Cuộc chiến chống hàng giả: Không thể thắng nếu thực thi vẫn lỏng lẻo
Dù hành lang pháp lý chống hàng giả, hàng nhái đã được xây dựng tương đối đầy đủ, tuy nhiên theo các chuyên gia, điểm yếu nằm ở khâu thực thi, chế tài chưa đủ sức răn đe và sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn rời rạc. Cuộc chiến chống hàng giả vì thế không thể chỉ trông cậy vào pháp luật, mà cần đến sự vào cuộc đồng bộ của doanh nghiệp, người tiêu dùng và một bộ máy thực thi quyết liệt, minh bạch.
Trong những năm gần đây, người tiêu dùng Việt Nam đã quá quen với những cảnh báo về hàng giả, hàng nhái từ mỹ phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng, cho đến thiết bị điện tử, linh kiện xe máy… Hàng giả len lỏi vào mọi ngóc ngách của thị trường, không chừa bất kỳ ngành hàng nào. Nó không chỉ gây tổn thất kinh tế cho các doanh nghiệp chân chính, mà còn là hiểm họa trực tiếp với sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Trước thực trạng đó, câu hỏi đặt ra là liệu hệ thống pháp luật hiện hành đã đủ sức đối phó với vấn nạn này? Và đâu là giải pháp thực sự để cuộc chiến chống hàng giả đi đến hồi kết?

Chống hàng giả, hàng nhái vì vậy không thể chỉ là trách nhiệm của lực lượng chức năng, càng không thể là câu chuyện mang tính hình thức. Đây phải là cuộc chiến của toàn xã hội, nơi mỗi người tiêu dùng, mỗi doanh nghiệp, mỗi cán bộ thực thi đều hiểu rõ vai trò của mình.
Trao đổi với PetroTimes, ThS. Luật sư Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng Văn phòng luật sư Minh Bạch Quốc Tế, thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng hệ thống pháp luật hiện nay về cơ bản đã tương đối hoàn thiện. Ông dẫn chứng cụ thể: “Hiện chúng ta đã có Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cùng với Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm… Các quy định này đã tạo được hành lang pháp lý khá rõ ràng để xử lý hành vi vi phạm”.
Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất theo Luật sư Hoàng lại nằm ở khâu thực thi. Pháp luật có nhưng việc triển khai, xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết, hình phạt còn quá nhẹ so với lợi ích mà kẻ gian thu về. Trong khi đó, lực lượng chức năng như Quản lý thị trường, Hải quan, Công an Kinh tế… dù có nỗ lực, song vẫn chưa phát huy hết vai trò do thiếu nguồn lực, địa bàn quản lý rộng, bộ máy chưa tinh gọn và thiếu sự phối hợp nhịp nhàng. “Chúng ta đang cải cách hành chính, nhưng nếu không tăng cường năng lực cho đội ngũ thực thi, thì không thể chặn được các thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm hàng giả”, ông nói.

ThS. Luật sư Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng Văn phòng luật sư Minh Bạch Quốc Tế, thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lại đưa ra một góc nhìn khác, thẳng thắn và đầy trăn trở. Theo ông, hệ thống pháp luật hiện tại vẫn còn rất nhiều kẽ hở. “Ngay cả định nghĩa về ‘hàng giả’, ‘hàng nhái’ trong các văn bản hiện hành vẫn chưa thực sự thống nhất và sát với thực tiễn. Điều đó khiến công tác xử lý vi phạm trở nên lúng túng”, ông Lạng phân tích. Không chỉ vậy, ông cho rằng sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm và đồng bộ. Hậu quả là nhiều vụ việc lớn được phát hiện, nhưng xử lý lại dừng ở mức độ hành chính, hoặc rơi vào im lặng sau một vài cuộc họp.
