Cuộc cách mạng ngoài không gian và những bài học từ Trái Đất

Không gian đã từng là lĩnh vực được hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong lịch sử. Nhưng xu hướng này đang thay đổi. Và dư âm từ cuộc xung đột Nga - Ukraine càng làm nổi bật những vấn đề này.

Những “khối không gian” đang hình thành

Trong nghiên cứu về sự phân bổ quyền lực trong không gian, một số học giả dự đoán về một tương lai mà trong đó các quốc gia đơn lẻ sẽ theo đuổi các cấp độ thống trị khác nhau. Trong khi đó, cũng có những ý kiến dự đoán về một kịch bản theo đó các quốc gia sẽ gắn kết lại với nhau giống như các liên minh kinh tế hay quân sự trên mặt đất!

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) từng được xem như biểu tượng của sự đoàn kết giữa các quốc gia trên thế giới. Ảnh: NASA

Trở lại quá khứ, Mỹ và Liên Xô từng thống trị các hoạt động không gian trong Chiến tranh Lạnh. Bất chấp những căng thẳng trên thực địa, cả hai nước đều từng hành động cẩn thận để tránh gây ra khủng hoảng và thậm chí còn hợp tác chặt chẽ với nhau bên ngoài không gian.

Hay vào năm 1975, 10 quốc gia châu Âu đã thành lập Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Năm 1998, Mỹ và Nga cùng nỗ lực xây dựng Trạm Vũ trụ Quốc tế, hiện đã được 15 quốc gia hỗ trợ. Các dự án đa quốc gia này chủ yếu tập trung vào hợp tác khoa học và trao đổi dữ liệu.

Nhưng có thể thấy một sự thay đổi rõ rệt hơn đối với kiểu cấu trúc quyền lực không gian này sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Các quốc gia có chung lợi ích trên mặt đất bắt đầu liên kết với nhau để theo đuổi các mục tiêu của riêng mình, hình thành các "khối không gian".

Trong 5 năm qua, một số khối không gian mới đã xuất hiện với nhiều cấp độ khác nhau. Chúng bao gồm Cơ quan Vũ trụ châu Phi, với 55 quốc gia thành viên; Cơ quan Vũ trụ Mỹ Latinh và Caribe, với 7 quốc gia thành viên; Nhóm Điều phối Không gian Ả Rập, với 12 quốc gia thành viên Trung Đông. Tất nhiên, cũng không thể bỏ qua Cơ quan Vũ trụ châu Âu, hiện bao gồm 22 quốc gia. Đây có thể được coi là một trong những "khối không gian" đầu tiên trong lịch sử.

Các nhóm này cho phép các quốc gia cộng tác chặt chẽ với nhau, nhưng đồng thời các khối cũng cạnh tranh với nhau. Hai khối không gian gần đây, Hiệp định Artemis và Hiệp định Mặt trăng Trung-Nga, là một ví dụ về sự cạnh tranh như vậy.

Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt

Hiệp định Artemis được đưa ra vào tháng 10 năm 2020. Khối này được dẫn đầu bởi Mỹ và hiện bao gồm 18 quốc gia thành viên. Mục tiêu của khối là đưa con người trở lại mặt trăng vào năm 2025 và thiết lập một khuôn khổ quản lý để khám phá và khai thác trên Mặt Trăng, Sao Hỏa và hơn thế nữa. Nhiệm vụ này nhằm mục đích xây dựng một trạm nghiên cứu trên cực nam của Mặt Trăng và đặt trạm vũ trụ trên quỹ đạo Mặt Trăng được gọi là Gateway.

Tương tự, vào năm 2019, Nga và Trung Quốc đã đồng ý hợp tác trong một sứ mệnh đưa người lên cực nam của Mặt Trăng vào năm 2026. Nhiệm vụ chung giữa 2 cường quốc này cũng nhằm mục đích cuối cùng là xây dựng một căn cứ và cũng sẽ đặt một trạm vũ trụ trên quỹ đạo Mặt Trăng.

Việc các khối này không hợp tác để thực hiện các sứ mệnh tương tự trên Mặt Trăng cho thấy, các lợi ích chiến lược và sự cạnh tranh trên mặt đất đã được chuyển ra ngoài không gian.

