Cùng lúc học 2 trường, nữ sinh đạt học bổng 8,6 tỷ nhờ bài luận đầy cảm hứng

Đối với nhiều người, bài luận có thể là thử thách lớn, nhưng Lê Hoàng Tiên lại coi đó là cơ hội vì nhiều 'đất diễn' để thể hiện bản thân.

Vừa qua, Lê Hoàng Tiên - học sinh lớp 12 chuyên Anh, Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ (Hà Nội) nhận thông báo trúng tuyển vào Trường Đại học Vassar College với mức hỗ trợ tài chính khoảng 8,6 tỷ đồng trong vòng 4 năm (tương đương 85.000 đô la Mỹ/năm và 340.000 đô la Mỹ cho 4 năm học), bao gồm toàn bộ tiền học phí và một phần chi phí sinh hoạt.

Theo bảng xếp hạng của US News năm 2025, Trường Đại học Vassar College nằm ở vị trí thuộc top 12 đại học khai phóng tốt nhất nước Mỹ. Với bề dày lịch sử lâu đời, được thành lập từ năm 1861, Trường Đại học Vassar College danh tiếng có thế mạnh đào tạo trong các ngành khoa học về lĩnh vực chính trị, tâm lý học, sinh học, lịch sử nghệ thuật,…

Trong đợt xét tuyển sớm, nữ sinh đã nộp hồ sơ tới khoảng 8 trường, nhưng đây là ngôi trường đầu tiên thông báo kết quả và cũng là cơ sở đào tạo đại học mà em yêu thích nhất. Với mong muốn thực hiện ước mơ bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa, Lê Hoàng Tiên dự định theo đuổi hai chuyên ngành là Truyền thông và Nghiên cứu văn hóa châu Á. Điều này giúp em có được vốn hiểu biết sâu sắc hơn về nền văn hóa đa dạng của khu vực, mà còn trang bị những kiến thức, kỹ năng để truyền tải và kết nối các giá trị văn hóa đến cộng đồng, cả trong nước lẫn quốc tế.

Cân bằng giữa hai môi trường học tập

Bộc lộ niềm đam mê sâu sắc với âm nhạc và nghệ thuật từ khi còn nhỏ, năm lớp 4, Lê Hoàng Tiên đã bắt đầu hành trình theo đuổi sở thích chơi đàn piano và theo học hệ trung cấp 9 năm tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Song song với đó, em vẫn đảm bảo chương trình học chính khóa trên trường.

 Lê Hoàng Tiên - học sinh lớp 12 chuyên Anh, Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Lê Hoàng Tiên - học sinh lớp 12 chuyên Anh, Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Nữ sinh cho hay duy trì việc học ở trường lẫn Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khá vất vả, nhất là giai đoạn thi cử hay mới chuyển cấp. Nhưng em không chọn một trong hai, để cân bằng mọi thứ, em lên thời gian biểu, mỗi ngày đều duy trì tập luyện piano vào một khung giờ cố định, còn lại là hoàn thành việc học trên trường.

Để cân bằng giữa học văn hóa và luyện tập âm nhạc, Hoàng Tiên tự thiết lập một thời gian biểu chặt chẽ, trong đó dành từ 1,5 đến 2 tiếng mỗi ngày để tập đàn piano và tăng cường luyện tập vào cuối tuần. Khoảng thời gian còn lại, cô sắp xếp hợp lý cho việc học văn hóa và các hoạt động ngoại khóa khác.

Từ tiểu học, Hoàng Tiên là thành viên của đội tuyển môn Toán và Tiếng Anh, tham gia và giành được nhiều giải học sinh giỏi các cấp. Chính từ đây, nữ sinh nhận ra ngoài âm nhạc, em có thể phát triển nhiều năng lực khác để đóng góp tốt hơn cho cộng đồng. Từ cuối cấp trung học cơ sở, em nhen nhóm ý định đi du học ở Mỹ.

Dù lịch trình bận rộn và liên tục phải di chuyển giữa hai trường, Lê Hoàng Tiên vẫn xuất sắc ghi danh trong hàng loạt thành tích học thuật, như giải Nhì học sinh giỏi tiếng Anh cấp thành phố năm lớp 9, giải Ba kỳ thi học sinh giỏi vùng Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ năm lớp 10, hay giải Ba kỳ thi Olympic bậc Trung học phổ thông của Đại học Quốc gia Hà Nội. Không chỉ vậy, trên hành trình âm nhạc, em còn giành giải Nhất cuộc thi Piano Quốc tế Singapore (SIPC 2022), khẳng định tài năng trên đấu trường quốc tế.

 Hoàng Tiên theo học hệ trung cấp chuyên nghiệp piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ năm 9 tuổi. Ảnh: NVCC.

