Miễn học phí - điểm tựa nâng bước học sinh vùng lũ tới trường
Chính sách nhân văn này đã giúp cho các bậc phụ huynh và học sinh vơi bớt khó khăn, có thêm điều kiện để tái thiết cuộc sống sau lũ.
Trong vài viết Cứu cây là cứu đói, phóng viên VOV-Tây Bắc đã đề cập đến những Nghị quyết mà HĐND tỉnh miền núi Yên Bái ban hành kịp thời ngay sau trận lũ kinh hoàng đã tạo động lực và cơ sở để người dân vùng lũ vượt khó, vươn lên, mang lại màu xanh trở lại vùng lũ dữ.
Để chia sẻ khó khăn với học sinh và phụ huynh bị thiên tai, bên cạnh Nghị quyết hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp, tại Kỳ họp thứ 19 ngày 30/9 vừa qua, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết 82 về “Hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh, học viên đang học tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm học 2024-2025”. Chính sách nhân văn này đã giúp cho các bậc phụ huynh và học sinh vơi bớt khó khăn, có thêm điều kiện để tái thiết cuộc sống sau lũ.
Bỏ lại những mất mát ở phía sau, 10 ngày sau lũ, tất cả các trường học ở Yên Bái đều đã đón học sinh đi học trở lại. Không khí vui vẻ, hạnh phúc của cô và trò là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và những nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành giáo dục đào tạo và thầy, trò vùng lũ. Cô giáo Trần Thị Vân Thuần, Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Việt Thành, huyện Trấn Yên chia sẻ, khai giảng chưa đầy 1 tuần thì lũ ập về, học sinh phải nghỉ học, thế nên ngày đón học sinh trở lại đúng sau lũ như ngày tựu trường thứ 2 trong năm.
"Chúng tôi cũng đã huy động mọi nguồn lực ở trong huyện và các trường bạn cũng đến hỗ trợ nên sau một tuần trường lớp đã trở lại bình thường; toàn bộ thiết bị hỏng cũng được cộng đồng, các tổ chức cá nhân ủng hộ về mọi mặt. Hiện tại các con đã trở lại các hoạt động và quá trình học tập trở lại bình thường"- cô giáo Trần Thị Vân Thuần chia sẻ.
Với sự quan tâm của chính quyền các cấp, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái cùng các nhà hảo tâm trên khắp cả nước, những lo lắng của các em học sinh phần nào đã được giảm bớt. Em Nguyễn Hoàng Long, lớp 9A, Trường THCS Báo Đáp, huyện Trấn Yên cho biết, có quần áo, sách vở, đồ dùng học tập mới… hành trình đến trường của em và các bạn đỡ nhọc nhằn hơn.
"Đợt nước lũ rất cao, nhà em bị ảnh hưởng, thiệt hại về lúa và tài sản. Khi nhà trường tuyên truyền về học phí được miễn thì em về thông báo phụ huynh, bố mẹ rất vui mừng vì sau đợt bão lũ thiệt hại kinh tế khá nặng nề, số tiền này đã đỡ đần kha khá phần nào"- em Hoàng Long nói.
Trong cơn bão số 3 vừa qua, ngành Giáo dục và đào tạo huyện Trấn Yên là một trong những đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề nhất tỉnh Yên Bái với 27/46 trường bị ngập lụt, sạt lở, ước tính thiệt hại lên tới gần 13 tỷ đồng. Cũng theo thống kê, toàn huyện có trên 26.000 gia đình học sinh bị ảnh hưởng do ngập lụt nhà cửa, hoa màu, sạt lở phải di dời đến nơi khác, có 5 em học sinh đã mất bố, mẹ, người thân do thiên tai...
Bà Lê Thị Bích Thúy, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Trấn Yên cho biết, cuộc sống đã từng bước trở lại bình thường, hoạt động dạy và học đã dần đi vào nề nếp trong mỗi nhà trường, cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc không còn những khó khăn, lo toan trong mỗi gia đình học sinh: "Các nhà trường đã rất nỗ lực khắc phục khó khăn do lũ lụt gây ra; các thầy cô cũng cố gắng tạo điều kiện cho các gia đình có điều kiện học tập cho các cháu học tập".
Thấu hiểu những khó khăn, nhằm kịp thời chia sẻ gánh nặng với phụ huynh, giúp học sinh tiếp tục được đến trường trong điều kiện khó khăn chồng chất sau cơn bão, tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Yên Bái khóa 19, 100% đại biểu đã thống nhất thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh, học viên đang học tại các cơ sở giáo dục công lập (thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái) năm học 2024 - 2025.
