Cuộc chiến chất bán dẫn: Trung Quốc đang bước lùi, Mỹ có thể tự mãn?

Đúng là Trung Quốc đang chật vật trong cuộc cạnh tranh giành vị trí tốt hơn với Mỹ về công nghệ bán dẫn tiên tiến. Nhưng liệu Washington đã nắm chắc phần thắng trước Bắc Kinh trong lĩnh vực này? Hãy nhìn lại các bài học từ lĩnh vực điện Mặt Trời đến đóng tàu, sẽ thấy lý do họ khó có thể tự mãn.

Với đợt kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn gần đây nhất của Tổng thống Joe Biden, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một thách thức ngày càng cấp bách khi nước này tìm cách tăng cường năng lực đổi mới trong nước cho các dòng chip cao cấp.

Trung Quốc thất bại trong phát triển công nghiệp bán dẫn?

Tuy nhiên, ngay vào đầu năm mới 2023, Bloomberg đã tiết lộ báo cáo rằng, Trung Quốc đang tạm dừng đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Nhiều lý do đã được đồn đoán, có thể là những căng thẳng tài chính để lại sau thời gian nền kinh tế phải gồng mình chống chịu với dịch bệnh Covid-19, có thể là trợ cấp trước đó không hiệu quả và tham nhũng...

Cuộc chiến chất bán dẫn: Trung Quốc đang bước lùi, Mỹ có thể tự mãn?. (Nguồn: Getty Images)

Cuộc chiến chất bán dẫn: Trung Quốc đang bước lùi, Mỹ có thể tự mãn?. (Nguồn: Getty Images)

Động thái trên khá bất ngờ, khi nó xảy ra chỉ hai tuần sau khi có thông tin Bắc Kinh đang chuẩn bị gói kích khích trị giá một nghìn tỷ Nhân dân tệ (145,61 tỷ USD) để tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp chip bản địa.

Trên thực tế, mặc dù chi phí khổng lồ cho giai đoạn toàn bộ nền kinh tế phải đóng cửa để hạn chế dịch bệnh, đòi hỏi phải thắt lưng buộc bụng, nhưng việc Bắc Kinh rút lại khoản đầu tư khổng lồ vào chip không quá ngạc nhiên. Theo bình luận của giới quan sát, không có gì bí mật khi những nỗ lực trước đây của Trung Quốc nhằm cải thiện sự đổi mới công nghệ chip đã không mang lại nhiều kết quả như họ muốn.

Lý do cho sự thiếu thành công không chỉ là thách thức kỹ thuật trong việc phát triển độc lập một trong những sản phẩm phức tạp nhất thế giới. Nhiều yếu tố khác cũng bị coi là đã cản trở Trung Quốc đạt được mục tiêu đạt bước đột phá về chip, khiến đầu tư thì nhiều mà thu được không như kỳ vọng.

Chính phủ Trung Quốc đã phân bổ cho ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ một nghìn tỷ NDT thông qua vốn nhà nước như Quỹ đầu tư mạch tích hợp, mà còn dành cho các ưu tiên chính trị cao, các nỗ lực chỉ đạo thị trường nhằm dành các nguồn lực hàng đầu cho ngành công nghiệp chip.

Kể từ năm 2013, Bắc Kinh đã coi chất bán dẫn là ưu tiên đổi mới công nghiệp hàng đầu của đất nước. Chiến dịch “Made in China 2025” được phát động vào năm 2015 nhằm mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tăng cường đổi mới công nghệ bản địa, tăng tính cạnh tranh trên toàn cầu. Điều này thể hiện một động thái kinh tế và chính trị quan trọng nhằm tăng cường cơ sở đổi mới của Trung Quốc. Từ đó, hàng chục công ty có liên quan đến thiết kế và sản xuất chất bán dẫn đã nhận được chính sách thuận lợi và nguồn vốn để mở rộng nhà máy, thuê nhân tài với sự hỗ trợ đáng kể từ chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như không giúp Trung Quốc tiến lên trong chuỗi giá trị bán dẫn. Ngay cả sau khi hàng tỷ USD được "ném vào" thì công nghiệp bán dẫn bản địa vẫn chưa trở thành hiện thực. Mặc dù có một số tiến bộ trong thiết kế chip độc lập cho nhiều loại sản phẩm, từ điện toán đám mây đến điện thoại thông minh, quốc gia này vẫn không thể thoát khỏi chuỗi cung ứng và sản xuất do nước ngoài thống trị. Chẳng hạn dòng chip tiên tiến của Huawei - Kirin 9000 đã phải đổi mặt nguy cơ tiệt chủng khi công ty này trở thành mục tiêu của một loạt lệnh trừng phạt tàn khốc.

