Cuộc chiến chống tội phạm công nghệ cao: EU siết chặt quản lý nền tảng tin nhắn mã hóa
Ngày 23/4, theo tờ Politico, Liên minh châu Âu (EU) gia tăng sức ép lên các nền tảng tin nhắn mã hóa đầu-cuối nhằm đối phó với tội phạm công nghệ cao, trong bối cảnh lực lượng hành pháp cảnh báo họ đang phải truy quét tội phạm trước sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ bảo mật.

Bức tường kính với biểu tượng mã máy tính tại trụ sở công ty an ninh mạng Kaspersky tại thủ đô Moskva, Nga. AFP/TTXVN
Trong những tháng gần đây, các băng nhóm tội phạm có tổ chức đã gây chấn động tại Thụy Điển và Đan Mạch, sử dụng nền tảng số để tuyển dụng thanh thiếu niên tham gia vào các vụ giết người, đánh bom và buôn lậu xuyên biên giới. Bộ trưởng Tư pháp Đan Mạch Peter Hummelgaard cho rằng sự tiện lợi của công nghệ đã khiến tội phạm dễ dàng tiếp cận, tuyển mộ và điều hành mạng lưới tội phạm từ xa, trong đó có việc phát tán thông tin ấu dâm, rửa tiền và buôn bán ma túy.
Các cơ quan thực thi pháp luật và chính trị gia châu Âu đang ngày càng coi công nghệ mã hóa đầu-cuối - vốn là nền tảng bảo mật được nhiều nền tảng như WhatsApp hay Signal sử dụng - là rào cản lớn trong điều tra tội phạm. Người phát ngôn Europol Jan Op Gen Oorth cảnh báo rằng nếu không có quyền truy cập hợp pháp vào các tin nhắn mã hóa, lực lượng cảnh sát sẽ phải đối mặt với tình trạng hạn chế thông tin và khả năng thu thập dữ liệu.
Pháp đã đề xuất một dự luật chống buôn ma túy có thể dẫn tới việc cấm mã hóa, trong khi Tây Ban Nha cũng thể hiện quan điểm tương tự. Chính phủ Anh hiện đang đối đầu pháp lý với Apple về khả năng truy cập dữ liệu mã hóa, còn các nước Bắc Âu thì gây sức ép với các tập đoàn công nghệ.
Một trong những trọng tâm hiện tại là dự thảo luật chống lạm dụng tình dục trẻ em của EU (CSAM), có thể buộc các nền tảng nhắn tin phải quét toàn bộ nội dung để phát hiện và gỡ bỏ hình ảnh vi phạm, kể cả trong trường hợp các nội dung đó đã được mã hóa đầu-cuối.
Ủy ban châu Âu mới đây công bố chiến lược an ninh nội khối, với mục tiêu xây dựng cơ chế pháp lý cho phép tiếp cận dữ liệu mã hóa một cách hợp pháp và hiệu quả, đồng thời xem xét khả năng khôi phục quy định lưu trữ dữ liệu từng bị Tòa án Công lý EU bãi bỏ năm 2014 do lo ngại ảnh hưởng đến quyền riêng tư.
Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng và tổ chức bảo vệ quyền kỹ thuật số cảnh báo việc mở "cửa hậu" trong mã hóa có thể khiến toàn bộ hệ thống an ninh bị tổn hại. Ông Matthew Hodgson, nhà sáng lập giao thức bảo mật Matrix, cho rằng "không thể can thiệp vào hệ thống mã hóa chỉ để truy cập dữ liệu của tội phạm mà không làm tổn hại đến an toàn thông tin của tất cả người dùng".
Ứng dụng Signal - một trong những nền tảng nhắn tin mã hóa mạnh nhất hiện nay - tuyên bố sẽ rút khỏi bất kỳ quốc gia nào yêu cầu phá vỡ hệ thống bảo mật của họ. Chủ tịch Signal Meredith Whittaker nhấn mạnh rằng mã hóa “hoặc bảo vệ tất cả mọi người, hoặc không bảo vệ ai cả”.
Bộ trưởng Hummelgaard cho biết ông sẵn sàng chấp nhận việc Signal rút khỏi Đan Mạch nếu họ từ chối hợp tác với cơ quan chức năng. “Tôi bắt đầu đặt câu hỏi liệu đây có phải là những công nghệ mà chúng ta không thể sống thiếu hay không”, ông nói.
Trước áp lực lập pháp ngày càng gia tăng, lực lượng hành pháp đang tận dụng các giải pháp hiện có, như xâm nhập các nền tảng mã hóa dành riêng cho tội phạm (Encrochat), thu thập siêu dữ liệu như thông tin vị trí để hỗ trợ điều tra. Tuy nhiên, giới chức trách vẫn yêu cầu được tiếp cận trực tiếp nội dung liên lạc mã hóa. Phó giám đốc Europol Jean-Philippe Lecouffe tuyên bố rõ ràng: “Chúng tôi muốn quyền truy cập hợp pháp”.
Vấn đề hiện đang ở vào thế đối đầu giữa hai lập trường, khi lực lượng hành pháp yêu cầu quyền tiếp cận dữ liệu để ngăn chặn tội phạm còn các chuyên gia công nghệ và nhà hoạt động quyền riêng tư cảnh báo rằng điều này có thể phá vỡ nền tảng an toàn kỹ thuật số đang bảo vệ hàng tỷ người dùng hợp pháp.
Bà Ella Jakubowska, trưởng nhóm chính sách của Tổ chức Quyền kỹ thuật số châu Âu (EDRi), nhận định cuộc tranh luận hiện đang rơi vào thế bế tắc. Trong bối cảnh những mâu thuẫn chưa thể dung hòa, châu Âu đang đối mặt với bước ngoặt quan trọng trong cuộc giằng co giữa mục tiêu an ninh và bảo vệ quyền riêng tư trên không gian mạng.