Cùng xin sếp thôi việc, được tăng lương hoặc cho nghỉ ngay: Khác biệt giữa 2 nhân viên ở đâu?
Góc nhìn đa chiều trong trường hợp nhân viên xin nghỉ việc.
Chắc hẳn ai trong đời khi đi làm cũng có 1 lần từng nghe đồng nghiệp than thở "chắc phải xin sếp nghỉ việc thôi". Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra sau câu tuyên bố đó, lại là một ẩn số. Có trường hợp, xin sếp nghỉ hôm trước thì hôm sau đã được thăng chức hoặc tăng lương luôn. Dĩ nhiên, cũng có người ngỏ ý nghỉ việc thì sếp phê duyệt cho thôi việc luôn không mặn mà giữ chân. Vậy, giữa người ra đi và người ở lại, trong mắt sếp - họ được đánh giá khác nhau thế nào?
Khi xin nghỉ việc, sếp tăng lương gấp 4 lần và được "thăng chức"
Nguyễn Hiền (25 tuổi, Hà Nội), hiện đang làm nhân viên Marketing. Hiền đã từng và được sếp kiên quyết giữ lại.
Hiền chia sẻ câu chuyện của mình: "Thời điểm bắt đầu công việc toàn thời gian đầu tiên trong đời, mình lựa chọn ứng tuyển vị trí thực tập sinh cho một công ty Marketing về tài chính. Sau khoảng 5 tháng làm việc, cũng giống rất nhiều người trẻ mới ra trường, mình cảm thấy mệt mỏi và không xác định được mục tiêu lúc đó là gì. Vì thế, mình có tư tưởng muốn nghỉ ngơi 1 chút để lấy lại tinh thần". Hiền cũng cho biết thêm, thời gian đó cô nàng rơi vào trạng thái "khủng hoảng tuổi đôi mươi".
Nhưng sau khi xin sếp nghỉ việc, Hiền đã có 1 buổi nói chuyện cùng sếp kéo dài tận mấy tiếng đồng hồ: "Khi đó, sếp mình hỏi về khó khăn trong công việc, cuộc sống, chia sẻ rất nhiều chuyện. Và rồi cũng nằm trong dự đoán, sếp mình đưa ra đề nghị lên chính thức với mức lương gấp 4 lần so với vị trí thực tập sinh".
Hiền cũng bày tỏ rằng việc nhận được đề nghị này từ sếp không khiến cô quá bất ngờ, mà thay vào đó vẫn còn phân vân có nên nghỉ tiếp hay là ở lại. Tuy vậy, sau khi có thời gian suy nghĩ, Hiền nhận lời và tiếp tục công việc ở một vị trí có sự thăng cấp rõ ràng hơn trước.
"Khi được thăng chức lên chính thức, lượng công việc mình cần giải quyết vẫn khá tương đồng với khi còn làm thực tập sinh, nhưng lại nhận được mức lương gấp 4 lần như thế, khiến mình cảm thấy có áp lực vẫn chấp nhận được. Dù không hẳn là gỡ được sự mông lung cuộc đời, nhưng mình cảm thấy có thể thử thêm để xem đây có phải công việc phù hợp hay không, và tích lũy thêm kinh nghiệm. Hơn nữa, khi đó sếp mình cũng hứa sẽ giảm khối lượng công việc và có cộng tác viên hỗ trợ nên mình cảm thấy khá hài lòng",Hiền nói.
Xin nghỉ việc, không được sếp giữ lại cũng có chút hụt hẫng
Khác với Hiền, Thu Uyên (27 tuổi, Quảng Ninh), đã từng đảm nhận vị trí biên tập viên báo chí trong hơn 2 năm, nhưng phải nghỉ việc vì giai đoạn dịch Covid-19 khiến công việc bị gián đoạn. Sau đó 1 thời gian, Uyên chuyển qua thử sức với vị trí sáng tạo nội dung cho 1 công ty chuyên về Marketing. Nhưng sau khoảng 6 tháng làm việc, cô nàng đã phải xin nghỉ vì không tìm được tiếng nói chung với quản lý.
Khi được hỏi về việc sếp có động thái níu kéo hay không, Uyên chia sẻ:"Sếp cũ của mình là một người khá tâm lý và quan tâm đến nhân viên. Có khoảng thời gian dài, mình xuống tinh thần vì không hòa hợp được với quản lý, sếp mình cũng có hỏi han và biết được vấn đề mình gặp phải. Nên khi mình quyết định xin nghỉ, sếp mình chỉ hỏi rằng em đã chắc chắn với quyết định này chưa.
Khi đó, mình đã quyết tâm và bày tỏ ý định nghỉ việc. Sếp mình đã đồng ý luôn, và chúc mình có thể tìm kiếm được môi trường mới phù hợp hơn. Thủ tục nghỉ việc sau đó của mình cũng diễn ra khá êm đềm và suôn sẻ".