Trong khi đó, theo giới phân tích, đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ, tình trạng lộn xộn hiện tại của ngành công nghiệp bán dẫn nội địa Trung Quốc nên là một yếu tố quan trọng cần xem xét khi đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và tăng cường cơ sở hạ tầng an ninh mạng cho cả các công ty trong nước và các đồng minh chủ chốt. Tuy nhiên, với các hạn chế hiện tại trong các công nghệ bán dẫn của Bắc Kinh, các đối thủ của họ chỉ có thể lạc quan một cách thận trọng về khả năng cạnh tranh lâu dài.

Đừng xem nhẹ tham vọng của Trung Quốc

Theo bài phân tích trên tờ The Wall Street Journal, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc hiện gặp nhiều khó khăn, trong đó tập đoàn hàng đầu một thời của Trung Quốc là Tsinghua Unigroup bị phá sản và Trung Quốc bắt giữ một số quan chức và giám đốc điều hành cấp cao của ngành này.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc những nỗ lực trở thành quốc gia sản xuất các thiết bị vi xử lý (chip) lớn nhất thế giới của Trung Quốc đã thất bại.

Trên thực tế, nếu Trung Quốc thất bại trong lĩnh vực này, tại sao Washington lại phải chi rất nhiều ngân sách để thực hiện các chính sách trợ cấp cho ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước?

Những người cho rằng, Trung Quốc đã thất bại thường sử dụng cách suy nghĩ điển hình của phương Tây, trong đó đánh giá thấp sức mạnh và khả năng phục hồi của nền kinh tế, hệ thống chính trị và chiến lược công nghiệp của Trung Quốc.

Họ cho rằng, mô hình kinh tế kế hoạch hóa của Trung Quốc có đặc thù là lãng phí, phân bổ vốn đầu tư không hợp lý và tham nhũng. Trung Quốc sẽ không thành công chỉ vì đây là mong muốn chủ quan của Bắc Kinh.

Hãy nhìn lại các bài học từ ngành công nghiệp năng lượng Mặt Trời và ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc. Giống như chất bán dẫn, năng lượng Mặt Trời lần đầu tiên được phát minh và thương mại hóa ở Mỹ trước khi được các nhà hoạch định kinh tế Trung Quốc đưa vào làm mục tiêu phát triển.

Năm 2012, sau nhiều năm trợ cấp quy mô lớn và đầu tư quá mức, các công ty quang điện lớn nhất của Trung Quốc bắt đầu gặp khó khăn và thu hút nhiều sự chú ý. Các doanh nghiệp như Trina phải giảm sản xuất để duy trì lợi nhuận; các doanh nghiệp như Jiangxi LDK Solar được chính quyền địa phương cứu trợ nhưng vẫn vỡ nợ trái phiếu ở nước ngoài; Công ty Suntech phá sản năm 2013.

Tuy nhiên, ngày nay, ngành công nghiệp năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc chiếm ưu thế đến mức các mục tiêu năng lượng xanh của Mỹ và châu Âu phụ thuộc vào xuất khẩu sản phẩm quang điện của Trung Quốc. Hiện tại, 80% sản lượng năng lượng Mặt Trời của thế giới (bao gồm tất cả các liên kết chuỗi cung ứng) đến từ Trung Quốc và tỷ lệ sản xuất polysilicon từ Trung Quốc là gần 95%.

Điều tương tự cũng xảy ra với ngành đóng tàu, lĩnh vực mà Trung Quốc đã phục vụ tốt lợi ích của mình. Năm 2002, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Chu Dung Cơ đã kêu gọi Trung Quốc trở thành quốc gia đóng tàu lớn nhất thế giới và Bắc Kinh đặt mục tiêu này là năm 2015.

Vào thời điểm đó, Trung Quốc chỉ chiếm 5% sản lượng đóng tàu toàn cầu. Năm 2003, Trung Quốc giới thiệu chương trình đóng tàu trên toàn quốc, sau đó là chương trình trợ cấp hào phóng và các chính sách công nghiệp hỗ trợ khác.

Từ năm 2005 đến năm 2009, số lượng nhà máy đóng tàu mới ở Trung Quốc đã gấp 30 lần so với Nhật Bản và Hàn Quốc. Reuters đưa tin vào năm 2011 rằng, các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc đang "gặp khó khăn khi đơn đặt hàng cạn kiệt". Nhưng các nhà máy đóng tàu ở các quốc gia khác đang gặp nhiều rắc rối hơn.

