số ở nông thôn hiện nay triển khai rộng nhưng chưa sâu và chưa đồng bộ. Nếu phải chỉ ra các “nút thắt” cản trở quá trình này, theo tôi, có thể chia thành 4 nhóm vấn đề chính, hay còn gọi là bốn "lát cắt" lớn:
Thứ nhất, hạ tầng cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm còn thiếu và chưa đồng bộ.
Hạ tầng không chỉ là mạng Internet, máy tính hay sóng 3G/4G/5G, mà còn bao gồm cả phần mềm, nền tảng công nghệ. Nhiều ứng dụng hiện nay thiết kế không xuất phát từ thực tiễn, không “gần” với người dân nông thôn nên không thân thiện, khó sử dụng.
Ngoài ra, tình trạng phân mảnh hệ thống khiến các nền tảng không liên thông, tỉnh dùng phần mềm A, huyện dùng phần mềm B, xã dùng phần mềm C… dẫn tới việc không kết nối được với nhau, rất lãng phí nguồn lực. Nếu không xử lý sớm, chi phí đầu tư bổ sung trong tương lai sẽ rất lớn.
Thứ hai là vốn đầu tư thiếu và chưa được phân bổ ưu tiên cho chuyển đổi số.
Chúng ta đều biết nguồn lực ngân sách luôn có hạn, trong khi các lĩnh vực thiết yếu như đường, điện, trường, trạm của nông thôn mới vẫn phải được ưu tiên hàng đầu. Do đó, chuyển đổi số thường bị “xếp sau” dẫn đến thiếu vốn, thiếu nguồn lực để triển khai thực chất.
Ví dụ đơn giản, với người dân nghèo, việc bỏ ra 2 triệu để mua một chiếc smartphone là rất khó, trong khi với 200.000 - 300.000 đồng thì chỉ đủ mua một chiếc điện thoại cơ bản, không thể đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Thứ ba, nhân lực thiếu người có kỹ năng và thiếu lực lượng trẻ tại nông thôn.
Tại nhiều vùng nông thôn, lực lượng lao động trẻ và có kiến thức công nghệ ngày càng ít, chủ yếu là người lớn tuổi, trẻ nhỏ. Tỷ lệ người dân có khả năng sử dụng công nghệ thấp, trong khi nhu cầu chuyển đổi số chưa tới “độ chín”, dẫn đến khó khăn trong triển khai các mô hình thực tiễn.
Đặc biệt, trình độ dân trí nói chung và năng lực số nói riêng ở nhiều địa phương còn thấp, là một rào cản lớn trong việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, dịch vụ và quản lý.
Thứ tư, đặc thù dân cư và mô hình sản xuất phân tán. Khác với đô thị, người dân nông thôn sống phân tán, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không có sự quần tụ hoặc tập trung cao. Điều này khiến việc triển khai chuyển đổi số tốn kém hơn, khó tạo ra hiệu ứng chưởng và nhu cầu sử dụng công nghệ cũng không cao.
Kết quả là tình trạng "xôi đỗ", nơi làm được, nơi không diễn ra phổ biến. Các đô thị, vùng ven đô tiếp cận nhanh, nhưng vùng sâu, vùng xa vẫn rất hạn chế.
Nếu được chọn một yếu tố cốt lõi nhất, tôi cho rằng nút thắt lớn nhất chính là cơ chế chính sách đi kèm với nguồn vốn cụ thể. Ví dụ, nếu Nhà nước có thể cấp phát trực tiếp smartphone hoặc hỗ trợ máy tính đến tận tay người dân, hoặc áp dụng chính sách tài chính cụ thể, thì tiến trình chuyển đổi số ở nông thôn chắc chắn sẽ nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều.
Hiện nay, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc bố trí nguồn lực cho phát triển kinh tế số nông thôn. Theo ông, cần có cơ chế tài chính như thế nào để vừa hỗ trợ cơ sở hạ tầng số, vừa khuyến khích doanh nghiệp công nghệ đầu tư về nông thôn?
TS. Nguyễn Minh Phong: Trước hết, cần nhấn mạnh lại tinh thần của Nghị quyết 57 và các chỉ đạo của Nhà nước liên quan đến phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Đây là một trong những công cụ và động lực mạnh mẽ nhất hiện nay, đồng thời sẽ tiếp tục đóng vai trò hiệu quả trong tương lai giúp Việt Nam bứt phá, rút ngắn khoảng cách và hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao.