Uyên cũng cho biết thêm, thật ra nghỉ việc là ý muốn xuất phát từ bản thân, nhưng cô nàng cũng không tránh được có chút hụt hẫng. Vì khi sếp dứt khoát như vậy khiến Uyên cảm thấy công ty không quá cần mình, cũng có chút lăn tăn. Nhưng cuối cùng thì vẫn nghỉ thôi, vì thực sự Uyên không muốn làm việc trong môi trường đó nữa.
Hiện tại, Uyên cũng đang thử sức ở vị trí marketing cho 1 công ty du lịch: "Việc không được sếp giữ lại như thế chỉ ảnh hưởng đến mình mấy hôm đầu tiên. Vì bản thân mình nhận thấy, không phải do bản thân mình không có năng lực, mà đơn giản, khi làm tại đó, mình không có cơ hội để phát huy những thế mạnh của mình."
Sếp đối mặt với thông báo nghỉ việc: Bài toán giữ hay buông
Ở vị trí nhân viên, Nguyễn Hiền và Thu Uyên đều nhận thấy được điểm mạnh và điểm yếu của mình là gì. Để từ đó, họ đưa ra quyết định đúng đắn về định hướng công việc tương lai.
Nhưng trên cương vị là sếp, khi không giữ được nhân sự giỏi, sếp sẽ cảm thấy thế nào?
Nguyễn Nam (1989, Hà Nội), đã có kinh nghiệm hơn 5 năm trong việc quản lý nhân sự, anh chia sẻ: "Tìm kiếm nhân viên giỏi và phù hợp với công ty đã khó, nhưng làm sao để giữ được họ lại còn khó hơn. Mỗi lần có nhân sự xin nghỉ, lại khiến mình đau đầu để tìm ra hướng giải quyết. Người giỏi thì cần lý do thuyết phục để giữ chân họ. Người chưa thực sự phù hợp thì phải tìm cách giải quyết thế nào để đôi bên đều cảm thấy thoải mái".
Khi được hỏi về việc , Nguyễn Nam cũng chia sẻ quan điểm khá thẳng thắn: "Nhân sự giỏi thì tăng lương, thăng chức, cứ nắm lấy nhu cầu của họ đưa ra để giải quyết, và quan trọng là mình phải bày tỏ mình muốn giữ họ lại. Còn nếu như nhân sự không phù hợp với công ty, thái độ làm việc lại không tốt, hoặc thật sự muốn nghỉ việc, thì mình cũng không cố gắng để giữ họ lại nữa".
Cũng chung một vấn đề, Đỗ Trang (33 tuổi, Giám đốc điều hành 1 công ty du lịch), đã có 8 năm kinh nghiệm trong việc quản lý nhân sự, kể cả ở môi trường lớn với quy mô 100-500 người, và môi trường startup với khoảng 10 - 30 nhân viên, cho biết:"Ở nửa cuối thế hệ 9X, 10X mình thấy các bạn có yêu cầu với công ty và môi trường nhiều hơn các thế hệ 7X, 8X trước đó". Khi công ty không còn đáp ứng được những nhu cầu họ mong muốn, họ có xu hướng muốn chuyển việc và đổi sang môi trường mới tốt hơn. "Bản thân mình luôn quan niệm, giữa nhân viên và sếp nên là mối quan hệ cộng tác 50 - 50.
Nếu một nhân viên làm việc có hiệu quả, họ hoàn toàn có thể yêu cầu tăng lương và đề nghị sếp đưa ra lộ trình thăng tiến rõ ràng. Nếu đạt được sự thỏa thuận đôi bên, mình sẽ lắng nghe và thấu hiểu họ. Mình đề cao việc trao đổi thẳng thắng giữa 2 bên như thế. Và doanh nghiệp cần có những tiêu chí đánh giá rõ ràng, để xem xét nhân viên nào nên giữ, và nhân viên nào thì không".
Tuy vậy, cả Nguyễn Nam và Đỗ Trang cũng chia sẻ rằng, sếp nào rồi cũng sẽ từng gặp trường hợp nhân viên chủ chốt xin nghỉ, dù có đưa ra các đề nghị hấp dẫn hơn cũng khó giữ chân được họ. Khi đó, người làm sếp sẽ phải cân nhắc xem những ưu và nhược điểm khi nhân viên này nghỉ, đưa ra các giải pháp phù hợp nhất có thể. Nhưng nếu như vẫn không giữ được nhân viên, thì cũng sẽ tôn trọng quyết định của họ và bắt đầu tìm kiếm ứng viên mới phù hợp hơn.
Ảnh: NVCC