'Cuộc chiến' 336 giờ - Kỳ 2: Những bước chân tất bật
Mỗi ngày tác nghiệp ở khu cách ly Trường Quân sự tỉnh, phần mềm trên điện thoại di động cho biết tôi đi được từ 6.000 đến 9.000 bước chân. Nhưng có phần mềm nào đo đếm được bước chân tất bật, không mệt mỏi của những cán bộ, chiến sĩ làm công tác phục vụ nơi đây?
Trung úy Huỳnh Phương Em (Bác sĩ Quân y) có vóc người nhỏ bé. Tôi chưa thấy anh bộc lộ sự nản lòng trong suốt 14 ngày làm nhiệm vụ. Góc nghỉ ngơi của anh và đồng nghiệp ở ngay đầu khu vực cách ly, ai đi qua đi lại cũng dễ tìm thấy. Trời nắng chang chang hay mát trời êm dịu, anh đều phải mặc bộ quần áo bảo hộ nóng bức, kín mít từ đầu đến chân, mang theo máy đo nhiệt độ và huyết áp. Tôi đi theo anh vài lần để tác nghiệp, hiểu được cảm giác bức bí ấy vô cùng. Lúc cởi đồ bảo hộ ra, đôi bàn tay, mái tóc, lưng áo đều ướt đẫm mồ hôi. Mặc lần đầu còn thấy mới lạ, chứ sang lần 2, lần 3…, oải lắm. Nếu không vì nhiệm vụ, ai lại muốn khoác lên mình bộ quần áo “không hề thời trang” này làm gì!
Vậy mà, Trung úy Phương Em phải trải qua cảm giác khó chịu như vậy ít nhất 2 lần/ngày. Anh có trách nhiệm đo thân nhiệt sáng, chiều cho tất cả người được cách ly, quan tâm những trường hợp có bệnh nền. Hoặc bất cứ lúc nào có người không khỏe, anh phải thăm khám ngay. Ngày đầu tiên tổ chức kiểm tra thân nhiệt, anh cực không thể tả. Mọi người tản đi khắp nơi ăn uống, sinh hoạt cá nhân, ít người ở lại phòng, đi kiếm mệt xỉu. Nhưng nếu không đo thân nhiệt theo từng phòng thì dễ bỏ sót hoặc đo trùng người, nhất là khi gương mặt nào cũng xa lạ, che khuất sau khẩu trang. Hôm sau, lịch sinh hoạt được dán từng phòng, ghi rõ thời gian đo thân nhiệt là sau bữa ăn. Mọi người tự ý thức quay trở lại giường khi ăn xong, nhờ vậy, anh đỡ vất vả hơn. Nhưng cũng vẫn ngần ấy bước chân đi đến từng người, bao quát toàn bộ khu cách ly, cần mẫn, đều đặn trong suốt 14 ngày.
Bác sĩ Phương Em (cúi người) khám sức khỏe cho người được cách ly
Ở trong bếp, cán bộ chiến sĩ Ban Hậu cần cùng nhau làm việc từ 4 giờ sáng đến 9-10 giờ đêm, bao gồm nấu ăn 3 buổi, hỗ trợ người dân khi họ có yêu cầu. “Tập thể Hậu cần xác định nhiệm vụ được giao rất quan trọng, đặc biệt, nên từng người đều nhiệt tình, nỗ lực hoàn thành. Tiêu chí đầu tiên là phải bảo đảm đầy đủ chế độ tiêu chuẩn theo kế hoạch, chỉ đạo của cơ quan cấp trên; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ cấu bữa ăn phù hợp từng buổi: 3-4 món thay đổi mỗi ngày, có kèm trái cây. Công việc hơi vất vả hơn so bình thường, nhưng chúng tôi được thường trực Ban chỉ đạo tỉnh và lãnh đạo nhà trường động viên, thăm hỏi thường xuyên, nên tâm trạng anh em vẫn rất thoải mái, nhiệt tình” – Đại úy Lê Bình Sơn, Trưởng ban Hậu Cần – Trường Quân sự tỉnh cho biết.
Anh nói vắn tắt vậy thôi, chứ ở bên cạnh quan sát, mới thấu hiểu được sự phục vụ thầm lặng của từng cán bộ, chiến sĩ. Tờ mờ sáng, căn bếp đã được đun nóng hầm hập. Vừa nấu thức ăn sáng xong, khi chiến sĩ chưa kịp đưa đến từng phòng cho người dân, thì anh nuôi, chị nuôi đã bắt tay vào ướp thịt, cá, vo gạo nấu bữa cơm trưa. Mấy giờ sau, cơm trưa còn nóng hổi trên bếp, thì họ lại chuyển sang chế biến bữa cơm chiều. Bước sang ngày thứ 4, thứ 5 của đợt cách ly, nhiều người dân bày tỏ ý kiến: buổi sáng các anh mua dùm thức ăn ở bên ngoài cho gọn nhẹ, đỡ nấu vất vả, mà bà con cũng dễ ăn hơn. Ý kiến được ghi nhận, mỗi sáng, tất cả (kể cả Ban Giám hiệu, lực lượng làm nhiệm vụ và tôi- phóng viên) đều có một phần ăn sáng xoay vòng: bánh tằm bì nước cốt dừa, bánh mì, bánh ướt, bánh bao, xôi mặn… Thức ăn đặt ở các cơ sở nấu ăn uy tín ở địa phương, theo tiêu chí vừa ngon, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bớt một bữa nấu, cán bộ, chiến sĩ Ban Hậu cần có thêm chút thời gian nghỉ ngơi quý giá trong ngày.
