Cuộc chạy đua AI trong tuyển dụng lao động: Lợi bất cập hại cho cả công ty lẫn ứng viên

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi sâu rộng quy trình tuyển dụng toàn cầu.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của các công cụ AI, cả từ phía nhà tuyển dụng lẫn người tìm việc, đang gây ra nhiều hệ lụy, khiến quá trình vốn đã phức tạp trở nên hỗn loạn hơn. Những gì được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả và công bằng giờ đây lại đặt ra nhiều thách thức mới cho cả hai phía.

Một cuộc khảo sát 1.500 người tìm việc năm ngoái cho thấy 31% nam giới đang sử dụng công cụ AI trả phí, so với 18% phụ nữ - Ảnh: Dreamstime

Một cuộc khảo sát 1.500 người tìm việc năm ngoái cho thấy 31% nam giới đang sử dụng công cụ AI trả phí, so với 18% phụ nữ - Ảnh: Dreamstime

Người tìm việc ứng dụng AI: Từ hỗ trợ đến gian lận

Không còn là công cụ riêng của nhà tuyển dụng, AI hiện đang được người tìm việc tận dụng một cách ngày càng phổ biến để tạo hồ sơ xin việc, luyện phỏng vấn và thậm chí tham gia vào các bài kiểm tra đánh giá kỹ năng.

Theo Financial Times, ChatGPT và các công cụ chatbot AI khác đang giúp ứng viên trả lời các câu hỏi phỏng vấn, điền thông tin đơn xin việc hoặc viết thư xin việc một cách nhanh chóng. Trên các nền tảng như TikTok, nhiều video chia sẻ mẹo sử dụng AI trong phỏng vấn lan truyền mạnh mẽ.

Một số ứng viên sử dụng AI không chỉ để tiết kiệm thời gian mà còn nhằm "qua mặt" các hệ thống tuyển dụng tự động. Một ví dụ là việc dùng ChatGPT để trả lời các câu hỏi trong các cuộc phỏng vấn qua video không đồng bộ hay con gọi là phỏng vấn video một chiều (hình thức phỏng vấn mà ứng viên ghi hình trả lời các câu hỏi mà không có người phỏng vấn trực tiếp). Trong nhiều trường hợp, AI không chỉ hỗ trợ mà còn thay thế chính ứng viên trong quá trình trả lời, làm dấy lên nghi ngại về tính trung thực và hiệu quả của quy trình.

Nhà tuyển dụng gặp khó khi đối phó với hồ sơ "do AI viết"

Tình trạng ứng viên nộp đơn hàng loạt với hồ sơ do AI hỗ trợ khiến bộ phận nhân sự quá tải. Nhiều nhà tuyển dụng cho biết họ phải xử lý lượng hồ sơ nhiều hơn bao giờ hết, nhưng lại khó xác định được đâu là ứng viên phù hợp thật sự. Một số công ty bắt đầu áp dụng chính sách "không khoan nhượng" với việc sử dụng AI trong tuyển dụng, coi đây là hành vi gian lận.

Tuy nhiên, từ góc độ người tìm việc, phản ứng này có thể bị xem là mâu thuẫn. Trong nhiều năm, các công ty đã sử dụng AI để sàng lọc hồ sơ, phân tích ngôn ngữ cơ thể, giọng nói hoặc đánh giá kỹ năng thông qua phần mềm. Chính họ là bên khởi xướng xu hướng tự động hóa, khiến quy trình tuyển dụng trở nên phi nhân tính.

Từ những năm 2010, các công cụ tuyển dụng tự động được triển khai nhằm giảm thiểu thiên vị của con người và tăng hiệu quả tuyển chọn. Phỏng vấn video không đồng bộ là một trong những ví dụ điển hình. Tuy nhiên, nhiều người tìm việc mô tả trải nghiệm này là thiếu kết nối, áp lực và mang tính "vô hồn". Một số người chia sẻ rằng họ cảm thấy kiệt sức và mất tinh thần sau khi phải đối mặt với hệ thống tuyển dụng máy móc.

Một người từng tham gia phỏng vấn bằng hình thức này cho biết ông phải trả lời câu hỏi từ một khách sạn khi đi công tác, sử dụng iPad đặt trên vali để ghi hình. Ông mô tả trải nghiệm này là "khó khăn và nhục nhã", khiến ông sụp đổ tinh thần khi không thể hiện được bản thân đúng mức trong cuộc phỏng vấn quan trọng.

