Cuộc chạy đua mang tên 'đầu năm học'
Ngày tựu trường của niên học 2023 - 2024 đang đến gần, trong vài tuần trở lại đây, các bậc phụ huynh, học sinh 'nô nức' mua sắm, chuẩn bị cho ngày quay trở lại trường học. Bên cạnh niềm vui khi thấy con được đi học, gặp bạn bè, thầy cô, không ít cha mẹ giữ cho mình những mối lo lắng riêng về một năm học tới.
Thoát nỗi lo “bạc triệu” mùa hè
Mỗi mùa hè, để các em học sinh có một kỳ nghỉ hè bổ ích, phụ huynh đã phải tốn công sức, tâm huyết, tiền bạc đầu tư cho con. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, cứ mỗi kỳ nghỉ hè, họ lại gọi đó là những tháng “bạc triệu”, vì hàng loạt khoản chi phí tốn kém ngang ngửa vài tháng, thậm chí cả năm đi học tại trường của các con. Chính vì vậy, mùa hè qua đi, ngày học sinh trở lại trường là lúc không ít phụ huynh “thở phào nhẹ nhõm”.
Chị Bùi Phương Mai (Xuân Đỉnh, Hà Nội) hiện có ba con đang trong độ tuổi ăn học cho biết, học sinh đã đi học hè được gần một tháng, vì vậy, việc nhập học chính thức vào ngày 28/8 cũng không còn mới mẻ đối với các con của chị. Nhưng với các bậc cha mẹ như chị Phương Mai, thì đây là một niềm vui, chị nói: “Chưa đầy một tháng hè, riêng tiền học của các con nhà tôi đã mất khoảng 2 triệu/cháu, chưa kể đến các khoản tiền học thêm, lớp học ngoại khóa”. Chị Mai chia sẻ, thời gian học hè của trường kéo dài từ thứ hai đến thứ năm, thứ sáu chị buộc phải cho con đến lớp học Âm nhạc, Mỹ thuật hoặc học bơi để bố mẹ có thể an tâm đi làm. Nhiều hôm, chỉ riêng thứ sáu, con chị đã đến ba lớp học ngoại khóa để hết một ngày. Mỗi môn học con chị tham gia có chi phí từ bốn đến năm triệu đồng một tháng.
Chị Phạm Thu Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, con chị đang học tiểu học ở một trường gần nhà, cháu bắt đầu đi học từ cuối tháng 7, tính đến nay, chi phí cho gần một tháng học hè tại trường của con chị là gần 5 triệu đồng, gấp đôi so với chi phí một tháng trong năm học. Chị tâm sự: “Ngoài việc học các môn văn hóa, tôi còn cho cháu tham gia các câu lạc bộ ngoại khóa mùa hè tại trường, các hoạt động của trường lớp như đi chơi, tham quan vào dịp hè”. Ngoài thời gian hai buổi học trên lớp, những ngày trống, con chị cũng được sự chăm sóc, quan tâm của các cô giáo khi tham gia các câu lạc bộ múa, làm đồ thủ công, điều này khiến chị Hiền an tâm làm việc ở cơ quan, không lo con đi chơi hay vướng vào thói hư tật xấu.
Mùa hè, đối với học sinh hiện nay, chỉ là những ngày nghỉ thoáng qua, từ một đến hai tháng. Sau đó, các em sẽ phải nhanh chóng quay lại trường để học hè. Trong mùa hè, các em đến những lớp học thêm, câu lạc bộ, trại hè tốn từ vài triệu cho tới cả chục triệu. Đến khi học sinh được “tựu trường sớm”, phụ huynh lại tiếp tục chi các khoản học phí (tự nguyện) đắt hơn từ vài trăm đến vài triệu so với những tháng trong năm học. Tất cả điều này nhằm giúp các em tránh được việc sử dụng Internet quá nhiều, hoặc đi chơi, giao du với người xấu mà phụ huynh không có đủ thời gian để quản lý.