Hoàng Tiên theo học hệ trung cấp chuyên nghiệp piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ năm 9 tuổi. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, bước vào cuối năm lớp 10, Hoàng Tiên bắt đầu cân nhắc về định hướng tương lai của mình. Ban đầu, em nghĩ đến việc du học các ngành liên quan đến âm nhạc và nghệ thuật – lĩnh vực vốn là sở trường và niềm đam mê lớn của Tiên. Nhưng khi tìm hiểu sâu hơn, nữ sinh nhận ra rằng ngành Truyền thông và Nghiên cứu văn hóa châu Á cũng có sức hấp dẫn riêng đầy đặc biệt. Đây không chỉ là lĩnh vực em yêu thích, mà còn là cách để đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, nhất là trong việc bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa.

Sau nhiều suy nghĩ đắn đo và trăn trở, Hoàng Tiên quyết định theo đuổi giấc mơ du học tại Mỹ, nơi có môi trường học thuật khai phóng. Một trong những ngôi trường em lựa chọn là Trường Đại học Vassar College – cơ sở giáo dục không chỉ đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành văn hóa và truyền thông, mà còn cho phép người học cũng có thể học thêm các môn nghệ thuật khác. Đây được xem là sự kết hợp hoàn hảo giúp sinh viên phát triển toàn diện, vừa kế thừa niềm đam mê nghệ thuật, vừa thỏa sức khám phá những lĩnh vực học thuật mà Tiên hằng yêu thích.

Trong năm lớp 11 và 12, em tập trung làm nghiên cứu khoa học, dưới sự hướng dẫn của một phó giáo sư công tác tại Trường Đại học Ngoại thương, Hoàng Tiên cùng một người bạn khác thực hiện dự án “Phát triển văn hóa chợ phiên để tạo sinh kế bền vững cho người dân tộc thiểu số”, tìm cách kết nối giá trị truyền thống với sự phát triển kinh tế. Ngoài ra, em còn độc lập nghiên cứu đề tài về "Ảnh hưởng của truyền thông và marketing đến việc bảo tồn làng nghề truyền thống".

Không những vậy, đến năm lớp 12, nữ sinh xuất sắc đạt được mức điểm SAT là 1.540/1.600 (thuộc top 1% thí sinh có điểm cao nhất thế giới) và 8.0 IELTS ngay lần thi đầu tiên mà không cần ôn tập quá nhiều. Song, theo Hoàng Tiên, “điểm số không phải là tất cả trong một bộ hồ sơ du học ấn tượng". Thay vào đó, em dành thời gian tập trung xây dựng những yếu tố khác trong bộ hồ sơ.

Chiến thuật xây dựng hồ sơ du học từ sớm

Xác định được định hướng trong tương lai, Lê Hoàng Tiên bắt đầu lên kế hoạch xây dựng hành trình du học từ sớm, với mục tiêu tạo ra một bộ hồ sơ toàn diện và nổi bật. Em hiểu rằng các cơ sở đại học Mỹ thường yêu cầu ứng viên phải đáp ứng nhiều tiêu chí, bao gồm hồ sơ học thuật xuất sắc, kết quả bài thi chuẩn hóa, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, cùng với danh sách hoạt động ngoại khóa ấn tượng. Ngoài ra, bài luận cá nhân - được coi là "linh hồn" của mỗi bộ hồ sơ du học cũng là yếu tố quan trọng giúp thể hiện câu chuyện và cá tính riêng biệt của ứng viên.

 Lê Hoàng Tiên trong một hoạt động thiện nguyện tại làng trẻ SOS. Ảnh: NVCC.

Lê Hoàng Tiên trong một hoạt động thiện nguyện tại làng trẻ SOS. Ảnh: NVCC.

Bộ hồ sơ du học của Tiên được xây dựng với định hướng rõ ràng, tập trung thể hiện hình ảnh một con người với nhiều góc nhìn đa chiều: vừa đam mê nghệ thuật, vừa quan tâm sâu sắc đến cộng đồng. Các dự án và bài luận cá nhân của em hướng đến phản ánh chân thực những giá trị này, làm nổi bật sự kết hợp giữa năng khiếu nghệ thuật và trách nhiệm xã hội.

Điểm sáng nhất trong bộ hồ sơ mà Tiên tự hào chính là đã tổ chức một concert từ thiện cá nhân, một dự án đánh dấu sự trưởng thành cả về tư duy tổ chức lẫn khả năng nghệ thuật. Để hiện thực hóa chương trình này, Tiên đã dành khoảng 4 tháng miệt mài lên kế hoạch. Từ việc xây dựng ý tưởng ban đầu, đảm nhận vai trò trưởng ban tổ chức, trưởng ban nội dung, đến việc trực tiếp tham gia biểu diễn, Hoàng Tiên đều dồn hết tâm huyết.

Tháng 7 năm 2024, concert được tổ chức tại Phòng Hòa nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, thu hút hơn 150 khán giả đến tham dự và thưởng thức màn trình diễn tác phẩm "Grande Valse Brillante" của nhạc sĩ Frédéric Chopin. Dù không phải sân khấu lớn nhất mà Tiên từng xuất hiện, nhưng đây lại là buổi biểu diễn khiến nữ sinh hãnh diện và tự hào nhất.