Đến năm 2017, khi thị phần của Trung Quốc trong sản lượng đóng tàu toàn cầu tăng mạnh, một số công ty từng dẫn đầu thị trường như Công ty đóng tàu Daewoo của Hàn Quốc và Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi của Nhật Bản đã phải giảm mạnh hoặc nhờ chính phủ kêu gọi giúp đỡ để duy trì hoạt động. Nhiều công ty khác đã rời khỏi ngành sản xuất này.

Dù mất hàng chục tỷ USD do đầu tư quá mức lãng phí, chính phủ Trung Quốc đã đạt được mục tiêu. Bằng cách cố tình tạo ra năng lực dư thừa trên khắp thế giới, siết chặt lợi nhuận của ngành và đẩy các đối thủ cạnh tranh nước ngoài vào bờ vực phá sản, Trung Quốc đã trở thành nhà đóng tàu lớn nhất thế giới.

Ngày nay, Trung Quốc kiểm soát khoảng 50% doanh số đóng tàu toàn cầu, trong khi ngành công nghiệp đóng tàu của Mỹ đã trải qua tình trạng thiếu nguồn cung, đến mức trong năm 2016, các nhà thầu quốc phòng của Mỹ đã cân nhắc việc hợp tác với các công ty Trung Quốc để tăng sản lượng ụ tàu.

Một nghiên cứu gần đây của Đại học Stanford cho thấy, trong các ngành mà "Kế hoạch 5 năm" của Trung Quốc nhắm đến, số lượng công ty Trung Quốc mới thành lập đã tăng lên đáng kể, trong khi các công ty Mỹ trong các ngành tương ứng đã giảm mạnh cả về số lượng cơ sở, sản lượng, số việc làm và thu nhập.

Những bài học lịch sử này cũng áp dụng cho ngành công nghiệp bán dẫn. Bằng một số biện pháp, các chính sách của chính phủ Trung Quốc đã cho thấy hiệu quả. Trung Quốc hiện sản xuất nhiều chip hơn Mỹ, chiếm khoảng 15% sản lượng toàn cầu. Công ty sản xuất chip khổng lồ SMIC gần đây đã sản xuất chip 7 nanomet. Dù chưa đạt đến trình độ công nghệ đỉnh cao toàn cầu (3 nanomet hoặc thậm chí nhỏ hơn) nhưng có thể đủ sức cạnh tranh với các công ty hạng nhất của Mỹ như Intel.

Chính sách công nghiệp của chính phủ Trung Quốc cũng phản ánh một thực tế khó chịu. Các xưởng đúc chất bán dẫn, còn được gọi là nhà máy chế tạo, đã trở nên quá đắt đỏ để xây dựng - gần 20 tỷ USD cho một nhà chế tạo tiên tiến nhất - đến nỗi các công ty hầu như luôn cần sự hỗ trợ của chính phủ.

Từ năm 2012 đến năm 2020, hầu hết các nhà máy sản xuất số lượng lớn trên thế giới đều được xây dựng mới ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), nơi các công ty không chỉ được hưởng trợ cấp của chính phủ mà còn có thể nhận được những đảm bảo ngầm.

Trong bối cảnh trên, Mỹ chỉ mới thông qua Đạo luật CHIPS và khoa học, theo đó chính phủ liên bang Mỹ sẽ trợ cấp cho ngành sản xuất chất bán dẫn của nước này. Tỷ trọng sản xuất toàn cầu của Mỹ đã giảm từ 37% năm 1990 xuống còn 12%. Trợ cấp chính phủ sẽ bóp méo thị trường và nuôi dưỡng tham nhũng, vì vậy cần có sự quản lý thông minh và minh bạch, được hỗ trợ bởi các hạn chế.

Tuy nhiên, bằng cách nhượng lại việc sản xuất chất bán dẫn cho các quốc gia dựa vào trợ cấp để có lợi thế chiến lược, Mỹ đã trở nên phụ thuộc một cách nguy hiểm vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Các nhà hoạch định chính sách có thể nhận ra những thách thức do việc thực hiện chính sách công nghiệp của Mỹ gây ra mà không vội kết luận rằng các mục tiêu của Trung Quốc đã thất bại hoặc chắc chắn sẽ thất bại. Cho dù ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đã phải gánh chịu những thất bại như thế nào ngày nay, những bài học về lịch sử và sự thận trọng chiến lược đòi hỏi Mỹ phải nghiêm túc xem xét tham vọng của Bắc Kinh và đầu tư vào lĩnh vực này trước khi quá muộn.

(theo Wall Street Journal)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-chien-chat-ban-dan-trung-quoc-dang-buoc-lui-my-co-the-tu-man-220559.html