Kiến nghị thành lập Tổ công tác đặc biệt rà soát các điều kiện kinh doanh

Phát biểu tại Tọa đàm 'Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc', nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) diễn ra chiều 10/5, TS Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hanoisme mong muốn Chính phủ đóng vai 'nhạc trưởng' trong cải cách thủ tục, bảo vệ quyền tài sản, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp.

TS Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hanoisme.

TS Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hanoisme.

Đề xuất Việt Nam xây dựng 3 đột phá chiến lược mới

Theo TS Mạc Quốc Anh, doanh nghiệp là “người chơi chính”, dám nghĩ lớn, làm thật, bền bỉ đổi mới. Hệ thống tài chính - ngân hàng cung cấp “nhiên liệu” dài hạn, chi phí hợp lý. Viện, trường, chuyên gia là “trí tuệ tư vấn”, cung cấp giải pháp dựa trên bằng chứng. Người dân, cộng đồng là “khách hàng - giám sát”, nuôi dưỡng hệ sinh thái tiêu dùng có trách nhiệm".

Trong bối cảnh kỷ nguyên mới - Cơ hội vươn mình kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0, AI, chuỗi khối, dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT), sản xuất bồi đắp (additive) đang tái định nghĩa giá trị gia tăng, Việt Nam nổi lên là trung tâm gia công phần mềm, bán dẫn, dịch vụ công nghệ thông tin, thu hút các Tập đoàn lớn như: Nvidia, Samsung, Foxconn, Amkor…

Quang cảnh buổi Tọa đàm diễn ra chiều 9/5.

Quang cảnh buổi Tọa đàm diễn ra chiều 9/5.

“Cơ hội tạo cú nhảy vọt ‘đi tắt đón đầu’ chưa bao giờ rõ ràng như lúc này. Dịch chuyển chuỗi cung ứng khi căng thẳng địa chính trị và xu hướng “Trung Quốc + 1”, “Việt Nam + 1” giúp Việt Nam trở thành điểm đến của những ‘đại bàng’ Nhật, Mỹ, EU. Làn sóng FDI dự kiến đạt 40 - 45 tỷ USD/năm giai đoạn 2025 - 2030, tạo không gian liên kết sản xuất - dịch vụ - đổi mới sáng tạo”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.

Để hiện thực hóa khát vọng dân tộc hùng cường, TS Mạc Quốc Anh đề xuất Việt Nam xây dựng 3 đột phá chiến lược mới.

Thứ nhất, đột phá thể chế, hoàn thiện nhà nước kiến tạo phát triển; ưu tiên sản xuất xanh, bán dẫn, công nghệ cao; đồng thời, đẩy mạnh việc thực thi Đề án Trung tâm tài chính quốc tế (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng) nhằm thu hút dòng vốn toàn cầu.

Thứ hai, đột phá hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Việt Nam cần đẩy nhanh thực hiện 3.000 km cao tốc; đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đối với hạ tầng số, cần 100% phủ sóng 5G vào 2030, trung tâm dữ liệu quốc gia chuẩn Tier IV, mạng lưới cáp quang biển mới.

Thứ ba, đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chương trình 100.000 kỹ sư bán dẫn, 1 triệu chuyên gia kinh tế số cũng cần được thực thi mạnh mẽ. “Song song với 3 mũi đột phá chiến lược đó, Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh 2021 - 2030 mở ra khung ưu đãi thuế carbon, tín dụng xanh, cơ chế PPA (mua bán điện trực tiếp), tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp bứt tốc”, ông Quốc Anh nêu.

Cắt giảm rào cản chính sách

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Tại Tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kỳ vọng: “Nghị quyết 68 của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là một văn bản định hướng mà là ‘chìa khóa’ mở cánh cửa thể chế, tạo bước ngoặt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững; giúp doanh nghiệp tư nhân thoát khỏi rào cản 'xin - cho', tiếp cận đất đai, vốn".

Dây chuyền sản xuất nha đam của VietFarm. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Dây chuyền sản xuất nha đam của VietFarm. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Đặc biệt, Nghị quyết đã tách bạch tài sản, trách nhiệm cá nhân, tránh việc xử lý một người làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông Phan Đức Hiếu, tinh thần cốt lõi của Nghị quyết số 68 không chỉ đơn thuần là tháo gỡ những rào cản trong môi trường kinh doanh, mà quan trọng hơn là tạo ra sự thay đổi căn bản trong tư duy lập pháp và thực thi pháp luật.

Với cách tiếp cận mới, doanh nghiệp sẽ không còn bị giam hãm trong cơ chế quản lý kiểu “xin - cho”, mà từng bước được trao quyền chủ động, tự do phát triển và được bảo vệ đầy đủ về tài sản cũng như các quyền lợi hợp pháp.

Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, cần nhìn nhận doanh nghiệp như một thực thể pháp lý độc lập. Việc tách bạch rõ ràng giữa tài sản, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp với cá nhân người quản lý là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh hiện nay. Điều này sẽ giúp bảo đảm rằng, doanh nghiệp không bị liên lụy bởi sai phạm cá nhân và có thể hoạt động ổn định trong khuôn khổ pháp luật.

