Cùng Tổng Chủ biên vì sao mỗi sách lại có cách dạy chữ P, âm 'pờ' khác nhau?

Sách Tiếng Việt 1- Kết nối tri thức với cuộc sống, dạy chữ cái P, âm 'pờ' khác với bộ Chân trời sáng tạo, dù cùng Tổng Chủ biên và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Ngày 25/2, Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng Tổng Chủ biên Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, khẳng định sách có dạy chữ P (chữ pê), âm đầu và âm cuối P (pờ). [1]

Thế nhưng, lời khẳng định của vị Phó Giáo sư vẫn không làm thỏa mãn một số nhà giáo, nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, vì thế cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ.

Sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, dạy chữ P, âm P thế nào?

Theo Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng, sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, dạy âm đầu P (âm pờ) trong bài dạy âm PH (âm phờ). Trước khi học âm PH, học sinh được luyện đọc âm P, chứ không học âm P riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu P.

Sau khi làm quen, tập đọc âm P ngay trước khi học âm PH, học sinh được luyện đọc âm đầu P trong một số bài học sau đó, chẳng hạn, khi học vần IN, các em luyện đọc và viết từ đèn pin (trang 78, tập một), luyện đọc từ Sa Pa trong đoạn văn viết về Tây Bắc (trang 105 tập một) và trong bài đọc Ruộng bậc thang ở Sa Pa (trang 154, tập hai).

Sở dĩ các tác giả chọn cách dạy này vì âm P và PH đều được học trong phần "Âm", ở khoảng tuần 5 hoặc tuần 6 của lớp 1. Nếu dạy âm P riêng thì cần phải có “từ ứng dụng” để học sinh tập đọc và phát triển vốn từ.

Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng cho biết, học sinh không học âm P riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu P. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng cho biết, học sinh không học âm P riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu P. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Những từ này chỉ chứa các âm tiết mở (bộ phận vần chỉ có 1 nguyên âm), nghĩa là buộc phải dùng từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô,….; không thể dùng các từ như Sa Pa, Nậm Pì,… vì 2 lí do: học sinh chưa được học âm S (trong Sa Pa) và vần ÂM (trong Nậm Pì); do thông thường, tên riêng không được dùng ở phần dạy phát triển vốn từ.

Mới chỉ được học 5 – 6 tuần mà học sinh phải đọc và hiểu nghĩa của những từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô,…. là không phù hợp. Chắc hẳn nhiều người sẽ e ngại vì học sinh lớp 1, mới đến trường mấy tuần, mà phải đọc, viết và hiểu nghĩa của những từ không quen thuộc như vậy.

Đồng thời, đây cũng là sự kế thừa cách dạy của sách giáo khoa Tiếng Việt 1, năm 2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Chân trời sáng tạo dạy chữ P, âm pờ theo cách nào?

Theo tìm hiểu của cá nhân người viết, sách Tiếng Việt 1 (tập 1), bộ Chân trời sáng tạo, Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng làm Tổng Chủ biên và do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành lại dạy chữ P, âm pờ ngay từ phần “Âm” (trang 60 tập 1). [2]

Trước hết, chữ cái P, PH được ghi ở phần mục lục (trang 4). Tiếp đến, bài học: "Đi sở thú" (trang 60), sách dạy chữ cái P, âm P riêng biệt. Cụ thể, đó là các từ "pa nô" (trang 60), "pa tê" (trang 61).

Sách Tiếng Việt 1 - Chân trời sáng tạo, dạy chữ P, âm P ngay từ phần "âm". (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Sách Tiếng Việt 1 - Chân trời sáng tạo, dạy chữ P, âm P ngay từ phần "âm". (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Sách Tiếng Việt 1, Chân trời sáng tạo, dạy từ "pa tê". (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Sách Tiếng Việt 1, Chân trời sáng tạo, dạy từ "pa tê". (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Vấn đề đặt ra là, ngày 25/2, Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng nói rằng, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (chương trình Tiếng Việt năm 2000) đã áp dụng cách thứ nhất (dạy âm đầu P (âm pờ) trong bài dạy âm PH (âm phờ). Trước khi học âm PH, các em được luyện đọc âm P, chứ không học âm P riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu P)

Cách dạy này rất quen thuộc với đông đảo giáo viên dạy tiếng Việt lớp 1 trên cả nước trong 20 năm qua. Sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, kế thừa cách dạy này.

Vậy tại sao sách Tiếng Việt 1, Chân trời sáng tạo, Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng chọn cách dạy thứ hai (dạy âm P riêng và đưa những “từ ứng dụng” như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô để học sinh tập đọc và phát triển vốn từ)?

