Cuộc chiến dai dẳng của báo chí để 'vén màn bí mật' về loại thuốc mới

Vào những năm 1960, các tác dụng phụ của thuốc tránh thai đã được nhiều phóng viên đưa lên mặt báo. Họ đã rất kiên trì để lôi kéo sự chú ý từ các cơ quan chức năng.

 Khi mới sử dụng thuốc tránh thai, cần lưu tâm tới các tác dụng phụ của loại thuốc này tới sức khỏe. Ảnh: L.C.

Khi mới sử dụng thuốc tránh thai, cần lưu tâm tới các tác dụng phụ của loại thuốc này tới sức khỏe. Ảnh: L.C.

Với tư cách là phóng viên phụ trách y tế của nhật báo Washington Post, Morton Mind đã giành được nhiều giải thưởng danh giá cho các bản báo cáo từng được đề cập về dị tật bẩm sinh do thuốc thalidomide gây ra. Năm 1965, ông chuyển sự chú ý của mình sang viên thuốc tránh thai.

Cách tiếp cận không chút thiên kiến “Chỉ sự thật thôi, thưa bà" [1] của ông phản ánh tính chính trực của báo chí, không được thúc đẩy bởi bất kỳ nghị trình chính trị nào.Tính xác thực trong các tác phẩm của ông Mind xuất phát từ một mong muốn chân thật: mong muốn có thể cất tiếng nói rằng viên thuốc tránh thai đã được chứng minh là an toàn.

Trong phần giới thiệu cuốn sách của mình, Viên thuốc tránh thai: Một bản tường thuật đáng báo động (The pill: An alarming report), ông Mind giải thích rằng ông và vợ là thành viên của Tổ chức Kế hoạch hóa Gia đình Mỹ (Planned Parenthood) [2] và “Không gì có thể làm tôi hài lòng hơn việc biết rằng viên thuốc tránh thai không hề ẩn chứa các mối nguy hiểm. Tuy nhiên, các câu trả lời rõ ràng cho thấy chưa thể chứng minh sự an toàn.”

Khi tôi liên hệ với ông Mind để nghiên cứu viết cuốn sách này, ông ấy đã bắt đầu cuộc trò chuyện với một lời cảnh báo: “Tôi 93 tuổi và đã quên mất hàng tỷ thứ rồi.” Tuy nhiên, hàng tỷ thứ khác mà ông còn nhớ lại thật lôi cuốn.

Ông ấy nói rằng với tư cách phóng viên, ông không có ý kiến về việc liệu viên thuốc tránh thai có an toàn hay không. “Điều khiến tôi lo ngại là sự thiếu sót đáng kinh ngạc của bằng chứng về mức độ an toàn mà FDA có trong tay khi phê chuẩn viên thuốc tránh thai.”

Tôi hỏi về cuộc trao đổi của ông với Ủy viên FDA Robert Goddard trên chương trình truyền hình Face the Nationkhi vị ủy viên thừa nhận bằng chứng chưa đủ. Đây là một sự thừa nhận đáng kinh ngạc mà ông Mind vẫn còn nhớ tới một cách trìu mến: “Tôi được mời tham gia các chương trình như vậy để thách thức những người như vị Ủy viên FDA đó cùng vị chủ tịch của Công ty Thuốc lá Philip Morris, tôi từng nghĩ một cách tự cao tự đại rằng mình đã có những kết quả tuyệt vời.”

Ông Mind là thành viên chủ chốt thuộc báo giới duy nhất ở lại với câu chuyện khi các tiêu đề bắt đầu phai nhạt. Ông tiếp tục báo cáo về viên thuốc tránh thai cho tới năm 1977 khi các ông chủ của ông đột ngột chuyển ông trở lại mảng thu thập tin tức tại tòa án tối cao.

Sau đó, ông biết được từ một người bạn ở tòa báo New York Times rằng mình được tái bổ nhiệm vì một phụ nữ có mối quan hệ tốt ở tòa báo Washington Post đã đến gặp vị chủ bút, Ben Bradlee, nói rằng cô ấy “phát ốm và mệt mỏi” với những câu chuyện của Mind về viên thuốc tránh thai, bởi vì “... cô ấy và bạn bè của cô đều sử dụng nó và biết rằng nó an toàn”. “Bằng chứng” cá nhân của cô ấy rõ ràng đã đủ để khiến nhà báo tận tâm cuối cùng bị gạt bỏ khỏi vị trí.

[1] “Chỉ sự thật thôi, thưa bà”: câu trích dẫn nổi tiếng “Just the facts ma’am”, nghĩa là chỉ phát biểu chính xác về những điều xảy ra, không tô vẽ hay phóng đại. Cụm từ này thường được gán cho nhân vật Hạ sĩ Cảnh sát Joe Friday trong bộ phim truyền hình nổi tiếng của những năm 1950 - Dragnet.

[2] Planned Parenthood Federation of America: một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục ở Hoa Kỳ và trên toàn cầu.

Mike Gaskins/ Skybook & NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuoc-chien-dai-dang-cua-bao-chi-de-ven-man-bi-mat-ve-loai-thuoc-moi-post1527679.html