Hiệu quả và công bằng đều bị thách thức

Sự phụ thuộc ngày càng lớn vào AI trong tuyển dụng đang đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về hiệu quả và sự công bằng. Về hiệu quả, lượng hồ sơ tăng vọt do ứng viên sử dụng AI khiến quy trình lọc hồ sơ trở nên quá tải, làm tăng số lượng thư từ chối và kéo dài thời gian xử lý. Đồng thời, các bài đánh giá trực tuyến cũng đang trở nên kém tin cậy vì ứng viên dùng AI để cải thiện điểm số.

Người sáng lập công ty đánh giá Neurosight, ông Jamie Betts cảnh báo rằng việc tiếp cận không đồng đều với các công cụ AI cao cấp có thể tạo ra một hình thức bất bình đẳng mới. Trong một cuộc khảo sát với 1.500 ứng viên, công ty phát hiện 31% nam giới sử dụng công cụ AI trả phí, trong khi chỉ có 18% phụ nữ làm điều tương tự.

Dù Neurosight cũng cung cấp các công cụ đánh giá "chống AI", quan điểm của ông Betts vẫn phản ánh mối lo ngại chung về tính công bằng.

Ông cho biết trong một dự án gần đây cho một công ty dịch vụ chuyên nghiệp toàn cầu, kết quả bài kiểm tra lý luận phản biện cho thấy sự sụt giảm đáng kể về hiệu suất ở các nhóm thiệt thòi như phụ nữ, người da màu hoặc những người có nền tảng kinh tế yếu hơn. Điều này cho thấy AI, thay vì xóa bỏ chênh lệch, đôi khi còn làm trầm trọng thêm sự bất công.

Xu hướng quay lại yếu tố con người

Trước tình hình này, nhiều chuyên gia cho rằng ngành tuyển dụng đang đứng trước thời điểm cần đánh giá lại cách sử dụng công nghệ.

Một số bài kiểm tra kỹ năng dưới hình thức trò chơi tương tác hiện nay ít bị ảnh hưởng bởi AI hơn và đang được quan tâm trở lại. Ngoài ra, các trung tâm kiểm tra kỹ thuật trực tiếp cũng có khả năng hồi sinh để đảm bảo tính xác thực của kết quả.

Cả Betts và Stephen Isherwood, một chuyên gia về tuyển dụng, đều ghi nhận xu hướng các nhà tuyển dụng đang cân nhắc đưa yếu tố con người trở lại ở giai đoạn đầu quá trình tuyển chọn. Việc gặp gỡ ứng viên sớm hơn có thể giúp nhận diện rõ hơn động lực và năng lực thật sự của họ.

Ngay cả HireVue, một trong những nhà cung cấp lớn nhất các giải pháp phỏng vấn video tự động, cũng thừa nhận hạn chế của công nghệ. Trong một bài viết gần đây, công ty này cho rằng một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa gian lận là áp dụng quy trình tuyển dụng nhiều giai đoạn, trong đó có phỏng vấn trực tiếp để xác minh kỹ năng và kiến thức của ứng viên.

Câu chuyện về cuộc chạy đua AI trong tuyển dụng là minh chứng rõ nét cho một thực tế: công nghệ, dù mạnh mẽ đến đâu, cũng không thể thay thế hoàn toàn yếu tố con người trong những quy trình mang tính đánh giá phức tạp. Những biện pháp tưởng như đơn giản như tự động hóa phỏng vấn hay lọc hồ sơ bằng máy, không đủ để giải quyết triệt để các vấn đề như thiên vị, thiếu minh bạch hay áp lực tâm lý đối với người tìm việc.

Khi cả nhà tuyển dụng lẫn ứng viên đều chạy theo AI, cuộc chơi không còn xoay quanh năng lực thực sự mà chuyển thành cuộc đua công nghệ. Và trong cuộc đua này, người thua có thể là tất cả từ những ứng viên bị đánh giá sai, đến các công ty bỏ lỡ những nhân tài phù hợp nhất.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cuoc-chay-dua-ai-trong-tuyen-dung-lao-dong-loi-bat-cap-hai-cho-ca-cong-ty-lan-ung-vien-232330.html