Thực ra, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tham gia Hiệp định Artemis. Nhưng Nga và Trung Quốc - cùng với một số đồng minh của họ trên mặt đất - đã không tham gia vì họ coi hiệp định này là một nỗ lực nhằm mở rộng trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt ra ngoài không gian.

Vì vậy, Nga và Trung Quốc có kế hoạch mở trạm nghiên cứu Mặt Trăng trong tương lai của riêng họ. Sự việc này cũng dẫn tới chuyện Cơ quan Vũ trụ châu Âu thậm chí đã ngừng một số dự án chung mà họ đã lên kế hoạch với Nga, thay vào đó đang mở rộng quan hệ đối tác với Mỹ và Nhật Bản. Sự phân cực bên ngoài không gian rõ ràng ngày càng rõ nét, giống như trên mặt đất vậy.

Ngoài việc tìm kiếm quyền lực trong không gian, các quốc gia cũng đang sử dụng các khối không gian để tăng cường phạm vi ảnh hưởng của mình trên mặt đất. Một ví dụ là Tổ chức Hợp tác Không gian Châu Á - Thái Bình Dương, được thành lập vào năm 2005. Do Trung Quốc đứng đầu, tổ chức này bao gồm Bangladesh, Iran, Mông Cổ, Pakistan, Peru, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi mục tiêu phổ quát là phát triển và phóng vệ tinh, thì mục đích cụ thể của tổ chức là mở rộng và bình thường hóa việc sử dụng hệ thống định vị BeiDou - phiên bản GPS của Trung Quốc. Các quốc gia sử dụng hệ thống này có thể trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc, như trường hợp của Iran.

Những bài học từ quá khứ đến hiện tại

Đã có sự phát triển vượt bậc của các hoạt động thương mại không gian trong thập kỷ qua. Do đó, một số học giả nhìn thấy một tương lai về việc hợp tác không gian sẽ mang lại những lợi ích thương mại đặc biệt.

Trung Quốc cũng đã đặt lá cờ của mình trên Mặt Trăng. Ảnh: CNS

Trong kịch bản này, các thực thể thương mại sẽ đóng vai trò trung gian giữa các quốc gia, để cùng nhau thực hiện các dự án thương mại không gian. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thương mại lại không có khả năng đưa ra các mệnh lệnh vốn cần thiết cho một dự án hợp tác quốc tế trong không gian.

Sự áp đặt của các quốc gia đối với các công ty không gian đã được minh chứng rõ ràng qua cuộc khủng hoảng Ukraine. Do các lệnh trừng phạt, nhiều công ty vũ trụ thương mại, như của Mỹ và châu Âu, đã buộc phải ngừng hợp tác với Nga. Với khuôn khổ pháp lý hiện tại, nhiều khả năng các quốc gia sẽ tiếp tục ra các quy tắc của riêng mình trong không gian.

Có thể tin rằng trong tương lai, các tổ chức nhà nước vẫn sẽ đóng vai trò chính để tăng cường lợi ích của mình trong không gian và trên mặt đất. Sẽ có rất nhiều lợi ích khi các quốc gia xích lại gần nhau và hình thành khối không gian. Không gian là một lĩnh vực rất khó, vì vậy việc tổng hợp các nguồn lực, nhân lực và bí quyết giữa các quốc gia đóng vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, một hệ thống như vậy cũng đi kèm với những nguy hiểm. Lịch sử đưa ra nhiều ví dụ cho thấy rằng các liên minh càng trở nên chặt chẽ thì càng có nhiều khả năng xảy ra xung đột. Sự cứng rắn ngày càng tăng của 2 liên minh – như Phe Hiệp ước và Phe Bộ tam (Đức, Áo-Hung và Ý) - vào cuối thế kỷ 19 thường được coi là nguyên nhân chính dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Như vậy, chừng nào các khối không gian hiện tại vẫn linh hoạt và cởi mở với tất cả mọi người, thì sự hợp tác sẽ phát triển mạnh mẽ và thế giới vẫn có thể tránh được một cuộc xung đột mở trong không gian. Còn không, các bài học đắt giá về liên minh trong quá khứ và từ cuộc chiến giữa Nga - Ukraine hiện tại, vốn liên quan lớn đến liên minh quân sự NATO, cũng sẽ đi từ trái đất ra ngoài không gian!

Hoàng Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuoc-cach-mang-ngoai-khong-gian-va-nhung-bai-hoc-tu-trai-dat-post193178.html