Hỗ trợ 100% học phí được áp dụng cho khoảng hơn 22.000 học sinh, học viên (không bao gồm các trường hợp đã được miễn theo quy định của Luật Giáo dục và Nghị định 81 của Chính phủ về học phí), với tổng số tiền là hơn 48 tỷ đồng, được trích từ ngân sách địa phương.
Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết này đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, ghi nhận của xã hội, là điểm tựa, tạo động lực khắc phục khó khăn cho ngành Giáo dục và đào tạo.
Cô giáo Trần Ngọc Chinh, hiệu trưởng Trường Mầm non Y Can, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái: Chính sách này rất kịp thời và mang ý nghĩa nhân văn đối với người dân, nhất là các phụ huynh; đã giảm bớt một phần gánh nặng kinh tế, là động lực để học sinh phấn đấu học tập hơn nữa.
Chị Nguyễn Thị Tâm, phụ huynh học sinh ở Phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái: Gia đình bị thiệt hại khá nặng, đồ đạc gần như hư hỏng hết cần mua sắm lại, tốn kém khá nhiều. Khi được tin là các cháu đi học được miễn học phí theo quyết định của tỉnh thì bản thân các phụ huynh vùng lũ thấy phấn khởi, bớt đi nỗi lo một phần.
Nghị quyết về miễn học phí cho học sinh trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong năm học 2024-2025 không chỉ giải quyết phần nào những khó khăn của gia đình học sinh mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc huy động học sinh ra lớp, duy trì tỷ lệ chuyên cần sau bão lũ. Chính vì vậy, ngay khi được thông báo từ Sở Giáo dục Đào tạo và nhận được văn bản chính thức của UBND tỉnh, các nhà trường đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung này đến tất cả các em học sinh và phụ huynh thông qua nhiều kênh thông tin.
Thầy giáo Phùng Thế Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Báo Đáp, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Nhà trường đã tuyên truyền đến các thầy cô giáo, các em học sinh và thông qua website, fanpage của nhà trường để người dân nắm bắt được thông tin, qua đó có những sự chuẩn bị tốt nhất trong hoạch định kinh tế gia đình trong thời gian tới".
Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái cho biết: Nghị quyết được ban hành khẳng định sự nỗ lực của tỉnh Yên Bái trong việc đảm bảo cho tất cả học sinh đều có cơ hội học tập, dù còn nhiều khó khăn sau thiên tai.
"Qua tổng hợp, thống kê của các cơ sở giáo dục và các địa phương thì ngành giáo dục thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng, bên cạnh đó rất nhiều gia đình học sinh bị thiệt hại rất nặng nề. Quyết định hỗ trợ học phí chúng tôi cho rằng đây là chính sách hết sức nhân văn, cần thiết trong điều kiện hiện nay. Tin tưởng rằng với chính sách này sẽ đảm bảo việc huy động học sinh ra lớp cũng như tạo động lực cho các gia đình học sinh cùng với ngành giáo dục có những biện pháp, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới".
Bà Hoàng Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái cho biết, địa phương còn nhiều khó khăn, nguồn kinh phí cũng eo hẹp, thế nhưng, HĐND tỉnh Yên Bái đã sớm ban hành Nghị quyết hỗ trợ học phí cho học sinh, học viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, thể hiện sự chủ động của tỉnh trong khắc phục hậu quả bão số 3, góp phần chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh, là nguồn lực to lớn "là điểm tựa tiếp sức" cho học sinh đến trường.
"Với quan tâm, nỗ lực cao nhất của các cấp, các ngành, các địa phương; sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; cùng với sự nỗ lực cố gắng của ngành giáo dục và đào tạo, các trường học bị ảnh hưởng của bão số 3 đã kịp thời đón học sinh trở lại trường, không để ảnh hưởng đến chương trình, kế hoạch giảng dạy và học tập của năm học. Một lần nữa đã khẳng định sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của tỉnh Yên Bái đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng tri thức để kiến thiết, xây dựng quê hương"- bà Bình nói.
Ở lớp học vùng lũ những ngày giữa học kỳ một, tiếng học trò học bài, nô đùa lại rộn rã, xua đi những mất mát do bão số 3 thảm khốc gây ra. Những âm thanh náo nức ấy đã mang lại tâm lí vững vàng để phụ huynh vùng lũ ổn định lại cuộc sống, hướng về những ngày cuối năm đầm ấm, hạnh phúc hơn.
Hơn 27.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, thiệt hại sau bão số 3, một trong những nhiệm vụ cấp bách của tỉnh Yên Bái là dựng lại nhà cửa, tái định cư cho người dân vùng lũ. Tỉnh miền núi vốn ít mặt bằng để làm nhà sẽ có giải pháp như thế nào?