'Cuộc cách mạng lớn về nông nghiệp mở ra: Chắc chắn thu được nhiều trái quả'
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cam kết sẽ tạo thuận lợi cho nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng công nghệ, từ đó đưa nông nghiệp và môi trường Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, một cuộc cách mạng lớn về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, phát triển ngành nông nghiệp đang thực sự mở ra.
Bày tỏ tâm huyết khi các nhà khoa học, lãnh đạo các đơn vị trong bộ đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn “cản trở” sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp và môi trường, cũng như chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh: “Một cuộc cách mạng lớn về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, phát triển ngành nông nghiệp đang thực sự mở ra và chắc chắn sẽ thu được nhiều hoa, trái quả.”
Động lực chắp cánh cho nông sản Việt
Phát biểu tại bế mạc Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong ngành nông nghiệp và môi trường, cuối chiều nay, 10/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho hay sau một ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, hội nghị đã hoàn thành toàn bộ các nội dung đề ra.
Thông qua đó, hội nghị đã đạt được mục tiêu chung là đưa các sản phẩm khoa học công nghệ áp dụng vào sản xuất nhanh và hiệu quả nhất.
Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc cũng đề xuất kiến tạo thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành nông nghiệp và môi trường theo tinh thần nghị quyết.
Nhiều ý tưởng, mô hình, sản phẩm khoa học công nghệ cũng đã giới thiệu, phản ánh rõ nỗ lực không ngừng nghỉ của các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học và người nông dân trên cả nước trong thời gian qua.
Vị tư lệnh ngành cũng bày tỏ niềm vui khi các lĩnh vực từ nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn, đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, viễn thám,... đều đã có những bước tiến mạnh mẽ nhờ ứng dụng khoa học công nghệ.
“Điều đó góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất khép kín quy mô hàng hóa, hiện đại để góp phần hoàn thiện hệ thống canh tác bền vững, đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, chắp cánh cho nông sản Việt tới trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới,” ông Duy nói.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu. (Ảnh: Khương Trung)
Ngoài ra, trong các phiên thảo luận, các đại biểu đã phát biểu rất thẳng thắn, trách nhiệm và cụ thể - không chỉ phản ánh những khó khăn về thể chế, về cơ chế tài chính hay cách tổ chức nghiên cứu, mà quan trọng hơn, là các đồng chí đã chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ.
“Tôi cũng đã nghe nhiều doanh nghiệp tại hội nghị chia sẻ rằng họ không cần Nhà nước hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu, mà cần chính sách thông thoáng và sự bảo trợ pháp lý để yên tâm đầu tư, đổi mới, thậm chí xuất khẩu công nghệ ra nước ngoài,” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chia sẻ.
Nghiên cứu sát thực tế, tránh "cất ngăn kéo"
Tuy vậy, ông Duy cũng lưu ý để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong ngành nông nghiệp và môi trường, thực sự hiệu quả, thì cần phải sát thực tế hơn và cần phải bắt đầu từ vấn đề nhỏ.
Dẫn chứng câu chuyện về một thanh niên người Mông ở huyện Mù Cang Chải khi tự mình phát triển mô hình nuôi chim bồ câu lai tạo thành công, ông Duy cho biết thanh niên này đã tự nghiên cứu, lai tạo giống chim bồ câu ta năng suất thấp nhưng khỏe mạnh với bồ câu Pháp cho năng suất cao nhưng yếu do không có sức đề kháng trước điều kiện khí hậu, thành một giống chim bồ câu có năng suất cao và khỏe mạnh.
“Đây là một ví dụ điển hình cho sự thành công đi từ thực tiễn,” ông Duy nói.
Thế nhưng, điều ông Duy trăn trở là dù người thanh niên trên đã có bước đi táo bạo và sáng tạo, nhưng thành công đó vẫn chưa thể phát triển bền vững, bởi thiếu sự hỗ trợ khoa học và công nghệ từ các cơ quan chức năng.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, nếu ngay từ đầu có sự hỗ trợ về yếu tố khoa học cơ bản, từ việc lựa chọn giống, chế độ dinh dưỡng, phòng trừ dịch bệnh, cho đến việc cải thiện sức khỏe của loài, giống,… thì “công trình” của thanh niên người Mông trên sẽ thành công sớm hơn và có sức bật, lan tỏa mạnh mẽ hơn trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp phát triển bền vững.