Mỗi buổi, chiến sĩ phải chuẩn bị hơn 200 suất cơm
Đại úy Lê Bình Sơn chuẩn bị cháo cho các bé
Tôi ở lại trường, vừa để tiện tác nghiệp, vừa tự cách ly với cơ quan và gia đình, tránh sự cố không hay. Có lẽ, tôi là người “nhàn rỗi” nhất trong nhóm làm nhiệm vụ, nên thường đi loanh quanh trò chuyện với mọi người. Một lần vào bếp, tôi thấy Đại úy Sơn nấu 2 phần cháo thịt cho các bé nhỏ xíu đang được cách ly. Anh làm rất nhẹ nhàng, cẩn trọng, dường như dành hết tâm tư vào món cháo. Tôi trêu anh: “Cứ như anh đang nấu cháo cho con của mình vậy nhỉ?”. Anh cười thật hiền, kể cho tôi nghe câu chuyện của mình. “Vợ tôi vừa sinh đứa con thứ hai được mấy ngày. Thăm hai mẹ con ở bệnh viện xong, tôi sắp xếp công việc, nhận lệnh tham gia tổ cách ly. Đây là việc lớn của đơn vị, của cả đất nước chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19, tôi cũng phải hoàn thành trách nhiệm bản thân, tạm gác việc nhà. Vì điều kiện đặc thù của khu cách ly, tôi không trở về, mà tự giác ở lại trường để đảm bảo an toàn cho người nhà, đồng thời tập trung công tác ở mức cao nhất. Ba mẹ con đành nhờ bên nội, bên ngoại chăm sóc tiếp, tôi không thể bên cạnh họ. Nhưng chắc cả nhà sẽ hiểu cho tôi…”. Thành ra, mỗi khi nấu cháo cho các bé ở khu cách ly, anh nhớ đến các con của mình, nhớ người vợ chấp nhận hy sinh, ở cữ vắng chồng. Trong căn bếp, nắng lọt qua lỗ thông gió, chiếu sáng quân hàm trên vai áo anh, để tôi có được một bức ảnh thật ý nghĩa!
Trong những bước chân quán xuyến cả khu cách ly, có bước chân của các chiến sĩ thi hành nghĩa vụ tại trường. Ngày ngày, các anh phải 3 lượt đẩy xe vận chuyển thức ăn đến từng phòng; thu gom rác, dọn dẹp vệ sinh khu cách ly. Chiếc xe đẩy bằng inox luôn phát ra tiếng ồn đặc trưng, như báo hiệu “giờ ăn đến rồi”. Đó là công việc chính, xoay qua xoay lại đã mất hết 1 ngày. Ngoài ra, bất kỳ lúc nào người được cách ly có nhu cầu, nhờ hỗ trợ chuyện nọ chuyện kia, các bạn lại nhiệt tình mua dùm ít thức ăn, nhu yếu phẩm…, đủ công việc không tên. Thấy mấy cậu chiến sĩ đẹp trai, hiền lành, hay cười, ai cũng đều buông lời trêu chọc. “Về đây ở, thương mấy chú bộ đội quá hà, cực khổ với chúng tôi suốt. Tôi mà có con gái chưa chồng, tôi đem gả cho bộ đội liền!” – bà Nguyễn Thị Kiều (Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) thể hiện tình cảm của mình với các chiến sĩ bằng câu nói đùa dễ thương.
Những chuyến xe cần mẫn vận chuyển thức ăn
Chiến sĩ gửi cơm tận phòng cho người được cách ly
Một phần cơm trưa do Ban Hậu cần thực hiện
Óc Eo là một trị trấn núi, vốn đã không mấy sầm uất. Trường Quân sự tỉnh lại lùi xa chợ, nên 7- 8 giờ tối ngoài đường bắt đầu vắng hoe. Trong khu cách ly, mọi người quen ngủ trễ, có khi đến khuya vẫn còn nhiều nhóm ngồi trò chuyện, chơi đùa. Vậy là cứ vào 22 giờ hàng ngày, Trung úy Đặng Thành Hiệp (nhân viên quân khí Trường Quân sự tỉnh) lại cùng các chiến sĩ đi tuần tra một vòng, nhắc mọi người hạn chế làm ồn để người khác ngủ ngon, ghi nhận xem có gì bất thường, hoặc có ai cần hỗ trợ gì không. Những bước chân ấy không còn tất bật, vội vã như ban ngày. Mà chúng đều đặn, vững chãi, tiếp thêm lòng tin, sự yên tâm cho 233 người đang cách ly. Kết thúc thêm một ngày, tức là ngày trở về nhà của họ càng gần kề. Ngày hoàn thành nhiệm vụ của chúng tôi cũng sẽ gần kề…