Cùng vận động bà con chuyển đổi cây trồng

Mạnh dạn chuyển đổi 3 sào cà phê già cỗi, năng suất thấp sang trồng rau, hoa theo hướng công nghệ cao, một nông dân trẻ người dân tộc thiểu số ở vùng ven Đà Lạt đã nâng cao thu nhập cho mình và anh đang vận động bà con trong buôn cùng chuyển đổi cây trồng.

Anh Cil Lý Hoàng Thánh trong vườn ớt chuông của mình.

Anh Cil Lý Hoàng Thánh trong vườn ớt chuông của mình.

Nâng cao thu nhập

Ở Tà Nung - xã vùng ven Đà Lạt, với cộng đồng người dân tộc thiểu số đông đảo này rất nhiều người biết đến anh Cil Lý Hoàng Thánh - một nông dân trẻ 31 tuổi người Thôn 2 của xã đang làm gương trong chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Theo chân anh Thánh chúng tôi đến thăm khu vườn chuyển đổi cây trồng của anh tại Thôn 6. Đó là khu vườn rộng 3 sào, không khác gì với một khu vườn của người Kinh trong vùng, cũng nhà kính, hệ thống tưới nước tự động, vườn sạch sẽ, ngăn nắp; 1, 5 sào anh Thánh đang trồng ớt chuông Đà Lạt; 1,5 sào còn lại anh trồng hoa hồng cắt cành.

Anh cho biết, trước đây, diện tích 3 sào này trồng cà phê, cà phê trồng lâu nên đã cỗi dần, năng suất đi xuống, mỗi năm thu 1 vụ, được chừng 80 triệu đồng. Công bỏ ra nhiều, nhưng số tiền thu được theo anh chẳng bõ bèn gì, thậm chí không đủ trả tiền phân bón, chăm sóc, thu hoạch nếu tính hết.

Năm 2016, được sự vận động của xã, với lại bản thân anh cũng đi tham quan nhiều khu vườn, nên đã về nhà phá vườn cà phê để chuyển đổi cây trồng. Anh vay mượn đầu tư vào khu đất này khoảng 400 triệu đồng để làm nhà kính, bắc hệ thống nước tưới tự động cùng giếng khoan, chuyển sang trồng hoa hồng và trồng rau công nghệ cao.

Hồi mới chuyển đổi cây trồng anh kể cũng có nhiều lo lắng, không biết mình làm có được không, không làm được lại mang nợ vì làm nhà kính tốn kém. Vừa làm vừa học, anh đã dần vượt qua được giai đoạn khó khăn ban đầu. Chỉ sau 1 năm gia đình anh đã trả được nợ của ngân hàng và đến nay đã có lãi trên diện tích canh tác này.

Với hoa hồng, anh cho biết đang học cách chăm sóc của các nông dân vùng Vạn Thành gần đó, có gì khó ra hỏi các nhà người quen họ sẽ hướng dẫn.

Với cây ớt, trong vườn anh cho xuống giống 5 nghìn cây, sau 3-4 tháng thì có thể thu quả đầu tiên. Thường thì chưa đến vụ chín rộ mỗi ngày anh sẽ tự đi hái theo từng luống cây, chỉ đến khi ớt chín đồng loạt anh mới thuê thêm công lao động thời vụ.

Cây ớt này theo anh Thánh, cũng không khó trồng lắm, cho thu hoạch liên tục 5-6 tháng, cứ trung bình 1 tháng anh thu được hơn 1,5 tấn ớt chuông, nếu giá ớt từ 20 đến 25 nghìn đồng/kg như hiện nay thì mỗi tháng trừ hết chi phí anh cũng thu được khoảng 25 - 30 triệu đồng, đó là chưa kể nguồn thu từ 1 ha cà phê anh còn đang canh tác theo quy trình sạch của thành phố. “Kinh tế gia đình tôi trong 2 năm gần đây đã ổn định hơn rất nhiều so với trồng cà phê trước đây” - anh Thánh nói.

Để có thêm kiến thức trong chăm sóc cây trồng, anh Thánh còn thường xuyên đăng ký tham dự các lớp tập huấn, hội thảo về nông nghiệp do xã tổ chức. Anh cũng mạnh dạn áp dụng các tiến bộ mới vào vườn mình như lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước và công chăm sóc.

Giúp bà con chuyển đổi cây trồng

Không chỉ chuyên tâm làm ăn cho mình anh Thánh còn vận động người dân tộc thiểu số trong buôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Theo sự vận động của anh, đã có 2 nông dân chuyển đổi 1,4 sào cà phê già cỗi sang trồng ớt chuông như anh và đang cho thu nhập khá ổn.

Ngoài ra, bình quân mỗi tháng gia đình anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 công nhật với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng, đồng thời tạo việc làm khi sử dụng 6 đến 8 lao động thời vụ cho mỗi đợt thu hoạch.

Anh chia sẻ sắp tới ngoài ớt chuông là nguồn thu nhập chính, anh sẽ có thêm nguồn thu từ 1,5 sào nhà kính trồng hoa hồng và anh cũng đang vận động những người đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn cùng trồng hoa hồng cắt cành với mình

Theo ông Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Nung, anh Thánh tuy còn trẻ nhưng là một tấm gương sáng trong xã về chuyển đổi cây trồng gần đây, anh không chỉ biết làm giàu cho bản thân mà còn tích cực vận động bà con trong thôn trong xã cùng chuyển đổi cây trồng với mình.

“Vì là một xã ngoại ô thành phố mà đa số bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy Hội Nông dân địa phương luôn tạo mọi điều kiện giúp đỡ cũng như hỗ trợ bà con trong việc chuyển đổi cây trồng. Không chỉ hỗ trợ kỹ thuật cũng như cây giống cho bà con, Hội Nông dân cũng nắm bắt tâm tư cũng như khó khăn của các hộ nông dân để có thể kịp thời tháo gỡ, định hướng, giúp bà con nâng cao sản xuất, cải thiện cuộc sống. Chính vì vậy, Hội rất cần thêm những tấm gương giỏi làm ăn, biết cách áp dụng kỹ thuật mới như anh Thánh để làm gương cho bà con”- ông Hùng nhận xét.

ANH THƯ - GIA KHÁNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201912/cung-van-dong-ba-con-chuyen-doi-cay-trong-2976832/