Toàn bộ số tiền thu được từ concert, em đã đem quyên góp cho Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), góp phần hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Với Tiên, đây không chỉ là một đêm nhạc, mà còn là cách để em lan tỏa những giá trị tích cực, kết nối nghệ thuật với trách nhiệm cộng đồng, đúng như những gì cô luôn muốn thể hiện qua bộ hồ sơ của mình.

 Tiết mục biểu diễn đàn piano của Lê Hoàng Tiên. Ảnh: NVCC.

Tiết mục biểu diễn đàn piano của Lê Hoàng Tiên. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, nữ sinh còn mở rộng trải nghiệm của mình bằng việc đảm nhận vai trò cộng tác viên dịch thuật mảng thế giới cho một tờ báo hàng đầu, và thực tập tại phòng truyền thông của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - "tiền đề" để Tiên tiếp tục hành trình khám phá và bảo tồn văn hóa trong tương lai.

Về bài luận, nhà trường yêu cầu thí sinh phải viết một bài luận chính, một bài luận phụ và một sản phẩm tự do (có thể là truyện, phim, sản phẩm nghệ thuật...). Đối với nhiều người, điều này có thể trở thành một thử thách lớn với yêu cầu khắt khe, nhưng Hoàng Tiên lại cảm thấy may mắn vì sẽ có nhiều “đất diễn” để thể hiện bản thân.

Tiên bắt đầu lên ý tưởng và viết bài luận từ sớm, ngay từ học kỳ 2 lớp 11. Với một nền tảng học tập tại hai trường và trải nghiệm đa dạng, em băn khoăn trong việc chọn lựa chủ đề. Cuối cùng, nữ sinh quyết định viết về văn hóa gia đình Việt, đi sâu vào những thói quen và truyền thống, trong đó có cả một số thói quen hay văn hóa không lành mạnh. Còn lại hầu hết đều là nét đẹp, giá trị tinh hoa.

"Em nhận ra rằng những gì chúng ta thấy thường chỉ là bề nổi của văn hóa, còn bên trong đó ẩn chứa rất nhiều vấn đề còn gây tranh cãi. Chính vì vậy, em muốn khám phá văn hóa theo cách đa chiều, từ đó phát huy những giá trị tốt đẹp", Hoàng Tiên chia sẻ.

Điểm mạnh nhất ở bài luận được áp dụng vào triển khai là mạch truyện tựa như các cảnh phim ghép lại với nhau với những chuỗi chi tiết độc đáo có chiều sâu cảm xúc, tạo nên một bài viết giàu tính điện ảnh.

Ở bài luận phụ, Tiên chia sẻ về chuyến đi từ thiện tại Sơn La, nơi em quan sát và tìm hiểu những tập tục văn hóa độc đáo của cộng đồng địa phương. Nhờ khả năng viết lôi cuốn, em cũng chọn viết về "từ điển cá nhân" cho sản phẩm tự do, một cách thể hiện đặc biệt và sáng tạo để thể hiện bản sắc riêng của mình.

 Lê Hoàng Tiên trao quà tại Làng trẻ em SOS. Ảnh: NVCC.

Lê Hoàng Tiên trao quà tại Làng trẻ em SOS. Ảnh: NVCC.

Khó khăn lớn nhất của Tiên trong quá trình chuẩn bị hồ sơ chính là học hai trường cùng lúc. Điều này khiến em căng thẳng, áp lực về mặt thời gian. Có giai đoạn cao điểm, em thường phải thức đến 2-3 giờ sáng. Chính vì vậy, suy nghĩ đầu tiên của nữ sinh khi biết kết quả học bổng du học là sự nhẹ nhõm và niềm vui vì cuối cùng có thể "ngủ sớm" trở lại.

Cô Nguyễn Thu Hằng - giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên Anh 12A1 tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ cho biết: "Tôi không ngạc nhiên khi Hoàng Tiên nhận học bổng. Em không chỉ có thành tích học tập tốt với mức điểm GPA luôn duy trì từ 9,6-9,7/10, mà còn tham gia tích cực vào nhiều kỳ thi và hoạt động của trường. Để đạt được những kết quả này trong khi còn học song song tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, em đã sắp xếp thời gian rất khoa học và xứng đáng với học bổng này, thậm chí hơn thế".

Với kết quả trúng tuyển học bổng du học sớm, Lê Hoàng Tiên cho biết sẽ tiếp tục đảm bảo việc học ở trên trường, đồng thời tìm hiểu thêm về ngôi trường đại học mới này, cũng như phương pháp học đại học tại Mỹ và chuẩn bị một số kỹ năng mềm để dễ dàng hòa nhập hơn khi bước chân vào môi trường mới ở nước ngoài.

Diệu Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/cung-luc-hoc-2-truong-nu-sinh-dat-hoc-bong-86-ty-nho-bai-luan-day-cam-hung-post248649.gd