Cho nên, ngày học sinh quay trở lại trường, nhiều bậc phụ huynh “nhẹ nhõm” vì không cần phải lo việc quản lý con cái cả ngày. Bởi trong năm học, đa phần các em sẽ dành tám tiếng một ngày trên trường để học tập, vui chơi dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Đặc biệt, học phí của những tháng trong năm sẽ rẻ hơn học phí học hè, đặc biệt, chi phí dành cho câu lạc bộ, trại hè cũng sẽ không còn. Cho nên, ngày học sinh chính thức trở lại với lịch học bình thường, rất nhiều phụ huynh như “trút được gánh nặng”.
Chị Bùi Phương Mai tâm sự, học phí trong năm mỗi tháng chỉ tầm 1 triệu 400 nghìn đồng, con cả của chị học hệ song ngữ (trường công lập) cũng chỉ mất thêm 200 nghìn. Ngoài việc học ở trường, chị chỉ đăng ký cho con học thêm online ở trên mạng, giá cả rất phải chăng, thậm chí một tháng hè bằng hai, ba tháng học trong năm.
Thực tế, việc học hè hiện nay diễn ra rất phổ biến, có nhiều lý do khiến phụ huynh chi phí cho con học hè. Từ việc thi trượt, phải học bồi dưỡng trong hai tuần mùa hè để làm bài kiểm tra lên lớp. Cho đến việc nhiều gia đình do bận rộn, nên tìm kiếm mọi khóa học hè, câu lạc bộ tại trường và ngoài trường cho con tham gia. Chi phí cho những khoản này tốn kém, áp lực và thậm chí hơn cả trong năm học.
Đến bài ca “tiền trường”
Vừa xong một mùa hè bận rộn với việc đưa đón con đến các lớp học năng khiếu, học thêm, đưa con đi du lịch, chị Hồng Dung (Nghĩa Tân, Hà Nội) đã phải lao vào một “cuộc chạy đua” mới, mang tên “đầu năm học”. Chị chia sẻ, con thứ hai của chị năm nay vào lớp 1, bố mẹ đã phải để dành gần 10 triệu đồng để chuẩn bị sắm sửa cho con: “Chưa kể đến những khoản phí đầu năm của trường và tiền học phí hàng tháng, riêng trang thiết bị, sách vở tôi mua cho con đã mất hơn 2 triệu đồng. Kèm theo tiền đồng phục là hơn bốn triệu đồng, với đủ các loại áo mùa đông, mùa hè, vest…”.
Anh Trần Đình Đức, hiện đang sinh sống tại Phạm Văn Đồng, Hà Nội cho biết, gia đình anh vừa chuyển nhà đến đây. Anh muốn tìm một trường tư thục gần cho con học với mức phí từ 4 - 5 triệu đồng/tháng, nhưng gần như là điều không thể: “Ngay cả những trường công lập, học phí cộng thêm tiền ăn, bán trú đã rơi vào khoảng 4 - 5 triệu đồng. Những trường tư thục có học phí “mềm” đã hơn 5 triệu/tháng, chưa kể đến khoản thu phụ khác như điện nước, ăn trưa, bán trú”. Với mức lương nhân viên văn phòng như anh Đức và vợ, việc chọn một ngôi trường tốt cho con theo học tại Hà Nội là không hề dễ dàng. Anh dự định sẽ kiếm thêm việc làm ngoài giờ, còn vợ anh sẽ bán hàng online để thêm chi phí cho con học một ngôi trường tư thục chất lượng.
Sau khi đi qua một mùa hè, nhiều bậc cha mẹ có thể nhẹ nhõm, khi chi phí trong năm học sẽ “dễ thở” hơn so với những chuyến đi du lịch, trại hè. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy, đối với không ít phụ huynh “năm học mới” là một “cơn ác mộng” khi hàng loạt các chi phí “đổ” về gia đình họ. Từ những đóng góp đầu năm cho đến khoản phí phát triển trường, học phí, đồng phục, những khoản tiền “không tên tuổi khác”.