Đáng chú ý, một điểm nổi bật trong tinh thần Nghị quyết số 68 là cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, không áp dụng hồi tố đối với những quy định pháp luật gây bất lợi cho doanh nghiệp. Đây là những tín hiệu tích cực, tạo dựng lòng tin cho cộng đồng doanh nghiệp, giúp họ yên tâm mở rộng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong dài hạn.

Một trong những trụ cột trọng yếu mà Nghị quyết số 68 đặt ra là yêu cầu khơi thông các nguồn lực then chốt cho khu vực kinh tế tư nhân. Ông Phan Đức Hiếu khẳng định, để doanh nghiệp phát triển bền vững, ba yếu tố cốt lõi cần được ưu tiên tháo gỡ.

Trước hết, việc tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất sẽ trở nên thuận lợi hơn khi các địa phương được giao trách nhiệm rà soát, quy hoạch và công khai minh bạch quỹ đất dành cho doanh nghiệp. Đây là bước đi quan trọng nhằm xóa bỏ tình trạng thiếu mặt bằng kinh doanh, vốn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, nguồn vốn cho khu vực tư nhân sẽ được đa dạng hóa, không chỉ dựa vào tín dụng ngân hàng truyền thống mà còn mở rộng sang thị trường vốn, các quỹ đầu tư và các mô hình tài chính sáng tạo khác. Điều này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận vốn với chi phí hợp lý, phù hợp với các mô hình kinh doanh đa dạng.

Ông Phan Đức Hiếu ví von, mỗi doanh nghiệp chính là một tế bào của nền kinh tế. Khi từng tế bào khỏe mạnh, cả cơ thể sẽ phát triển vững vàng. Do đó, việc chủ động đổi mới và thích nghi của doanh nghiệp sẽ là yếu tố sống còn trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh.

"Khi thể chế đã được cởi mở, các doanh nghiệp sẽ không còn mang nỗi lo bị phân biệt đối xử hay gặp khó khăn khi gia nhập thị trường. Tuy nhiên, mặt khác, họ cũng sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt. Chỉ những doanh nghiệp có năng lực thực sự, biết đổi mới và tận dụng cơ hội mới có thể bứt phá và trụ vững trong dài hạn", ông Phan Đức Hiếu nêu.

Tham luận tại buổi Tọa đàm, một số ý kiến cho rằng, lâu nay, vấn đề thủ tục hành chính luôn là một “điểm nghẽn”. Hiện nay với các nghị quyết mới được Bộ Chính trị ban hành, như Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân…, tạo ra cơ hội lớn để doanh nghiệp bứt phá.

Cộng đồng doanh nghiệp cần nhận rõ những vấn đề đang là “điểm nghẽn”, từ đó rút được kinh nghiệm và rút ngắn quy trình, thủ tục đầu tư để không bị lỡ cơ hội.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 phát biểu.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 phát biểu.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, kiến nghị: Chính phủ nên có những Tổ công tác đặc biệt để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, đề xuất từ phía cộng đồng doanh nghiệp.

"Nếu không có bộ phận chuyên trách, kiến nghị dù nhiều cũng khó có thể được giải quyết hoặc doanh nghiệp kiến nghị quá nhiều mà không xác thực thì việc giải quyết còn khó khăn hơn. Phải làm sao để con đường từ chính sách đến thực tiễn được ngắn nhất. Khi cơ chế, chính sách được tháo gỡ rồi, phải trả lời được câu hỏi là doanh nghiệp có quyết tâm hay không. Bản thân May 10 luôn có khát vọng vươn tầm bởi nếu không có khát vọng sẽ chỉ quanh quẩn trong phạm vi hẹp mà khó tiến xa", ông Thân Đức Việt cho biết.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức và Dân tộc, một số doanh nghiệp đồng tình việc nên thành lập một Tổ công tác đặc biệt với thành phần chủ yếu là các chuyên gia độc lập, có kinh nghiệm, có trải nghiệm, có tâm huyết và có kiến thức trong cải cách pháp luật, cải cách thể chế. Tổ này cũng cần có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện việc rà soát. Có như vậy, năm 2025 mới có thể hoàn tất yêu cầu rà soát tất cả các quy định về điều kiện kinh doanh.

Việc này rất quan trọng, vì để thực hiện được mục tiêu bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh, giảm 30% chi phí tuân thủ trong năm nay, thì trước tiên phải xác định rõ "30% của con số nào"?

Theo TS Mạc Quốc Anh, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp Thủ đô), Nghị quyết số 68 giống như “lệnh khởi hành” cho một chặng đua mới. Thay vì chỉ chờ ưu đãi, cộng đồng doanh nghiệp xác định 3 cam kết đồng hành: Minh bạch quản trị, đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển) tối thiểu 2 - 3% doanh thu cho công nghệ, năng lượng tái tạo; liên kết chuỗi giá trị.

"Như vậy, tâm thế mới là chủ động song hành, không thụ động trông chờ, đúng tinh thần 'doanh nhân là chiến sĩ kinh tế' mà Nghị quyết nhấn mạnh”, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.

Bài, clip: Minh Phương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/kien-nghi-thanh-lap-to-cong-tac-dac-biet-ra-soat-cac-dieu-kien-kinh-doanh-20250510183913772.htm