Cuộc cách mạng nữ quyền ở Saudi Arabia

Với chiến lược 'Tầm nhìn 2030', Saudi Arabia đang hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội cởi mở hơn, trong đó chú trọng sự hội nhập của phụ nữ. Để đạt được điều này, Saudi Arabia đã có những bước cải cách quan trọng nhằm tăng cường quyền lợi và nâng cao vị thế xã hội cho phụ nữ tại quốc gia Hồi giáo này.

Trong những năm gần đây, Saudi Arabia đã chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn trong chính sách liên quan tới bình đẳng giới. Mới đây, quốc gia vùng Vịnh này thông báo sẽ cho phép phụ nữ gia nhập các lực lượng vũ trang trong bối cảnh chính quyền Riyadh đang theo đuổi các chương trình cải cách kinh tế và xã hội rộng rãi. Trong tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia nêu rõ đây là "một bước đi nữa hướng tới việc trao quyền cho phụ nữ". Quyết định này là động thái mới nhất trong hàng loạt biện pháp được Saudi Arabia đưa ra nhằm tăng quyền cho nữ giới ở đất nước Hồi giáo này.

 Các cô gái Saudi Arabia tại Hội chợ nghề nghiệp dành cho phụ nữ ở thủ đô Riyadh. Ảnh: Reuters.

Các cô gái Saudi Arabia tại Hội chợ nghề nghiệp dành cho phụ nữ ở thủ đô Riyadh. Ảnh: Reuters.

Từ lâu, Saudi Arabia đã được biết đến là đất nước có những luật lệ hà khắc đối với phụ nữ. Họ phải sống lệ thuộc vào đàn ông và chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz, người qua đời ở tuổi 90 vào năm 2015, khi còn sống đã cố gắng thực hiện nhiều chính sách nhằm tăng thêm quyền và cơ hội sống tốt hơn cho nữ giới tại quốc gia này. Đến khi Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud lên ngôi vào năm 2015, phụ nữ Saudi Arabia tiếp tục được phép tham gia nhiều hoạt động xã hội hơn. Ngày 12-12-2015, Saudi Arabia là nước cuối cùng trên thế giới mà phụ nữ được thực hiện quyền của mình trong cuộc bầu cử hội đồng nhân dân thành phố. Chính cuộc bầu cử này đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ rằng, phụ nữ Saudi Arabia sẽ được tham gia nhiều hơn vào đời sống cộng đồng. Kể từ khi được trao quyền kế vị vào tháng 11-2017, Thái tử Mohammed bin Salman, người có chủ trương ủng hộ việc cải cách nhằm mở rộng quyền của nữ giới, đã mang đến “luồng gió mới” cho đất nước Hồi giáo vùng Vịnh này. Trong khuôn khổ chiến lược “Tầm nhìn 2030” do Thái tử Mohammed bin Salman khởi xướng, được công bố vào năm 2016, nhằm đưa Saudi Arabia trở thành một quốc gia cởi mở, phụ nữ nước này đang dần được "cởi trói" khỏi những luật lệ hà khắc.

Theo Arab News, năm học 2019-2020 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Saudi Arabia, giáo viên nữ được tham gia giảng dạy cho học sinh nam tại 1.460 trường công lập ở nước này. Các cô giáo sẽ dạy học sinh nam ở các trường mẫu giáo và khối lớp 1, 2, 3 của các trường tiểu học. Trong tháng 8 vừa qua, chính quyền Saudi Arabia đã thông qua một sắc lệnh cho phép phụ nữ nước này có quyền đăng ký khai sinh cho con, đăng ký kết hôn, ly hôn cũng như các giấy tờ khác liên quan đến gia đình. Không chỉ vậy, chính quyền Riyadh cũng thông qua một luật mới cho phép phụ nữ trên 21 tuổi được ra nước ngoài một mình mà không cần sự đồng ý của người giám hộ. Trước đó, phụ nữ Saudi Arabia luôn phải có sự cho phép của người giám hộ là nam giới như cha, chồng hay những người thân là nam giới khác để kết hôn, làm hộ chiếu hoặc đi du lịch nước ngoài. Chia sẻ trên trang Twitter cá nhân, bà Muna Abusulayman, doanh nhân nổi tiếng ở Saudi Arabia cho biết: “Sự thay đổi này đồng nghĩa với việc phụ nữ Saudi Arabia có thể gần như làm chủ số phận của mình. Trước đây, nhiều ước mơ của phụ nữ về việc đi du học hay tìm kiếm việc làm ở nước ngoài đã tan vỡ do không thể rời khỏi đất nước vì bất kỳ lý do nào”. Sắc lệnh trên còn bao gồm các quy định về tuyển dụng, mở rộng cơ hội việc làm cho phụ nữ Saudi Arabia. Theo sắc lệnh này, tất cả công dân đều có quyền được làm việc mà không bị phân biệt giới tính, tuổi tác hay khuyết tật cơ thể. Đặc biệt, từ tháng 6-2018, lệnh cấm lái xe dành cho phụ nữ ở nước này cũng chính thức đi vào dĩ vãng. Với quyết định mang tính lịch sử trên, Saudi Arabia trở thành nước cuối cùng trên thế giới cho phép nữ giới ngồi sau vô lăng. Việc cho phép lái xe giúp phụ nữ Saudi Arabia chủ động hơn khi tham gia lực lượng lao động, qua đó thúc đẩy nền kinh tế quốc gia vùng Vịnh này.

Vai trò của phụ nữ tại Saudi Arabia đang dần thay đổi khi số lượng nữ giới trong lực lượng lao động đã tăng đáng kể. Đưa nữ giới tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động được coi là một nội dung quan trọng trong chiến lược “Tầm nhìn 2030” của Saudi Arabia. Năm 2017 chỉ có khoảng 22% phụ nữ trưởng thành tham gia lực lượng lao động nhưng chính quyền Riyadh muốn con số này tăng lên thành 30% vào năm 2030 trong kế hoạch cải cách kinh tế dài hạn của mình.

Với một loạt cải cách như vậy, Saudi Arabia đang nỗ lực mở cửa một xã hội vốn có nhiều quy định hà khắc đối với phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới tại quốc gia này. Hơn ai hết, giới lãnh đạo Saudi Arabia hiểu rằng Riyadh không thể đạt được những bước tiến mới nếu những công dân nữ của nước này bị bỏ lại phía sau.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cuoc-cach-mang-nu-quyen-o-saudi-arabia-597383