Khi nhìn phụ huynh liệt kê ra những thứ cần mua, người xem không khỏi bất ngờ, bởi một danh sách dài đến không tưởng. Từ những bộ sách giáo khoa, sách tham khảo, tư liệu đọc thêm, đồ dùng, đến đồng phục mỗi loại phải mua hai bộ, với lý do “trẻ con nghịch nhiều, quần áo sau một ngày là bẩn, hôi hết, không đem giặt sẽ mốc ngay”. Chỉ nhiêu đó, không ít người đã tốn đến cả chục triệu đồng. Chưa kể tới, đầu năm là lúc phụ huynh tìm thêm những lớp học phụ đạo cho con cái. Có những em khi bắt đầu cắp cặp đi học trở lại trường, cũng vừa là lúc chạy “show” cho các ca học thêm bất tận kéo dài đến 9 - 10h đêm mới về đến nhà.
Chị Hồng Dung chia sẻ, con lớn của chị đang học tại một trường THPT quốc tế, sau giờ học ngoài các lớp học thêm Toán - Văn - Anh, chị còn đăng ký thêm cho con một lớp nhảy, lớp học cờ vua để phát triển toàn diện, chị chia sẻ: “Mùa hè, tôi chỉ cho cháu tham gia hoạt động thể dục và học các môn nhẹ nhàng để giải trí, nhưng vào năm học, gia đình hy vọng cháu dành nhiều thời gian để nghiêm túc học hành”. Mỗi lớp học của con chị có học phí dao động từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Chị tính chi phí một tháng của con, chưa kể đến học phí trên trường đã mất tầm 20 triệu đồng.
Với quan điểm “Đầu tư cho giáo dục không bao giờ lỗ”, rất nhiều gia đình đã liên tục chi tiền cho con đi học các bộ môn và khóa học khác nhau. Số tiền họ phải bỏ ra, ngoài học phí, còn là những khoản khác lên đến 20 - 30 triệu đồng. Thậm chí, nhiều gia đình không có thời gian nghỉ để “hồi phục” kinh tế sau khoản chi “bạc triệu” vào mùa hè. Điều này đem lại rủi ro về sức khỏe đi kèm với nguồn tài chính dự phòng cạn kiệt, sẽ khiến gia đình bị động khi cần chi những khoản cấp bách. Cho nên, ngoài việc lên kế hoạch, tích lũy tiền bạc để lo cho con cái học tập, các bậc phụ huynh cần phải đầu tư một cách “thông minh” để phù hợp với điều kiện tài chính, kinh tế của gia đình mình.
Tính theo tỷ lệ GDP (tổng sản phẩm quốc nội), mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam tương đương 4,9% GDP, chỉ kém Malaysia 5%, còn cao hơn các nước khác trong ASEAN gồm Campuchia 1,9%, Singapore 2,9%, Lào 3,3%. Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, mức sống dân cư 2020, cho thấy đầu tư cho giáo dục ngày càng được chú trọng hơn qua các năm. Năm 2020, trung bình các hộ dân cư phải chi hơn 7,0 triệu đồng cho một thành viên đang đi học, tăng khoảng 7,0% so với năm 2018. Ở thành thị, các hộ chi 10,7 triệu đồng cho một thành viên đi học, gấp 2,1 lần so với mức chi ở nông thôn; nhóm hộ có mức thu nhập cao nhất chi hơn 15,4 triệu đồng/người/12 tháng, tăng 4,7% so với năm 2018 và gấp 6,2 lần so với nhóm hộ có mức thu nhập thấp nhất (2,5 triệu đồng/người/12 tháng).
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cuoc-chay-dua-mang-ten-dau-nam-hoc-post485111.html