Người dân ứng dụng khoa học công nghệ trong chăm sóc cây trồng. Ảnh minh họa
Thực tế đã chứng minh điều đó. Năm 2024, kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng trên 20%, trong khi GDP đạt 7% con số vốn đã rất ấn tượng. Điều này cho thấy, nếu làm tốt chuyển đổi số, không chỉ kinh tế số phát triển, mà kinh tế thực cũng tăng trưởng rất mạnh.
Chúng tôi cho rằng, các giải pháp tài chính, tín dụng cho hoạt động chuyển đổi số, đặc biệt tại khu vực nông thôn, là vô cùng quan trọng, và vấn đề này đã được đặt ra, được nhận thức rõ. Một số chính sách đã lồng ghép trong các chương trình chuyển đổi số của các bộ, ngành, nhưng cần triển khai cụ thể, thực chất, không hình thức.
Đặc biệt, cần chuyển cơ chế đầu tư khoa học công nghệ và chuyển đổi số từ ngân sách sang đầu tư theo hình thức quỹ. Cách làm cũ, theo kế hoạch, theo tiến độ, theo báo cáo thường dẫn đến tình trạng hình thức hóa, giải ngân cuối kỳ, thậm chí là không trung thực và lãng phí. Ngược lại, nếu đầu tư qua quỹ sẽ tạo ra sự linh hoạt hơn về cơ chế, chính sách và thời gian, tránh bị ràng buộc máy móc.
Bên cạnh đó, cần nhận thức rõ chuyển đổi số không có nghĩa là đào tạo từng người dân để ai cũng biết livestream bán hàng. Cách làm hiệu quả là tập trung đầu tư cho những nhóm chuyên biệt có thể gọi là “nhóm đặc nhiệm số” để họ thu mua sản phẩm từ bà con, làm đầu mối bán hàng, quảng bá, vận hành các kênh thương mại điện tử.
Tiếp theo, cần khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ, chuyên gia, đội ngũ chuyển đổi số. Nhà nước, chính quyền địa phương có thể hỗ trợ họ về ăn ở, phương tiện, chi phí công tác, giúp họ giảm gánh nặng chi phí khi triển khai tại cơ sở. Đồng thời, có thể tận dụng lực lượng sinh viên, thanh niên trẻ, những người có năng lực, tinh thần đổi mới để hình thành mạng lưới chuyển đổi số cộng đồng.
Ngoài ra, cần quan tâm đến cơ chế tín dụng, thuế, chiết khấu. Các khoản đầu tư tài chính vào chuyển đổi số ở khu vực nông thôn cần được giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục, chấp nhận rủi ro hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận dễ dàng hơn.
Quan trọng nhất, là phải cụ thể hóa các chính sách, tránh tình trạng chính sách khó tiếp cận, thủ tục rườm rà, hoặc bị chi phối bởi lợi ích nhóm. Các cơ quan Trung ương cần lắng nghe ý kiến từ cơ sở, doanh nghiệp, người dân để điều chỉnh chính sách tài chính, tín dụng theo hướng thông minh, minh bạch và hiệu quả nhất.
Cuối cùng, cần dành một phần ngân sách để tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực trong chuyển đổi số, đặc biệt trong hoạt động đào tạo, hỗ trợ cộng đồng. Đồng thời, cũng cần xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, đưa nguồn thu từ phạt vi phạm vào quỹ phát triển chuyển đổi số. Quỹ này nên phân cấp xuống tận xã, tạo ra cơ chế tài chính bền vững và linh hoạt cho địa phương.
Xin trân trọng cảm ơn TS Nguyễn Minh Phong!
Muốn chuyển đổi số nông thôn bền vững, không thể chỉ dừng ở chủ trương và phong trào, mà phải có cơ chế chính sách cụ thể, nguồn lực đầu tư thực chất và cách làm phù hợp với điều kiện, đặc thù nông thôn. Cần đặt người dân vào trung tâm, doanh nghiệp công nghệ làm động lực, chính quyền làm bệ đỡ và cộng đồng làm nền tảng để thúc đẩy quá trình số hóa đồng bộ, hiệu quả và lâu dài.