Liệu Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng có tự mâu thuẫn với lời nói, quan điểm của chính mình? Tóm lại, cách dạy thứ nhất và cách dạy thứ hai thì cách nào ưu việt hơn?

Về hai bộ sách có cách dạy khác nhau, Báo VietNamNet ngày 24/2 dẫn lời Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng khẳng định: "Cả hai cách đều đúng, nhưng với quan điểm của nhóm chúng tôi, cách của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống hiệu quả hơn, dạy âm vần tiết kiệm thời gian hơn. Bộ Chân trời sáng tạo do Phó Giáo sư Nguyễn Thị Ly Kha làm Chủ biên, và tôi tôn trọng giải pháp của Chủ biên". [3]

Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng tôn trọng giải pháp của Phó Giáo sư Nguyễn Thị Ly Kha, vậy hàng triệu học sinh lớp 1 hết thế hệ này đến thế hệ khác phải chịu thiệt thòi khi học sách Tiếng Việt 1, bộ Chân trời sáng tạo?

Có lẽ đây cũng là một trong những lí do gây tranh cãi về dạy chữ P, âm P trong những ngày qua. Chẳng hạn một số bài viết được đăng tải trên các báo như: "Sách Tiếng Việt 1 chưa dạy chữ P: Cuối cùng chỉ có học trò chịu thiệt" (Báo Đại Đoàn Kết ngày 25/2). [4]

"Giải thích của Tổng chủ biên Tiếng Việt 1 chưa hướng đúng trọng tâm của dư luận" (Báo Đại Đoàn Kết ngày 25/2). [5]

Thầy Đào Quốc Vịnh: "Tác giả sách giáo khoa Tiếng Việt đang không phân biệt được âm pờ và chữ P" (Báo VOV.VN ngày 25/2). [6].

Liên quan đến việc dạy chữ P, âm P, tôi đã tham khảo cách dạy của sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều, thì được biết, sách này cũng dạy âm P, chữ P riêng. Theo đó, bài 23 (trang 44) dạy chữ P, PH, lấy ví dụ từ "pi a nô", "pa nô". [7]

Sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều dạy chữ P, âm pờ độc lập. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều dạy chữ P, âm pờ độc lập. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Thay lời kết

Khoản d Điều 1 Quyết định 404/QĐ-TTg ngày 27/3/20215 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông có nội dung như sau:

"Thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa... Chương trình mới được thực hiện thống nhất trong toàn quốc, trong đó quy định những yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh sau mỗi cấp học, nội dung và thời lượng giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh, đồng thời có một phần thích hợp để các cơ sở giáo dục chủ động vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương...". [8]

Vậy, cách dạy chữ P, âm pờ của sách Tiếng Việt 1, Kết nối tri thức với cuộc sống, khác với bộ Chân trời sáng tạo và Cánh Diều thì "Chương trình mới được thực hiện thống nhất trong toàn quốc" ở chỗ nào?

Tôi cho rằng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và đội ngũ tác giả cần thẳng thắn nhìn vào sự thật để chỉnh sửa sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Kết nối tri thức với cuộc sống, sao cho hợp lí, nhất là sách dạy cho học sinh chỉ mới lên 6 tuổi.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tong-chu-bien-tieng-viet-1-sgk-bo-ket-noi-co-day-chu-p-pe-va-am-p-po-post224632.gd

[2] //drive.google.com/file/d/1f5oYgFV7nsxcILFEr0VBliX_LKMkTh9v/view

[3] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/chu-bien-vu-bo-chu-p-dung-ten-2-bo-sgk-2-cach-day-khac-nhau-818393.html

[4] //daidoanket.vn/sach-tieng-viet-1-chua-day-chu-p-cuoi-cung-chi-co-hoc-tro-chiu-thiet-5680516.html

[5] //daidoanket.vn/giai-thich-cua-tong-chu-bien-tieng-viet-1-chua-huong-dung-trong-tam-cua-du-luan-5680491.html

[6] //vov.vn/xa-hoi/giao-duc/thay-dao-quoc-vinh-tac-gia-sgk-tieng-viet-dang-khong-phan-biet-duoc-am-po-va-chu-p-post926527.vov

[7] //booktoan.com/sach-giao-khoa-tieng-viet-lop-1-canh-dieu.html?fbclid=IwAR0RYQdOgq7FCxY47OvdLlQDd4wODBqhqfP_BQHtI8qKL2MTr_Emw84sOhM

[8] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-404-QD-TTg-2015-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-giao-duc-pho-thong-270720.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cung-tong-chu-bien-vi-sao-moi-sach-lai-co-cach-day-chu-p-am-po-khac-nhau-post224662.gd