'Cuộc cách mạng' thầm lặng

Sato Yuki, nhân viên văn phòng trong bộ phận quan hệ công chúng thuộc một tập đoàn hàng tiêu dùng lớn có trụ sở ở Tokyo (Nhật Bản), cho biết mình từng phải làm tăng ca tới hai tiếng rưỡi mỗi ngày. Thời gian dài 'mài đũng quần' ở công ty khiến cô gái 25 tuổi luôn trong tình trạng mệt mỏi, chỉ có một lịch trình gần như cố định trong tuần: Đi làm, về nhà ngủ rồi lại đi làm.

Thế nhưng, trong và sau đại dịch Covid-19, Sato Yuki tự nhận ra rằng bản thân cần phải thay đổi guồng làm việc không ngừng nghỉ ấy. Từ chối nhận thêm việc ngoài giờ mà dành thời gian đó cho gia đình, các mối quan hệ xã hội và nghỉ ngơi, cô cảm thấy chất lượng cuộc sống dần cải thiện. “Tôi muốn tận hưởng cuộc sống hiện tại, làm những gì mình muốn”, Sato Yuki chia sẻ.

Ảnh minh họa: The Borgen Project

Ảnh minh họa: The Borgen Project

Quyết định “quay xe” của Sato Yuki cũng chính là lựa chọn của nhiều thanh niên Nhật Bản hiện nay nhằm cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Theo thống kê mới công bố của Viện nghiên cứu độc lập Recruit Works (Nhật Bản), giờ làm việc hằng năm ở nước này đã giảm 11% vào năm 2022 so với năm 2000, từ 1.839 giờ xuống 1.626 giờ, tương đương với nhiều nước châu Âu. Mức giảm rõ rệt nhất nằm ở nhóm lao động nam giới trong độ tuổi 20, khi họ làm việc trung bình 38 giờ/tuần vào năm 2023, so với con số hơn 46 giờ cách đó hơn hai thập niên. Cũng theo Recruit Works, dù làm việc ít giờ hơn, lương của nhóm này lại tăng 25% kể từ đầu thế kỷ này.

Giáo sư Tsuji Izumi tại Đại học Chuo ở Tokyo cho rằng, trong khi thế hệ cha mẹ chấp nhận làm việc nhiều giờ để đổi lấy tăng trưởng kinh tế và an ninh việc làm thì lao động trẻ Nhật Bản hiện đặt mục tiêu ổn định thay vì tham vọng. Theo chuyên gia xã hội học này, nhiều người khó mơ mộng về tương lai vì cuộc sống thời hiện đại bấp bênh nên chỉ muốn kiếm đủ tiền trang trải nhu cầu hằng ngày. Tình trạng thiếu hụt lao động ở Nhật Bản cũng đem lại cho nhân viên trẻ một lợi thế: Nếu cảm thấy bị bóc lột hay bị đánh giá không tương xứng với năng lực, họ sẵn sàng “dứt áo” ra đi tìm việc mới. Theo Viện nghiên cứu Nhật Bản (JRI), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên đánh giá về nguồn nhân lực có trụ sở tại Tokyo, khoảng 30% thanh niên nước này coi một công việc thoải mái và đồng nghiệp thân thiện là ưu tiên hàng đầu.

Thái độ làm việc này có thể gây khó chịu với nhóm lao động lớn tuổi, vốn xây dựng sự nghiệp bằng những giờ làm việc dài, song cũng có mặt tích cực.

Lâu nay, năng suất làm việc cũng như kỷ luật trong công việc của người Nhật đã được nhiều quốc gia khác đánh giá cao. Tuy nhiên, đằng sau văn hóa cống hiến hết mình cho công việc ấy lại nổi lên vấn nạn khiến giới chức đất nước mặt trời mọc đau đầu. Đó chính là các trường hợp tử vong do làm việc quá sức, thường xuất phát từ đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc tự tử liên quan đến áp lực công việc, được biết đến với thuật ngữ “karoshi”, tồn tại dai dẳng trong xã hội Nhật Bản. Từ năm 2016, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản định kỳ công bố sách trắng về tình trạng này, đồng thời đề xuất các biện pháp ngăn ngừa. Vì vậy, chính những thay đổi về thái độ của người trẻ đối với giờ làm việc và công việc thắp lên hy vọng chấm dứt những bi kịch mang tên “karoshi”.

Văn hóa làm việc ở Nhật Bản đang diễn ra một “cuộc cách mạng” thầm lặng!

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/cuoc-cach-mang-tham-lang-811062