Từ thực tế đó, ông Duy cho rằng phát triển khoa học công nghệ không thể bỏ qua những vấn đề cơ bản, thiết thực đến đời sống sản xuất và kinh doanh. Ông Duy nhấn mạnh: “Chính từ những mô hình nhỏ, những vấn đề khoa học đơn giản, sẽ tạo ra những giải pháp hiệu quả cho các dự án khoa học có tính thực tiễn giúp phát triển kinh tế xã hội bền vững hơn.”
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng nêu quan điểm chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc số hóa thông tin, mà cần hướng đến xây dựng các nền tảng dữ liệu lớn, dữ liệu dùng chung, bản đồ số chuyên ngành và hệ thống dự báo, cảnh báo thông minh. Một ví dụ điển hình được ông Duy đề cập đến là việc kết nối dữ liệu viễn thám, thủy văn, khí hậu với dữ liệu sản xuất nông nghiệp nhằm phục vụ điều hành hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, cũng như thiệt hại.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cùng Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn thăm các gian hàng khoa học công nghệ tại Hội nghị. (Ảnh: Khương Trung)
Ngoài ra, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề cập đến việc tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ theo hướng tinh gọn, tự chủ và hiệu quả thực chất. Đặc biệt, việc đặt hàng nghiên cứu cần xuất phát từ thực tiễn sản xuất, từ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, tránh tình trạng “nghiên cứu để cất ngăn kéo,” vừa mất thời gian, vừa lãng phí.
Năm nhiệm vụ trọng tâm triển khai ngay
Trên cơ sở tổng hợp nội dung tham luận, ý kiến và định hướng chung, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm mà toàn ngành nông nghiệp và môi trường sẽ tập trung triển khai ngay sau hội nghị.
Thứ nhất, ông Duy cho biết toàn ngành sẽ tập trung tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn về thể chế, phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, đề xuất bãi bỏ những quy định không còn phù hợp; có cơ chế linh hoạt hơn trong đặt hàng nghiên cứu khoa học, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.
Tiếp đó là tổ chức lại hệ thống nghiên cứu khoa học của ngành theo hướng tinh gọn, hiệu quả và tự chủ thực chất; xây dựng các đơn vị nghiên cứu có năng lực cạnh tranh, có đối tác xã hội hóa, có khả năng kết nối doanh nghiệp; thúc đẩy mô hình “vườn ươm đổi mới sáng tạo,” kết nối công nghệ, thành lập mạng lưới chuyên gia ngành nông nghiệp và môi trường trong và ngoài nước.
Kế tiếp, ngành sẽ đổi mới toàn diện quy trình đặt hàng, xét duyệt, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ để các nhiệm vụ nghiên cứu phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất, từ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, xem xét các danh mục “đặt hàng mở” để mời gọi sự tham gia rộng rãi của các chủ thể - không phân biệt công - tư.
Nhiệm vụ thứ tư là ngành nông nghiệp và môi trường sẽ tập trung đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ này cũng sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, viện nghiên cứu để xây dựng các chương trình đào tạo sát thực tiễn. Song song đó, có cơ chế thu hút đội ngũ chuyên gia, trí thức giỏi để tạo nên một hệ sinh thái nhân lực sáng tạo năng động, gắn bó với ngành.
Cuối cùng, ông Duy cho biết ngành sẽ chuyển đổi số toàn diện và thực chất, không chỉ dừng lại ở số hóa thông tin mà đẩy mạnh xây dựng các nền tảng quản trị dữ liệu dùng chung, bản đồ số chuyên ngành và các hệ thống dự báo thông minh; nghiên cứu mô hình sàn giao dịch công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp - môi trường, nơi kết nối nhà nghiên cứu với doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư.
Trên tinh thần đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cam kết sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện thể chế, chính sách; tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng công nghệ; từ đó đưa nông nghiệp và môi trường Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.
“Thành công của hội nghị không chỉ nằm ở các tham luận, thỏa thuận hợp tác, mà còn ở sự đồng thuận về tầm nhìn chiến lược và cam kết hành động mạnh mẽ từ các bên liên quan,” ông Duy nói và nhấn mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không thể thành công nếu chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước.
Thay đó đó, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải là trách nhiệm và cơ hội của toàn ngành, trong đó doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội, nhà khoa học và người dân đều đóng vai trò không thể thiếu.
“Chúng ta phải biến nghị quyết thành hành động cụ thể. Chuyển đổi số và khoa học công nghệ không phải là xu hướng, mà là con đường tất yếu để nông nghiệp và môi trường Việt Nam phát triển nhanh, hiện đại và bền vững,” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh./.