Cuộc chiến đất hiếm dysprosi: Quốc gia nào đang thống trị thị trường toàn cầu?

Trung Quốc đã quyết định áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu bảy loại khoáng chất đất hiếm, chủ yếu là các loại đất hiếm nặng, trong bối cảnh phản ứng với các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đất hiếm chuẩn bị được bốc xếp tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Đất hiếm chuẩn bị được bốc xếp tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đài Sputnik (Nga), các loại khoáng sản này, đặc biệt là dysprosi, đã khiến ngành công nghiệp ô tô Mỹ phải lo ngại, vì chúng có vai trò quan trọng trong việc sản xuất động cơ xe điện.

Một giám đốc cấp cao của ngành ô tô Mỹ đã chia sẻ với tờ World Street Journal: “Không thể chế tạo động cơ nếu thiếu loại nam châm này”. Ông đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp dysprosi đối với ngành xe điện.

Dysprosi là một loại khoáng chất đất hiếm nặng có tính từ đặc biệt và điểm nóng chảy cao, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghệ quan trọng. Loại đất hiếm này được sử dụng để sản xuất nam châm vĩnh cửu - thành phần chủ yếu trong pin xe điện, ổ cứng máy tính và tua bin gió. Dysprosi cũng được ứng dụng trong lò phản ứng hạt nhân, sử dụng trong thanh điều khiển nhờ khả năng hấp thụ neutron. Loại vật liệu này cũng dùng để sản xuất vật liệu laser và hồng ngoại, hợp kim đặc biệt với thép không gỉ.

Ông Dimukhamedov, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Tiêu thụ Kim loại hiếm và Đất hiếm của Nga, đã giải thích rằng dysprosi được sử dụng trong nam châm neodymium để cải thiện khả năng chịu nhiệt. Cụ thể, dysprosi giúp nam châm neodymium “chịu được nhiệt độ cao hơn nhiều”, từ đó ngăn ngừa hiện tượng mất từ tính khi nam châm hoạt động ở nhiệt độ cao. Điều này làm tăng hiệu suất và độ bền của nam châm trong các ứng dụng công nghệ yêu cầu sự ổn định ở môi trường nhiệt độ khắc nghiệt.

Trung Quốc hiện chiếm khoảng 98% sản lượng dysprosi toàn cầu, với khoảng 1.000 đến 1.200 tấn oxit dysprosi được sản xuất vào năm 2022.

Trong khi đó, Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc để cung cấp gần 80% các khoáng sản đất hiếm, bao gồm dysprosi, và chỉ có 0,1% sản lượng dysprosi từ Trung Quốc được xuất khẩu sang Mỹ. Vì vậy, Trung Quốc không chịu ảnh hưởng quá lớn từ việc áp dụng các hạn chế này.

Ngoài dysprosi, Trung Quốc cũng đã áp dụng các hạn chế xuất khẩu đối với bảy nguyên tố đất hiếm quan trọng khác - bao gồm terbi, samari, gadolinium, luteti, ytri và scandi. Những nguyên tố này đóng vai trò quan trọng cho các công nghệ từ xe điện đến quốc phòng.

Ông Rafael Moreno, Tổng Giám đốc điều hành của Viridis Mining and Minerals, nhấn mạnh rằng các hạn chế gần đây của Trung Quốc đã làm nổi bật sự cần thiết phải đa dạng hóa nguồn cung cấp các nguyên tố đất hiếm quan trọng. Điều này là rất quan trọng cho sự phát triển công nghệ, quốc phòng và quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu.

Nhà phân tích tài chính Angelo Giuliano, có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), cho rằng các hạn chế đối với đất hiếm và công nghệ sử dụng kép đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Mỹ, vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài nguyên từ Trung Quốc. Ông Giuliano dự đoán rằng các hạn chế này sẽ dẫn đến việc tăng chi phí sản xuất trong ngành quốc phòng và gây ra sự chậm trễ trong việc sản xuất các thiết bị tiên tiến, như máy bay và tên lửa, vốn phụ thuộc vào đất hiếm.

“Mỹ đơn giản là chưa sẵn sàng từ bỏ Trung Quốc như một đối tác thương mại trong lĩnh vực này”, ông nhận định.

Trong khi đó, ông Michael Maloof, cựu chuyên gia phân tích chính sách an ninh cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ, tin rằng mặc dù động thái này chắc chắn sẽ tạo ra sự gián đoạn tạm thời, nhưng Mỹ sẽ tìm cách khai thác tiềm năng đất hiếm từ các khu vực khác, như Mỹ Latinh, Ukraine, và thậm chí có thể là Nga, đồng thời phát triển khả năng khai thác trong nước. Tại Nga, quặng dysprosi được khai thác tại khu định cư Revda, thuộc vùng Murmansk ở phía Tây Bắc đất nước.

“Nhưng sẽ mất thời gian. Đây không phải là việc có thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều”, ông Maloof nhấn mạnh.

Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cuoc-chien-dat-hiem-dysprosi-quoc-gia-nao-dang-thong-tri-thi-truong-toan-cau-20250428111601444.htm