Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân: Trung Quốc có thể tăng gấp 5 lần năng lực hạt nhân, Mỹ 'cầu cứu' Nga

Điều đáng lo ngại là thế giới dường như đang vướng vào một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới. Nếu như trong lịch sử, Mỹ và Liên Xô đã tiệm cận đến bờ vực một cuộc chạy đua vũ trang, thì giờ đây, Mỹ và Trung Quốc có thể lặp lại kịch bản này.

Trung Quốc đang tham vọng sánh ngang tầm với hai siêu cường hạt nhân hiện nay là Mỹ và Nga. (Nguồn: ORF)

Trung Quốc đang tham vọng sánh ngang tầm với hai siêu cường hạt nhân hiện nay là Mỹ và Nga. (Nguồn: ORF)

Sự thật "sững sờ"

Thật khó để đưa ra một câu trả lời chính xác cho câu hỏi trên. Tuy nhiên, bằng chứng mà những ảnh chụp vệ tinh gần đây đưa ra khiến tất cả chúng ta phải sững sờ. Bắc Kinh dường như đang xây dựng khoảng 100-200 hầm chứa và có khả năng phóng đi các tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân. Trước đây, chúng ta mới chỉ biết Trung Quốc có khoảng 20 vị trí như vậy.

Một suy luận rõ ràng là Trung Quốc đang cố gắng xây dựng kho vũ khí hạt nhân thậm chí còn nhanh hơn tưởng tượng. Lầu Năm Góc đang phân tích giả định rằng Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi kho dự trữ hạt nhân trong thập kỷ này và Lầu Năm Góc cũng ước tính Bắc Kinh đang sở hữu từ 320 đến 350 vũ khí hạt nhân.

Tùy thuộc vào giả định về tên lửa trong mỗi hầm chứa và số đầu đạn trên mỗi tên lửa, thông tin mới nói trên cũng có nghĩa là mục tiêu thực sự của Trung Quốc không chỉ tăng gấp đôi mà là gấp 5 lần hoặc hơn thế.

Điều đó sẽ giúp Trung Quốc sánh ngang tầm với hai siêu cường hạt nhân hiện nay là Mỹ và Nga. Hai siêu cường hạt nhân này, mỗi bên có khoảng 1.600 vũ khí hạt nhân thường trực, tức là đã sẵn sàng để sử dụng, được đặt trên đầu tên lửa hoặc gần máy bay ném bom. Bên cạnh đó, cả hai vẫn còn hàng nghìn đầu đạn đang được cất giữ cẩn mật.

Điều đáng lo ngại là thế giới dường như đang vướng vào một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới. Nếu như trong lịch sử, Mỹ và Liên Xô đã tiệm cận đến bờ vực một cuộc chạy đua vũ trang, thì giờ đây, Mỹ và Trung Quốc có thể lặp lại kịch bản này.

May mắn thay, những hầm chứa của Bắc Kinh không đáng lo ngại. Lầu Năm Góc gần như chắc chắn nắm rõ thực tế này thông qua những hình ảnh mới được thu thập từ cả các vệ tinh thương mại và vệ tinh của Lầu Năm Góc.

Chuyên gia James Acton, thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế cho rằng, Trung Quốc không nhất thiết phải huy động tên lửa lấp đầy các hầm chứa. Thay vào đó, Bắc Kinh có thể sử dụng các hầm chứa này làm mồi nhử và thậm chí có thể di chuyển tên lửa từ hầm chứa này sang hầm chứa khác để Mỹ không bao giờ biết được vị trí đầu đạn.

Những đột phá gần đây của Mỹ trong công nghệ phòng thủ càng khiến Trung Quốc lo ngại. Trung Quốc phải tính toán một kịch bản về khả năng xảy ra cuộc xung đột leo thang với Mỹ. Bắc Kinh muốn đảm bảo họ có đủ tên lửa, có thể được phóng từ bất cứ đâu và có đủ đầu đạn để xáo trộn các biện pháp đối phó của Mỹ.

Kéo Bắc Kinh cùng đàm phán

Trung Quốc đang quyết tâm đạt được thế cân bằng trong cuộc cạnh tranh với Mỹ.

Trung Quốc ngày càng tin rằng xung đột với Mỹ theo hình thức nào đó sẽ không thể tránh khỏi và họ cần chuẩn bị kỹ lưỡng để được an toàn.

Đó cũng là lý do vì sao Bắc Kinh sẽ không tham gia các cuộc đàm phán giải trừ quân bị hiện nay như các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa Mỹ và Nga.

Hiện tại, dù sẽ có nhiều khó khăn nhưng Tổng thống Biden cần "ngả" về phía Moscow để tìm kiếm một cách tiếp cận chung đối với Bắc Kinh nhằm "kéo" Bắc Kinh tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân toàn diện mới.

Các cuộc đàm phán này bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến lược (tức là loại vũ khí nhắm vào quốc gia thù địch) cũng như vũ khí hạt nhân chiến thuật (có thể sử dụng trên một số chiến trường) cùng các hệ thống tấn công cũng như hệ thống phòng thủ.

Mỹ và Nga cũng nên khuyến khích các quốc gia khác thuộc “câu lạc bộ các nước sở hữu vũ khí hạt nhân” tham gia đàm phán. Thậm chí, một ngày nào đó, Mỹ và Nga có thể thúc đẩy cả Triều Tiên và Iran tham gia đàm phán.

Tổng thống Biden đã đúng khi xác định được tình hình chính trị thế giới hiện nay, một tình thế mà các quốc gia cần đoàn kết để bảo vệ các giá trị của mình.

Phải thừa nhận rằng vẫn có những mối đe dọa phi truyền thống nằm ngoài lĩnh vực chính trị như đại dịch hay biến đổi khí hậu, đe dọa đến cả nhân loại. Chiến tranh hạt nhân, dù có chủ ý hay không, cũng là một mối đe dọa nguy hiểm, do đó, đã đến lúc các nước sở hữu vũ khí hạt nhân cần đàm phán.

(theo Bloomberg)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-chay-dua-vu-khi-hat-nhan-trung-quoc-co-the-tang-gap-5-lan-nang-luc-hat-nhan-my-cau-cuu-nga-155118.html