Cúng ông Công, ông Táo ngày nào, giờ nào đẹp nhất?

Ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, nhiều gia đình Việt Nam bận rộn chuẩn bị lễ cúng ông Công ông Táo bày tỏ lòng thành kính và mong cầu một năm mới bình an, thuận lợi.

Cúng ông Công, ông Táo năm 2024 vào ngày nào, giờ nào đẹp nhất?

Cúng ông Công, ông Táo năm 2024 vào ngày nào, giờ nào đẹp nhất?

Theo sách Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin, Thổ Công là vị thần có nhiệm vụ ghi chép mọi việc tốt xấu xảy ra trong mỗi gia đình. Lễ cúng Thổ Công quan trọng nhất là ngày Tết Táo Quân vào ngày 23 tháng Chạp (còn gọi là Tết ông Công).

Người dân thường cúng ông Công ông Táo từ các ngày khoảng 20 tháng Chạp đến trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Bởi người ta quan niệm rằng sau 12 giờ trưa 23 tháng Chạp là lúc các ông Táo đã lên chầu Trời.

Ở một số tỉnh miền Nam, người ta cúng ông Công ông Táo vào buổi đêm, khoảng 20 - 23 giờ ngày 23 tháng Chạp. Đây được xem là thời điểm việc bếp núc đã xong, không còn nấu nướng để tránh làm phiền các Táo.

Trong ngày lễ này, sau khi cúng xong, Thổ Công lên chầu Thượng Đế để báo cáo những điều tai nghe, mắt thấy ở trần thế mà mình đã ghi chép được. Còn các gia đình sẽ hóa vàng, mũ, áo, hia của năm trước đổ tro ra sống và phóng sinh cho con cá chép để cho ông cưỡi lên Trời. Quan niệm dân gian cho rằng cá chép sau khi được phóng sinh sẽ hóa thành rồng để cho ông Táo cưỡi.

Tùy theo điều kiện hoàn cảnh, vùng miền khác nhau mà các gia đình lựa chọn mâm lễ cúng ông Công ông Táo khác nhau, tùy theo điều kiện của từng gia đình.

Dưới đây là gợi ý mâm lễ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, hương, trái cây tươi, trà, rượu, cau trầu, hoa (1 lọ hoa cúc, 1 lọ hoa đào nhỏ). Tùy theo từng vùng miền, các món ăn có thể thay đổi cho phù hợp.

Các bà nội trợ hoặc người trong gia đình được giao nhiệm vụ thực hiện nghi lễ cần mặc trang phục nghiêm chỉnh, lịch sự và trong quá trình làm lễ cúng tránh cười đùa lớn tiếng mà cần tĩnh lặng, khấn nhẹ nhàng, trang nghiêm.

Cá chép sau lễ cúng thường được lựa chọn thả ở ao, hồ, sông suối để phóng sinh. Vì vậy, hãy lựa chọn nơi phù hợp thuận tiện với gia đình.

Đặc biệt, các bà nội trợ nên lưu ý khi thả cá nên tránh ném cá từ trên cao xuống hoặc thả cùng túi ni lon để thể hiện lòng thành kính cũng như bảo vệ môi trường sạch đẹp.

Việc chuẩn bị lễ cúng ông Công ông Táo không cần quá cầu kỳ nhưng phải đầy đủ, chuẩn chỉ đúng với nghi lễ truyền thống.

PV (Tổng hợp)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cung-ong-cong-ong-tao-nam-2024-vao-ngay-nao-gio-nao-dep-nhat.html