Nhìn từ thực tiễn, cả hai chuyên gia đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc nâng cao chế tài xử phạt. Luật sư Nguyễn Văn Hoàng cho rằng cần xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả gây nguy hiểm cho cộng đồng, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe con người. PGS.TS Nguyễn Thường Lạng thì nhấn mạnh vai trò của việc công khai, minh bạch các vụ xử lý vi phạm, thậm chí đề xuất xây dựng các nền tảng thông tin chuyên biệt để người tiêu dùng có thể tra cứu, cảnh báo và tham gia giám sát xã hội.
Nhưng pháp luật, dù mạnh đến đâu, cũng không thể thành công nếu thiếu sự đồng hành của xã hội. Cả hai chuyên gia đều đồng thuận rằng cuộc chiến chống hàng giả cần có sự tham gia chủ động của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đối với doanh nghiệp, điều đầu tiên là phải chủ động bảo vệ mình. Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, thiết lập hệ thống giám sát thị trường, xây dựng kênh phân phối chính thức, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng khi phát hiện vi phạm. “Không thể trông chờ hoàn toàn vào nhà nước. Doanh nghiệp phải tự đứng lên bảo vệ giá trị thương hiệu của mình trước khi bị thị trường đào thải,” luật sư Hoàng nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Còn với người tiêu dùng những người ở tuyến đầu của thị trường sự cảnh giác và ý thức là vô cùng quan trọng. Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, người dân cần từ chối những sản phẩm rẻ bất thường, không rõ nguồn gốc, không tem nhãn. “Cái giá của hàng giả không chỉ là vài nghìn đồng chênh lệch, mà có thể là sức khỏe, là sinh mạng, hoặc tài sản bị đánh đổi”, ông nói. Người tiêu dùng cần phản ánh kịp thời các hành vi gian lận, và chỉ nên mua hàng tại các điểm bán có uy tín.
Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ cũng có thể trở thành một “trợ thủ đắc lực” trong cuộc chiến này. Theo luật sư Hoàng, các nền tảng thương mại điện tử cần có trách nhiệm trong việc ngăn chặn hàng giả len lỏi vào hệ thống. Công nghệ truy xuất nguồn gốc, mã QR, blockchain... có thể được ứng dụng rộng rãi để tăng tính minh bạch và giúp người tiêu dùng dễ dàng xác minh thông tin sản phẩm.
Tuy nhiên, để tất cả các giải pháp trên có thể triển khai đồng bộ, đòi hỏi phải có một “nhạc trưởng” đủ mạnh, đủ quyết liệt đó chính là vai trò điều hành của nhà nước. Cần có một chiến lược quốc gia thực sự về chống hàng giả, chứ không chỉ là các chiến dịch mang tính phong trào. Phải đầu tư cho lực lượng thực thi, nâng cấp hạ tầng kiểm định, kiểm tra chất lượng; đồng thời tạo ra cơ chế chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành và địa phương.
Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái là một hành trình dài và không dễ có kết quả trong ngày một ngày hai. Nhưng nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn mà không có sự thay đổi mạnh mẽ, hậu quả sẽ ngày càng nghiêm trọng không chỉ về kinh tế, mà cả về niềm tin xã hội. Khi người tiêu dùng không còn tin vào sản phẩm trong nước, doanh nghiệp mất động lực đầu tư sáng tạo, còn pháp luật thì bị xem là yếu ớt, thì nền kinh tế sẽ đánh mất chính nền tảng phát triển bền vững của mình.
Chống hàng giả, hàng nhái vì vậy không thể chỉ là trách nhiệm của lực lượng chức năng, càng không thể là câu chuyện mang tính hình thức. Đây phải là cuộc chiến của toàn xã hội, nơi mỗi người tiêu dùng, mỗi doanh nghiệp, mỗi cán bộ thực thi đều hiểu rõ vai trò của mình. Và quan trọng hơn hết, phải tạo ra một hệ sinh thái mà ở đó, kẻ làm giả không có cơ hội tồn tại không ai muốn làm giả, không ai dám làm giả và không ai dung túng cho hàng giả. Khi đó, mới có thể nói đến một thị trường lành mạnh, văn minh và bền vững.